Ung thư: Phòng tránh thôi chưa đủ...

Ung thư: Phòng tránh thôi chưa đủ, nhất thiết phải làm điều này để "thoát khỏi tử thần"

TS Châu Tiểu Lan (Đại Học Bilkent, Thổ Nhĩ Kỳ) 

Ung thư: Phòng tránh thôi chưa đủ, nhất thiết phải làm điều này để "thoát khỏi tử thần"

Tác giả nghiên cứuTomasetti và cộng sự cho rằng chỉ phòng ngừa từ sớm là không đủ vì có yếu tố hên xui, nên cần phải phát hiện sớm để can thiệp sớm.

Do đó luôn luôn có nhiều yếu tố nguy cơ được liệt kê. Có người kiêng cữ triệt để vẫn mắc bệnh, có người hút thuốc suốt đời mà không bị ung thư.

Vậy ung thư có thể phòng tránh hay không, hay nói cách khác có phải chúng ta chỉ cần chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ là đã đủ?

Ung thư: Phòng tránh thôi chưa đủ, nhất thiết phải làm điều này để thoát khỏi tử thần - Ảnh 1.

Ung thư là do hên xui?

Hầu hết các tài liệu sách vở hiện nay đều qui 2 nguồn gốc chính của các đột biến gene gây ung thư là do di truyền và các yếu tố môi trường.

Nhà nghiên cứu Tomasetti và cộng sự đã đề xuất cách tính toán lại tỉ lệ các nguyên nhân gây ra ung thư bao gồm: di truyền, môi trường, và lỗi trong quá trình nhân đôi DNA.

Nhóm nghiên cứu này có 2 bài đăng trên tờ Science vào năm 2015 và 2017.

Thông điệp họ đưa ra là: nguyên nhân chính yếu của ung thư (66%) là do đột biến trong quá trình phân bào, và các lỗi này do yếu tố ngẫu nhiên (hên xui) thôi, không thể tránh được.

So với sự ước tính tỉ lệ các bệnh ung thư có thể ngăn ngừa của các nhà dịch tể học, tỉ lệ không thể ngăn ngừa này là hợp lý.

Công trình năm 2015 có nhan đề: "Variation in cancer risk among tissues can be explained by the number of stem cell divisions (Nguy cơ ung thư khác nhau là do số lần phân bào của tế bào gốc).

Bài tóm tắt và bình luận cũng trên tờ Science mang tựa đề "Toán học giải thích được tại sao bạn có hay không có nguy cơ mắc phải ung thư".

Thông điệp chính của các tác giả trong báo cáo này là "ung thư thường không thể cứ phòng ngừa là khỏi, do đó cần phải phát hiện ung thư càng sớm càng tốt để chữa trị vì nếu đã có mầm thì bệnh đằng nào cũng sẽ phát".

Phản bác mạnh mẽ từ WHO

Tuy nhiên, bởi hiện tại truyền thông đang rất tích cực tuyên truyền rằng ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa, cho nên công trình này lập tức dấy lên nhiều tranh cãi cũng như nhận phải nhiều chỉ trích.

Thậm chí WHO còn đăng bài khuyến cáo có nội dung như sau: "Mặc dù từ lâu chúng ta biết rằng tốc độ phân chia tế bào tăng nguy cơ đột biến nhưng đa số các loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới có liên quan chặt chẽ với môi trường và lối sống.

Do đó về nguyên tắc, ung thư có thể phòng ngừa.

Dựa trên kiến thức hiện nay, gần một nửa trong số tất cả các trường hợp ung thư trên toàn thế giới có thể được ngăn chặn".

Năm 2017, nhóm Tomasetti đã tiếp tục đăng thêm nghiên cứu để củng cố và làm rõ hơn ý kiến của mình. Sau đó, tờ Scientific American đã có bài bình luận "Hầu hết các loại bệnh ung thư là do xui xẻo.

Đây là nguyên văn kết luận của tác giả:

"Phòng ngừa từ khi chưa bị bệnh là cách tốt nhất để giảm tử vong do ung thư.

Việc nhận ra được yếu tố thứ 3 gây ra ung thư- đột biến trong phân bào- không làm giảm tầm quan trọng của phòng ngừa, mà để nhấn mạnh rằng không phải dạng ung thư nào cũng có thể phòng ngừa bằng cách tránh những yếu tố môi trường có nguy cơ.

Các biện pháp phòng ngừa thứ cấp (secondary prevention) như phát hiện và can thiệp sớm hoàn toàn thể duy trì cuộc sống.

Đối với những bệnh mà mọi đột biến là do yếu tố may rủi của quá trình phân bào thì phòng ngừa thứ cấp là cách duy nhất."

Không chắc là "trời kêu ai nấy dạ"

Ung thư: Phòng tránh thôi chưa đủ, nhất thiết phải làm điều này để thoát khỏi tử thần - Ảnh 2.

Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi có theo dõi và ngay từ đầu đã nhận thấy ngay cộng đồng (kể cả WHO trong trường hợp này) đã tiếp nhận thông điệp khác với cách mà các nhà khoa học tác giả của các công trình này muốn nói.

Tác giả hoàn toàn không phủ nhận vai trò của yếu tố môi trường, mà chỉ phân tích tỉ lệ các các nguyên nhân khác nhau, nhằm nói yếu tố môi trường không phải là tất cả, rằng không chỉ phòng ngừa là đủ.

Điều giải thích của các nhà khoa học không đồng nghĩa với các nhận định sau: "Ung thư nhiều không phải do thực phẩm bẩn" hay "Nghiên cứu mới: Không phải do thực phẩm bẩn hay môi trường ô nhiễm, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư là do lỗi sao chép DNA".

Các nhận định có sự hiểu lầm này đã từng xảy ra trong trường hợp nghiên cứu về IQ và di truyền.

Khi các nghiên cứu nói "di truyền quyết định điểm IQ" thì thông điệp lại được diễn dịch "nếu một người khi sinh ra đã ngu rồi thì không thể nào thông minh hơn được".

Trong khi đó vấn đề chính xác là: di truyền ảnh hưởng lên IQ nhưng IQ cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nữa: dinh dưỡng, giáo dục, môi trường sống, v.v...

Mặc dù hiểu ý của tác giả Tomasetti và cộng sự nhưng tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với họ rằng yếu tố thứ ba chỉ là "yếu tố may rủi".

Tôi ủng hộ ý kiến bình luận của một nhà khoa học khác: "hôm nay tác giả gọi yếu tố thứ 3 là "ngẫu nhiên", nhưng biết đâu ngày mai chúng ta sẽ hiểu được cái gì cũng có nguyên nhân, chứ không phải hoàn toàn là hên xui."

Tôi cho là tác giả Tomasetti và cộng sự có lẽ chỉ xét tới lát cắt hiện tại, và gọi sự hên xui đó là ngẫu nhiên, nhưng thực tế đó có thể là kết quả tích lũy của nhiều sự kiện khác đan xen nhau từ quá khứ.

Mỗi dân tộc đều có những tập quán sinh hoạt riêng và chúng đều có góp phần vào nền tảng đặc điểm di truyền của riêng dân tộc đó. Do vậy mà có chuyện dân tộc này dễ bị bệnh nào đó hơn một dân tộc khác....

Ví dụ hiện nay lý do nhiều người châu Á bị viêm gan hơn cũng chưa được giải thích tường tận bằng cơ chế di truyền phân tử.

***

Tóm lại :

Câu hỏi 1: Lối sống, môi trường, có ảnh hưởng đến tần suất ung thư không?

Trả lời: CÓ ! Tác giả Tomasetti và cộng sự, tác giả của công trình công bố rằng ung thư có yếu tố ngẫu nhiên khi DNA nhân đôi, cũng không hề phản đối. 

Câu hỏi 2: Ung thư phòng tránh được hay không?

Trả lời: ĐƯỢC ! TS Emma Smith, thuộc tổ chức Cancer Research UK, đã nói: Mặc dù thói quen lành mạnh như không hút thuốc, giữ cho trọng lượng cơ thể không bị quá cân, ăn uống lành mạnh và giảm uống rượu không thể bảo đảm sẽ không bị mắc phải ung thư, nhưng những điều này giảm rất đáng kể nguy cơ phát triển bệnh.

Câu hỏi 3: Ung thư chỉ cần phòng tránh thôi thì có đủ không?

Trả lời: KHÔNG! Tác giả nghiên cứuTomasetti và cộng sự cho rằng chỉ phòng ngừa từ sớm là không đủ vì có yếu tố hên xui, nên cần phải phát hiện sớm để can thiệp sớm.

(Ở đây cần nhấn mạnh thêm là "không đủ" chứ không phải "không cần" như một số cách hiểu sai, rằng cứ phó mặc rủi may sống chết có số.)

Ngoài ra, cá nhân tôi vừa đồng ý với ý kiến trên vừa muốn bổ sung : phòng tránh trước mắt nhất thiết là không đủ, vì đặc điểm di truyền mang tính tích lũy.

Có những hiệu ứng mà chỉ nhiều thế hệ sau mới thể hiện; do đó có lẽ phải phòng ngừa từ lâu dài với ý nghĩ tốt cho nhiều thế hệ con cháu về sau.

*Tựa do Tòa soạn đặt

Tài liệu dẫn chứng

(1) http://science.sciencemag.org/content/347/6217/78

(2) http://science.sciencemag.org/content/355/6331/1330.full

(3) http://www.sciencemag.org/news/2015/01/simple-math-explains-why-you-may-or-may-not-get-cancer.

(4) http://www.iarc.fr/en/media-centre/pr/2015/pdfs/pr231_E.pdf . http://science.sciencemag.org/content/355/6331/1330.full

(5) https://www.scientificamerican.com/article/most-cancer-cases-arise-from-bad-luck/

(6) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-y-te-ung-thu-nhieu-khong-phai-do-thuc-pham-ban-3573308.html

(7) http://cafef.vn/nghien-cuu-moi-khong-phai-do-thuc-pham-ban-hay-moi-truong-o-nhiem-nguyen-nhan-hang-dau-gay-ung-thu-la-do-loi-sao-chep-dna-20170627101344171.chn)

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: http://soha.vn/ung-thu-phong-tranh-thoi-chua-du-nhat-thiet-phai-lam-dieu-nay-de-thoat-khoi-tu-than