Đức Phanxicô và những người được Vatican hỗ trợ chích ngừa vắc-xin Covid-19
Trong một năm rưỡi qua, Đức Phanxicô tích cực ủng hộ việc chích vắc-xin Covid-19 và kêu gọi các nhà lãnh đạo “nhớ đến những người dễ bị tổn thương nhất”, những người đang chịu đựng nhiều nhất trong thời gian đại dịch. Ngài cũng kêu gọi “có một chủ trương quốc tế cho vắc xin”. Nhưng trên thực tế, Vatican đã làm gì để biến lời nói thành hành động?
1- Đức Phanxicô đã tặng máy thở và thiết bị vệ sinh
Tháng 2 năm 2020, trong những ngày đầu đại dịch, lần đầu tiên Đức Phanxicô đã gởi hàng ngàn khẩu trang đến Trung quốc để giúp ngăn chặn dịch Covid-19. Tháng sau, khi vi-rút lây lan sang Âu châu, Đức Phanxicô đã tặng 30 máy thở cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Ý và Tây Ban Nha. Kể từ đó, ngài liên tục gởi thiết bị vệ sinh và khẩu trang đến các quốc gia đang phải chiến đấu để kiềm chế đại dịch. Colombia, Brazil, Nam Phi, Syria và Ấn Độ là các quốc gia đã nhận các giúp đỡ này.
Ban Tuyên úy Từ thiện Giáo hoàng là cơ quan điều hành các hoạt động này và các nỗ lực khác của Vatican nhằm giúp người dân cần được hỗ trợ để chống đại dịch. Hồng y người Ba Lan Konrad Krajewski điều khiển công việc này, thay mặt giáo hoàng để giúp những người cần đến nhất.
2- Đức Phanxicô đã thành lập và đã tặng cho các quỹ từ thiện
Tháng 4 năm 2020, Đức Phanxicô thành lập quỹ khẩn cấp thông qua các Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng để giúp các nơi đang bị đại dịch trên thế giới. Các Hiệp hội này quy tụ tất cả các hiệp hội truyền giáo công giáo dưới quyền của giáo hoàng. Chủ yếu các hiệp hội này ở Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương và vùng Amazon. Đầu tiên Đức Phanxicô đã tặng 750.000 đô la cho quỹ và kể từ đó đã có 41 vụ can thiệp viện trợ đã được thực hiện trên khắp thế giới. Trang web của hiệp hội đăng tất cả giáo phận đã nhận hỗ trợ.
Tháng 6 năm 2020, Đức Phanxicô thành lập quỹ “Gesù Divino Lavoratore” để giúp đỡ người lao động Rôma đang gặp khó khăn kinh tế vì đại dịch. Quỹ này do giáo phận và Caritas Rôma phối hợp với chính quyền thành phố và vùng miền. Đức Phanxicô cũng đã tặng một triệu âu kim cho quỹ, sau đó thành phố và chính quyền khu vực tặng thêm 500.000 âu kim mỗi bên. Các cá nhân và công ty cũng quyên góp thêm 200.000 âu kim. Trong một năm, các quỹ này đã giúp đỡ khoảng 2.500 người, giúp họ trang trải chi phí hoặc giúp họ trong các khóa đào tạo.
3- Cùng các tổ chức quốc tế, Vatican ủng hộ việc chích vắc xin phổ biến
Tháng 2 năm 2021, quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác thời điểm đó, giám mục Ivan Jurkovi đã kêu gọi nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ của vắc-xin Covid-19 để mọi người được tiếp cận dễ dàng với vắc-xin.
Rồi tháng 7 năm 2021, Tòa thánh nhắc lại yêu cầu này trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tuyên bố ủng hộ “luật miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ” đối với vắc xin chống Covid để đảm bảo các nước thu nhập thấp cũng có thể sản xuất được các loại vắc xin này.
4- Vatican tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương và người vô gia cư
Ngoài việc tặng thiết bị vệ sinh, Văn phòng Từ thiện Giáo hoàng còn thực hiện chiến dịch chích ngừa cho những người dễ bị tổn thương và người vô gia cư. Sáng kiến này bắt đầu vào tháng 1 năm 2021 và đã tiêm chủng cho gần 1.500 người, gồm nhiều người vô gia cư sống ở khu vực xung quanh Vatican, không nhất thiết họ được tiếp cận với các cơ sở y tế bình thường.
5- Vatican đã khuyến khích tất cả nhân viên đi chích ngừa
Trong một chỉ thị của hồng y Giuseppe Bertello, Thống đốc Vatican ký ngày 8 tháng 2, quốc gia nhỏ nhất thế giới kêu gọi tất cả nhân viên chích ngừa để bảo vệ sức khỏe những người làm việc và sinh sống tại Vatican. Đức Phanxicô đã làm gương, ngài chích đầu tiên.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)