Tu sĩ, người được thánh hiến cho sứ mạng

Dẫn nhập

Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (x. Mc 3,14-15). Đây là đoạn Tin Mừng cho chúng ta chìa khóa để hiểu được sự thống nhất giữa Thánh hiến và Sứ mạng. Khi được thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), biến toàn bộ cuộc đời mình thành sứ mạng cứu độ[1], Chúa Ki-tô đã tuyển chọn, thánh hiến nhóm Mười Hai và sai họ đi tiếp nối sứ mạng của Người (x. Mc 16,15-18). Như vậy, việc được thánh hiến và sai đi của nhóm Mười Hai trở thành mẫu thức để những người sống đời thánh hiến bước theo Chúa Ki-tô cách mật thiết hơn. Do đó, Giáo Hội dạy: Tiêu chuẩn tối hậu và quy luật tối thượng của đời thánh hiến là “bước theo Chúa Ki-tô” (Sequela Christi)[2]. Lý do cho tính ưu việt này rất đơn giản: bước theo Chúa Ki-tô là ơn gọi căn bản của Giáo Hội và “đời sống thánh hiến nằm ngay giữa lòng Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội, bởi vì đời sống này ‘biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Ki-tô giáo’[3]. Như thế, tu sĩ làm chứng trong Giáo Hội bằng chứng tá đời sống, bởi vì tu sĩ là người được thánh hiến cho sứ mạng.  

1. Đời sống thánh hiến, chứng tá căn bản của công cuộc loan báo Tin Mừng

Trước hết, đời sống thánh hiến được phác họa rất sinh động trong bức tranh tổng thể công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đó là sự tiếp nối việc thánh hiến và sứ mạng của Chúa Ki-tô. Giáo Hội khẳng định rằng những người thánh hiến “phải xem đời sống tận hiến của mình như một phương thế ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng”[4]. Như vậy, đối với tu sĩ, sống các lời khuyên Phúc Âm là phương thức làm chứng tốt nhất cho Thiên Chúa. Và đó cũng chính là chứng tá mạnh mẽ cho Tin Mừng.  

Thứ đến, đối với tu sĩ, việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm vừa là con đường nên thánh vừa là công cụ mạnh mẽ trong công cuộc truyền giáo. Sự thánh hiến tu trì, bao gồm sự từ bỏ vì sứ mạng, được thể hiện qua lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Những lời khấn giúp những người thánh hiến sẵn sàng thực thi sứ mạng “Ad Gentes” trong lòng thế giới. Ở một cách diễn tả khác, việc tuyên khấn là một cách thức đi theo Chúa Ki-tô một cách triệt để hơn. Từ ‘triệt để’ không có nghĩa là cố gắng sống ít hay nhiều đặc sủng, mà là cố gắng để đặc sủng có thể được áp dụng và được sống trọn vẹn trong từng hoạt động của đời sống. Việc sống triệt để theo Tin Mừng phải đưa tu sĩ đi đến một hệ quả chắc chắn: Nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô như lời khẳng định của Thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Như vậy, qua việc tuyên khấn, tu sĩ có thể công bố không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả thân xác và tâm hồn mình về Chúa Ki-tô, Đấng duy nhất có thể đáp ứng ước muốn sâu xa của con người. 

Sau hết, nhờ việc khấn các lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ được thánh hiến sâu xa hơn cho việc phục vụ Thiên Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Sự thánh hiến này sẽ thực sự hoàn hảo, vì mối liên kết “duy nhất và bất khả phân ly” giữa Chúa Ki-tô và Hiền Thê của Người là Giáo Hội, được thể hiện bằng những mối liên kết bền chặt và ổn định hơn[5]. Mối liên kết đó được trao gửi nơi các tu sĩ. Do đó, tu sĩ được mời gọi trở thành dấu chỉ, chứng tá và lời ngôn sứ về một nền văn hóa mới, về một nhân loại mới, theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì vậy, sự thánh thiện và hoàn thiện xét như là giá trị của đời sống thánh hiến không chỉ dành riêng cho các tu sĩ nữa, nhưng mở rộng ra với toàn thể nhân loại để mọi người có thể hiểu và sống tính ưu việt của Thiên Chúa cũng như các giá trị của Tin Mừng. Đó chính là sự thánh hiến bản thân và sứ mạng “thánh hiến” thế giới. 

2. Tu sĩ tham gia vào sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội

Vậy tu sĩ tham gia vào hoạt động Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội như thế nào?

Trước hết, xét vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: không truyền giáo, Giáo Hội không còn ý nghĩa, không còn là Giáo Hội của Chúa; do đó, mọi Kitô hữu đều có bổn phận phải truyền giáo tùy theo khả năng của mình.[6] Toàn thể Giáo Hội cần hiệp thông với nhau để cùng tham gia thi hành sứ mạng truyền giáo. Xét như là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Đầu, Giáo Hội dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng việc: 1) trở thành bí tích cứu độ phổ quát; 2) công bố vương quốc Thiên Chúa; 3) trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian, và cuối cùng 3) tham gia vào việc cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo.[7]

Đối với tu sĩ, vì ơn gọi đặc thù của mình, tu sĩ đóng một vai trò đặc biệt trong việc tham gia cách tích cực vào sứ mạng mà Chúa Ki-tô trao cho Giáo Hội. Nói theo cách loại suy, tu sĩ cũng được mời gọi: trở nên “bí tích ơn cứu độ“, và “công bố vương quốc Thiên Chúa” ngang qua việc sống chiều kích thánh hiến của mình; trở nên “muối và ánh sáng cho trần gian”, và “tham gia vào công cuộc cứu rỗi và canh tân nhân loại” ngang qua việc sống chiều kích sứ mạng đặc thù được khắc họa trong đặc sủng sáng lập của dòng mình. Từ đó, đời sống tu sĩ trở thành lời nhắc nhớ về chân lý thiêng liêng và hằng cửu không chỉ bằng lời nói hay niềm xác tín nội tâm, mà đặc biệt bằng những sự kiện và việc làm theo Tin Mừng. Bề ngoài, căn tính (to be) và hoạt động (to do) đặc thù của tu sĩ không thể là điều gì siêu phàm và có sức đem lại ơn cứu độ, nếu như họ không gắn kết tự nội tại với căn tính và sứ mạng của Chúa Ki-tô. Nguyên tắc Kinh viện chỉ ra rằng: Operari sequitur esse – Hoạt động theo sau bản tính. Do đó, sứ mạng phải phản ánh bản chất của tu sĩ, bởi vì sứ mạng không chỉ là làm, mà trước hết là một cách thế hiện hữu. Tất cả các hoạt động truyền giáo đều tìm cách phản ánh một cách nào đó mầu nhiệm Đức Ki-tô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6) vĩnh cửu.

Ngoài ra, tu sĩ còn tham gia vào công cuộc Phúc Âm hóa của Giáo Hội trước hết bằng đời sống chứng nhân với tư cách cá nhân và cộng đoàn. Qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ cống hiến một chứng tá tuyệt vời cho thế giới, một thế giới bị thống trị bởi quyền lực, tình cảm, sở hữu và chủ nghĩa duy vật. Đời sống thánh hiến làm cho tu sĩ yêu thương người khác vô điều kiện như Chúa đã yêu (x. Ga 15,12) và cũng cho phép họ dấn thân ở bên người nghèo, hoạt động vì công lý, tự do và giải phóng người nghèo. Việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm thực sự tạo ra một cách thức hữu hiệu để chia sẻ sứ mạng của Chúa Ki-tô và làm cho Chúa Ki-tô hiện diện liên tục và sống động theo một cách thế đặc biệt.

Sau hết, sự tham gia và đóng góp của những người thánh hiến vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội liên quan đến đặc sủng của mỗi gia đình dòng tu riêng biệt. Đặc sủng thực sự là ân sủng của Chúa Thánh Thần trên các đấng sáng lập; và nhờ hồng ân này, Thiên Chúa làm cho mỗi tu sĩ sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau nhằm góp phần canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội. Những đặc sủng này, “từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội”[8]. Bằng cách này, nhờ đặc sủng và đoàn sủng, tu sĩ trở thành dấu chỉ của Giáo Hội để qua đó, mầu nhiệm tình yêu hữu hình của Thiên Chúa đối với con người trong thế giới được biểu lộ nơi và qua tu sĩ theo dòng thời gian.

3. Sự đóng góp cụ thể của đời sống thánh hiến cho sứ mạng

3.1. Chứng tá bằng đời sống

Theo sắc lệnh Ad Gentes, mục đích của hoạt động thừa sai là loan báo Tin Mừng[9]. Từ ‘loan báo Tin Mừng’ là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại như lời tác giả sách Khải Huyền: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5)[10]. Như vậy, theo lời gợi ý của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, đóng góp đặc biệt của tu sĩ trong việc loan báo Tin Mừng trước hết bằng chứng tá một cuộc đời hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình, bằng cách bắt chước Chúa là Đấng vì yêu thương con người đã muốn hạ mình làm kẻ nô lệ. Theo đó, nhờ việc thánh hiến và việc hoàn toàn hiến mình, tu sĩ làm cho người khác thấy được sự hiện diện yêu thương và cứu độ của Đức Ki-tô, Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai đi. Khi để Đức Ki-tô chiếm đoạt (x. Pl 3,12), tu sĩ chuẩn bị trở thành, cách nào đó, nhân tính kéo dài của Chúa Ki-tô[11].

Đời sống chứng tá phải thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể, ngõ hầu Tin Mừng được công bố. Chẳng hạn giữa cộng đoàn tu trì, tu sĩ phải biểu lộ khả năng cảm thông và đón nhận, chia sẻ đời sống và số phận với những người khác, bày tỏ tình liên đới trong những nỗ lực chung nhằm đạt được những gì là cao quý và tốt đẹp nhất. Hay một cách đơn giản và tự nhiên, tu sĩ chiếu tỏa niềm tin của mình nơi những giá trị vượt xa những giá trị thông thường, niềm trông cậy vào điều mà người khác không thấy và có lẽ không dám mơ tưởng tới. Nhờ chứng tá không lời này, tu sĩ gợi lên trong tâm hồn những người khác thấy họ sống, hoạt động và hiện hữu như Đức Ki-tô (x. Cv 17,28): Tại sao họ là những người như thế? Tại sao họ sống như vậy? Cái gì hoặc ai đã thôi thúc họ? Tại sao họ ở giữa chúng ta? Thật vậy, sống chiều kích thánh hiến như một chứng tá như thế đã là lời công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt, hiệu nghiệm và có sức lay động. Đó là động tác khai mào của việc loan báo Tin Mừng. Đó có thể là những vấn nạn đầu tiên mà nhiều người không ‘thật sự’ là Ki-tô hữu đặt ra. Họ là những người chưa bao giờ được nghe nói về Đức Ki-tô; hoặc có thể họ là những người đã chịu phép rửa nhưng không hành đạo; họ là những người sống trong cộng đoàn Ki-tô hữu nhưng lại không hề theo những nguyên tắc Ki-tô giáo, hoặc là những người vất vả tìm kiếm một cái gì hay một Đấng nào đó mà họ suy đoán là có, nhưng không thể biết tên là gì. Rồi sẽ có những vấn nạn khác sâu xa hơn, đòi hỏi hơn, phát sinh từ chứng tá ấy, một chứng tá bao gồm sự hiện diện, sự chia sẻ, tình liên đới. Chứng tá đó là yếu tố chính yếu, tiên quyết của việc loan báo Tin Mừng[12]. Lời mời gọi làm chứng tá mãnh liệt đến độ, như lời Thánh Phao-lô đã thốt lên: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”(1Cr 9,16). Vì vậy, trong khi luôn trung thành với đoàn sủng của mình, tu sĩ phải ý thức rằng họ tham gia đặc biệt vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, nhờ sự tận hiến nội tâm của họ cho Thiên Chúa[13].

3.2. Chứng tá bằng việc rao giảng Lời

Đời sống chứng tá phải trở nên sống động và khả tín, có thế mới có sức thu hút người ta đến với Chúa Ki-tô là Đấng hằng sống. Tuy nhiên, đời sống chứng tá thôi chưa đủ, vì chứng tá cho dù đẹp đến mấy cũng sẽ trở nên vô hiệu theo thời gian, nếu nó không được soi sáng và diễn đạt bằng một sự loan báo rõ ràng, không mập mờ về Đức Ki-tô. Bởi lẽ, một khi Tin Mừng đã được công bố nhờ chứng tá đời sống thánh hiến như một lời thầm lặng, sớm muộn phải được công bố bằng Lời Hằng Sống. Không có loan báo Tin Mừng thật nếu danh tính, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Đức Giê-su Na-za-rét không được các tu sĩ sống và công bố một cách sống động và khả tín[14].

Khi đọc lại lịch sử đời tu, chúng ta thấy rằng vào mỗi giai đoạn mới của lịch sử nhân loại, Giáo Hội vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng, nhưng với một mối bận tâm là: Sai ai đi loan báo mầu nhiệm Đức Ki-tô? Ai là người khả tín để loan báo? Dùng ngôn ngữ nào để loan truyền mầu nhiệm này? Làm thế nào để mầu nhiệm này vang động và tới được tai người nghe? Việc loan báo này, nghĩa là loan truyền (Kerygma), giảng dạy, hay huấn giáo chiếm một vị trí quan trọng đến nỗi nó trở nên đồng nghĩa với việc loan báo Tin Mừng, dù tất cả cũng chỉ là một khía cạnh của việc loan báo Tin Mừng mà thôi. Nhưng ai là người khả tín và phục vụ mãnh liệt hơn cả? Giáo Hội đã, đang và sẽ luôn đặt niềm hy vọng vào tu sĩ. Trái lại, về phía mình, để truyền giáo một cách hiệu quả trong thế giới đương đại, tu sĩ phải tuân theo mọi nỗ lực của Giáo Hội, sử dụng các phương pháp, kế hoạch và kỹ thuật; trung thành với ơn thánh của mình. Bên cạnh đó, tu sĩ phải tham gia vào chương trình mục vụ của Giáo Hội địa phương nơi họ sống, trực tiếp phục vụ dân Chúa.

3.3 Chứng tá qua việc phục vụ

Không những phải khởi đi từ chứng tá đời sống, được làm cho nên sống động và sáng tỏ bằng việc rao giảng Lời, bên cạnh đó, tu sĩ còn phải nên nhân chứng phục vụ, để Lời Chúa được công bố hữu hiệu, qua các công việc và hoạt động bác ái, đặc biệt là hoạt động ưu tiên cho người nghèo được thực thi. Chứng tá phục vụ của tu sĩ cho thấy rằng lòng bác ái của Thiên Chúa là nền tảng và là động lực của tình yêu tự do và niềm vui. Nó bao gồm sự hiện diện, chia sẻ, liên đới, và đó là yếu tố thiết yếu và nói chung là yếu tố quan trọng trong việc truyền giáo. Bằng cách đảm nhiệm nhiều hoạt động bác ái khác nhau cho xã hội, ưu tiên cho người nghèo và người bệnh, tu sĩ có thể cống hiến hết mình cho Chúa Ki-tô bằng cách cam kết và thực hiện công cuộc phát triển toàn diện con người. Do đó, trong tông huấn Vita Consecrata, Đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng “phục vụ người nghèo là một hành động truyền giảng Phúc Âm, và đồng thời đóng ấn trung tín với Tin Mừng và mời gọi hoán cải thường xuyên[15]. Cũng theo Đức Phan-xi-cô, nếu không lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, “việc rao giảng Tin Mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt chửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay”[16].

Nhưng, đâu là ý nghĩa và cách thức của tu sĩ trong khi làm chứng tá qua việc phục vụ người nghèo? Có thể kể ra hai ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất, sự dấn thân phục vụ người nghèo của tu sĩ không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp; điều mà Chúa Thánh Thần gợi hứng không phải là một thái độ hiếu hoạt vô trật tự, nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác “hầu như là một với chúng ta”.[17] Sự chú tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy tu sĩ hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ. Điều này đòi hỏi sự trân trọng người nghèo, kinh nghiệm cuộc đời của họ, văn hoá của họ và cách họ sống đức tin. 

Thứ hai, lựa chọn ưu tiên người nghèo đòi hỏi phải có một tình yêu vô vị lợi. Tình yêu đích thực khiến tu sĩ phục vụ người khác không phải vì nhu cầu hay để phô trương, nhưng đúng hơn vì họ đẹp vượt trên dáng vẻ bề ngoài của họ: “Tình yêu làm chúng ta thấy người khác dễ thương khiến chúng ta tự ý trao tặng họ một điều gì đó”.[18] Khi được yêu, người nghèo “được quý chuộng như một giá trị lớn[19], và đây chính là điều làm cho chọn lựa đích thực vì người nghèo khác với mọi ý thức hệ khác, khác với mọi cố gắng bóc lột người nghèo vì lợi ích cá nhân hay chính trị. Chỉ trên cơ sở của sự gần gũi thực sự và chân thành này, tu sĩ mới có thể đồng hành với người nghèo trên con đường giải phóng của họ”[20].

Kết luận

Có thể nói, đời sống thánh hiến tạo nên trong Giáo Hội một lời mời gọi loan báo Tin Mừng thiết thực, đúng đắn và rõ ràng. Nếu đời tu không phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, nó sẽ mất đi lý do tồn tại. Vì thế, tu sĩ không bao giờ được thờ ơ với mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; đúng hơn tu sĩ sống đời thánh hiến là để phục vụ sứ mạng. Tuy nhiên, nhờ sự thánh hiến và chính bản thân mình, tu sĩ không những có đặc ân rao giảng Tin Mừng, làm cho chính Chúa Giê-su Ki-tô hiện diện trong thế giới một cách thành tín và triệt để, và hơn hết, đó còn là trách nhiệm của tu sĩ, một trách nhiệm làm cho mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô sáng lên trong lòng thế giới hôm nay. Muốn chu toàn trách nhiệm, tu sĩ phải có ơn trung thành và niềm vui bền đỗ. Vì lẽ, chính sự trung thành bền đỗ và khiêm tốn đối với sự thánh hiến đã làm nên định nghĩa cuộc đời của tu sĩ,[21] là những người được thánh hiến cho sứ mạng.

Lm. Giu-se Vũ Đức Phán, MF

—————

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Kinh Thánh

Kinh Thánh. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn giáo, 2011

2. Tài liệu huấn quyền

Công đồng Vatican II. Bản dịch của UBGLĐT – HĐGMVN. Hà Nội: Tôn giáo, 2019

Bộ Giáo luật 1983. Bản dịch của HĐGMVN. Hà Nội: Tôn giáo, 2007

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (1992). Bản dịch của UBGLĐT – HĐGMVN. Hà Nội: Tôn giáo, 2010

Đức Phaolô VI. Tông huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (08.12.1971)

Đức Gioan Phaolô II. Thông điệp Sứ mạng Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio (07.12.1990)

Đức Gioan Phaolô IITông huấn Đời sống thánh hiến và sứ vụ của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội và trên thế giớiVita Consecrata (25.03.1996)

Đức Phanxicô. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium (24.11.2013)

Bộ các Dòng tận hiến và các Tu đoàn Tông đồ. Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ (2023)

3. Sách tham khảo

Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tổng luận Thần học Summa Theologiae. Bd. Học viện Đa Minh. Lưu hành nội bộ, 2000


[1] X. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 72

[2] X. Cđ. Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 2a

[3] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 3

[4] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 69

[5] X. Cđ. Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 44

[6] X. Cđ. Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 17

[7] X. Cđ. Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 1

[8] Cđ. Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 12

[9] Cđ. Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 6

[10] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 18

[11] X. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 76

[12] X. Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 21

[13] X. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 77

[14] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 22

[15] Tông huấn Vita Consecrata, số 82

[16] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199

[17] Thánh Tôma Aquinô, ST II-II, q. 27, a. 2

[18] Ibid., I-II, q. 110, a. 1

[19] Ibid., I-II, q. 26, a. 3

[20] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199

[21] X. Bộ các Dòng tận hiến và các Tu đoàn Tông đồ, Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ, số 29. (Dg. Đaminh Nguyễn Đức Thông, (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2023), tr. 54

Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/