"Tiên học lễ" ở đâu khi học trò ném dép vào cô giáo

Một sự bàng hoàng lẫn phẫn nộ bao trùm lên suy nghĩ của nhiều người khi xem video nhóm học sinh lớp 6A, 7C trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) quây xung quanh cô giáo, tấn công bằng dép, giấy rác và những lời thô tục.

Người ta choáng váng về mức độ hỗn láo của học sinh, bất ngờ đến khó tin vì sao một giáo viên lại có thể bị tấn công tập thể như vậy? Dù là với lý do gì thì tình huống này cũng chưa từng có tiền lệ.

Vụ việc cũng là cú sốc lớn giáng vào "thế hệ học trò cũ" như tôi, vốn được giáo dưỡng nghiêm khắc trong trường học, kính trọng giáo viên đến mức nể sợ. Nay khi chứng kiến bạo lực học đường không chỉ xảy ra với học sinh mà cô thầy cũng là nạn nhân, tôi không khỏi thảng thốt đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với môi trường giáo dục của chúng ta vậy?

Đã đành đây chỉ là một sự việc cụ thể, không mang tính chất đại diện nhưng nhìn xâu chuỗi các vụ việc bạo lực học đường thời gian qua và đỉnh điểm là sự việc ở trường THCS Văn Phú, thì chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc: Nề nếp, quy củ trường lớp ở đâu? Những đứa trẻ đó có phải đang ngày càng xa rời đạo lý "tôn sư trọng đạo"?

Đau lòng thay, theo xác minh, thời điểm xảy ra sự việc trên vào cuối tháng 11, nghĩa là chưa tới chục ngày sau Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam. Đâu đó băng rôn, khẩu hiệu tôn vinh nghề giáo, tri ân cô thầy có lẽ vẫn còn chăng trong sân trường, những bó hoa và những lời chúc tụng mới trao gửi chưa lâu, dư âm vẫn còn trên bục giảng, ngoài cửa lớp…

Tiên học lễ ở đâu khi học trò ném dép vào cô giáo - 1

Hình ảnh giáo viên ngất xỉu do bị học sinh tấn công tập thể (Ảnh cắt từ clip).

Khi video lan truyền trên mạng thì sự việc cũng đã diễn ra gần một tuần. Thông tin đến nay nhìn chung các cơ quan chức năng đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên, theo tôi lẽ ra cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn để bảo vệ nạn nhân của bạo lực học đường - ở đây là cô giáo, và cũng để những đứa trẻ làm điều sai trái dù vì bất cứ lý do gì sớm nhận ra lỗi của mình.

Thông tin gây "sốc" hơn: Cô giáo P.T.H., giáo viên bị học sinh ném dép, lăng mạ tại trường THCS Văn Phú, trong buổi trò chuyện với phóng viên Dân trí cho biết, cô bị học sinh bạo hành đã xảy ra vài tháng nay. Sự việc được cô ghi lại ở một số clip khác ngoài clip bị tung lên mạng tối 29/11.

Các cơ quan chức năng có lẽ sẽ cần phải tìm hiểu sâu hơn để làm rõ sự việc. Đây chỉ là sự nổi loạn nhất thời của học sinh hay đã tồn tại mâu thuẫn trước đó? Mâu thuẫn (nếu có) xuất phát từ đâu, có từ bao giờ và diễn biến ra sao, vì sao không hóa giải được?

Có điều, khi quan sát phản ứng trên mạng xã hội, tôi nhận thấy đang có những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục hiện nay, mà tình huống xảy ra ở trường THCS Văn Phú chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh. Ngành giáo dục, các cơ quan hữu quan và cả xã hội cần đánh giá lại một cách kỹ lưỡng nhằm chấn chỉnh, chứ không đơn giản xem đây chỉ là hiện tượng hi hữu, cộng đồng bức xúc ít hôm rồi tất cả lại cuốn vào vòng xoáy vô tận của tin tức nối tiếp nhau.

Thứ nhất, về thái độ của người lớn.

Những hình ảnh rất rõ ràng mà cả xã hội đã thấy thông qua đoạn video là bạo lực mà đám trẻ gây ra với cô giáo. Song điều tồi tệ hơn, tôi nghĩ còn diễn ra cả sau khi xảy ra vụ việc chấn động đó.

Tôi đọc một số bình luận đại ý rằng "có thế nào mới bị đánh", ngầm tán thành cho hành động sai trái. Một số người khác viện dẫn thông tin trái chiều để bênh vực cho hành vi của những đứa trẻ. Một số cho rằng cô giáo nên xem lại mình… Những bàn tán, lập luận kiểu này rất hay xuất hiện sau mỗi vụ bạo lực, xâm hại xảy ra. Một bộ phận dư luận (tôi đành phải dùng đại từ phiếm chỉ này, vì đó có thể là bất cứ ai) chĩa mũi dùi vào nạn nhân, bình phẩm với thái độ ráo hoảnh, khiến họ một lần nữa bị tấn công bằng lời nói, bị bạo lực mạng.

Khi nào "virus vô cảm" lây lan, cổ xúy cho hành vi bạo lực thì khi đó, mầm mống bạo lực vẫn sẽ còn tồn tại và bùng phát ở bất cứ đâu. Và đó cũng là lý do khiến tình trạng bạo hành rồi quay video tung lên mạng nhằm nhục mạ nạn nhân diễn ra dai dẳng.

Thứ hai, về vai trò của Ban giám hiệu, Hiệu trưởng và Công đoàn nhà trường.

Được biết hiệu trưởng trường THCS Văn Phú đã bị tạm đình chỉ bắt đầu từ ngày 6/12, nhằm phục vụ công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của nhà trường.

Chúng tôi cho rằng, để xảy ra bạo lực trong khuôn viên nhà trường, đặc biệt lại xảy ra tình huống gây ồn ào, huyên náo và có tính chất nghiêm trọng, phản ứng của Hiệu trưởng lẫn Ban giám hiệu nhà trường như vậy là chậm trễ.

Mở rộng ra với các vụ bạo lực học đường khác, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên chứ không phải dồn áp lực lên giáo viên chủ nhiệm. Mỗi trường học phải là nơi an toàn cho cả học sinh lẫn giáo viên, nhân viên nhà trường. Nếu vì áp lực thành tích, vì thể diện mà hiệu trưởng làm ngơ cho bạo lực diễn ra, cũng là hành vi tiếp tay cho sai trái thì cần phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Thứ ba, môi trường giáo dục gia đình và đạo đức phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nhân cách của trẻ.

Theo lời cô giáo, sau khi các video được đăng tải lên mạng, báo chí vào cuộc, nhà trường tổ chức làm việc 3 bên, yêu cầu giáo viên và học sinh viết bản tường trình nhưng tuyệt nhiên trong số đó, không có phụ huynh hay học sinh xin lỗi cô giáo. Như vậy có thể thấy chính các phụ huynh học sinh cũng đang tồn tại thái độ không tôn trọng giáo viên, coi thường nội quy và dung túng cho con em mình.

Có một thực tế là giáo viên các bộ môn được coi là "phụ" thường ít nhận được sự quan tâm và coi trọng của học sinh và phụ huynh, đây là thái độ không đúng đắn. Đặc biệt là khi điều kiện kinh tế tốt lên, một bộ phận trong xã hội có xu hướng vật chất hóa quan hệ thầy - trò, khiến mối quan hệ đó trở nên thực dụng và không còn trong sáng. Một khi bố mẹ không tôn trọng thầy cô, trẻ cũng sẽ nhiễm những thói xấu và thái độ bất kính đó.

Còn nhớ, hồi tháng 5, một giáo viên THPT ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị một phụ huynh tới tận nhà chửi bới, hành hung mà nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh bị xếp hạnh kiểm loại trung bình; có khả năng không đủ điều kiện để thi tuyển vào một số trường đại học.

Khi người lớn, đặc biệt là bố mẹ, gieo vào đầu óc trẻ tính bạo lực, dung dưỡng cho những thói hư tật xấu của trẻ, đứa trẻ lớn lên với những tư duy và hành vi sai trái rất dễ va vấp trong xã hội. Bài học về sau không phải là những lời phê trong sổ đầu bài, mà cái giá sẽ đắt hơn rất nhiều!

Thứ tư, về triết lý giáo dục. Mấy năm trở lại đây, tôi ít thấy các trường học treo biển "Tiên học lễ, hậu học văn", có thể quan điểm của nhiều nơi đang thiên về giáo dục khai phóng, tăng tính chủ động và phản biện của học sinh. Tuy vậy, dù với phương pháp giáo dục nào thì mọi xã hội đều đề cao quy tắc ứng xử. Học sinh có phản biện cũng cần dùng kính ngữ, cũng thể hiện thái độ tôn trọng người dạy. Không một nền giáo dục, một xã hội nào cổ xúy học sinh phá hỏng nội quy, càng không cho phép bạo lực diễn ra trong trường học, không thể thông cảm cho việc học sinh đánh cô thầy! Học sinh đến trường, trước hết để học làm người!

Từ sự việc đáng xấu hổ và đau lòng xảy ra ở Tuyên Quang, ngành giáo dục cũng như xã hội cần nhìn nhận lại, liệu chúng ta đang sai ở đâu, thiếu sót ở đâu và cần phải làm gì để ngăn chặn bạo lực, để những đứa trẻ sống hồn nhiên, phát triển đúng đắn.

Quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách của trẻ chịu tác động rất lớn bởi môi trường, từ nhà trường, gia đình đến môi trường mạng. Hơn lúc nào khác, đây là khi phải nhấn mạnh về vai trò giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống của trẻ. Trẻ em là tương lai của đất nước, nên hãy thực tâm quan tâm đến sự lớn lên, phát triển lành mạnh của những đứa trẻ, thay vì tập trung vào thành tích báo cáo, xếp loại.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/