Đức ái cao trọng hơn cả

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

 

NGÀY THỨ CHÍN

ĐỨC ÁI CAO TRỌNG HƠN CẢ

 

Trong thư thánh Phaolô, chương 13 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, có một thánh ca nhưng không có âm hưởng thi ca thường được  gọi là bài ca Đức Ái. Trong đó thánh Phaolô khẳng định rằng chính lòng yêu mến và cường độ yêu mến trao ban giá trị cho mọi lời nói và việc làm của tín hữu. Cả ba nhân đức đối thần đức Tin, đức Cậy và đức Mến đều cần thiết cho ơn cứu rỗi của con người. Nhưng đức Mến cao trọng nhất, vì nó là nhân đức định đoạt cho cuộc sống đời sau, và tồn tại vĩnh cửu trong cuộc sống mến yêu kết hiệp với Thiên Chúa là suối nguồn Tình Yêu Thương và là Tình Yêu Thương.(X. 1 Cr 13, 1-4.13).

Đức Ái là “mối giây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 14) và là sự viên mãn của lề luật, nên Đức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì vậy Đức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. (Cl 3, 42). Yêu mến là sự lựa chọn căn bản của con người, cùng với Đức Tin, Đức Cậy, làm thành nhân đức nền tảng của người kitô hữu.

Đức Ái đối thần được định nghĩa là nhân đức siêu nhiên giúp ta yêu mến Thiên Chúa như điều tốt cao cả nhất vì chính Người, và giúp ta yêu mến mọi thụ tạo vì Người. Là siêu nhiên vì: “Nhân đức có được do ân sủng của Thiên Chúa”.

Nói cách khác, Đức Ái đối thần là chime ngưỡng sự tốt lành vô hạn của Thiên Chúa và nhận ra vinh quang của Người; chấp nhận mọi sự Thiên Chúa là và Thiên Chúa muốn; là chính sự hiệp thông sâu xa nhất giữa ta với Thiên Chúa, một sự thâm nhập giữa Thiên Chúa và con người ở trong nhau.

Đối tượng của Đức Ái, trước hết là Thiên Chúa, Đấng cao cả nhất, hoàn hảo nhất. Kế đến là tất cả mọi thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương. Động lực của Đức Ái là chính Thiên Chúa: chính sự hoàn mỹ nơi bản thân Người, và được diễn tả qua hình ảnh nơi mọi loài Người đã tạo dựng, hay bằng chính tình yêu mà người đã ban tặng cho thụ tạo.

Đặc tính của Đức Ái là một tình yêu tuyệt đối: “Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, hết cả mạng sống mình” (Mt 22, 37).Vì chỉ có tình yêu tối cao như thế mới xứng với Thiên Chúa.

Người đầy lòng mến Chúa sẽ tích cực hành động, Đức Ái thúc đẩy hành động. Ai nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch sung mãn của mọi giá trị và trao hiến cho Ngài, thì sẽ có khả năng nhận biết và tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân và nơi bản thân mình. Ai có lòng mến Chúa thì cũng có khả năng nhạy bén khám phá vẻ đẹp của từng giá trị luân lý phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Lòng mến tha nhân tuỳ thuộc vào lòng mến Chúa. Lòng mến Chúa càng gia tăng thì càng ảnh hưởng trên các nhân đức khác. Các nhân đức khác được kiện toàn theo mức độ được khích lệ vì thấm nhuần Đức Ái. Khi lòng mến sút giảm thì cũng giảm ảnh hưởng của Đức Ái trên tất cả đời sống luân lý.

Những biểu lộ nơi Thánh Gioan Thiên Chúa cho ta thấy ngài được tràn đầy lòng mến. Nếu không có lòng mến  thì làm sao ngài hết lòng tận tụy với bệnh nhân, làm viêc say sưa như sợ rằng không có đủ thời giờ để làm việc lành phúc đức. Nếu không có lòng mến thì  làm sao ngài thấu cảm nỗi khổ đau của tha nhân như chính mình: “Cái răng của con đau làm cho cha đau” (Thư thánh Gioan Thiên Chúa gửi Luis Baptiste). Nếu không có tình yêu mến thúc đẩy thì làm sao ngài dám liều thân vào trong đám cháy của bệnh viện Hoàng Gia để cứu bệnh nhân đang làm mồi cho lửa. Chúng ta hãy lắng nghe các người chứng kiến việc này và đã đươc ghi chép lại như sau.

Khi nghe tin bệnh viện bị hỏa hoạn, Gioan Thiên Chúa là người chạy đến mau lẹ nhất. Lòng nhiệt thành đã dự đoán sự nguy hại lớn lao, nên nhất quyết ngài lao vào đám cháy: mang vác, dắt dìu bệnh nhân ra chỗ an toàn. Ngài tung hết giường chiếu, quần áo, chăn mền, đồ dùng của bệnh nhân qua cửa sổ. sau cùng , sau khi đã đưa tất cả bệnh nhân ra chỗ an toàn rồi, ngài cầm cái rìu, leo lên nóc nhà, nơi quá nguy hiểm, để chặt tháo gỡ những rường nhà để ngăn chận ngọn lửa lan rộng ra. Khi ở trên đó, người ta thấy ngọn lửa bùng lên bao quanh ngài. Đồng thời làn khói dầy đặc bốc lên trước sự chứng kiến của đám đông. Mọi người đều nghĩ rằng ngọn lửa kia đã thiêu rụi vị anh hùng liều thân rồi. Ngay lập tức tiếng đồn cái chết anh hùng của ngài đã lan ra. Người ta đã nghe những tiếng khóc thương tiếc ngài. Trong lúc mọi người thất vọng ngóng chờ, bỗng nhiên ngài đang từ trong đám lửa hồng bước ra, tụt nhanh xuống cầu thang, thoát ra bình an vô sự, không có một vết thương nào. Mọi người chứng kiến đều cảm kích và cảm nhận đây như là một phép lạ Chúa làm cho người tôi tớ Chúa: băng qua lửa cháy mà không hề hấn gì.

Thiên Chúa đã ban cho thánh Gioan tôi tớ Người một tình yêu nồng nàn, chan chứa. Từ tình yêu nồng này ấy phát sinh bao điều kỳ diệu đến nỗi người ta phải ngỡ ngàng, thán phục. Có người cho rằng ngài quá phung phí tiêu xài quá mức đến nỗi nợ nần chồng chất. Họ đâu hiểu được rằng Chúa đã dẫn đưa người vào hầm rượu Tình Yêu; từ đó đã đổ tràn trên ngài một chữ Yêu và làm cho ngài say đắm tình yêu Chúa, đến nỗi không thể từ khước điều gì người ta xin nhân danh tình yêu ấy, vì đã tự coi mình là kẻ mắc nợ hơn ai hết. (Xc. Dc 2,4).

Thánh Gioan Thiên Chúa đã trải qua một cuộc đời đầy lao nhọc, nhưng mọi công việc ngài thương giúp tha nhân đều phát xuất từ lòng yêu mến. Ta không hề thấy ngài phàn nàn vì làm việc quá nhiều, nhưng còn sung sướng được phục vụ và cho rằng đã phục vụ quá ít. Ngài đã tràn đầy lòng mến Chúa nên ra sức phục vụ anh chị em nghèo khổ cho đến tận cùng “Nếu ta cảm nhận được lòng Chúa yêu ta dường nào thì ta sẽ thực thi công việc bác ái khi ta có thể thực hiện”.  Ta có thể áp dụng câu nói của thánh Augustinô cho thánh Gioan Thiên Chúa: “Ở đâu có tình yêu, ở đấy hết khó nhọc và khó nhọc đó lại đáng yêu”.

Cuộc sống của thánh Gioan Thiên Chúa đã kết thúc, nhưng gương sáng và tinh thần Trợ Thế của ngài có sống mãi vì như lời Thánh Phao-lô dạy: “Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Đức Mến tồn tại muôn đời” (1Cr 13,13).

Lời Nguyện:

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.