Tự hủy hoại gan do sử dụng kháng sinh bừa bãi

Mua - bán kháng sinh không cần đơn, sử dụng kháng sinh ngắn ngày (chỉ 2-3 ngày), dùng kháng sinh nặng cho những triệu chứng nhẹ, dùng kháng sinh quá liều, lạm dụng kháng sinh đắt tiền …. Đây đang là thực trạng sử dụng kháng sinh tại Việt Nam.

Từ thói quen “tiêu dùng” kháng sinh bừa bãi …

Theo thống kê, 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Kháng sinh chiếm 36% tổng chi phí cho thuốc và hóa chất trong bệnh viện (cao nhất ở Bệnh viện Nhi TP HCM là 89%).

Dùng kháng sinh cả khi cơ thể không nhiễm khuẩn! Khi bị hắt hơi sổ mũi, ho hay các dấu hiệu của viêm họng, người dân thường tự ý mua thuốc không cần đơn. Không cần biết nguyên nhân, các nhà thuốc đều đưa thuốc kháng sinh (liều dùng khoảng 2-3 ngày) vào đơn thuốc để “chắc ăn”. Vì nếu nhiễm khuẩn thì kháng sinh sẽ điều trị, còn không thì cũng để người mua thuốc yên tâm. Nhưng đâu phải cứ ho, hắt hơi, viêm họng là do vi khuẩn?

Đây đang là vấn nạn nghiêm trọng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Các quy chế quản lý bán thuốc kê đơn còn lỏng lẻo kết hợp với nhận thức người dân chưa cao, khiến các nhà thuốc vì lợi nhuận mà thoải mái bán kháng sinh cho người dân dẫn tới tình trạng nhờn và kháng thuốc ngày càng tăng. Không chỉ người bệnh, nhà thuốc mà đôi khi cả bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh đắt tiền, chỉ định kháng sinh không phù hợp để kê đơn, thậm chí kê hơn 2 loại kháng sinh trong 1 đơn thuốc.

Đến … tự hủy hoại gan

Kháng kháng sinh là hệ lụy cực kỳ nguy hiểm do sử dụng kháng sinh bừa bãi. Trong tương lai khi kháng sinh không còn tác dụng thì triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, kháng sinh gây rất nhiều tác dụng phụ lên gan.

Trong nhóm kháng sinh Penicillins, flucloxacillin là kháng sinh gây tổn thương gan với tần xuất cao nhất. Dạng kết hợp amoxicillin-clavulanate (Augmentin) là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra viêm gan cấp (kết hợp với viêm màng phổi và viêm kẽ thận) – chỉ sau paracetamol. Các kháng sinh khác trong nhóm (cloxacillin, dicloxacillin, floxacillin, và ticarcillin+clavulanate) có thể gây ra viêm gan ứ mật, viêm túi mật, tổn thương hoặc biến dạng ống dẫn mật.

Các Cephalosporins cũng được dùng rất nhiều hiện nay. Cefuroxime (Zinnate) có thể gây ra vàng da ứ mật. Ceftriaxone (Rocephin) có thể tạo thành cặn bùn mật gây ra vàng da và viêm túi mật. Các kháng sinh Fluoroquinolones gây ứ mật hoặc gây độc tế bào gan. Nalidixic acid (thế hệ 1); norfloxacin, ciprofloxacin, và ofloxacin (thế hệ 2); levofloxacin, moxifloxacin, và gatifloxacin (thế hệ 3) có thể gây các tổn thương gan nặng, liên quan đến viêm tụy. Viêm gan u hạt đã được mô tả với norfloxacin, ứ mật kéo dài được nhìn thấy với ciprofloxacin (Cipro-bay). Trovafloxacin (thế hệ 4) gây ra độc tính trên gan nghiêm trọng nhất trong nhóm này, nên hạn chế điều trị ở các bệnh nhân nội trú.

Nhóm Sulfonamides (sulfisoxazole, sulfamethoxazole) có thể gây ra các tổn thương gan như: hoại tử tế bào gan, ứ mật, viêm gan u hạt. Kết hợp sulfamethoxazole - trimethoprime gây độc gan và ứ mật trầm trọng, trong một số trường hợp có thể xuất hiện viêm tụy hoặc nặng nhất là suy gan tối cấp. Sử dụng Tetracyclines ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây gan nhiễm mỡ. Minocycline, kháng sinh trong nhóm này thường dùng để điều trị mụn trứng cá ở trẻ vị thành niên, gây gan nhiễm mỡ, kết hợp thêm các triệu chứng viêm gan cấp và mạn tính khác.

Nhóm Macrolides: erythromycin có thể gây các tổn thương gan theo mức độ khác nhau tùy thuộc vào dạng muối kết hợp (erythromycin ethylsuccinate, erythromycin propionate, …) và dạng bào chế, từ nhẹ như các phản ứng quá mẫn (ban da, mẩn ngứa) đến nặng như hoạt tử gan khi dùng đường tiêm. Roxithromycin, clarithromycin (Klacid) và azithromycin (Zithromax) đã được báo cáo là gây viêm gan ứ mật.

Kháng sinh khác: chloramphenicol gây vàng da hoặc trầm trọng hơn là ứ mật và hoại tử gan.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe lá gan

Tuy có nhiều tác dụng phụ, nhưng việc phải sử dụng kháng sinh là không thể tránh khỏi. Các tổn thương gan do kháng sinh thường xảy ra sau khi dùng thuốc từ 5 – 90 ngày, và đặc biệt là rất khó phát hiện các triệu chứng giai đoạn đầu ít biểu hiện ra ngoài. Do vậy, ngoài việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, bạn cần phải tăng cường chăm sóc sức khỏe lá gan của mình, uống định kỳ theo đợt thuốc bổ gan, giải độc gan, phục hồi chức năng gan. Để tránh tác dụng phụ, người bệnh nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược.

TRẦN DUY QUỲNH

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/