Thuốc trị rối loạn tuần hoàn não

Thiểu năng tuần hoàn não thường xảy ra ở độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiện tượng này gặp ở người trẻ tuổi ngày càng phổ biến.

Khi bị thiểu năng tuần hoàn não nên dùng thuốc như thế nào?

Nguyên nhân thiểu năng tuần hoàn não

Não là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, mặc dù khối lượng chỉ bằng vài % trọng lượng cơ thể nhưng nhận được hơn 20% lượng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngưng tuần hoàn não khoảng 6-7 giây sẽ ngất, ngừng 5 phút các tế bào não sẽ chết. Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là thiếu máu não nhất thời xảy ra đột ngột do máu tới nuôi tế bào não bị thiếu ảnh hưởng xấu đến chức năng của hệ thần kinh trung ương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và thường có xu hướng lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm.

Mọi nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây thiểu năng tuần hoàn não. Có khoảng 80% bệnh thiếu máu não là do xơ vữa động mạch làm chít hẹp lòng động mạch, đặc biệt là động mạch sống - nền (hệ động mạch này có tên là hệ động mạch đốt sống - thân nền cung cấp chủ yếu máu nuôi não). Các bệnh mỡ máu cao, tăng huyết áp, huyết áp thấp, đái tháo đường… là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, thiểu năng tuần hoàn não có thể là do bẩm sinh, cơ địa hoặc người béo phì.

thuoc-tri-roi-loan-tuan-hoan-nao-1

 

Lưu lượng máu ở não bị tắc nghẽn là một nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não.

Thuốc dùng để điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Thiểu năng tuần hoàn não là một loại bệnh cấp cứu nội khoa do hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn... Các thuốc có thể dùng như: acetyl DL leucin uống, nếu nôn nhiều có thể tiêm chậm tĩnh mạch. Tuy vậy, thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai. Vì thuốc đào thải qua thận và gan cho nên người bị bệnh thận, bệnh gan không được dùng acetyl DL leucin. Thuốc loại uống làm kích ứng dạ dày, vì vậy, những người bị bệnh dạ dày không dùng loại thuốc này.

Piracetam: Thuốc tác dụng trực tiếp lên não và hệ thần kinh trung ương, nhằm bảo vệ hệ não bộ khỏi tình trạng thiếu hụt ôxy, glucose bằng cách chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu não cục bộ, bảo vệ não (tăng sự huy động sử dụng chuyển hóa ôxy, glucose não, duy trì năng lượng tổng hợp não, tăng cường sự phục hồi tổn thương. Tuy vậy, piracetam có một số nhược điểm cần lưu ý, đó là khi dùng liều cao có thể bị mất ngủ, kích thích, đau đầu, kích động, căng thẳng, mệt mỏi hoặc có thể có hiện tượng dị ứng, khó thở, sưng và sốt. Một số trường hợp có thể có ảo giác, lo lắng, bồn chồn, hoang mang, bối rối, trầm cảm; sưng da (thường vùng da xung quanh mặt), nổi ban, ngứa.

Cinarizin: Thuốc có tác dụng  chẹn kênh canxi chọn lọc đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của adrenalin, do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm thiểu tình trạng thiếu ôxy não, nâng cao sức đề kháng của tế bào thiếu ôxy, cải thiện sự lưu thông vi mạch của não bộ và ngoại vi bị giảm sút. Tuy vậy, một số người dùng cinnarizin có thể gặp các tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, đau miệng, khô họng, nặng hơn có thể bị dị ứng (nổi ban, ngứa, tức ngực, khó thở, sưng miệng, mặt, môi), mất tiếng, tiểu nhiều, ngất, tim đập nhanh hay không đều, thay đổi tâm trạng hay tâm thần, mệt mỏi dai dẳng. Ngoài ra có thể dùng betahistin kết hợp piracetam và cinarizin.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh rối loạn tuần hoàn não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể là đơn thuần nhưng có thể là kết hợp, tuy rằng biểu hiện các triệu chứng thường giống nhau, tuy mức độ (nặng nhẹ) có khác nhau.Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ nên đi khám ở cơ sở y tế đủ điều kiện để xác định nguyên nhân. Trên cơ sở đó vừa được điều trị nguyên nhân vừa kết hợp điều trị triệu chứng. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị nếu không có chuyên môn về y học. Bởi vì: Chẩn đoán không đúng nguyên nhân sẽ điều trị sai dẫn đến những hậu quả khôn lường; Thuốc dùng điều trị rối loạn tuần hoàn não dù dễ mua nhưng có nhiều tác dụng phụ mà người mua không thể biết hết. Vì vậy, khi tác dụng phụ xảy ra rất khó để ứng phó nếu không có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ khám bệnh.

ThS.BS. Bùi Mai Hương

Nguồn: Suckhoedoisong.vn