Thứ Hai 27/12/2021 – Ngày thứ ba tuần Bát Nhật Giáng Sinh – THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ. Lễ kính.

Thứ Hai 27/12/2021 – Ngày thứ ba tuần Bát Nhật Giáng Sinh – THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ. Lễ kính. – Môn đệ Chúa yêu.

"Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông".

 

LỜI CHÚA: Ga 20, 2-8

Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".

Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ông đã thấy và đã tin

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.

Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.

Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.

Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala!

Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.

Có lẽ cả đêm trước bà không chợp mắt được,

chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.

Ai có thể hiểu được trái tim của bà?

Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)

và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).

Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,

trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...

Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.

Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.

Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,

đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2. 13. 15).

Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.

Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh,

bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.

Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,

những bước chân hối hả vội vàng.

Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,

còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.

Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh.

Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.

Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,

nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.

Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:

ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi sọ,

ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.

Chúng ta cần có lòng tin

để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,

trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.

Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.

Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.

Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,

trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11)

Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,

để cho bà Maria đến thăm viếng,

thì làm gì có chuyện Chúa phục sinh?

Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,

những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.

Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.

Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.

Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.

Niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.

Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,

nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa phục sinh,

vì Chúa đã phục sinh

nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã phục sinh

nên con được tự do bay cao,

không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,

sợ thất bại, sợ khổ đau,

sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã phục sinh

nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu

là cái liều chín chắn và có cơ sở.

Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.

Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.

Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.

Sự phục sinh của Chúa là một lời mời gọi

mang một sức thu hút mãnh liệt

khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:

nhìn tất cả từ trên cao

để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự phục sinh của Chúa

giúp con dám sống tận tình hơn

với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,

nhưng lại được tất cả. Amen.

 

Suy Niệm 2: Người môn đệ Chúa yêu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ta đoán “người môn đệ Chúa yêu” là thánh Gio-an. Vì chỉ thấy danh xưng này trong Tin mừng Gio-an.

Chắc chắn ai cũng được Chúa yêu. Có điều không cảm nhận được. Hoặc không nói ra. Đáng lẽ Phê-rô phải xưng mình là người được Chúa yêu hơn cả. Vì ông đã lỗi lầm và được tha thứ. Như lời Chúa dạy: “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Cả Giu-đa, nếu ăn năn trở lại, cũng có thể xưng mình là người môn đệ được Chúa yêu. Nhưng chỉ có Gio-an xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”. Vì ông là người có nhiều tình cảm nên cảm nhận được một cách rõ ràng và sâu xa. Và ông có tài diễn tả. Và ông muốn cho mọi người biết rằng ai cũng được Chúa yêu. Ai cũng có thể xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”.

Tình yêu có trí nhớ rất sắc bén. Yêu ai ta nhớ từng lời nói, thái độ, cử chỉ. Thánh Gio-an nhớ rất kỹ những lời nói việc làm của Chúa Giê-su. Chẳng hạn về ngày đầu tiên gặp gỡ. Thánh nhân ghi nhớ từng chi tiết. Cả thời giờ: “Lúc đó khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,35-39). Nên nhớ, hơn nửa thế kỷ sau, thánh Gio-an mới viết Tin mừng. thế mà vẫn ghi nhớ từng chi tiết. Chắc chắn đó là một kỷ niệm khắc sâu trong tâm hồn.

Tình yêu có trực giác rất mạnh. Dễ nhận ra những dấu vết của người yêu. Việc thánh Gio-an bén nhậy tin Chúa phục sinh sau khi nhìn ngôi mộ trống là một trực giác của tình yêu. Nhìn khăn liệm và khăn che mặt xếp đặt gọn gàng Ngài nhận ra ngay dấu vết của Chúa. Cũng như ngài là người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-su phục sinh bên bờ hồ sau mẻ cá lạ. Mẻ cá lạ chỉ có thể do Chúa. Và gợi lại những mẻ cá khi Người chưa chịu khổ nạn.

Tình yêu đi vào hiệp thông sâu xa. Hiệp thông khiến tình yêu thành cụ thể và sống động. Thánh Gio-an thấy tận mắt, sờ tận tay Lời Thiên Chúa. “Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Chạm được vào Lời là có mối thân tình rất sâu xa. Nên được “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người”.

Nếu tôi ghi nhớ tất cả những gì Chúa làm cho tôi. Nếu tôi đủ nhậy bén. Tôi sẽ đi vào hiệp thông với Chúa. Và sẽ nhận biết tôi là “người môn đệ Chúa yêu”. Khi đó tôi sẽ vô cùng hạnh phúc.

 

Suy Niệm 3: Chạy đến mồ

Thông thường mỗi dịp Giáng sinh, các trẻ em thuộc hầu hết các nước thế giới đều nhận được quà của ông già Noel. Thế nhưng năm vừa qua tại một số trường tiểu học nọ, ông già Noel đã đảo lộn truyền thống: thay vì mang quà cáp đến cho các em, ông đến với bàn tay trống rỗng, thay vì tặng quà cho các thiếu nhi, ông lại là người nhận quà từ tay các em để rồi chuyển cho các thiếu nhi tại nhiều nơi khác.

Hình ảnh ông già Noel với đôi bàn tay trống không có thể gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ khi kính nhớ thánh Gioan Tông đồ trong tuần bát nhật Giáng sinh. Tin mừng hôm nay cũng nói đến một sự trống rỗng, đó là sự trống rỗng của ngôi mộ. Được Maria Madalena thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ, hai người không còn thấy xác Chúa trong ngôi mộ nữa, nhưng nhìn thấy cảnh tượng ấy, Goan đã tuyên bố: “ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng, đó là sứ điệp Gioan muốn gửi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của Mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ; cái thiết yếu ấy là gì, nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh.

Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa; Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé, tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nghèo nàn trơ trụi trong máng cỏ. Qua cảnh nghèo nàn ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến hoá thân làm người để là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin nói với chúng ta rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này dù khốn khổ đến đâu cũng đều có một phẩm giá cao cả vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua cảnh nghèo nàn trơ trụi ấy, niềm tin cũng nói với chúng ta rằng chúng ta đã trở nên giàu có thật sự. Và cái giàu có ấy chính là biết mở rộng đôi bàn tay để trao ban.

 

Suy Niệm 4: Lòng mến giúp dễ dàng nhận ra Chúa

Theo truyền thống, phong tục Việt Nam, thì khi có người thân qua đời, sau khi đã lo liệu việc chôn cất xong, khoảng hôm sau hay những ngày kế tiếp...tùy mỗi nơi, họ thường hay có tục ra nghĩa địa viếng mộ để bày tỏ niềm thương tiếc, nhớ nhung người đã khuất.

Ngày xưa tại đất nước Palestine cũng có phong tục đó. Tuy nhiên, họ để ba ngày mới ra viếng mộ. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi thấy sự kiện Maria Mađalêna ra viếng mộ Chúa từ tờ mờ sáng. Bà đến sớm là vì nóng lòng chờ đợi từng giây phút để được đến với Chúa.

Tuy nhiên, điều mà Maria Mađalêna ngỡ ngàng là thấy phiến đá lấp cửa mồ đã được lăn ra khỏi mộ...và khi nhìn vào thì không thấy xác Chúa đâu cả...Trong tâm trí của bà lúc này là: đã có ai đó lấy cắp xác Chúa...???

Sau đó, Maria Mađalêna vội về nhà báo tin cho các Tông đồ biết sự việc lạ lùng này...Gioan và Tông đồ trưởng Phêrô đã chạy đến mộ để phục kích tận mặt xem thực hư thế nào. Khi tới nơi, Tông đồ trưởng chỉ thấy ngỡ ngàng và chưa thể đoán được sự việc ra sao! Nhưng Tông đồ Gioan thì biết, ông đã thấy và đã tin, vì ngài nhớ lại lời Đức Giêsu đã loan báo trước đó là: “ngày thứ ba sẽ sống lại...”.

Điều mà chúng ta cần khám phá nội dung tiềm ẩn hay chủ đạo trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hai chữ: “Lòng mến”. Vì yêu mến Chúa tha thiết, nên Maria Mađalêna  đã đến mồ từ tảng sáng của ngày thứ nhất trong tuần. Vì yêu, nên Tông đồ Gioan cũng nhận ra Chúa đã sống lại một cách chắc chắn. Ngài cũng là người đầu tiên hiểu và tin vào việc này. Sau này chúng ta còn thấy Gioan đã nhận ra Chúa trước tiên trên bãi biển trước hết...

Như vậy, chính tình yêu đã nối kết lòng với lòng. Tình yêu đã lý giải những chuyện phi thường và mầu nhiệm cách dễ dàng. Ngôn ngữ tình yêu là ngôn ngữ của tấm lòng...

Vậy Gioan là ai? Thưa ngài là một trong những người con ông Dêbêđê, có thể ngài là bà con họ hàng với Đức Giêsu, là em của Giacôbê, làm nghề đánh cá trên biển. Ngài cũng là một trong ba Tông đồ được Đức Giêsu tỏ mình cách đặc biệt trong cuộc thần hiện trên núi Tabor. Và, ngài còn là một con người được biết đến với tính khí nóng nảy, tham vọng, nhưng cũng là người dũng cảm.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: tình yêu là ngôn ngữ không lời để hiểu và đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu được những điều kín nhiệm trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Cũng chỉ có tình yêu mới lý giải được những nghịch lý của Tin Mừng. Như vậy, nhờ tình yêu mà chúng ta thêm sự trung tín, can đảm, trung thành.

Mừng lễ thánh Gioan Tông đồ hôm nay, chúng ta hãy noi gương ngài: yêu mến Thiên Chúa tha thiết; sẵn sàng sống chết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình; hãy yêu rồi làm gì thì làm. Chỉ có tình yêu mới làm cho những việc chúng ta nói và làm có giá trị mà thôi …

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cháy lửa yêu mến Chúa như thánh Gioan khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Lễ Kính Thánh Gioan Tông Ðồ

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Thông thường người ta đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh thúc đẩy. Có nhiền nguyên nhân gây nên xúc động: Có thể xúc động vì sợ hãi, kẻ thù đang đuổi bắt sau lưng thì chẳng ai mà lại không chạy, hay tai họa sắp giáng xuống thì không cần bảo người ta cũng tìm đường thoát thân. Xúc động còn do một sự lôi cuốn thôi thúc như đang rảo bước nhưng bất chợt có điều lạ xảy ra trước mặt thì các bước chân đều rầm rập chạy tới cho kịp để xem điều lạ ấy. Và xúc động hơn là khi nghe tin người thân yêu đang gặp tai nạn hay nguy hiểm, nếu ở xa thì bằng mọi giá phải quay về cho kịp thời, nếu ở gần thì tức tốc chạy đến nơi.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng nói về hai cuộc chạy đua của hai Tông Ðồ Gioan và Phêrô. Tại sao họ lại chạy mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Các Tông Ðồ khi đến mồ thấy mất xác Chúa Giêsu, bà Maria Madalena đã chạy đi báo tin cho các môn đệ. Nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, không đơn thuần như thế nhưng còn có một động lực khác buộc ông phải chạy nhanh, đó là vì lòng yêu mến. Ðể được nhìn thấy Thầy đã sống lại, tất cả các môn đệ đều nao nức bàng hoàng, nhưng sự bàng hoàng mang nhiều cường độ sắc thái khác nhau, và dù sao đi nữa người được gọi là môn đệ yêu dấu thì sự bàng hoàng phải lên đến tột độ. Sự bàng hoàng đã làm ông quên mất người bên cạnh, chỉ khi đến mồ ông mới sực nhớ ra và ông đã nhường bước cho Phêrô.

Chỉ một thoáng diễn tả của đoạn Tin Mừng trên, chúng ta cũng thấy được lòng mến của Thánh Gioan Tông Ðồ đối với Chúa Giêsu như thế nào. Tin Mừng không nói lý do tại sao có sự mến yêu đặc biệt này mà chỉ thuật lại diễn tiến.

Từ bước đầu, Gioan cũng được kêu gọi như bao nhiêu người khác, đang vá lưới cùng với anh và cha là Giêbêđê thì hai anh em được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người. Hai người đã từ giã cha mà đi theo Ngài. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng là kẻ nóng nảy và được biệt danh là con của "sấm sét" được gán cho hai anh em khi hai người xin lửa bởi trời thiêu đốt dân thành Samaria, vì họ không chịu tiếp đón Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã quở trách hai ông và có lẽ nhờ vào lời quở trách này mà Gioan biết nhìn vào Chúa Giêsu hơn, vì Ngài là Ðấng đến để cứu chữa chứ không phải để trừng phạt. Càng nhìn vào Chúa Giêsu, Gioan lại càng yêu mến Ngài hơn. Nhưng rồi sau khi đã thưa được trước chén đắng Ngài trao cho thì Gioan đã sẵn sàng cất bước theo Ngài trên con đường tử nạn. Dù rằng lúc này quanh ông chỉ còn đầy những khuôn mặt sát khí muốn giết chết cả Thầy lẫn trò, nhưng Gioan vẫn kiên trung theo Thầy dù các bạn đồng môn đã bỏ trốn và người anh cả Phêrô đã chối Thầy.

Nhờ lòng kiên trung này mà Gioan đã được thay mặt cho cả nhân loại và cho Chúa Giêsu. Thay mặt nhân loại khi ông được gọi là "con của Mẹ", và thay mặt cho Chúa Giêsu khi ông lãnh nhận trách nhiệm săn sóc cho Mẹ "Gioan đón nhận Bà về nhà mình". Và cứ thế mà tình yêu chuyển lướt vào nơi ông, làm cho ông chỉ có một lòng khăng khít sống mật thiết với Chúa, sẵn sàng bước theo Thầy mình đến cùng trong cuộc sống của mình.

Sau khi xác Chúa được táng trong mồ, lòng thánh nhân còn luôn hướng về đó. Vừa nghe tin xác Thầy bị mất, ông liền vội vã chạy đến mồ, ông đã thấy và ông đã tin. Trong lúc các môn đệ khác còn nghi ngờ vì tình yêu đã tạo một mối liên kết vô hình, không đòi hỏi nhiều diễn tả. Thoạt nghe tiếng Ngài gọi ở trên bờ hồ Tibéria, ông đã nhận ra Ngài. Tuy nhiên, Phêrô nhanh nhẹn nhận ra Thầy mình, và ông liền nhảy xuống biển nhưng Phêrô lại không nhạy cảm bằng Gioan.

Trong ngày mừng kính thánh Gioan Tông Ðồ hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết hun đúc tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, để rồi chúng ta cũng sẽ nhạy cảm trước những tiếng gọi của Ngài. Ðặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, lúc Vua tình yêu đang giáng hạ trong máng cỏ nghèo hèn. Ước gì chúng ta sẽ nghe tiếng gọi của Ngài, và đến quì chầu bên máng cỏ để chiêm ngắm Vua Tình Yêu. Vì càng chiêm ngắm chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài, càng học biết được sự hiền lành và khiêm nhượng của Ngài.

 

Suy Niệm 6Thánh Gioan Tông đồ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta biết: Bà Maria Madalena từ sáng sớm đã ra thăm mộ Chúa Giêsu. Bà không thấy xác Chúa thì hoảng hốt chạy về báo cho thánh Phêrô và thánh Gioan. Hai ông liền chạy đến mộ. Các ông thấy khăn liệm và khăn che mặt Chúa còn đó, mà xác Người đâu mất? Nhưng thánh Gioan tin chắc là Chúa đã sống lại, vì theo Thánh Kinh: thì Người phải sống lại từ cõi chết.

2. Gioan quê ở Bethsaiđa, được Chúa gọi làm môn đệ cùng với anh là Giacôbê đang vá lưới với cha. Ông là môn đệ độc thân, được Chúa Giêsu yêu các riêng, được tham dự vào các biến cố quan trọng của Thầy  như: Biến hình trên núi Tabôrê, trong vườn Cây Dầu  trước khi Chúa bị bắt, đứng dưới cây Thập giá Chúa cùng với Mẹ Ngài, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu, là nhân chứng về ngôi mộ trống và về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.

Gioan sẽ phải chịu sự bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh, nhưng ông thoát chết kỳ lạ, sau đó bị khổ lưu đầy tại đảo Patmos. Ông là vị Tông đồ duy nhất không phải đổ máu đào như các Tông đồ khác.

3. Tông đồ Gioan là “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” (x. Ga13,23), người đã ngã đầu và ngực Chúa trong bữa Tiệc ly như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy. Thánh Augustinô đã nhìn thấy  mối gắn bó tình yêu này như sau: “Từ trong lồng ngực Chúa, Gioan đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.

Thật thế, Gioan được ở gần bên Chúa, gắn bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x. Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận  nơi Tin Mừng Gioan, vì thế được gọi là con người của tình yêu.

4. Xem ra Gioan là con người hiền lành, dễ thương, nhưng thực sự ông là một con người xông xáo, nhiều tham vọng. Chúa Giêsu đã đặt cho ông một cái tên cúng cơm là Boanet, nghĩa là con của sấm sét. Giacôbê và Gioan là những người hết sức độc đoán và bất khoan dung, tính tình nóng nảy. Có lần họ đã muốn tiêu diệt cà một làng Samaria chỉ vì dân làng này không chịu tiếp đón đoàn của Chúa khi Chúa phải đi qua đó. Có lần cùng với Giacôbê và qua bà mẹ họ đã công khai xin được ngồi bên phải bên trái Chúa trong Nước của Ngài. Tin Mừng còn cho chúng ta biết chính Phêrôvà Gioan là những người được trao cho việc thu xếp bữa ăn tối cuối cùng.

5. “Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.

Nhiều người chú giải rằng, Gioan nhường Phêrô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phêrô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giêsu chưa trao quyền cho Phêrô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x. Ga 21,15-19). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là Đức tin muôn đời không lay chuyển của Kitô hữu chúng ta (cf Hiền Lâm).

6. Người môn đệ được Chúa yêu mến nói về mình: “Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã thấy bằng trái tim và đã tin bằng tình yêu. Phải chăng người môn đệ muốn quả quyết rằng: bằng tình yêu, người ta có thể đi từ chỗ thấy những dấu chỉ bên ngoài, đến chỗ tin vào Chúa Phục Sinh vô hình? Vậy, thánh Gioan đã thấy và đã tin nhờ đâu? Nhờ thánh nhân là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Chính tình yêu giúp chúng ta nhạy cảm, tiến sâu vào các mầu nhiệm của Chúa.

7. Truyện: Hãy yêu thương nhau.

Chính thánh Hiêrônimô đã kể lại câu chuyện về mấy lời cuối cùng của Gioan. Lúc ông hấp hối, các môn đệ hỏi ông còn gì để trối lại với họ không?

 Ông bảo: - Hỡi các con bé bỏng của ta, hãy yêu mến lẫn nhau.

Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, họ lại hỏi ông có phải đó là tất cả những gì ông muốn nói với họ không?

Ông đáp: - Như thế là đủ, vì đó là mệnh lệnh của Chúa.

 

Suy Niệm 7: Người môn đệ Đức Giêsu thương mến

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Hạt giống...

Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết đôi nét về thánh Gioan:

- Ngài tự xưng mình là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Điều này đúng một cách khách quan (vì Chúa Giêsu thương mến ngài thật), và cũng đúng cách chủ quan (ngài biết Chúa Giêsu thương mình). Khía cạnh chủ quan này rất quan trọng.

- Dù biết mình được Chúa Giêsu thương mến, nhưng ngài vẫn tôn trọng Phêrô là trưởng nhóm 12, cho nên tuy vì trẻ nên chạy tới mồ trước, ngài vẫn nhường cho Phêrô vào trước.

- Lòng yêu mến Chúa đã giúp ngài sớm nhận ra ý nghĩa dấu chỉ ngôi mồ trống: “Ông đã thấy và đã tin”. Nói cách khác, đức mến hỗ trợ cho đức tin.

B.... nẩy mầm.

1. “Tin Mừng hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa: Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

2. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:

- Em có bằng lòng lấy anh không?

- Bằng lòng.

- Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế?

- Vì em yêu anh!

Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.

3. “Bà Maria Magđala chạy về tìm và báo tin cho hai ông Phêrô và Gioan: Người ta đã lấy mất Chúa rồi. Người không còn trong mộ nữa, chẳng biết họ để Người ở đâu”. Cả hai liền chạy ra mộ” (Ga 20,2-3)

Hồi tôi còn học ở Cao đẳng Sư phạm Đồng nai, có người bạn hỏi tôi: “Bạn là người công giáo phải không?” Tôi tự hào trả lời: “Đúng vậy”. Nhưng khi bạn ấy yêu cầu tôi cho biết đôi điều về đạo thì tôi đã bối rối và chỉ trả lời cách chiếu lệ. Từ ấy tôi đã nhận ra rằng mình là người công giáo nhưng rất hời hợt; đối với Chúa còn lạnh nhạt hơn… Tôi đã tìm học hỏi về Chúa, nhất là dành nhiều thời gian để cầu nguyện và sống với Chúa. Như Maria Magđala và như hai môn đệ Phêrô và Gioan, tôi muốn tin và yêu Chúa hết lòng.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin nâng đỡ tình yêu của con. (Epphata)

 nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-hai-27122021-ngay-thu-ba-tuan-bat-nhat-giang-sinh-thanh-gioan-tong-do-thanh-su-le-kinh-mon-de-chua-yeu-.html