CHÚC LÀNH TRONG ĐẠO CÔNG GIÁO

SỰ CHÚC LÀNH TRONG ĐẠO CÔNG GIÁO


Sự Chúc Lành trong Đạo Công Giáo

“Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội” – đây là chủ đề năm mục vụ 2024. Tôi muốn bắt đầu loạt bài cho năm nay bằng một bước khởi đầu từ các em nhỏ. Số là một trong những hình ảnh rất đẹp nơi các Giáo xứ, đó là các em nhỏ lên nhận sự chúc lành của cha xứ, hoặc của thừa tác viên cho rước lễ. Sự chúc lành này là sức năng động để mỗi người chúng ta có nhiều cơ hội tham gia vào đời sống của Giáo xứ mình. Tôi thường nói vui rằng: “Để làm mục vụ tốt, cha xứ chỉ cần nhắm vào một đối tượng chính.” Chẳng hạn, một cha xứ thành công mục vụ với các thiếu nhi, hẳn nhiên cha mẹ ông bà của các em cũng được mời gọi tham gia trong giáo xứ. Đó là bước khởi đầu vô cùng quan trọng. Vì điều này, chúng ta thử phân tích sự chúc lành (dành cho các em nhỏ) có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của Giáo hội?
 

  1. Thiên Chúa muốn chúc lành

Trải dài cuốn Kinh Thánh luôn có sự chúc lành của Thiên Chúa. Sự chúc lành này có thể mang nhiều hình thái khác nhau: tình yêu, chữa lành, tha thứ, thương xót, v.v. Về mặt lịch sử, sự chúc phúc này có từ khởi đầu trong sách Sáng Thế. Thú vị là sau khi sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa không nói đến sự chúc phúc. Thay vào đó, Ngài chỉ thấy đó là: “tốt đẹp- טוֹב” (St 1, câu 4, 9, 12, 18, 21). “טוֹב” Tiếng Việt dịch là tốt đẹp, tuy nhiên, hạn từ này mang rất nhiều ý nghĩa: “trở nên tốt, được vui lòng, vui vẻ, có ích, dễ chịu, thuận lợi, hạnh phúc, đúng đắn”. Nếu từ này đóng vai trò là danh từ, chúng ta có thể dịch là: “điều tốt, ích lợi, phúc lợi, thịnh vượng, hạnh phúc, những điều tốt đẹp (tập thể), có lợi, đạo đức tốt.” Như vậy Thiên Chúa mong muốn những tạo vật này luôn trong trạng thái tốt nhất để chúc tụng Thiên Chúa, để phù hợp với Ý Chúa và thích hợp với mục tiêu Ngài đề ra. Vì Thiên Chúa đã phán một lời để sáng tạo nên chúng, nên thụ tạo này được chúc lành và được thừa hưởng sự tốt lành của Thiên Chúa.  
 

Sự thừa hưởng này rất đặc biệt trong khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Ngài thổi hơi sự sống vào con người. Thiên Chúa ưu tư suy nghĩ và cuối cùng sáng tạo chúng ta “giống hình ảnh Ngài.” Điều thú vị hơn là sau khi tạo dựng, thay vì thấy con người là tốt đẹp, Kinh Thánh viết: “Thiên Chúa ban phúc lành cho con người.” Nếu có mặt ngày hôm đó, chúng ta hẳn cũng thấy đôi tay Thiên Chúa đặt trên con người với lời chúc phúc này: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1,26). Thiên Chúa dùng động từ: “blessed– וַיְבָ֣רֶךְ”. Động từ này có hai nghĩa: chúc phúc và quỳ xuống. Trong ý nghĩa thánh Kinh, đây là bối cảnh của nguyện cầu của một thụ tạo với Đấng Tạo Thành. Con người khiêm tốn nhận sự chúc lành của Thiên Chúa.   
 

Từ nền tảng thần học Thánh Kinh quan trọng này, chúng ta thấy lịch sử Dân Do Thái luôn xem trọng việc chúc lành. Lúc này không chỉ Thiên Chúa chúc phúc, nhưng việc chúc lành này thể hiện rằng: người trên cầu xin Thiên Chúa ban ân phúc cho người dưới. Chẳng hạn trong Cựu ước, các tổ phụ chúc lành cho các người con và các lời chúc đó có hiệu lực thực sự trong đời sống của họ (St 27,49). Trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy chuyện nội bộ trong gia đình Isaac- Rebekah. Chuyện chủ yếu xoay quanh vấn đề chúc phúc. Hai anh em Esau và Jacob lại xuất hiện với cha mẹ của mình. Jacob cuối cùng là người nhận được lời chúc phúc từ cha mình là Isaac.
 

Theo tiến sĩ Kinh Thánh Lm. Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ[1] :  “Lời chúc phúc này gồm ba yếu tố chính: 1. Jacob có được mưa thuận gió hoà, hoa màu thặng dư; 2. Jacob có được địa vị tôn quý giữa anh em mình và nơi các lân bang; 3. Jacob trở thành mối phúc hay mối hoạ cho kẻ yêu mến hay ghét bỏ mình. Lời chúc phúc này gợi nhớ đến những gì ông Noah trước đó đã chúc phúc cho hai người con Shem và Japheth sau khi họ đã tỏ ra hiếu kính với cha mình: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của Shem; Canaan phải là đầy tớ nó! Xin Thiên Chúa mở rộng Japheth, nó hãy ở trong lều của Shem, và Canaan phải là đầy tớ nó!” (St 9,26-27).
 

  1. Chúa Giêsu thích chúc lành

Sang thời Tân Ước, sự chúc lành này hiện diện nơi chính Đức Giêsu. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,34-43). Giáng phúc mà Kinh Thánh dùng có tiếng Hy Lạp “εὐεργετῶν – làm điều tốt”. Tiếng Latinh chúng ta đã biết là: benedictio nghĩa là nói điều tốt cho người khác. Sự giáng phúc này Giáo hội hiểu là: “Thiên Chúa ban ơn phúc cho các thụ tạo, qua trung gian là Chúa Kitô (Ep 1,3-6; GLHTCG 1077-78). Hoặc nói như Đức Hồng y Joseph Ratzinger: “Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình và vì thế chúng ta đi vào trong quyền năng chúc lành của Đức Giêsu Kitô.”[2]

Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi trước khi lên trời, Đức Giêsu không quên đặt tay (ἐπιτίθημι)) chúc lành (εὐλόγησεν) cho các môn đệ. “Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” Đức Giêsu hiểu việc chúc lành này sẽ giúp các ông có sức mạnh để tiếp tục sứ mạng. Hoặc nói đúng hơn, trước đó, Đức Giêsu trong ngày lễ Ngũ Tuần đã thổi hơi (chắc là cũng đặt tay) để ban Chúa Thánh Thần cho các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 19-23). Với hai mệnh lệnh này, việc đặt tay và chúc lành là sứ vụ quan trọng trong đời sống của Giáo hội sơ khai.
 

Thực vậy, hai cử chỉ này đã giúp cho dân chúng nhận được rất nhiều ân sủng. Hơn nữa, khi thấy các môn đệ tái hiện lại hai cử chỉ này, họ nhớ đến đời sống sứ vụ của Chúa Giêsu. Các ông đã làm sống lại hình ảnh của Thầy mình với việc đặt tay và ban phúc. Hoặc nói đúng hơn, vì Thiên Chúa ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế, nên việc làm này của họ cũng là của Chúa Giêsu. Đến nỗi sách Công vụ Tông đồ ghi lại rằng: “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay (τῶνχειρῶν) các Tông Đồ” (Cv 5,12). Tất nhiên là nhờ quyền năng của Thiên Chúa nên các Tông Đồ có thể tiếp tục thi ân giáng phúc cho dân.
 

Một lần khác: “Thiên Chúa dùng tay (τῶνχειρῶν) ông Phaolô mà làm những phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.” (Cv 19,11-12). Hoặc: “Thiên Chúa chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay (τῶνχειρῶν) các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng.” (Cv 14,3).
 

  1. Ngày nay Giáo hội tiếp tục sứ mạng chúc lành

Khi viết về cử chỉ đặt tay, Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội, CSsR không ngần ngại gọi hành vi này là một trong sáu giáo huấn sơ đẳng về Đức Giêsu[3] . Thật đẹp khi cha mẹ cho em nhỏ lên xin linh mục đặt tay chúc lành. Thật tốt khi các em thiếu nhi (chưa rước lễ), lên xin sự chúc lành của Chúa nơi các thừa. Đây là điều quan trọng vì Giáo hội khuyến khích: “Mọi Kitô hữu phải xin chúc lành của Thiên Chúa, cho mình và cho người khác. Cha mẹ có thể ghi dấu thánh giá lên trán của các con. Những người yêu nhau có thể chúc lành cho nhau. Nhất là linh mục, căn cứ vào sứ vụ của mình phải chúc lành rõ ràng nhân danh Chúa Giêsu, và theo Hội thánh truyền. Lời cầu nguyện chúc lành của ngài có một hiệu quả đặc biệt căn cứ vào chức linh mục của ngài, và vì được Hội thánh chuyển đến.” (Youcat 484).
 

Tôi ước mong điều này nơi các cha mẹ hoặc nơi các em thiếu nhi: “Tôi sẽ không buông Người ra trừ phi là Người chúc lành cho tôi.” (St 32,27). Đây là lời van nài dễ thương của ông Gia-cóp ngày xưa. Ngày nay cũng thế. Một mặt nơi các giáo xứ, các linh mục cố gắng tạo điều kiện để các thiếu nhi được chúc lành. Mặt khác, Giáo hội cũng mong sự cộng tác của những cha mẹ cho em nhỏ. Hãy nhắc nhở các em về ý nghĩa phúc lành tuyệt vời này.
 

Tôi tin với cử chỉ nhỏ bé này, các thiếu nhi sẽ thích thú với các nghi thức phụng vụ, vì chúng là một phần trong đó. Rồi với thói quen này, các em cũng muốn chúc lành cho người khác. “Chúc lành nghĩa là nói ra điều tốt lành, điều tốt lành này xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một hành vi của Chúa ban sự sống và gìn giữ sự sống. Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng tạo mọi loài nói cho chúng ta rằng: bạn ở đây là tốt lành, bạn hiện hữu là tốt lành.” (Youcat 170).
 

Như vậy, những ai chịu phép Rửa tội đều được dự phần vào việc giáng phúc này của Chúa. Đồng thời họ trở nên một lời chúc lành cho người khác. (x. GLHTCG 1669). Đừng quên trong Tân ước, Đức Giêsu đã bao lần đặt tay để chữa lành bệnh nhân (x. Mc 6,5; 8,23) và chúc lành cho trẻ nhỏ (x. Mc 10,16). Nhân danh Người, các tông đồ cũng làm như vậy (x. Mc 16,18; Cv 5,12; 14,5). Ngày nay Giáo hội cũng tiếp tục công việc này.
 

Về mặt bí tích, dĩ nhiên đặt tay chúc lành trong trường hợp chúng ta đang bàn ở đây, không phải là bí tích. Có thể gọi sự chúc lành này là “á bí tích – sacramentalium”. Đây là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội Thánh lập ra, phỏng theo các bi tích (do Chúa Giêsu thiết lập), để biểu thị và thông ban hiệu quả thiêng liêng, nhờ lời bầu cử của Hội Thánh.” Trong số các á bí tích, đứng đầu là các sự chúc lành (cho con ngƣời, cho bàn ăn, cho các sự vật và các nơi chốn). Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen Thiên Chúa và là lời cầu xin các hồng ân của Ngài. Trong Chúa Kitô, các kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha “bằng tất cả mọi thứ chúc lành thiêng liêng” (Ep 1,3). Bởi vậy Giáo hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Chúa Kitô (GLHTCG 1671). Vì lý do này, chúng ta có thể thấy các ghi thức sau:
 

Với người lên xin sự chúc lành:
 

  • Lên gần với linh mục, một ngón tay trỏ đặt lên miệng để linh mục biết mình không rước lễ, nhưng xin được sự chúc lành.
  • Những người không muốn rước lễ cũng có thể lên nhận dự chúc lành.
  • Khi nhận chúc lành, có thể nhắm mắt hoặc nhìn vào linh mục để cùng hiệp thông cầu nguyện.
  • Sau khi linh mục kết thúc, người lãnh nhận cần thưa: “Amen”. Sau đó đi về chỗ.

Với linh mục:
 

  • Có thể đặt tay lên đầu hoặc trên đầu người xin phúc lành.
  • Linh mục thường nói câu này: “Xin Thiên Chúa toàn năng (tốt lành, hoặc giàu lòng thương xót) chúc lành cho con, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần!” Amen.
  • Sau đó linh mục có thể ghi dấu thánh giá lên trán người nhận[4].

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

……………………..

[1]  https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cau-chuyen-hoa-giai-giua-jacob-va-esau-46783#_Toc119180262

[2]Joseph Ratzinger, Tinh thần Phụng vụ, 198

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cai-nhin-thoang-qua-ve-viec-dat-tay-chua-lanh-trong-tan-uoc-40935

[4] Theo Romano Guardini: “Khi làm dấu thánh giá, chúng ta ghi một dấu thánh giá thực sự trên mình, cảm nhận một cách có ý thức việc làm dấu thánh giá bao gồm toàn thể con người chúng ta: tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn. Dấu thánh giá thánh hiến và thánh hóa chúng ta trong sức mạnh của Chúa Kitô và trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta làm như thế bởi vì đây là “dấu chỉ” của vũ trụ và là dấu chỉ sự cứu độ chúng ta. Trên thập giá, Chúa Kitô đã cứu chuộc nhân loại, Ngài thánh hóa con người nhờ thánh giá.” (Romano Guardini, “Sacred Signs” (Pio Decimo Press: 1956)