GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 47: THỦ DÂM CÓ PHẠM TỘI KHÔNG?
Phêrô Dương Hải Văn, SDB
Hỏi: Con chào cha, xin cho con hỏi người từ 18 tuổi, thủ dâm có bị coi là phạm tội không? Nhân đây xin cha cho con vài lời khuyên để sống tốt giới răn thứ 6: chớ mê dâm dục. Con cảm ơn cha nhiều.
Trả lời:
Chào bạn, trước khi đi vào câu trả lời này, chúng ta cần hiểu rõ thế nào là thủ dâm trước nhé.
Thủ dâm là gì?
Theo một số nhà tâm lý học đương đại, thủ dâm là hình thức kích thích bằng tay hoặc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ tình dục vào các cơ quan sinh dục để tạo khoái cảm, thường đạt tới mức cực khoái[1].
Còn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo thì nói: “Thủ dâm hiểu là việc chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để đạt được khoái lạc tình dục.” (GLHTCG, 2352). Điều này có nghĩa là chủ thể tác động vào bộ phận sinh dục của mình, để tự thỏa mãn những nhu cầu và khoái lạc tình dục, nhằm đạt đến kích thích cực độ, được biểu hiện bằng sự xuất tinh nơi người nam, và sự xuất tiết chất nhầy ở âm đạo nơi người nữ.
Thủ dâm có thể thực hiện bằng tiếp xúc cơ thể hoặc bằng những phim ảnh kích dục hay sự tưởng tượng (thủ dâm trong tư tưởng), hay có khi vừa cả kích thích thân xác lẫn tư tưởng. Theo nghĩa rộng hơn thủ dâm có thể được thực hiện giữa hai người khi đương sự đụng chạm vào cơ quan sinh dục của nhau[2].
Phải chăng thủ dâm là tốt?
Thực ra, việc thủ dâm là để thỏa mãn bản năng tính dục nơi chính chủ thể, chứ không phải nhằm trao ban những giá trị cao đẹp của mục đích tính dục nơi con người. Theo đó, “Việc thủ dâm có thể chỉ làm cho con người qui hướng về chính mình, ngược lại với ý nghĩa và tính chất sinh động của tính dục là thúc đẩy con người đến sự hiệp thông và trao ban cho nhau”[3]. Nó đi ngược lại với ý hướng của Thiên Chúa về khả năng tính dục nơi con người, là sinh sản và nuôi dưỡng tình yêu trong đời sống vợ chồng: “Mọi hành vi tình dục phải nằm trong khuôn khổ hôn nhân… Với bất cứ lý do nào, việc chủ ý sử dụng khả năng tình dục ngoài quan hệ vợ chồng đúng đắn cũng là sai mục đích”[4].
Kinh Thánh và Huấn Quyền nói gì về thủ dâm?
Tuy Kinh Thánh không nói đến trực tiếp và chính xác về tội thủ dâm, nhưng khi nói: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14), hay chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27), được truyền thống Giáo Hội hiểu rằng, điều ngăn cấm này bao trùm lên tất cả các lãnh vực của giới tính con người, tức là mọi tội nghịch với đức thanh khiết.
Truyền thống Giáo Hội cũng hiểu rằng, Kinh Thánh kết án hành vi thủ dâm khi dùng những từ ngữ như “không trong sạch”, “không khiết tịnh” và những tật xấu trái nghịch với đức thanh khiết và sự tiết dục[5]: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên...” (Ep 5,3–4); “Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện.” (1Tx 4,7).
Tuyên ngôn Persona humana của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định: “Giáo lý truyền thống Công Giáo cho rằng thủ dâm tạo nên một rối loạn luân lý nghiêm trọng, .... là một hành vi rối loạn tự nội tại và nghiêm trọng. Lý do chính yếu là, với bất kỳ động cơ nào để hành động như vậy, việc sử dụng có chủ ý chức năng tình dục ngoài quan hệ vợ chồng bình thường là đối nghịch một cách chính yếu với mục đích của chức năng tình dục. Bởi vì nó thiếu mối tương quan tính dục mà trật tự luân lý đòi phải thực hiện, cụ thể là tương quan thực hiện “ý nghĩa trọn vẹn của việc tự hiến cho nhau và sự truyền sinh trong bối cảnh tình yêu chân thật.”[6] Tất cả các thực hành tính dục có chủ ý đều phải dành cho mối tương quan thông thường này.” (số 9).
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Lêô IX khẳng định rằng, thủ dâm là tội nặng bởi nó vi phạm luật Thiên Chúa và luật tự nhiên (DS, 687). Kế đó, Đức Piô XI cũng đã xác định không được phép thủ dâm dù là để khám bệnh (DS, 3687). Còn Đức Piô XII trong bài diễn văn đọc ngày 8/10/1953 tuyên bố: “Dù mục đích của thủ dâm có tốt đi nữa, chẳng hạn làm thần kinh bớt căng thẳng hay để khám nghiệm, thì cũng không biện minh được cho sự lạm dụng cơ năng truyền sinh, vì hoàn toàn ngoài mục đích tự nhiên của nó. Đó là phản luật tự nhiên và luân lý”.
Vậy thủ dâm có là tội?
Từ những xác tín qua Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội, chúng ta có thể khẳng định rằng: thủ dâm là phạm tội nghịch lại với điều răn thứ Sáu trong Mười điều răn của Thiên Chúa; và nếu trong tình trạng bình thường, thì đó là tội nặng: “Dựa theo truyền thống bền vững, cả Huấn Quyền cả cảm thức luân lý của các Kitô hữu, không hoài nghi khẳng định rằng, thủ dâm là một hành vi tự bản chất là vô trật tự cách nghiêm trọng” (GLHTCG, 2352).
Tuy nhiên: “Để có thể phán đoán đúng đắn về trách nhiệm luân lý của đương sự, cũng như đưa ra một đường hướng mục vụ, cần lưu ý đến tình trạng thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen đã có, tâm trạng lo âu cũng như những yếu tố khác về tâm lý và xã hội. Các nhân tố trên có thể làm cho sự quy tội luân lý được giảm nhẹ, thậm chí đến mức tối thiểu.” (GLHTCG, 2352).
Như vậy, thủ dâm là tội phạm đến điều răn của Thiên Chúa, cũng như đã sử dụng khả năng tình dục sai mục đích mà chính Thiên Chúa đã ban cho con người. Thủ dâm là hành vi đi ra ngoài tình yêu thương và sự truyền sinh trong đời sống hôn nhân gia đình, làm vấy bẩn phẩm giá cao đẹp của chính mình, và khiến cho bản thân luôn bị ám ảnh về những đòi hỏi của bản năng tình dục.
Làm thế nào để giữ sự trong sạch về tính dục?
Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biết trân trọng và gìn giữ nhân đức thanh khiết, qua việc sống và thực hành sự tự chủ trước những cám dỗ về sách báo và phim ảnh khiêu dâm; siêng năng cầu nguyện và tham dự cách tích cực các Bí tích. Nhờ đó ân sủng Chúa luôn nâng đỡ chúng ta trước những cơn cám dỗ về dục tình, cách riêng là với việc thủ dâm. Ngoài ra, khi ý thức cách sâu sắc về giá trị cao quý của nhân phẩm và ơn gọi làm con Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết gìn giữ đức thanh khiết trước những cám dỗ và bản năng dục tình nơi chúng ta.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (11.4.2021)
Đọc thêm:
[1] X. Lehmiller JJ, The Psychology of Human Sexuality, John Wiley & Sons, 2017, 402; Nadal KL, The SAGE Encyclopedia of Psychology and Gender, USA, 2017, 1123; Merriam-Webster's Collegiate Dictionary, Eleventh Edition, Merriam-Webster, Inc., 2003.
[2] X. John F. Harvey, OSFS, “Vượt qua thói thủ dâm”, <https://couragetiengviet.com/ap-dung/song-trong-su-that/van-de-thu-dam/>
[3] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Giải Đáp Thắc Mắc Về Luân Lý, Trung tâm mục vụ Việt Nam –Italia, 2005, 77.
[4] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 7.
[5] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Persona humana, 9.
[6] X. Gaudium et Spes, 51.
Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com