Giải Phẫu là thủ thuật để trị bệnh hoặc nghiên cứu cơ thể theo phương pháp y học bằng cách rạch, cắt một bộ phận với dao kéo hoặc để khâu vá kín một vết thương mở rộng. Với mục đích đó, giải phẫu được áp dụng từ thuở xa xưa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Ukraine, Peru những sọ người tiền sử mang những lỗ khoan (trepanation) trên sọ mà không đụng chạm tới màng não, với mục đích loại bỏ bệnh tật do tà ma xâm nhập, chữa chấn thương não bộ hoặc chữa nhức đầu, kinh phong, tâm bệnh. Khoan sọ là phẫu thuật kỳ diệu nhất trong lịch sử giải phẫu, tồn tại tới thời Trung Cổ và được thực hiện với một con dao, một miếng đá hoặc một mảnh đồng sắc bén. Ngày nay, khoan sọ đôi khi cũng còn được dùng.
Cắt bao da quy đầu (circumcision) được thực hiện từ 2400-3000 năm trước công nguyên đối với các tu sĩ, nhân viên hoàng gia vì lý do vệ sinh hoặc một nghi lễ tôn giáo ở châu Phi, nam Á châu và Do Thái Giáo. Đây là một phẫu thuật có tính cách lựa chọn (selective surgery) khá sớm.
Y sĩ Hy Lạp Claudius Galen (130-200AD) được coi như có bàn tay tuyệt hảo trong việc mổ xẻ cơ thể để chữa bệnh cũng như nghiên cứu cấu tạo, chức năng các cơ quan. Ông đã dùng vết thương cơ thể như cánh cửa sổ để tìm hiểu về sự cấu tạo con người.
Một điều mà có lẽ ít người để ý là vào thời Trung Cổ bên Âu châu (từ 1100-1400 sau công nguyên), công việc mổ xẻ, chữa bệnh bằng dao kéo lại do mấy vị “thợ hớt tóc” đảm trách. Trước đó, việc trị bệnh ưu tiên dành cho các tu sĩ. Để các thầy thuốc tu sĩ không đụng chạm tới máu, Đức Giáo Hoàng ra lệnh không cho họ được làm công việc mổ xẻ. Việc mổ xẻ chữa bệnh được giao cho giới “thợ cạo”, dưới sự giám thị của tu sĩ, vì họ khéo tay khéo chân, quen sử dụng dao, kéo “gọt đầu, xén tóc”. Vào thập niên 1540, vua Henri VIII sát nhập Hội Giải phẫu với Đoàn Hớt Tóc để thành lập Đoàn Hớt Tóc- Giải phẫu. Các phẫu thuật gia- thợ hớt tóc (baber-surgeons) này tổ chức thành hội chuyên nghiệp và tồn tại tới thế kỷ 18. Họ không có huấn luyện y khoa, thường được giao phó chăm sóc thương binh trong chiến tranh, lấy máu cũng như lưu ngụ tại các lâu đài để phục vụ các vị chủ nhân danh gia, vọng tộc.
Một barber-surgeon nổi tiếng, đã đóng góp rất nhiều cho nền y khoa là Ambroise Pare (1510-1590), người Pháp.
Từ một thanh niên ít học vấn, tập sự hớt tóc tại một tỉnh lỵ nhỏ ở Pháp rồi trở thành học viên giải phẫu tại bệnh viện Hotel Dieu, Paris, ông đã tận dụng sự khéo tay của mình để chăm sóc thương bệnh binh cũng như tìm kiếm các phương pháp băng bó, khâu vá vết thương. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông để lại nhiều tác phẩm giá trị về giải phẫu và được coi như cha đẻ của phẫu thuật hiện đại.
Ngày nay, giải phẫu là một chuyên ngành y khoa liên quan tới việc mổ bệnh nhân để chẩn bệnh, trị bệnh và chữa lành các bệnh cũng như những hoàn cảnh bất thường.
Giải phẫu có nhiều ngành khác nhau tùy theo từng bộ phận của cơ thể.
Sau khi tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ y khoa, các vị này học vể giải phẫu tổng quát rồi tiếp tục được huấn luyện chuyên ngành. Có bác sĩ chuyên mổ về xương, lồng ngực, tim phổi, thần kinh, thẩm mỹ cũng như sản phụ khoa, tai mũi họng…
Thường thường giải phẫu gia được các bác sĩ gia đình chăm sóc ban đầu giới thiệu bệnh nhân tới vì nhu cầu trị liệu. Họ khám rồi chẩn đoán bệnh, đưa ra các phương thức trị liệu để cùng bệnh nhân thảo luận, lựa chọn. Họ đứng mổ nhiều giờ trong phòng giải phẫu và làm việc chung với nhiều chuyên viên khác như chuyên viên thuốc mê, điều dưỡng, phụ mổ… để công việc được hoàn hảo.
Các phẫu thuật gia cũng nghiên cứu để tìm ra các phương pháp mổ xẻ hữu hiệu, ít đau đớn, ít biến chứng cho bệnh nhân cũng như giản dị khi thực hiện.
Các loại phẫu thuật
Phẫu thuật được chia làm nhiều loại, tùy theo mục đích, mức độ lớn nhỏ cũng như mức độ trầm trọng của bệnh
1-Tùy theo mức độ lớn nhỏ
-Đại giải phẫu là các phương thức mổ xẻ lan rộng, xâm lấn (invasive) liên can tới các bộ phận cơ thể lớn và quan trọng với khả năng mất nhiều máu và có biến chứng. Như là mổ tim, cắt ung thư phổi…
-Tiểu giải phẫu, ít lan rộng (less invasive), không liên can tới các bộ phận, ít chảy máu và biến chứng. Chẳng hạn rạch u nhọt, khâu vết đứt trên da.
2-Tùy theo mục đích
-Để điều trị như là cắt bỏ một bộ phận đã bị hư hao hoặc gây ra bệnh cho cơ thể.
-Để giảm dấu hiệu triệu chứng bệnh.
-Để tái tạo một bộ phận hoặc phần cơ thể bị đổi hình dạng.
-Để chẩn đoán hoặc tìm nguyên nhân gây bệnh.
-Để làm đẹp hình dáng.
3-Tùy theo tình trạng bệnh
-Cấp cứu tức thì (emergency), cần giải phẫu ngay để cứu sống người bệnh. Chẳng hạn trong tai biến động mạch não do cục máu thì phải giải phẫu ngay để loại bỏ nguyên nhân gây ra tử vong tế bào não bộ. Hoặc ruột dư cần giải phẫu ngay để tránh bể vỡ, gây nhiễm trùng tổng quát.
-Khẩn cấp (urgent) giải phẫu càng sớm càng tốt trong một khoảng thời gian nào đó
-Giải phẫu không cấp thiết (Elective surgery), được dự trù trước, không có tính cách cấp cứu, thời gian thực hiện tùy theo sự lựa chọn của bác sĩ và người bệnh. Thí dụ giải phẫu sửa sa ruột (hernia), cắt bỏ túi mật (cholecystectomy), thay khớp xương háng (hip replacement).
Giải phẫu thẩm mỹ với mục đích làm tăng vẻ đẹp ngoại hình hoặc vị thế xã hội cũng thuộc loại này, tức là không có mục tiêu trị liệu. Chẳng hạn tẩy nốt ruồi, xóa bỏ vết nhăn trên mặt.
-Giải phẫu do y giới chỉ định (Recommended surgery) có thể là khẩn cấp (ruột dư) hoặc cần thiết vì nếu không thực hiện sẽ gây ra hậu quả trầm trọng.
Phương pháp giải phẫu
1-Phẫu thuật cổ điển (Classic surgery)
Phương pháp thường được thực hiện qua vết rạch trên da, thịt, rồi đi vào cơ quan bộ phận bị bệnh.
Phương pháp đã được áp dụng từ thuở xa xưa và đã đóng góp rất nhiều trong việc trị bệnh, đặc biệt là khi các phương thức khác thất bại. Tuy nhiên, phương pháp cũng có mấy rủi ro, cần biết để phòng tránh biến chứng trầm trọng, “lợn lành chữa thành lợn què”. Chẳng hạn:
-Giải phẫu lớn thường cần gây mê để bệnh nhân không cảm thấy đau. Nhưng gây mê mà không được theo dõi, thực hiện chu đáo có thể khiến tim phổi ngưng hoạt động trong khi mổ.
-Mặc dù đã đề phòng, nhiễm trùng vết mổ hoặc sưng phổi là chuyện có thể xảy ra tại bệnh viện sau giải phẫu.
-Khi rạch mổ qua thịt da là phải có chảy máu, vết mổ có thể lâu lành, để lại vết sẹo khó coi.
-Khó thở sau giải phẫu
-Tăng rủi ro tuần hoàn khi bệnh nhân có bệnh tim mạch.
2-Giải phẫu với rất ít xâm lấn (minimally invasive surgery)
Trong phẫu thuật này, vết cắt trên da rất nhỏ, vừa đủ để đưa một bộ phận của dụng cụ giải phẫu vào cơ thể, do đó bệnh nhân ít đau, vết thương mau lành, sẹo nhỏ, ít chẩy máu, ít nhiễm trùng, biến chứng. Bệnh nhân có thể sớm rời bệnh viện và trở lại sinh hoạt hàng ngày.
Một thí dụ là phép soi ổ bụng (Laparoscopic surgery) để quan sát các cấu trúc trong ổ bụng như noãn sào …. Một dụng cụ hình ống có đèn chiếu sáng được đưa vào một vết rạch nhỏ trên thành bụng qua đó phẫu thuật được thực hiện.
Một trở ngại của phương pháp là khoảng không gian mổ quá nhỏ khiến cho “đường dao” các thao tác của phẫu thuật gia bị giới hạn. Tuy nhiên, trăm hay không bằng tay quen, phẫu thuật gia kinh nghiệm vẫn có thể vượt qua.
3-Phẫu thuật không xâm lấn (Non-Invasive Surgery)
Gọi là non-invasive có nghĩa là phẫu thuật đi vào cơ thể mà không cần thông qua vết rạch trên da hoặc qua các lỗ thiên nhiên như mũi, miệng, âm hộ, hậu môn…
Một thí dụ là dùng tia Laser để tiêu hủy u bướu, mụn cóc, cục thịt non (mole), xóa vết nhăn da, tu sửa sự gồ ghề của giác mạc…Phương pháp có thể thực hiện với gây tê tại chỗ hoặc gây mê tổng quát.
3-Phẫu thuật không cần vết rạch trên da (Incisionless Surgery) hoặc phẫu thuật qua lỗ thiên nhiên (Natural Orifice Surgery)
Đây là một kỹ thuật tương đối mới mẻ, có chiều hướng ngày càng được nhiều bác sĩ áp dụng.
Thủ thuật được thực hiện thông qua các lỗ tự nhiên của cơ thể như miệng, âm hộ, dương vật, hậu môn…chứ không qua vết rạch trên da. Phương pháp có vẻ « thần sầu, quỷ cốc », chẳng khác ông Tề Thiên Đại Thánh tàng hình chui vào lỗ mùi đối phương, tới phổi tới tim mà đập phá, hủy hoại.
Một thí dụ :
Bệnh nhân cần cắt bỏ túi mật sẽ được nuốt một dụng cụ tự động xuống thực quản rồi dạ dày. Tới đây người máy đó sẽ được điều khiển để lách mình ra khỏi dạ dày, mò mẫm tới gan, làm công việc cắt bỏ túi mật rồi rút lui, an toàn trở ra khỏi miệng sau khi đã tu sửa vết thương ở dạ dày. Phẫu thuật hoàn tất, bệnh nhân không cảm thấy đau, ít chảy máu, nhiễm trùng, không có vết trên da, về nhà hân hoan vui vẻ với gia đình, nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục « lao động vinh quang », kiếm gạo. Phẫu thuật gia với tay nghề cao có thể điều khiển dụng cụ tự động đó một cách tuyệt hảo, chẳng khác chi mổ từ ngoài, qua da thịt.
4-Phẫu thuật « rỏm » (Sham Surgery)
Cũng như “thuốc vờ” (placebo medicine), placebo surgery đôi khi cũng được áp dụng để làm giảm đau ở một bệnh cứ than phiền mà mọi xét nghiệm không tìm ra bệnh. Chẳng hạn, kêu đau đầu gối. X-quang, xét nghiệm đều bình thường. Bác sĩ bèn đưa lên bàn mổ, gây mê, rạch da, loay hoay một lúc rồi đóng vết mổ, tuyên bố kết quả. Vậy mà nhiều bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.
Phương pháp thường được dùng để kiểm chứng hiệu quả của vài kỹ thuật giải phẫu và cũng ân oán giang hồ vài xét đoán coi xem có vi phạm về phương diện y đức.
Một vài thắc mắc
1-Tại sao nhịn ăn trước khi mổ?
Phẫu thuật cần gây mê thường đưa tới nôn mửa. Nếu bệnh nhân ói trên bàn mổ thì chất ói có thể bị hút vào phổi, gây rủi ro hô hấp, có thể chết người. Vì thế thường thì không được ăn thực phẩm đặc 8 giờ trước mổ hoặc nhâm nhi chút nước trước 4 giờ.
2-Nằm bệnh viện bao lâu sau khi mổ?
Cách đây vài thập niên, sau một phẫu thuật trung bình, bệnh nhân thường nằm lại bệnh viện có khi cả dăm ba tuần lễ. Lý do là vết mổ lớn, kỹ thuật máy móc còn thô sơ, mất máu nhiều, rủi ro nhiễm trùng cao…cho nên cần ở lại bệnh viện một thời gian lâu hơn để hồi phục.
Ngày nay, dù là mổ tim, nối cầu động mạch (coronary bypass), bệnh nhân có thể về nhà sau vài ngày. Đó là nhờ kỹ thuật tân tiến, phương tiện hữu hiệu, chuyên viên được huấn luyện tới nơi tới chốn. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân thưởng hồi phục mau hơn trong môi trường gia đình, thoải mái với sự chăm sóc, hiện diện của người thân.
Một lý do nằm viện ngắn hạn cũng vì sự tính toán lợi nhuận của các công ty bảo hiểm sức khỏe. Họ xét nét theo rõi ấn định thời gian nằm viện ngõ hầu khỏi phải trả quá nhiều tiền.
3-Làm sao lựa được nhà giải phẫu đáng tin cậy?
Bác sĩ gia đình là người hiểu rõ bệnh trạng của mình. Họ cũng là người mà mình có thể nhờ chọn lựa phẫu thuật gia thích hợp với nhu cầu. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm về các nhà chuyên môn này qua danh sách phẫu thuật gia tại các bệnh viện, các tổ chức bác sĩ giải phẫu.
Khi đã lựa được một bác sĩ đúng với nhu cầu, nên hẹn ngày tới thăm, nhớ mang đầy đủ hồ sơ sức khỏe.
Thảo luận, tìm hiểu mọi thắc mắc về phẫu thuật sẽ thực hiện, triển vọng lành bệnh, biến chứng hậu giải phẫu… kể cả chi phí y vụ, bảo hiểm trả bao nhiêu và phần mình chịu trách nhiều hay ít.
Nếu chưa hoàn toàn thỏa mãn, có thể lấy ý kiến thứ hai (second opinion) với bác sĩ chuyên môn khác. Để bảo đảm phẫu thuật là trị liệu cần thiết có nhiều khả năng giúp lành bệnh. Tất nhiên là trong tình trạng cấp cứu, việc được giải phẫu càng sớm càng tốt quan trọng hơn là tuyển chọn bác sĩ.
Kết luận
Từ xưa tới nay, giải phẫu với các chuyên ngành nội khoa đều sánh vai để bảo vệ sức khỏe con người. Các bác sĩ đều cố gắng mang khả năng ra để phục vụ bệnh nhân. Vì phúc chủ, lộc thầy, đôi bên đều có phần lợi nhuận và cũng để khỏi đáo tụng đình, phân bua phải trái khi có sơ sót, lỗi lầm xảy ra.
Nhớ lại, đã có thời kỳ công lao của phẫu thuật gia được bồi hoàn khá nghiêm minh, đôi khi hơi quá mạnh tay: Nếu vị đó dùng dao chữa lành u mắt thì được thưởng 10 quan tiền. Nhưng nếu sơ ý, đường dao loạng quạng làm mù mắt bệnh nhân thì những ngón tay mổ bị cắt bỏ.
Ôn lại, thấy mà kinh. Nhưng cũng là bài học tốt cho những “lang băm”, bằng giả.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Texas Hoa Kỳ tháng 7,2009
http://www.nguyenyduc.com