Trẻ bị tay-chân-miệng có dấu hiệu này nhập viện ngay...

Trẻ bị tay-chân-miệng có dấu hiệu này nhập viện ngay kẻo biến chứng rất nhanh và nguy hiểm

Nguyễn Khánh 

Trẻ bị tay-chân-miệng có dấu hiệu này nhập viện ngay kẻo biến chứng rất nhanh và nguy hiểm

Hầu hết các trường hợp trẻ bị tay-chân-miệng đều tự khỏi sau vài ngày. Nhưng nếu mắc phải loại virus độc mang tên EV71 thì rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

Từ đầu năm đến nay trên cả nước thống kê có hơn 5 vạn trường hợp mắc tay-chân-miệng và đã có trường hợp tử vong.

Tay- chân-miệng từ đâu đến?

Tác nhân của bệnh này do một nhóm nhiều virus gây nên và xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, nhiều hơn ở dưới 5 tuổi, tập trung ở dưới 3 tuổi, đỉnh cao là 1-2 tuổi. 

Người lớn có mắc không? Có nhưng ít đối với người thiếu miễn dịch với các loại virus này. 

Trẻ bị tay-chân-miệng có dấu hiệu này nhập viện ngay kẻo biến chứng rất nhanh và nguy hiểm - Ảnh 1.

Hình ảnh bàn tay của trẻ bị mắc tay-chân-miệng (Nguồn: Internet)

Các đường lây truyền bệnh 

Các đường lây truyền bệnh tay-chân-miệng chủ yếu như sau:

 - Trẻ chơi với nhau, cười giỡn, cắn đồ chơi, ăn chung kẹo, ho... dẫn đến văng nước bọt, nước mũi vào miệng nhau

- Người lớn bế các bé dính dịch miệng, mũi, phân lên áo, quần cũng trở thành nguồn lây

Các virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết sau khoảng 24h, từ đó số lượng được nhân lên rất nhanh và cuối cùng đánh vào các vùng da ở tay, chân, miệng để lại các tổn thương da và niêm mạc.

Triệu chứng

Trẻ bị tay-chân-miệng có dấu hiệu này nhập viện ngay kẻo biến chứng rất nhanh và nguy hiểm - Ảnh 2.

Bảng phân biệt triệu chứng của bệnh tay-chân-miệng với các bệnh khác

Rất khó phân biệt triệu chứng của tay-chân-miệng với các bệnh tương tự khác. Tuy nhiên, bệnh này có những triệu chứng cơ bản sau

- Sốt: Sốt cao hay không không quan trọng, quan trọng là có sốt. Sau đó là "bọng nước" nổi lên ở nướu, mặt trong má, tay chân bắt đầu nổi ban đỏ (đôi khi kèm bọng nước).

Lưu ý: Đặc điểm của các ban này là thường KHÔNG ngứa.

Cái tên tay-chân-miệng không phải được đặt một cách ngẫu nhiên mà xuất phát từ cụm từ "Hand - Foot - Mouth Disease" (HFMD) mang đậm màu sắc "triệu chứng". Y học hiện nay thật đáng tiếc phải thông báo rằng chỉ dừng ở mức chiến đấu chữa các triệu chứng xuất hiện trên tay, chân và miệng của bệnh nhân. Không (chưa) có thuốc đánh vào gốc bệnh. 

- Giai đoạn kinh khủng tiếp theo là "vỡ tổ": Các bọng nước ở miệng vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, nhắc lại là rất đau đớn nên phụ huynh phải hết sức kiên trì và bình tĩnh khi ăn kém hoặc sợ không dám ăn. 

Làm thế nào để biết tình trạng trẻ đã trở nên nghiêm trọng?

Đó là lúc sốt cao không giảm, nôn nhiều, tay chân run lẩy bẩy, dáng đi loạng choạng, thở gấp... Cần NHẬP VIỆN NGAY vì biến chứng đến rất nhanh và biến chứng chồng lên biến chứng dẫn đến tử vong đôi khi chỉ trong 24h.

Còn ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ thì rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh phức tạp thêm. 

Như đã nói ở trên, có rất nhiều virus gây tay-chân-miệng và đa phần bệnh nhân tự khỏi sau vài ngày, ngoại trừ 1 loại virus mang tên EV71. 

Loại virus này có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện một bệnh viêm màng não điển hình với biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn ồ ạt... tệ nhất sẽ dẫn đến tử vong.

Chăm sóc trẻ bị tay-chân-miệng

Chăm sóc trẻ bị tay-chân-miệng cần nhất là kiên trì vì bé sẽ không muốn ăn uống, lừ đừ mệt mỏi. Cho bé ăn những thứ bé thích ăn, kích thích bé muốn ăn và bổ sung vitamine C qua nước uống cam, chanh, kiwi...

Khi ăn đừng xài thìa, nĩa cứng - chọt vào bọng nước sẽ gây tổn thương cho trẻ.

Đối với trẻ còn bú thì cần chú ý vệ sinh núm vú, có thể tăng số lần bú trong ngày vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều. 

Bệnh này chả có gì phải kiêng khem. Sau khi ăn, nên súc miệng trẻ thật sạch và nhịn hoàn toàn trong 3-4 giờ sau mới cho ăn uống trở lại.

Bệnh này chưa có vắc-xin và chưa có thuốc chữa. Vì vậy, cách tốt nhất là chú trọng đến công tác phòng bệnh. Rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, đeo khẩu trang, không cho trẻ ngậm mút ngón tay, không cho trẻ ngậm núm vú giả, cắt móng tay gọn gàng... 

Chú ý thời gian này không cho trẻ sinh hoạt tập thể, không đi bơi, không đi nhà trẻ để tránh lây nhiễm bệnh cho các trẻ khác. 

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: http://soha.vn/tre-bi-tay-chan-mieng-co-dau-hieu-nay-nhap-vien-ngay-keo-bien-chung-rat-nhanh-va-nguy-hiem