Thực hiện đức bác ái trong tinh thần hiệp thông

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

 

NGÀY THỨ BẢY

THỰC HIỆN ĐỨC BÁC ÁI TRONG TINH THẦN HIỆP THÔNG

 

Trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam đã khơi lên trong lòng mọi tín hữu về bản chất đích thực của mình trong chủ đề “Giáo Hôi : Mầu Nhiệm, Hiệp Thông, Sứ Vụ”. Đã có nhiều cuộc học hỏi, nghiên cứu về Giáo Hội xoay quanh các chủ đề này. Tại Đại Hội Dân Chúa tổ chức tại Sài gòn đã có những bài tham luận sâu sắc bàn về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một tổ chức như các tổ chức của xã hội.Thực ra mọi thành phần trong Giáo Hội hiệp thông với nhau như một thực tại gia đình, theo gương mẫu của cộng đoàn “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Tình yêu chính là mối gây hiệp thông giữa Ba Ngôi mà con người phải nỗ lực thể hiện trong đời sống của cộng đồng nhân loại. Khi chia sẻ cho nhau những điều mình có, con người sẽ phát huy tình liên đới và và có trách nhiệm làm cho gia đình nhân loại được thăng tiến.

“Điều răn yêu thương nhau, tượng trưng cho luật sống của dân Chúa, phải là nguồn cảm hứng, nguồn thanh lọc và nâng cao mọi quan hệ nhân loại trong xã hội và trong chính trị. “Làm người có nghĩa là được mời gọi hiệp thông giữa người với người”, vì được làm hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là nền tảng cho toàn bộ “đạo đức học của con người”, đạo đức học này đạt tới cao điểm trong điều răn yêu thương”. Hiện tượng lệ thuộc nhau về văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị trong thế giới hiện nay làm tăng cường và làm rõ hơn mối dây thống nhất gia đình nhân loại, một lần nữa lại làm nổi bật trong ánh sáng của mạc khải “một mô hình mới của sự hợp nhất nhân loại, mô hình này hẳn phải tạo cảm hứng cho chúng ta liên đới với nhau. Mô hình hợp nhất ấy, phản ánh sự sống thân mật của Thiên Chúa – một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó chính là điều mà các Kitô hữu muốn diễn tả khi nói tới “hiệp thông” (Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, số 33).

“Ý nghĩa cơ bản nhất và thẳm sâu nhất của từ hiệp thông là “yêu mến”, là “gắn bó với nhau” là “kết hợp”, là “nên một với nhau”. Mục vụ hiệp thông là mục vụ nối kết, là “cùng nhau suy nghĩ và hành động”, là “đối thoại và cộng tác với nhau”.

Yêu thương luôn là một hành vi nối kết, nhưng đồng thời cũng là một hành vi khai phóng, khơi dậy tự do. “Hãy yêu nhau và để cho nhau tự do”. “Hãy yêu nhau và tôn trọng tự do của nhau”. “Hãy yêu nhau và hun đúc tự do cho nhau”. “Hãy yêu nhau và làm cho nhau tự do”.

Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài dựng nên chúng ta tự do. Chúng ta đã làm mất tự do và trở thành nô lệ khi phạm tội. Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến giải cứu ta, và làm cho chúng ta trở thành những người con tự do của Ngài. Ngài ban Thánh thần Tình yêu, Thần Khí nghĩa tử , để chúng ta có thể kêu lên: “Abba, lạy Cha” (x. Rm 8, 15). Tình yêu của Thiên Chúa mời gọi tình yêu của con người. Tình yêu của con người là tình yêu đáp lại Tình yêu.” (Tham Luận Đại Hội Dân Chúa, ĐGM Phao lô Bùi Văn Đọc).

Thánh Gioan Thiên Chúa đã không đơn độc thực hiện công cuộc bác ái mà ngài đã luôn thực hiện trong tình liên đới, hiệp thông. Trước hết, ngài luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Cha Gioan Avila. Trước khi khởi sự một công việc quan trọng nào Ngài đều lãnh ý kiến của Cha Linh Hướng. Chính Cha Gioan Avila đã chỉ bảo và giúp đỡ thánh Gioan Thiên Chúa lập bệnh viện tại khu chợ cá… “Là một người trung gian giữa người giàu và người nghèo, giữa người sung túc và người túng thiếu, giữa người quyền thế và người hèn hạ, thánh Gioan Thiên Chúa đã thực hành Tinh thần trợ thế của sự hiệp thông”.(Hiến Chương Trợ Thế, chương III)

Việc đi ăn xin của ngài cũng nói lên tinh thần liên đới. Ngài thức tỉnh lương tâm mọi người khi kêu mời “ Vì tình yêu Chúa Kitô, anh em hãy làm phúc cho chính mình”, để cho mọi người ý thức mình có bổn phận liên đới với nhau, nhất là những người nghèo đói.

Khi ngài đi rảo khắp các đường phố, vừa đi vừa hô lớn, "Vì tình yêu Thiên Chúa, anh chị em hãy làm phúc cho chính mình," ngài muốn đánh động và khơi dậy lương tâm của dân chúng để họ không ngủ yên trên những sự khốn cùng của đồng loại, bằng cách cho và nhận dựa trên cơ sở tương trợ lẫn nhau.

“Khi viết thơ cám ơn những người đã dâng tặng và kể cho họ mối đau đớn ngài cảm thấy trước sự đau khổ của những người nghèo khó mà ngài không thể không giúp đỡ, và khi thường xuyên đi vay tiền mà ngài cảm thấy khó trả, ngài có ý xây dựng một cộng đồng hiệp thông trong đó mọi người cảm thấy mình là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa yêu thương, giúp đỡ và tha thứ, như chính ngài đã từng cảm nghiệm. Ngài biết rằng nếu ai ai cũng cảm nhận được lòng từ bi của Thiên Chúa một cách thâm sâu như ngài, Giáo hội và xã hội có thể thực sự trở thành một gia đình con cái Thiên Chúa, với đời sống và sự hiệp thông thần linh, và khắc phục được tất cả mọi nhu cầu của những con người khốn khổ.” (Hiến Chương Trợ Thế, chương III).

Thánh Gioan Thiên Chúa thể hiện sư hiệp thông trong việc vâng phục quyền bính Giáo Hội, ngài thực thi công việc bác ái không đi ra ngoài sự hướng dẫn của các Đấng Bản Quyền địa phương. Việc Đức Giám Mục Sebastino Ramirez, Đại diện Hoàng Gia tại Granada trao áo dòng cho ngài nói lên sự chuẩn nhận của Giáo quyền đối với công việc mới được khởi sự của thánh Gioan Thiên Chúa. Nỗi băn khoăn của ngài trước khi qua đời chính là những nợ nần chồng chất trong những năm tháng phục vụ người nghèo. Đức Cha Pedro Guerrero, Tổng Giám Mục thành Granada nhận cuốn sổ nợ của thánh Gioan Thiên Chúa nói lên sự quan tâm của Giáo Hội đối với công việc bác ái, sự liên đới với những người  khổ đau trong Giáo Hội.

Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa ở trần gian, làm sao cho mọi người sinh hoạt trong Giáo Hội, đều cảm thấy như “ở nhà mình”. Đây cũng phải là cung cách của anh em Gioan Thiên Chúa  để mọi người đươc cảm thấy gần gũi, yêu thương khi  trú ngụ tại các cơ sở của dòng vì “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep2, 19).

Chúng ta đang tiếp tục sứ mạng Trợ Thế của Thánh Gioan Thiên Chúa đem tình thương cho mọi người ốm đau bệnh tật. Vì thế chúng ta phải làm thế nào để mọi người có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa khi nhìn vào cung cách phục vụ của chúng ta. Sự hiệp thông mật thiết giữa các thành phần cộng đoàn là bằng chứng chắc chắn nhất và là dấu chỉ hữu hiệu nhất vì: “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Lời Nguyện

Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng, cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng, cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. Vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá, giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.