Ung thư thuộc top 5 ung thư thường gặp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đứng thứ 5 sau ung thư dạ dày, phổi, vú, vòm. Theo thống kê của BV K Trung ương, tỷ lệ mắc UTĐTT là 9% tổng số bệnh nhân ung thư. Các bác sĩ khuyến cáo, việc tầm soát phát hiện sớm UTĐTT giúp tăng tỉ lệ chữa khỏi căn bệnh này.

ThS.BS Phạm Phúc Khánh - Trung tâm Hậu môn trực tràng và tầng sinh môn, BV Việt Đức cho biết, UTĐTT là bệnh lý khá phổ biến trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người mới mắc ung thư đại tràng và khoảng nửa triệu người chết vì bệnh này.

Tại Việt Nam, UTĐTT đứng thứ 5 sau ung thư dạ dày, phổi, vú, vòm. Thống kê của BV K Trung ương cho thấy, tỷ lệ mắc UTĐTT là 9% tổng số bệnh nhân ung thư.

Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, số người chết vì bệnh đứng thứ 2 sau ung thư vú và phổi ở nữ. Tỷ lệ mắc UTĐTT khác nhau đáng kể giữa các vùng trên thế giới. Ở các nước phát triển tỷ lệ này cao gấp 4-10 lần các nước đang phát triển. 

Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 140.000 người được chẩn đoán UTĐTT và hơn 50.000 người tử vong; nguy cơ mắc trong thời gian sống của mọi người là 1 trong 20 người (5%).

Theo ThS. Khánh, nguy cơ mắc UTĐTT tăng ở người có tiền sử gia đình có người mắc UTĐTT. Người bệnh có bệnh sử ung thư buồng trứng, tử cung, vú đều làm tăng nguy cơ phát triển UTĐTT. Bệnh sử cá nhân hoặc gia đình có polyp đại trực tràng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Cả bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng đều có thể tiến triển ung thư.

Tuy nhiên, UTĐTT hiếm khi biểu hiệu thành triệu chứng ở thời kỳ sớm. UTĐTT thường bắt đầu bằng những polyp lành tính. Những polyp đại tràng có thể ở dạng tiền ung thư hoặc dạng không phát triển thành ung thư. Polyp có thể được phát hiện bằng những phương pháp kiểm tra và được cắt bỏ do đó có ngăn cản được sự phát triển thành ung thư.

"UTĐTT nếu ở giai đoạn sớm tỷ lệ có thể chữa khỏi lên đến 90%. Khi UTĐTT biểu hiện triệu chứng chảy máu, thay đổi thói quen đại tiện hoặc đau bụng, lúc đó bệnh thường ở giai đoạn tiến triển muộn khi đó tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 50%"- vị chuyên gia này cho biết.

Tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng

Do UTĐTT ít có biểu hiện ở giai đoạn sớm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Chính vì thế, theo các chuyên gia, việc tầm soát UTĐTT là rất quan trọng. ThS. Khánh khuyến cáo, những người không có yếu tố nguy cơ thì tầm soát bắt đầu vào tuổi 45. Nội soi đại trực tràng ống mềm 10 năm 1 lần được coi là tiêu chuẩn vàng. Nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm cùng với việc thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm là phương pháp tương tự nếu không thể nội soi đại tràng toàn bộ.

Bên cạnh đó, những người có người thân bị UTĐTT hoặc polyp nên bắt đầu tầm soát từ năm 40 tuổi, hoặc 10 tuổi trẻ hơn thời điểm mà người thân được chẩn đoán ung thư. Những người này nên được tầm soát 5 năm 1 lần ngay cả khi các xét nghiệm đều bình thường.

Hình ảnh nội soi ung thư đại trực tràng.

Với những loại ung thư đại tràng di truyền ít phổ biến hơn (ung thư đại tràng di truyền không có nguồn gốc từ polyp, bệnh đa polyp đường tiêu hoá có tính chất gia đình) có thể đòi hỏi nhiều lần tầm soát kiểm tra hơn và bắt đầu từ lứa tuổi trẻ hơn nhiều.

ThS. Khánh cho biết, để tầm soát UTĐTT thì hiện nay có một số phương pháp như: Xét nghiệm máu ẩn trong phân, kiểm tra một vài mẫu phân để phát hiện máu từ những polyp hay những khối u. Nếu xét nghiệm dương tính người bệnh cần được soi đại tràng ống mềm để kiểm tra.

Nội soi đại tràng ống mềm là phương pháp sử dụng một ống mềm dài có đầu camera để đánh giá toàn bộ lớp bên trong của đại trực tràng; những vùng bất thường có thể được lấy bỏ hoặc lấy làm mẫu bệnh đánh giá trong phòng thí nghiệm.

Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân

Nội soi đại trực tràng ống mềm là phương pháp an toàn và hiệu quả nên được khuyến nghị sử dụng để tầm soát, toàn bộ đại trực tràng được quan sát và những polyp tiền ung thư có thể được lấy bỏ và phòng ngừa ung thư. Soi đại tràng ống mềm là phương pháp tiêu chuẩn vàng để tầm soát ung thư đại trực tràng.

Nội soi đại tràng sigma ống mềm có thể kiểm tra được 1/3 dưới của đại tràng khi đó thì 1/2 số polyp và ung thư có thể được phát hiện. Nếu phát hiện bất thường, nội soi đại tràng ống mềm cần được thực hiện.

Chụp X-quang khung đại tràng có chuẩn bị với barit là phương pháp mà khi đó đại tràng được làm đầy bằng khí và chất cản quang để có thể nhìn thấy trên phim chụp. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi soi đại trực tràng không thể thực hiện được.

 

Nên nội soi đại tràng định kỳ kiểm tra lại

ThS. Khánh cho hay, những người có polyp tiền ung thư được lấy bỏ nên được nội soi đại tràng 3 đến 5 năm/lần, tuỳ thuộc vào kích thước, loại và số lượng polyp được tìm thấy. Khoảng thời gian giữa 2 lần kiểm tra thường phụ thuộc vào bản chất của tổn thương được lấy bỏ. Nếu polyp không được lấy bỏ hoàn toàn bằng nội soi đại tràng ống mềm hoặc phẫu thuật, nội soi đại tràng lại được thực hiện sau 3 đến 6 tháng.

Hầu hết người bệnh UTĐTT đã được phẫu thuật nên được nội soi đại trực tràng kiểm tra sau 1 năm. Nếu toàn bộ đại tràng không được kiểm tra trước phẫu thuật thì nội soi đại trực tràng nền được thực hiện từ 3 đến 6 tháng. Nếu lần kiểm tra đầu tiên bình thường thì nội soi đại tràng nên được thực hiện 3 đến 5 năm/lần.
 
Lê Nguyên
Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Những người mắc bệnh viêm loét đại trực tràng hoặc bệnh Crohn từ 8 năm trở lên nên được soi đại tràng và sinh thiết nhiều mảnh 1 đến 2 năm/lần.

Lê Nguyên