WGPSG -- Chúng ta đang sống trong bối cảnh thế giới tục hóa, con người không chỉ hăng say đi tìm của cải vật chất, hư danh trần thế mà còn tôn thờ chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tiền bạc, chủ nghĩa khoái lạc và coi nhẹ những đòi hỏi của lương tâm, như: trung thực, công bằng, bác ái… Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, đối với giới trẻ ngày nay, lương tâm là điều gì rất xa lạ. Lạ hơn nữa, dường như họ không muốn nghe tiếng nói của lương tâm chân chính, họ quả quyết điều mình làm là đúng. Vì thế, họ cần được nghe lời Thánh Phaolô khuyến cáo:“Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12).
Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu:
Lương tâm là gì?
Thực trạng lương tâm của giới trẻ ngày nay
Nguyên nhân lương tâm bị chai lỳ
Giáo dục lương tâm cho Giới trẻ
1. Lương tâm là gì?
Theo Linh mục Nguyễn Đức Thông, CSsR: “Lương tâm là khả năng luân lý của con người, là cõi thẳm sâu và cung thánh của họ, trong cung thánh ấy, con người biết được mình nhờ được đối diện với Thiên Chúa và đồng loại mình”[1].
Linh mục Phan Tấn Thành, OP lại cho rằng: “Con người cần phải dựa theo một tiêu chuẩn để phân biệt điều gì là tốt, điều gì là xấu. Người ta thường đặt tên cho tiêu chuẩn đó là “lương tâm”[2].
Sách Giáo lý Công giáo cũng khẳng định: “Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu. Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình”[3].
Về bản chất của lương tâm, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về mục vụ trong Giáo hội ngày nay viết: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người, và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa, anh em và được biểu lộ cách kỳ diệu”[4].
Qua những định nghĩa trên về lương tâm, chúng ta có thể tóm lại: Lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết phải làm điều lành và tránh điều dữ. Đồng thời, lương tâm không chỉ giúp con người chu toàn bổn phận làm người mà còn giúp mỗi người nghe được tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa.
2. Thực trạng lương tâm của giới trẻ ngày nay
“Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và nhân loại”. Đó là câu khẳng định mà các nhà giáo dục thường nhắc nhở. Nhưng thực tế thì ai cũng lo ngại cho tương lai ấy. Bởi vì, phần lớn giới trẻ ngày nay không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều dữ; họ xem thường luân lý, đạo đức; và dường như, lương tâm của họ không còn cắn rứt nữa; họ đang rơi tự do trong một nền đạo đức xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, giới trẻ ngày nay chẳng còn biết bám víu vào đâu để nhận biết chuẩn mực cho hành động của mình. Điều này đang làm đau đầu những người có trách nhiệm và những nhà giáo dục đức tin.
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, coi thường tiếng nói của lương tâm, đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là, các phương tiện truyền thông đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Chúng lôi bè kéo cánh để đánh nhau, hiếp dâm, hành hung thầy cô giáo, anh giết em, con giết cha; thậm chí, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều án mạng. Chẳng hạn, em Lê Văn Luyện, xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại tỉnh Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc rồi tẩu thoát, phi tang hiện vật, phủi tay, coi như không vấy máu. Khi bị bắt, Văn Luyện còn có thái độ thản nhiên, vô sự, không một chút ăn năn hối lỗi. Những hành vi tàn bạo này được đăng trên mặt báo, chỉ là tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa.
Đáng báo động hơn, hiện tượng sinh viên, học sinh đánh giáo viên cũng gia tăng. “Chỉ vì bị điểm thấp, kết quả học tập kém, thầy giáo nhắc nhở. Vậy mà học trò không ngần ngại rút dao đâm chết thầy tang thương”[5].
Hơn nữa, hiện tượng sống thử, phá thai của giới trẻ đang đến mức báo động. Nhiều bạn trẻ không vượt qua được những nghi kỵ của những người xung quanh, và một phần cha mẹ muốn giữ uy tín, thanh danh của bản thân, gia đình, sự nghiệp đã giết chết thai nhi máu mủ của mình; thậm chí, có bạn trẻ sinh con ra rồi vứt vào thùng rác. “Vào ngày 9 tháng 8 vừa qua, một nhân viên vệ sinh đường phố ở Hà Nội đã phát hiện xác thai nhi trong thùng rác”[6]. Người ta ước tính trên thế giới, cứ 6 giây lại có một thai nhi bị giết. Cách đây không lâu, dư luận hết sức bất bình vụ “Sát hại bồ nhí khi biết có con. Cặp bồ với cô gái 21 tuổi khi vợ con đã đề huề, Tuấn hoảng loạn trước tin bồ nhí có thai. Sợ bại lộ, kẻ thủ ác dùng búa đập đầu người tình đến chết”[7]. Chúng ta sống trong một xã hội được cho là văn minh tân tiến nhất của các thời đại, nhưng tội ác, phá thai, giết người được xem là chuyện bình thường! Thực trạng này làm cho “con người là lang sói của nhau” như triết học định nghĩa. Khi lương tâm, luân lý không được tôn trọng, nhân phẩm, giá trị con người bị xem nhẹ… thì người này trở thành “miếng mồi béo bở” của người khác.
Thực trạng trên là con đường dễ dàng đưa giới trẻ vào những sai phạm, nhúng sâu vào vũng lầy tội lỗi. Đây là một hồi chuông báo động cho chúng ta về lương tâm, đạo đức của giới trẻ ngày nay.
3. Nguyên nhân lương tâm bị chai lỳ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lương tâm của giới trẻ bị chai lỳ. Với phạm vi giới hạn của bài viết này, chỉ xin ghi lại vài nguyên nhân nổi bật.
3.1 Nguyên nhân bản thân
Do lối sống thiếu ý thức, buông thả, đua đòi nên một số các bạn trẻ không quan tâm đến hậu quả việc mình làm. Một số khác, vì muốn khẳng định mình nên chạy theo lối sống phóng túng của thời đại, dù biết đó là trái lương tâm nhưng vẫn cố tình làm: “Con người thiếu quan tâm đến việc tìm kiếm chân lý và sự thiện, hoặc khi lương tâm dần dần trở nên mù quáng do thói quen phạm tội”[8]. Mặt khác, do người trẻ mất cảm thức về tội nên lương tâm của họ cũng chẳng còn biết đâu là đúng, đâu là sai. Tệ hại hơn, có nhiều bạn trẻ ỷ lại vào quyền tự do để làm những gì mình cho là đúng, nhưng sự thật không như họ nghĩ. Thánh Anphong viết: “Lương tâm được gọi là ngay thẳng khi nó tuyên bố sự thật”[9]. Nghe theo tiếng lương tâm là thực hiện lý tưởng cao đẹp nhất của đời người. Không chân thành với chính mình, cũng là lúc con người đánh mất phẩm giá chính mình.[10] Thật vậy, Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Anh em đừng có rập theo đời này; nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
3.2 Nguyên nhân từ gia đình
Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên góp phần quyết định vào sự hình thành nhân cách con người, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách. Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này như: Piaget, Mead, Freud đã chứng minh khá vững chắc điều đó. Ở phương Đông, các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai. Thế nhưng, nhiều gia đình ngày nay, cha mẹ hiếm khi dạy dỗ con cái sống theo đúng lương tâm, đạo đức. Các bậc làm cha mẹ rất ít quan tâm đến việc giáo dục con cái, họ thường phó mặc cho nhà trường và xã hội. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa tâm lý Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: “Gia đình còn quá lỏng lẻo trong việc giáo dục tính cách cho các em, nhất là lúc các em đang hình thành nhân cách, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ”. “Nếu như cha mẹ cứ chạy theo đồng tiền, danh lợi mà quên mất những đứa con của họ, cứ nghĩ có tiền là có thể làm được tất cả, thì họ sẽ có những đứa con tật nguyền về tinh thần. Thế hệ @ đang bị chấn thương về đạo đức, về lương tâm, căn bệnh nguy hiểm này cần được trị liệu bằng một môi trường giáo dục lành mạnh từ gia đình”[11].
3.3 Nguyên nhân từ nhà trường
Nhà trường cũng không khác gia đình mấy, bởi nhà trường hiện nay cũng chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế”. Việc giáo dục lương tâm, đạo đức, giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên gần như bị lãng quên hoặc bị xem là thứ yếu. Trong khi đó, vai trò của trường học đâu chỉ bó hẹp trong việc dạy chữ, dạy nghề mà còn phải truyền tải cho học viên những giá trị, chuẩn mực của xã hội để họ trở thành những con người toàn diện, biết sống trưởng thành và biết tôn trọng người khác. Thậm chí, một số trường học còn là nơi dung dưỡng điều xấu, vì một số thầy cô giáo làm cho học sinh trở thành kẻ lừa đảo chính mình. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013, tôi có hỏi một em: Em làm bài thi tốt không? Em trả lời: “Thời buổi này phải hỏi thi chép bài có hết không”. Em nói tiếp: “Cô giáo gác thi thay vì không cho tụi em quay cóp bài, lại gác cho tụi em quay cóp, không để giám thị hành lang bắt được, vì nếu bị bắt thì cả cô lẫn trò đều bẽ mặt”. Câu trả lời của em làm tôi cảm thấy giật thót tim! Luigi Giussani nói rằng: “Nguy hiểm nghiêm trọng nhất trong giáo dục là dối trá”[12]. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”: Những lệch lạc trong suy nghĩ hay hành động chỉ là hậu quả của một chương trình giáo dục bất cập.
3.4 Nguyên nhân từ xã hội
Chúng ta đang sống trong xã hội tục hóa vì con người chỉ đặt đồng tiền lên trên tất cả: “Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng”[13]. Người ta không quan tâm đến vấn đề lương tâm đạo đức, đôi khi chỉ tìm mọi cách để no cái bụng, ấm cái thân mà quên đi công lý và tình thương. “Họ sẵn sàng buôn gian bán lận; chà đạp người khác để mình sống; tham nhũng, bóc lột; nói chung, bất chấp tất cả miễn sao có tiền. Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên trong tiệm thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, ném xác xuống sông để phi tang là một điển hình cho những người chỉ vì tiền mà không hề có lương tâm”[14]. Có người nói vui: “Ở Việt Nam hiện nay, Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”.
Hơn nữa, chúng ta phải chứng kiến lương tâm con người đang bị hạ sát từng ngày, từng chút một. Ở những bản xét nghiệm dối trá nhân bản cho hàng ngàn người, ở những thực phẩm tẩm đầy hóa chất, ở những kết quả thi giả của ngành giáo dục... Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, thẳng thắn nói: “Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành “đạo đức”, mà cái “đạo đức” đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy hại nhưng tôi thấy ít người quan tâm”[15]. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Một đất nước không có lương tâm là một đất nước không có linh hồn, mà đất nước không có linh hồn thì không thể tồn tại”.
Bên cạnh đó, xã hội mà các bạn trẻ đang sống là một xã hội của sự văn minh, nếu người trẻ không có lương tâm hoặc tiếng nói lương tâm bị lu mờ thì tác hại khủng khiếp biết là chừng nào. Khi đó, xã hội sẽ sống trong một nền văn minh sự chết, và rướm mùi chết chóc. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi và để tiếng nói lương tâm bị đè bẹp”. Như thế, xã hội làm sao yên ổn, gia đình làm sao hạnh phúc. Người sống trong chân lý luôn có sự bình an trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nói trong lương tâm. Nếu chiều theo dục vọng, con người sẽ trở nên xào xáo, bất an. Đời không bình an tìm đâu ra hạnh phúc. Cuối cùng, cuộc đời ấy dẫn đến vong thân và mất Ơn Thánh mãi mãi, bởi họ đã không để cho chân lý là tiếng nói Lương Tâm biến đổi mình.
4. Giáo dục lương tâm cho Giới trẻ
Việc giáo dục lương tâm cho giới trẻ cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong xã hội hôm nay, để từ chính lương tâm trong sang, giới trẻ mới có thể làm người theo đúng nghĩa và trọn vẹn một con người có tự do, trách nhiệm, nhân vị và nhân phẩm… “Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng Tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức”[16].
4.1 Bản thân
Mỗi bạn trẻ chúng ta hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức, lương tâm của con người; trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái với những người xung quanh, và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Đồng thời, các bạn trẻ thực sự trưởng thành, phải tự giáo dục lương tâm mình bằng cách kiểm nghiệm và tự vấn lương tâm của mình qua Mười điều răn và Bài giảng trên núi. Qua việc kiểm điểm lương tâm một cách thường xuyên, lương tâm của các bạn sẽ trở nên ngay thẳng và thành thật hơn. Đồng thời, để có một lương tâm tốt, các bạn trẻ cũng phải biết đào tạo và vun trồng lương tâm mình, đó là một tâm hồn cởi mở, khiêm tốn nhận ra giới hạn của chính mình. Vì nếu lương tâm không được chăm sóc, phán quyết của lương tâm có thể do hấp tấp, do chểnh mảng không được chăm sóc đào tạo đủ, nên dẫn đến sai lạc: đó là một tai họa, vì khả năng đó yếu nhược dần, mất minh mẫn tinh tế, trở nên mù tối.[17]
Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương trong xã hội hiện tại, như: Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Bắc nhặt được 10 cây vàng, nhưng anh chị đã trả lại người đánh mất mặc dù anh chị rất nghèo. Chị Oanh chủ của 10 cây vàng kể lại: “Tôi còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng: “Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”[18]. Hoặc học sinh Nguyễn Văn Nam đã xả thân cứu người: “Nguyễn Văn Nam, một sinh lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) hy sinh khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều 30 tháng 4. Cái chết của Nam như một tấm gương sáng, là biểu tượng đẹp cho cách sống dám xả thân, hy sinh vì mọi người. Em đã coi sự sống của bạn là của mình, nên bất chấp nguy hiểm để hy sinh thay cho bạn của mình được sống. Không cần biết em Nam có phải là người Công giáo hay không? Cũng chẳng cần biết em có bà con họ hàng gì với những em gặp nạn hôm đó? Chỉ biết rằng em có trái tim rất đẹp và tình yêu thương vô vị lợi”[19].
Bên cạnh đó, mời các bạn trẻ chiêm ngắm cô thiếu nữ Maria Goretti, sau khi bị kẻ cuồng dâm 20 tuổi Alessandro đâm nhiều nhát dao vào người vì chống trả, đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh ấy và muốn anh ấy sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.” Mời các bạn trẻ nhìn vào con người linh mục Maximilian Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1941. Cuối cùng, mời các bạn trẻ chứng kiến hình ảnh Chân phước Gioan Phaolô II, đích thân xin nhà cầm quyền Ý tha cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Agca, và Ngài đã vào tù thăm anh ta để nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn.”
4.2 Gia đình
Đối với các Kitô hữu, gia đình không chỉ là trường học đầu tiên định hình nhân cách, là nơi dạy các đức tính nhân bản và xã hội cần thiết nhất để làm người, mà còn là nơi con cái “nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo Đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội”[20].
Theo các nhà tâm lý, từ khi đứa bé biết nhận thức đến lúc trưởng thành thường nó sẽ phải trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm phải làm và giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm nên làm”[21]. Đứa trẻ trong giai đoạn này, ba mẹ là chuẩn mực cho mọi hành vi của con trẻ. Cha mẹ phải sống đúng theo những mệnh lệnh và lời khuyên mà họ đã dạy cho đứa bé, nếu đứa trẻ phải nghĩ rằng có hai loại lề luật tùy theo người lớn hay đứa nhỏ, thì lương tâm của nó đang lâm nguy. Khi đứa trẻ đã lớn lên và tới tuổi trưởng thành “lương tâm phải làm” dần nhường chỗ cho “lương tâm nên làm”. “Với con mình đã chịu phép rửa, bậc cha mẹ Công giáo phải dạy cho nó biết rằng nghe theo tiếng lương tâm, tức là trung thành với Chúa Kitô, đã chết trên thập tự giá để cứu chuộc ta, để làm cho ta chết cho tội lỗi mà sống trong ơn nghĩa. Giáo hội qua lời Thánh Giáo hoàng Piô X, đã nhắc lại rằng các trẻ em cần phải có được sức mạnh các bí tích khi các em bắt đầu hiểu biết và rằng các em có quyền múc lấy sức mạnh đó (…) Chính các bậc cha mẹ là những người đầu tiên chịu trách nhiệm phải hướng dẫn và chuẩn bị cho các em lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội”[22].
Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo đã nhận định vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng. Vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích Hôn Phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội. Chính tại nơi đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo hội”[23].
4.3 Nhà trường
Môi trường giáo dục nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này thấy rõ trong các trường Công giáo và các cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM: “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.
4.4 Giáo xứ
Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và huấn luyện lương tâm cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ mong muốn giáo xứ nên quan tâm và nâng đỡ các bạn trẻ nhiều hơn. Đồng thời, giáo xứ nên tổ chức các lớp giáo lý cho các bạn trẻ. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1992 có nói: “Ngoài ra, cần có những lớp giáo lý cho người trẻ để họ phát triển đời sống Đức tin phù hợp với đà tiến của họ trong cuộc sống, và những khóa Dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công giáo gương mẫu. Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống Đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ”.
Hơn nữa, giáo xứ nên có những buổi học hỏi, hội thảo, thuyết trình về đời sống Đức tin và Luân lý hoặc những cuộc thi tìm hiểu về giáo lý. Thiết nghĩ qua những buổi này, các bạn sẽ có cơ hội không những được huấn luyện lương tâm mà còn là cơ hội cho các bạn học hỏi giao lưu với nhau.
Mặc khác, tòa cáo giải sẽ là nơi các vị chủ chăn huấn luyện lương tâm của người trẻ qua việc khuyên nhủ. Nơi ấy, linh mục với cương vị là chứng nhân và đại diện của Hội Thánh, các ngài sẽ hướng dẫn hối nhân, đặc biệt là giới trẻ cảm nhận được sự yếu đuối và những phán đoán sai lầm của lương tâm. Các linh mục không những cho họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn cho họ nhận ra tình yêu của Ngài lớn hơn tội lỗi.
Bên cạnh đó, giáo xứ giúp cho giới trẻ năng đọc và suy niệm Lời Chúa, vì Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hành; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập giá Ðức Kitô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Ðức ái Kitô giáo luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm của họ... là phạm đến Ðức Kitô” (1Cr 8,12). “Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).
Giáo hội nên tạo mọi điều kiện cho giới trẻ có môi trường sinh hoạt. Hơn nữa, để có một cộng đồng nhân loại như lòng mong ước, sự quan tâm giáo dục cho thế hệ tương lai phải đứng hàng đầu; giới trẻ là tương lai của của Giáo hội. Đồng thời, giới trẻ cũng là chủ nhân tương lai của nhân loại, “Vì thế, cả xã hội cũng như Giáo hội đều phải quan tâm đến giới trẻ, để giúp họ đảm nhận lấy vai trò hôm nay và ngày mai của họ trong xã hội và Giáo hội” (Thư Chung 1992).
Bên cạnh đó, muốn đạt được một giáo dục mục vụ giới trẻ tốt, chúng ta cần hiểu biết người trẻ; nhất là muốn lãnh đạo người trẻ, chúng ta cần đi sâu vào đời sống người trẻ hơn, vì “vô tri bất mộ”. Và như thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Hơn nữa, chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ, lớp tuổi teen năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Giêsu, thần tượng của giới trẻ mọi thời. Trong vui mừng và hy vọng ấy, chúng ta cần thêm sáng kiến để có cơ hội giới thiệu gương mặt Đức Kitô - một người trẻ hôm qua, hôm nay và mãi mãi - cho giới trẻ .
Kinh nghiệm rõ các vấn đề trên, các giám mục đã khuyến khích giới trẻ chăm lo trau dồi kiến thức, đạo đức và luân lý, như một điều kiện cần thiết để bước vào tương lai với những đóng góp hữu hiệu cho xã hội và Giáo hội: “Giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất nước và Giáo hội Việt Nam ngày mai sẽ như vậy... Để xây dựng tương lai cho Đất nước và Giáo hội, các bạn cần trau dồi luân lý, đạo đức và trí thức hầu tích cực phục vụ hơn. Các bạn nên nhớ rằng khi cầu tiến trong lãnh vực học thức, thì cũng phải cầu toàn trong lãnh vực nghề nghiệp để có thể phục vụ với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Thời nào cũng cần đến những con người tài đức và trung hiếu, luôn biết coi trọng chữ tín” (Thư Chung 1998).
Bên cạnh đó, Giáo hội nên hướng dẫn người trẻ đến với nguồn suối ân sủng là các bí tích, đặc biệt là bí tích Giải Tội. Qua bí tích này, người trẻ sẽ xem xét lại lương tâm của mình để nhìn nhận những thiếu sót, những lỡ lầm. Không những hướng dẫn cho người trẻ đến với bí tích Giải Tội khi mắc tội trọng mà chúng ta nên khuyến khích họ năng đến với tòa cáo giải để xưng thú cả các tội nhẹ. Khi các bạn trẻ năng đi xưng tội, kể cả những lúc chỉ mắc tội nhẹ thì cũng giúp cho việc xét đoán của lương tâm được bén nhạy, chống lại những xu hướng thấp kém xấu xa, và tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.
Tạm kết
Để lương tâm của người trẻ được chuẩn mục, nhận định đúng sai, thiện ác, chúng ta cần cung cấp cho họ một hệ thống đạo lý và những tiêu chuẩn hành động luân lý. Dựa trên những cơ sở đó, lương tâm của người trẻ sẽ đưa ra phán đoán về các giá trị luân lý mà họ sẽ thực hiện. Đồng thời, cũng nên hướng dẫn họ trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua bí tích Giao Hòa, cho dẫu họ đang phải đối mặt với những cam go của cuộc sống. Như một Phêrô chối Chúa, một Phaolô bách hại đạo Chúa, một Đavít ngoại tình, hung thủ giết người bịt đầu mối, một tên gian phi, một thu thuế Matthêu, một phụ nữ tội lỗi, những cô gái điếm… tất cả đều có chỗ đứng trong trái tim yêu thương của Chúa.
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có những yếu đuối, lỗi lầm. Thật vậy, Lm. Phan Tấn Thành có nói: “Ai đã chẳng hơn một lần “nói dối lương tâm”, “lường gạt lương tâm”, đó là chưa kể những lần “bóp nghẹt lương tâm”, “bịt miệng lương tâm”[24]. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra những lỗi lầm mà lương tâm mách bảo để kịp thời sửa đổi hay không, điều đó mới là quan trọng.
[1] Nguyễn Đức Thông, CSsR. Thần Học Luân Lý Căn Bản. tr. 119
[2] Phan Tấn Thành, OP. Đời sống tâm linh. tr. 150
[3]Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB, Tôn Giáo, 2004, số 1777
[4] Xc. Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế về mục vụ trong Giáo hội ngày nay, số 16.
[5] Xc. Thu Trang, Giáo dục, Trò giết thầy vì bị điểm thấp
[6] www//htt//Vietnamnet/tin-tuc/cập nhật ngày 15/10/2013.
[7] www//htt//vnexpress.net/tin-tuc/cập nhật ngày 15/10/2013
[8] Xc. Thomas P.Rausch, S.J Dẫn Vào Thần Học, trang 198-199
[9] Trích lại trong: Lương tâm theo tư tưởng của Thánh Anphong De Liguori.
[10] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2007, tr. 145.
[11] www//http://.thanhlinh.nen//Trung Dung//Thức Tỉnh Lương Tâm, Cập nhật ngày 15/11/2013.
[12] Xc. Giussani,Il Rischio educativo, SEI, Torino 1995, 145.Là vị sáng lập Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng ở Ý, cựu giáo sư Nhập môn Thần học tại Đại học Công Giáo Sacro Cuore tại Milanô.
[13] Xc. Thư mục năm 2006 của hội Đồng Giám mục Việt Nam, Sống đạo hôm nay, số 5.
[14] Xc. www//http://.thanhlinh.nen//Jos. Vinc. Ngọc Biển, Cầu nguyện và khiêm nhường
[16] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB, Tôn Giáo, 2004, số 1783
[17] Lm. Ap. Phạm Gia Thụy, luân lý khai khoa, tr 33
[18] Xc. www//http://news.zing.vn/ cập nhật ngày 17/10/2013
[19] Xc. Báo Thanh Niên, ra ngày 1/5/2013
[20] Xc. CĐ Vaticanô II, Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis (GE), số 3; Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (FC), số 37.
[21] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2007, tr. 145.
[22] G.Ponteville- A. Van cut sen – J. Rimaud. Giáo dục gia đình Kitô giáo, Ủy ban đoàn kết công giáo, Tp. HCM, tr 88.
[23] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3.