Đột quỵ xảy ra như thế nào?
Các động mạch đảm nhận nhiệm vụ dẫn truyền máu để nuôi bộ não. Trung ương thần kinh cần một lượng máu tương đối lớn và ổn định, để đảm bảo có đủ oxy cùng các chất dinh dưỡng cho các hoạt động diễn ra được bình thường.
Loại đột quỵ thường gặp nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ). Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường xảy ra bên trong các động mạch xuất hiện mô mỡ (gọi là mảng bám) làm hẹp con đường lưu thông máu bên trong động mạch. Có hai loại đột quỵ thiếu máu cục bộ phổ biến là:
-Đột quỵ do huyết khối: Hình thành cục máu đông ở động mạch ở cổ hoặc não ngăn cản dòng chảy của máu đến bộ não.
-Đột quỵ do tắc mạch: Cục máu đông được hình thành ở một vị trí nào đó trong cơ thể (chủ yếu là ở tim) và sau đó được dòng chảy của máu đưa dần lên não. Nếu cục máu đông này đến được các động mạch nằm gần hoặc bên trong não bộ, nó có thể gây tắc nghẽn mạch máu.
Khi động mạch dẫn máu đến nuôi một phần não đó của bộ não bị “khóa cứng”, trong quá trình xảy ra đột quỵ, khí oxy và dưỡng chất không thể tiếp cận được với các tế bào não, khiến những tế bào này bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút.
Một dạng đột quỵ ít phổ biến hơn là đột quỵ do xuất huyết, xảy ra khi các mạch máu bị suy yếu và vỡ ra khiến máu bị rò rỉ ra các mô của não. Hệ quả của việc này là dòng máu nuôi não bị tắc nghẽn, đồng thời lượng máu bị rò rỉ sẽ làm tăng áp lực lên các mô não, khiến chúng bị tổn thương. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não hoặc ở khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài. Theo thống kê, khoảng 15% các ca đột quỵ là do xuất huyết não gây ra.
Loại đột quỵ cuối cùng thường được gọi là đột quỵ nhỏ (TIA). TIA xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch dẫn máu đi nuôi não. Tuy nhiên khác với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, trong trường hợp của TIA cục máu đông sẽ tự vỡ ra sau một thời gian ngắn và động mạch sẽ thông suốt trở lại. Chính vì điều này mà TIA thường không gây ra các tổn thương lâu dài đối với cơ thể. Tuy nhiên, TIA lại là dấu hiệu cảnh báo cho nguy cơ đột quỵ cao hơn. Do đó, nếu đã đã xảy ra đột quỵ nhỏ, bệnh nhân cần thăm khám để các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng.
Dấu hiệu của đột quỵ
-Đột nhiên bị tê buốt hoặc liệt cơ mặt, tay, chân, đặc biệt là khi triệu chứng này chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể.
-Choáng váng đột ngột và gặp các vấn đề về phát âm hoặc không thể hiểu được người khác đang nói gì.
-Đột nhiên gặp vấn đề về thị giác với một hoặc cả hai mắt.
-Mất thăng bằng đột ngột, không thể đi và xuất hiện cơn đau đầu cấp tính có thể kèm theo nôn mửa.
Minh Nhật
Theo Nucleus Medical Media
Nguồn: https://dantri.com.vn