Tranh luận về sự trinh khiết của Mẹ Maria

Bấy lâu nay, ta vẫn nghe nói đến những tranh luận liên quan đến sự trinh khiết của Mẹ Maria. Giáo Hội Công Giáo đã tuyên tín về sự đồng trinh của Mẹ. Nhưng vẫn có nhiều giáo phái, đặc biệt nơi các anh em Tin Lành, không tin điều này. Truyền thống Matthêu và Luca khẳng định trinh khiết của Mẹ khi thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu, nhưng lại không nói rõ là giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria có người con nào khác hay không. Các công đồng thời kỳ đầu dường như không thấy lấn cấn gì trong chuyện này. Chỉ đến sau này, cuộc tranh luận mới bắt đầu rộ lên.

Nguyên nhân là bởi trong Kinh Thánh có một vài nơi đề cập đến gia đình của Đức Giêsu. Mc 3,32-35, hay Mt 12,46-50, Lc 13,19-21 ta thấy có nói đến “mẹ, anh em, chị em” của Đức Giêsu. Lc 4,16-22 không nói đến anh chị em của Đức Giêsu, còn Mc 6,1-6, Mt 13,54-56 có nhắc đến tên anh em mà không nhắc đến tên chị em. Cv 1,14 nói về anh em của Đức Giêsu khi thuật lại việc họ đang cầu nguyện với nhóm Tông Đồ. Gl 1,9 nói về Giacobê là anh em của Chúa (có vẻ Giacobê này là Giacobê ở Mt 13,54-58). Tại 1Cr 9,5, Phaolô đòi quyền đem theo mình trong cuộc hành trình tông đồ một nữ Kitô hữu “như các tông đồ, anh em của Chúa và Kefa”. Tin Mừng Gioan nhắc đến anh em Chúa Giêsu hai lần: tiệc cưới Cana: Ga 2,12 và Ga 7,3,5,10 nhân cuộc hành hương lên Giêrusalem lúc lễ Lều… Lúc này các anh chị em chống đối Chúa Giêsu nhưng Cv 1,14 cho thấy sau phục sinh thì không còn chống đối nữa. Ngụy Phúc Âm Giacobê cho rằng nếu có anh chị em thì đó là do con riêng của Giuse. Nhưng có hợp lý không khi cho rằng Mẹ kết hôn với một người đàn ông đã có mấy mặt con rồi?

Có hai lối giải thích liên quan đến vấn đề. Lối thứ nhất vì nhấn mạnh đến thực tại nhân tính của Chúa Kitô phục sinh nên phải nói rõ là Đức Giêsu có thể có anh chị em ruột. Truyền thống của nguỵ Tin Mừng Giacobê có vẻ đi theo lối này. Người ta muốn cho thấy rằng Đức Giêsu thật sự là con người, có lịch sử, có gia đình, đã chết nhưng đã sống lại. Đấng phục sinh là một con người thật sự chứ không phải thiên thần. Với cách hiểu này, họ đã vô tình cho rằng Đức Maria không đồng trinh. Còn lối giải thích thứ hai thì thiên về ngữ nghĩa học. Từ “anh em, chị em” (tiếng Aram: aha, tiếng Do Thái: ah, tiếng Hy Lạp: adelphos) có nghĩa là anh em ruột, anh em họ, cháu trai, người bà con xa gần. Ví dụ: Ông Lót là cháu của Abraham nhưng được gọi là anh em Abraham. Giacop là anh em của Laban mà Laban là cậu của Giacop (St 13,8; 14,16 – St 28,20; 19,15 / Tb 7,8,4). Như thế, những “anh chị em” mà các đoạn Tân Ước trích dẫn ở trên nói đến chỉ là bà con họ hàng chứ không phải do Mẹ Maria sinh ra.

Người ta cũng đưa ra một vài lý chứng cho cách giải thích thứ nhất. Ở Mc 3,32, nếu chữ “mẹ” hiểu theo nghĩa chặt thì chữ “anh chị em” cũng phải được hiểu như vậyKhi Cựu Ước dùng từ “anh em” thì cũng xác định luôn tương quan thực tế. Nhưng Tân Ước lại không xác định rõ như vậy. Nếu không nói đến thì có thể là anh em ruột. Bản Tân Ước tiếng Hy Lạp phân biệt rõ ràng giữa từ “anh em (adelphos)” và “anh em họ (anepsios)”. Cho nên, những nhân vật bên bản Aram có thể dùng từ “anh em” mang ý nghĩa rộng, nhưng những nhân vật bên bản Hy Lạp thì không làm thế được. Do vậy, hẳn là bên Hy Lạp đã chọn từ đúng.

Còn các lý chứng theo ý thứ hai? Lằn ranh giữa tiếng Aram và Hy Lạp có thể hiểu được. Một nhân vật bên tiếng Hy Lạp có thể dễ dàng dùng một từ trong cách dùng tiếng AramDo niềm tôn kính đối với gia đình nhân loại của Chúa Giêsu mà cộng đoàn sơ khải thích dùng câu nói cao quý “anh em của Chúa” hơn là dùng câu hói tầm thường “anh em họ” của Chúa. Tại Mc 15,40 hay Mt 27,56 có ghi nhận sự hiện diện của “bà Maria, mẹ Giacobê và Giosep”. Hai người này có thể ở Mc 6,3 và Mt 13,55. Bà Maria này còn có thể là em Mẹ Maria như Ga 19,25.

Truyền thống Gioan có vẻ thiên về ý thứ hai. Nếu Giêsu còn có anh chị em nào khác, Ngài không thể trối Mẹ cho Gioan được (x.Ga 19,26-27). Càng không thể có chuyện các anh em có mặt cầu nguyện với các tông đồ rồi mẹ lại về sống với một môn đệ nào đó được (x.Cv 1,12-14). Có người cho rằng Tin Mừng Gioan mang tính biểu tượng, nhưng không thể chối bỏ rằng nó cũng có tính lịch sử vì Gioan là chứng nhân tận mắt. Các giáo phụ như Inhaxio Antiokia (110), Justino (165), Irene Lyone (202) có lẽ không bao giờ đặt vấn đề về sự đồng trinh của Đức Mẹ. Tertuliano (220) thì cho rằng Giuse và Maria có con riêng. Origen lại bênh vực sự đồng trinh của Đức Mẹ.

Là con cái của Giáo Hội, thiết nghĩ chúng ta cần nghe theo lời dạy bảo của Giáo Hội. Sự đồng trinh của Đức Mẹ không thể được chứng minh bằng những lý chứng cụ thể của các chứng từ rõ ràng nhưng đã ăn sâu vào đức tin của các Kitô hữu. Thiết nghĩa, duy trì hiệp thông đức tin thì cần thiết hơn. Mẹ là người được Thiên Chúa chọn để trở nên mẹ Đấng Cứu Thế. Hiểu theo nghĩa này, chính Mẹ là người tu sĩ đầu tiên vì đã nói tiếng “xin vâng” với Ngài. Mẹ vẫn luôn tiếp tục thưa lời “xin vâng” trong mọi biến cố của cuộc sống, và luôn đồng hành, gắn bó với con mình trong cả hành trình cuộc đời. Ta có quyền suy đoán rằng biết đâu Đức Giêsu đã học cách sống sự trinh khiết vì Nước Trời từ mẹ mình? Mẹ chính là thụ tạo mới, được hưởng trước ơn cứu độ từ con của mình. Mẹ sống tại thế nhưng đã được sinh ra trên Thiên Đàng rồi. Là thụ tạo mới, sống trên Thiên Đàng, người tu sĩ đầu tiên… tất cả những chi tiết này khiến ta cảm thấy rằng Mẹ thật sự phải là một con người đồng trinh, một con người thanh khiết được Thiên Chúa tuyển lựa, một con người thuộc về Chúa hoàn toàn mà mỗi người tu sĩ về sau đều nhìn vào đó như một mẫu gương để bắt chước.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: https://dongten.net