Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Đức Ông Antoine Camilleri, tái lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo và chống lại các hình thức bách hại, kỳ thị các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Đức Ông Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh và cũng là người nhiều lần hướng dẫn Phái toàn Tòa Thánh sang Việt Nam hoặc gặp gỡ Phái đoàn chính phủ Việt Nam tại Vatican để bàn về quan hệ song phương.
Giới thiệu tạp chí mới
Trong bài tham luận hôm 15/07/2019 tại Vương cung Thánh Đường Thánh Bartolomeo ở đảo Tiberina, Roma, để phát động Tạp Chí về sự bách hại các Kitô hữu, Đức Ông Camilleri tố giác thực tại mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là một thứ “diệt chủng do sự dửng dưng tập thể của dư luận thế giới trước tình trạng các tín hữu Kitô bị trục xuất nhất loạt khỏi các xã hội và các nền văn hóa, thậm chí cả tại những miền phát sinh Kitô giáo”.
Đức Ông Camilleri nhấn mạnh rằng “Sự kỳ thị bất công, bạo hành và bách hại bất kỳ người nào, nhất là vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng, là điều không thể chấp nhận được về luân lý và đáng lên án... Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những cuộc tấn công các nhóm tín hữu do những kẻ khủng bố, do các nhóm cực đoan và cuồng tín, không chút tôn trọng sinh mạng của những người khác tín ngưỡng với chúng...”
Kêu gọi các chính phủ gia tăng dấn thân
Đức Ông Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh kêu gọi các chính phủ gia tăng sự dấn thân bảo vệ tự do tôn giáo và bài trừ nạn bách hại. Ngài nhận xét rằng: Trong thực tế, có những chính phủ không biện minh cho bách hại hoặc tuy lên án các cuộc bách hại, nhưng đàng khác, họ lại “cộng tác” về mặt chính trị, kinh tế, thương mại, quân sự, hoặc nhiều khi chỉ “nhắm mắt” trước những hành vi chà đạp tự do tôn giáo là quyền tự do căn bản.
Trong chiều hướng này, Đức Ông Camilleri tố giác sự kiện cộng đồng quốc tế rất ít quan tâm đến các cuộc bách hại tôn giáo, và đây là điều gây lo âu nhiều không những cho các tín hữu Kitô nhưng còn cho bất kỳ tín đồ tôn giáo nào.
Phê bình thái độ lên án các vị lãnh đạo tôn giáo
Đức Ông Camilleri đặc biệt tố giác một hình thức kỳ thị tôn giáo đang bành trướng trong xã hội, kể cả nơi những nước có nền dân chủ vững chắc, đó là những vụ kết án hoặc trừng phạt các vị lãnh đạo tôn giáo khi các vị này nói lên những nguyên tắc căn bản của tín ngưỡng của các vị, nhất là trong những gì có liên hệ tới các lãnh vực cuộc sống, hôn nhân và gia đình.
Cảnh giác chống quốc gia chủ nghĩa
Sau cùng, Đức Ông Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh cảnh giác chống lại sự nảy sinh chủ nghĩa quốc gia tại một số nước: người ta khẳng định một cách quá khích căn tính của một tôn giáo đến độ nhiều khi đi tới xu hướng cực đoan về tôn giáo. Những cá nhân hoặc nhóm người không thuộc cùng một chủng tộc hoặc tôn giáo đa số, thì thường bị kỳ thị, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị bách hại, vì nhóm dân đa số cảm thấy Quốc gia là của riêng của họ, và họ gây thiệt hại cho những người không cùng tín ngưỡng với họ”. (Sala Stampa 16-7-2019)
Nguồn: http://vietnamese.rvasia.org