TGPSG / VATICAN NEWS – Minh bạch trong cộng đồng Giáo hội, việc tham gia của trẻ em, và những bạo lực mà các nữ tu phải chịu đựng là những chủ đề được thảo luận hôm nay trong hội trường và được trình bày trong cuộc họp báo với các nhà báo. Tham dự buổi họp báo có nữ tu Franco Echeverri, chủ tịch CLAR, nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe; Tổng Giám mục Riga, Đức Cha Stankevič, chia sẻ về trách nhiệm chung của Giáo hội; và Giám mục Cyangugu, Đức Cha Sinayobye, nói về con đường hòa giải và hiệp nhất tại Rwanda.
Nhiều đề xuất cụ thể, dựa trên các kinh nghiệm khác nhau và được chia sẻ một cách hoàn toàn minh bạch, chống lại mọi hình thức lạm dụng và thúc đẩy trách nhiệm lớn hơn của giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ. Đây là những điểm thiết yếu nổi lên trong các công việc của Thượng Hội đồng và đã được trình bày vào sáng nay trong buổi họp báo dành cho các nhà báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào hôm nay, 14 tháng 10, bắt đầu lúc 13:30, được phó giám đốc Cristiane Murray điều phối. Bà Sheila Pires, Thư ký Ủy ban Thông tin, trước hết đã tổng kết “các công việc sáng nay – phiên họp khoáng đại thứ chín, diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô – và cả buổi sáng thứ Bảy và chiều thứ Sáu”, tập trung vào phần “Các Lộ trình” của Tài liệu Làm việc, liên quan đến các chủ đề: “tiến trình ra quyết định”, “tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá”. Đặc biệt, “việc lắng nghe các kinh nghiệm từ Trung Quốc, Bán đảo Ả Rập, Amazon, quần đảo Seychelles và vùng Sahel là rất quan trọng”. Chính những kinh nghiệm này “đã nêu bật các vấn đề chẳng hạn như khó khăn trong việc tìm kiếm sự hòa hợp giữa các truyền thống Kitô giáo và các nghi lễ địa phương hoặc với quy định dân sự địa phương về hôn nhân. Điều này cũng xảy ra vì, như đã được đề cập trong hội trường, “Giáo hội trong quá khứ đã bỏ qua sự đa dạng và tính bổ sung giữa các nền văn hóa”. Đồng thời, “các gợi ý và đề xuất đã được đưa ra dựa trên những thực tế đã tồn tại, như Hội đồng Giáo hội miền Amazon, nơi tạo điều kiện cho nhiều tiếng nói khác nhau, hoặc các kinh nghiệm của Giáo hội Châu Phi, nơi cho thấy sức sống mạnh mẽ”.
Cho trẻ em tham gia vào đời sống Giáo hội
Trong nhiều bài phát biểu, bà Pires lưu ý rằng, “có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho trẻ em tham gia vào đời sống Giáo hội, không chỉ nói về trẻ em mà còn phải nói với trẻ em”. Các điểm khác được đề cập bao gồm việc đề cao vai trò của các giáo lý viên, tầm quan trọng của “việc lắng nghe người trẻ, vì đôi khi người lớn quyết định các chủ đề và vấn đề mà thực ra họ không hứng thú”. Ngoài ra, “cũng có nhắc đến việc đưa các trường Công Giáo vào tiến trình loan báo Tin Mừng và đào tạo, vì đây là một nguồn lực quan trọng cho Giáo hội. Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới – điều này đã được chỉ ra - Nhà nước đã tiếp quản các trường này và áp đặt các chương trình trái với giáo huấn của Giáo hội”.
Các bạo lực mà các nữ tu phải chịu đựng
Bà Pires chia sẻ: “Một bài phát biểu về tình trạng bạo lực mà các nữ tu phải chịu đựng, kể cả trong giai đoạn huấn luyện, đã nhận được nhiều tràng pháo tay: không chỉ là các vụ lạm dụng tình dục mà còn là lạm dụng quyền lực, lương tâm và tinh thần. Người ta đã nói rằng có những nữ tu làm việc rất chăm chỉ, đặc biệt là để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng chính các nữ tu này, khi đối mặt với các vấn đề liên quan đến lạm dụng tình dục hoặc các hình thức lạm dụng khác, lại không thể bày tỏ nỗi lo lắng của mình” và “do thái độ gia trưởng của xã hội, họ phải giữ im lặng”. Về vấn đề này, đã có đề xuất “cần đưa ra các quy trình và hệ thống tại các giáo phận và các Hội đồng Giám mục để giải quyết những vấn đề này”. Và “một đề xuất khác là cần xem xét lại các chính sách, để đảm bảo phẩm giá cho các nữ tu, cũng như cho giáo dân nói chung”.
Thiếu sự hiện diện của phụ nữ và giáo dân có chuyên môn trong việc đào tạo linh mục
Vẫn liên quan đến phụ nữ, trong các bài phát biểu, bà Pires kết luận rằng, “người ta đã nhận thấy rằng trong phần lớn các chủng viện, thiếu sự hiện diện của các nữ tu hoặc giáo dân trong việc đào tạo linh mục, cũng như thiếu vắng sự hiện diện của những giáo dân có chuyên môn. Thay vào đó, sự tham gia của phụ nữ được nhấn mạnh là ‘rất quan trọng’ vì họ có thể nhìn thấy những điều mà người khác không thấy, đảm bảo việc đào tạo cân bằng và làm phong phú thêm chương trình học tổng quan cho các linh mục tương lai”.
Những cơ cấu hỗ trợ cho các giám mục
Trong bài phát biểu tại buổi họp báo, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền Thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin, đã đề cập đến “chủ đề về sự hiện diện nhiều hơn của giáo dân và phụ nữ: trong ba phiên họp khoáng đại gần đây, đã có nhiều thảo luận về các tiến trình ra quyết định, gọi là decision making và decision taking”. Liên quan đến vấn đề này, ông cho biết “nhiều lần đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các hội đồng giáo dân, những người có thẩm quyền và chuyên môn, để tránh việc những người giữ vai trò trách nhiệm bị quá tải”. Ông cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc thành lập các hội đồng hay các cơ cấu khác có thể hỗ trợ các giám mục hoặc những người có trách nhiệm”.
Ông Ruffini cho biết: “Từ quan điểm này, một số phát biểu đã cho rằng nhiều quyết định sai lầm trong quá khứ về các trường hợp lạm dụng trẻ em trong Giáo hội có thể đã được các giám mục đưa ra, có lẽ vì họ bị cô lập hoặc chịu áp lực. Vì vậy, đã có đề xuất thành lập các ủy ban cố vấn tại các giáo phận mà giám mục có thể sử dụng, không chỉ để tăng cường việc bảo vệ và phòng ngừa, mà còn trong trường hợp cần khôi phục hoặc tái tạo sự tín nhiệm cho các linh mục bị cáo buộc nhưng sau đó được phán vô tội”. Thực tế, như đã được nhấn mạnh trong hội trường, “có rất nhiều sự phản kháng khi một người được chứng minh là vô tội”. Tuy nhiên, “với sự hỗ trợ của một hội đồng gồm các nhà tâm lý học, cha mẹ của các trẻ em bị lạm dụng, nhân viên xã hội, và các trợ lý, việc khôi phục uy tín và công lý cho một linh mục vô tội sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
Sự minh bạch trong Giáo hội
Ông Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, tiếp tục cho biết: “Tương tự như vậy, các tham dự viên đã nhấn mạnh rằng minh bạch là một yếu tố căn bản trong Giáo hội hiệp hành, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ và tài chính. Sự minh bạch này, như đã được nêu trong các bài phát biểu khác, cần phải luôn cân bằng với tính bảo mật, tôn trọng quyền riêng tư và các thông tin nhạy cảm”. Ông Ruffini chia sẻ rằng trong các cuộc thảo luận, người ta cũng đã bàn về vấn đề accountability (trách nhiệm giải trình), tập trung vào “ý nghĩa của việc giải trình: tất cả chúng tôi đều đồng ý, như đã nói, về sự cần thiết phải giải trình, nhưng chúng tôi đã tự hỏi phải giải trình với ai – với thế giới, với công luận, với các nhà báo?”. Trên thực tế, đôi khi “các chương trình mục vụ và các tiêu chuẩn để trở thành Giáo hội của chúng ta lại bị chi phối bởi những đòi hỏi không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng”. Vì vậy, “ưu tiên trước hết là giải trình với Thiên Chúa, với cộng đoàn, để không rơi vào cái bẫy của việc giải trình theo các tiêu chuẩn không mang tính Tin Mừng”.
Ông Ruffini cũng thêm rằng cần phải “giải trình với Giáo hội, chứ không phải với bất kỳ cơ cấu nhân loại nào, theo các nguyên tắc của Tin Mừng. Chúng ta không phải là một hội đồng quản trị, mà là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, dân thánh của Thiên Chúa”. Và sau đó, ông tiếp tục, “phải giải trình với những người nghèo khổ nhất, những chi thể yếu đuối của Chúa Kitô, những người sẽ đánh giá chúng ta qua cách chúng ta sống”. Ngoài ra, đã có gợi ý cần phải phát huy “các cơ cấu hiệp hành đã hiện hữu trong các giáo phận, giáo xứ, và các Hội đồng Giám mục” và “cũng có ý kiến rằng chúng ta cần học hỏi từ các Giáo hội mới, như ở Châu Phi, thay vì áp đặt lên họ thực tại của các Giáo hội phương Tây”, vốn thường đang trong tình trạng hấp hối. Cũng đã có đề xuất “bắt buộc phải thực hiện các Thượng Hội đồng cấp Giáo phận”.
Tính hiệp hành trong đời sống thánh hiến
Bộ trưởng Ruffini chia sẻ rằng người ta cũng đã nhắc đến “gương sáng của đời sống thánh hiến, nơi đã trải qua nhiều năm thực hiện các hình thức hiệp hành: trong đó có trường hợp các tu sĩ tử đạo ở Tibhirine, những người đã quyết định ở lại Algeria trong bối cảnh đau khổ và bạo lực, dâng hiến cuộc sống của họ không chỉ vì vâng lời bề trên, mà sau khi mỗi người đã trải qua một hành trình nội tâm theo tinh thần hiệp hành”. Hơn nữa, về chủ đề cập nhật Bộ Giáo luật, người ta đã khẳng định rằng Bộ Giáo luật không phải là “công cụ cưỡng chế bi thảm” mà là “biểu hiện của đức tin Công giáo”. “Việc tôn trọng luật lệ của Giáo hội là cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị – và Giáo luật chính là chiếc khiên bảo vệ những người yếu đuối nhất”.
Ông Ruffini cũng nhận thấy “điều thú vị” trong một bài phát biểu về kinh nghiệm mục vụ của một Giáo hội Châu Phi, nơi mà trong vài năm qua đã tổ chức các buổi cử hành phụng vụ Chúa nhật không có linh mục, vì địa bàn giáo xứ quá rộng hoặc khoảng cách giữa các làng quá xa. Đây là những cộng đoàn trong đó các tín hữu quy tụ dưới sự hướng dẫn của các giáo lý viên hoặc những giáo dân có uy tín để lắng nghe Lời Chúa và rước lễ.
Tránh nạn giáo sĩ trị
Lời kêu gọi tránh mọi hình thức giáo sĩ trị lại được nhắc đến, Bộ trưởng Ruffini kết luận. “Phương thuốc chống lại giáo sĩ trị,” như đã được nêu trong một số bài phát biểu, “là sự gần gũi giữa các giám mục với các linh mục, với Thiên Chúa, và với dân Chúa. Những mối tương quan này phải luôn năng động, không được tĩnh lặng, đòi hỏi sự tham gia trực tiếp trong các tiến trình ra quyết định. Đặc biệt, người ta đã nhấn mạnh rằng ngay cả từ ‘tham vấn’ trong Giáo hội cũng đồng nghĩa với bổn phận phải lắng nghe và xem xét ý kiến đó.”
Ngoài ra, “nhiều bài phát biểu cũng nhấn mạnh rằng khi đưa ra quyết định, cần phải giải thích lý do tại sao người có trách nhiệm đã quyết định hành động trái ngược với ý kiến chung, đồng thời làm rõ những điểm mạnh và điểm yếu trong các quy trình ra quyết định”. Về điểm này, một bài phát biểu đã nhắc lại lời của Thánh Cyprianô: ‘Không có gì diễn ra mà không có trách nhiệm cá nhân của giám mục, không có gì diễn ra mà không có sự cố vấn của linh mục đoàn, và không có gì diễn ra mà không có sự đồng thuận của dân Chúa.’”
Chữa lành cho mọi người ở Rwanda
“Ba mươi năm là một khoảng thời gian dài, nhưng dường như mọi chuyện chỉ mới xảy ra hôm qua. Hậu quả vẫn còn rất nhiều, và với tư cách là Giáo hội, chúng tôi cố gắng chữa lành cho tất cả mọi người, dù là nạn nhân hay thủ phạm. Chúng tôi đang học cách trở thành anh chị em với nhau.” Đây là những lời của Đức cha Edouard Sinayobye, Giám mục Giáo phận Cyangugu, tỉnh miền Tây Rwanda, khi ngài nói về di chứng của nạn diệt chủng Rwanda, một vết thương chưa lành. Trong buổi họp báo tại Văn phòng Báo chí Toà Thánh, ngài đã chia sẻ về cách Giáo hội đồng hành cùng nỗ lực tái sinh đầy gian khổ của quốc gia, cũng như kinh nghiệm hiệp hành có ý nghĩa như thế nào đối với Rwanda. Ngài nói bằng tiếng Pháp: “Giống như các môn đệ - trong Sách Công vụ Tông đồ kể lại – cùng hiệp nhất một lòng chung quanh Thánh Phêrô và Đức Maria, chúng ta đang trải qua một phiên họp hiệp hành chung quanh Đức Giáo hoàng Phanxicô, đó là dấu chỉ và đặc sủng của sự hiệp nhất trong Giáo hội.” Chính trong tiến trình hiệp hành này, con đường hòa giải và hiệp nhất mới được hình thành.
Vá lại tấm vải bị rách nát bởi nạn diệt chủng
Khi Hội đồng Giám mục bắt đầu tiếp cận Thượng Hội đồng, tiến trình này được đón nhận như một thời khắc kairòs (thời điểm thích hợp), vì “sự hiệp thông là một khái niệm đầy ý nghĩa đối với trái tim của người Rwanda.” Thượng Hội đồng được xem như một giáo huấn cung cấp những nền tảng Kinh Thánh và thần học giúp mọi người hiểu rằng chúng ta là một thể duy nhất. Nói về tình huynh đệ giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của nhau. Tinh thần hiệp hành trở thành một “lối sống thiêng liêng,” nhắc nhở cách thức sống và hoạt động của Giáo hội. Trong giai đoạn lắng nghe, Đức cha Edouard Sinayobye nhớ lại, “ở mỗi giáo phận, chúng tôi đã gặp gỡ tất cả mọi người, từ các cộng đoàn cơ bản đến các trẻ em, tu sĩ, và cả những người bên lề xã hội như tù nhân, gái mại dâm, người khuyết tật.” Chúng tôi cũng đã khởi xướng các chương trình đào tạo thực hành truyền giáo cho tất cả mọi người, đặc biệt là giáo dân. Thượng Hội đồng đã góp phần củng cố hoạt động mục vụ, điểm khởi đầu quan trọng để vá lại mối quan hệ nhân văn và xã hội vốn bị rách nát bởi nạn diệt chủng.
Các chủ đề của Lộ trình Thượng Hội đồng
Về đào luyện, phân định, tham gia và trách nhiệm giải trình – bốn chủ đề chính của Các lộ trình Thượng Hội đồng được đề cập trong Tài liệu Làm việc và là tâm điểm của các buổi làm việc trong những ngày qua – nhà thần học nữ tu Gloria Liliana Franco Echeverri, người từng tham gia Thượng Hội đồng về vùng Amazon và là chủ tịch Liên đoàn Tu sĩ Châu Mỹ Latinh, đã nhấn mạnh. Nữ tu tóm tắt, chúng tôi nhận ra rằng việc đào tạo "chỉ có ý nghĩa khi chúng ta làm điều đó như những chứng nhân, khi nó mang tính toàn diện và bắt nguồn từ một nền tảng nhân học, bao hàm và chú ý đến thực tế." Phân định là "chìa khóa để đáp ứng ở cấp độ địa phương", “mang đến cho chúng ta khả năng hiểu những điều Chúa Thánh Thần yêu cầu", bởi vì "thực tế của Giáo hội rất đa dạng, với những thời điểm và ưu tiên khác nhau." Nữ tu cũng nhấn mạnh, trong các cuộc thảo luận gần đây, tầm quan trọng của các cơ cấu tham gia, cùng với giá trị của sự minh bạch "như một văn hóa hơn là một phương tiện", có khả năng "thấm nhuần các phương thức nhận diện của Giáo hội."
Học hỏi và chia sẻ
Về mục tiêu cuối cùng – "sứ vụ" – Tổng Giám mục Zbignevs Stankevičs của Riga nhấn mạnh rằng nếu Thượng Hội đồng "nhắm đến việc giải phóng các ân sủng và đặc sủng của mọi người đã chịu phép rửa", thì các giám mục, linh mục và lãnh đạo của các nhóm khác nhau hoạt động theo một "trách nhiệm chung" được hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Dựa trên kinh nghiệm của mình với tư cách là giàm mục tại Latvia, đặc biệt là việc chia sẻ các thực hành mục vụ tốt như nguồn cảm hứng cho các mục tử, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Latvia đã nêu bật sự phát triển của các trường truyền giáo, và nói chung là những sáng kiến nhằm thắp lửa cho công cuộc truyền giáo. Cuối cùng, Tổng Giám mục Stankevičs đã đề cập đến “Divine Renovation”, một kinh nghiệm nhằm “hồi sinh các giáo xứ” xuất phát từ Canada, nơi mà trong một cộng đoàn sắp biến mất, đã “nở rộ” 80 thừa tác vụ và 800 tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động. Vị tổng giám mục kết luận: "Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần nhìn vào nơi Chúa Thánh Thần hành động và học hỏi, chia sẻ. Không chỉ trong Thượng Hội đồng, mà cả sau đó nữa."
Tầm quan trọng của việc lắng nghe
Sau đó, các nhà báo đã đặt câu hỏi cho các diễn giả. Người đầu tiên được hỏi là nữ tu Gloria Liliana Franco Echeverri, thuộc Dòng Maria Đức Bà (ODN), khi được hỏi liệu việc lắng nghe, yếu tố mà Thượng Hội đồng về hiệp hành này đã nhấn mạnh đặc biệt, có phải là một động lực ngày càng được áp dụng ở Châu Mỹ Latinh và các nơi khác hay không. Nữ tu đã nhấn mạnh rằng chính Thượng Hội đồng này, kéo dài trong hai năm, với Thượng Hội đồng trước đó vào năm 2018 về “Giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi,” và Thượng Hội đồng về Amazon vào năm 2019, đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc lắng nghe như một quá trình nhân bản hóa. Đối với nữ tu Franco Echeverri, những trải nghiệm của Thượng Hội đồng được sống như những phòng thí nghiệm đã cho phép thay đổi cách lắng nghe người khác, vì có rất nhiều điều để học hỏi trong xã hội; việc lắng nghe mang lại cơ hội tiếp cận một cách tôn trọng hơn với ý muốn của Thiên Chúa. “Chúng ta đang ở trong quá trình học hỏi này,” nữ tu bổ sung, giải thích rằng việc lắng nghe đang nổi lên như một hoạt động quan trọng trong Giáo hội.
Chức vụ phó tế nữ
Sau đó, chủ đề về chức vụ phó tế nữ cũng đã được đề cập, và Đức cha Sinayobye đã được hỏi ý kiến cá nhân của mình về vấn đề này. Ngài trước tiên giải thích rằng ở Châu Phi không có chức vụ phó tế vĩnh viễn, mà chỉ có phó tế như một giai đoạn để tiến đến chức linh mục. Về khả năng có phụ nữ làm phó tế, Đức cha Cyangugu cho biết đây là một vấn đề đang được nghiên cứu một cách nghiêm túc và thận trọng, dựa trên ánh sáng do giáo huấn của Giáo hội đưa ra. Về ý kiến riêng của mình, Đức cha Sinayobye đã làm rõ rằng với tư cách là một giám mục, ngài hoàn toàn hiệp nhất với các giám mục khác và đặc biệt là với Đức Giáo hoàng, do đó, ngài không có vấn đề gì nếu chức vụ phó tế nữ được chấp nhận, vì “đó không phải là vấn đề cảm xúc, chúng tôi là những mục tử của dân Thiên Chúa, những người bảo vệ đức tin, cảm xúc và sự nhạy cảm của chúng tôi không quan trọng, chúng không đến trước, chúng tôi đang hiệp thông.”
Văn hóa chăm sóc
Về vấn đề lạm dụng đối với các nữ tu, được thảo luận trong phiên họp hôm nay, đã có câu hỏi liệu Thượng Hội đồng này có thể dẫn đến sự nhận thức lớn hơn về vấn đề này hay không. Bà Sheila Pires đã cụ thể hóa rằng vấn đề này đang được phân tích và xem xét để có thể đưa vào tài liệu cuối cùng, trong khi nữ tu Franco Echeverri đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một văn hóa chăm sóc, cụ thể là đang làm việc một cách nghiêm túc về các mối tượng quan bên trong Giáo hội, với việc xem xét lại những thái độ không phù hợp với phong cách của Chúa Giêsu. Đối với nữ tu, cuộc sống của các nữ tu không nên ở bên lề, và tiến trình hiệp hành này đang cho phép tập trung vào việc xây dựng văn hóa chăm sóc. Đức cha Stankevič cũng đã nhấn mạnh rằng vấn đề lạm dụng đối với các nữ tu liên quan đến Thượng Hội đồng này, vì đây là một trở ngại cho sứ mệnh của Giáo hội, vì nó làm tổn thương con người, do đó cần phải đối mặt với nó.
Hoa trái của tiến trình hiệp hành
Cuối cùng, khi được hỏi về cách mà ở Rwanda tiếp nhận tiến trình hiệp hành, Đức cha Cyangugu đã làm rõ rằng Giáo hội đã gửi đến tất cả mọi người lời mời gọi thực hiện cuộc hành trình chung và rằng thông điệp này đại diện cho một đóng góp đáng kể cho sự hòa giải trong nước. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã gặp gỡ rất nhiều người, họ đã đến các trường học, nhà tù, nơi có rất nhiều tù nhân bị buộc tội về tội ác diệt chủng; nói chuyện với những người này về sự tha thứ là một cơ hội mà tiến trình hiệp hành này đang mang lại, Đức cha Sinayobye đã kết thúc, cũng vì những nền tảng Kinh Thánh mà Thượng Hội đồng đưa ra cho sự hiệp nhất và hòa giải.
____________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: VATICAN NEWS