Các chuyên gia chỉ ra rằng, thuốc lá chính là thủ phạm của 25 bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, bệnh tim mạch, đái tháo đường và vô sinh. Tuy nhiên không phải ai cũng bỏ được thuốc lá.
6 triệu người chết mỗi năm vì thuốc lá
Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 82% số người hút thuốc lá trên toàn thế giới và vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy: Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút cao nhất trên thế giới.
Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, tức là cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Các chuyên gia y tế cho biết, trong thuốc lá có các chất nhựa hắc ín, 7000 chất độc hoá học, 50 chất gây ung thư, phụ gia (Amoniắc), Cacbon mônôxít, Nicotin: 1-3mg/điếu.
Thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Tác hại này gây ra cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.
Còn theo ước tính của Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.
Theo thống kê của WHO, trong thế kỷ 20 đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Biết hại nhưng không bỏ được thuốc lá
Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện thì trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người.
Ngày 16/09/2015, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Bạch Mai thành lập Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí qua đường dây điện thoại 1800.6606 với các mục tiêu: Giải đáp các câu hỏi liên quan đến thuốc lá; Tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí với đội ngũ tư vấn viên có trình độ chuyên môn, hoạt động từ 8h đến 22h hàng ngày với phương châm: “Chúng tôi luôn luôn đồng hành” đã hỗ trợ, tạo niềm tin và hình thành quyết tâm cai nghiện cho những người có ý định bỏ thuốc lá và giúp người đang bỏ thuốc vượt qua rào cản gây tái nghiện.
Sau hơn 1 năm hoạt động, tổng đài đã tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi. Tuy nhiên có rất nhiều người họ gọi đến và than thở rằng mình không thể bỏ được thuốc lá dù biết hút thuốc lá rất có hại.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên – Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những người cai nghiện xong rơi vào stress và lại tái nghiện thuốc lá.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cai nghiện thuốc lá và cai nghiện ma túy gần giống nhau nên không phải ai cũng cai nghiện được. Cai nghiện thuốc lá tỷ lệ tái nghiện còn cao hơn cả cai nghiện ma túy.
Tiếp xúc với quá nhiều người hút thuốc, thạc sĩ Quyên tâm sự, nếu không có quyết tâm thì không thể cai được. 25 căn bệnh trên nếu chưa đủ động lực để cai nghiện thì cần phải biết nó gây ảnh hưởng tới cả những người xung quanh bởi tác hại của hút thuốc lá thụ động.
Người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút.
Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút.
Cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có 1 người sẽ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và phân nửa trong số này sẽ chết trong tuổi trung niên.
theo Infonet
Nguồn:http://soha.vn/thu-pham-cua-25-benh-chet-nguoi-biet-nhung-kho-tu-bo