Thiên Chúa và Sự Đau Khổ Theo Sách Gióp

Dẫn Nhập

A. Tổng quan

I. Khái niệm về sự đau khổ hay còn gọi là sự dữ nói chung.

II. Quan điểm của Giáo Hội về đau khổ (về sự dữ).

B. Nội Dung

I. Thiên Chúa và sự đau khổ theo sách Gióp.

1. Sự đau khổ của nhân vật Gióp.

   1.1 Ông Gióp, nhân vật chính của cuốn sách.

   1.2 Sự đau khổ mà Gióp phải chịu.

      a. Lý do mà ông Gióp phải chịu đau khổ.

      b. Những đau khổ mà ông Gióp phải chịu.

2. Thái độ của con người khi nhìn về đau khổ.

    a. Thái độ của các bạn ông Gióp khi thấy ông gặp đau khổ.

    b. Thái độ của ông Gióp khi chính ông phải đối diện với đau khổ.

3. Sự công chính của ông Gióp.

4. Thiên Chúa và sự đau khổ của con người.

    a. Sự thinh lặng của Thiên Chúa.

    b. Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trong đau khổ.

5. Thiên Chúa quan phòng và ban thưởng cho những ai luôn tín trung vào Ngài.

6. Tại sao người công chính và yêu mến Thiên Chúa như Gióp phải chịu đau khổ?

7. Ý nghĩa của sự đau khổ trong sách Gióp.

II. Đức Giêsu Kitô – Tình yêu thắng vượt đau khổ.

1. Thập giá Đức Kitô – ngôn ngữ của tình yêu.

2. Con người tham dự vào những đau khổ của Đức Kitô.

III. Người Công Giáo với đau khổ.

1. Tình yêu trong đau khổ.

2. Cái giá của đau khổ.

C. Kết Luận

 

DẪN NHẬP

      Đau khổ, một vấn đề của kiếp nhân sinh, một vấn nạn, một thách đố không dễ để giải quyết, hay tìm ra câu trả lời một cách triệt để và thấu đáo. Qua các áng văn thơ, qua suy tư triết học, và qua cảm nghiệm của đời sống tôn giáo…v.v, con người cố gắng tìm tòi nghiên cứu mong tìm ra được câu trả lời về nguồn gốc, ý nghĩa của đau khổ. Và hơn hết đó là tìm ra phương thế giúp con người tránh gặp phải đau khổ trên đường đời; hay nếu đang trong tình trạng đau khổ, khốn đốn đấy con người sẽ phải làm gì để đương đầu với nó, và thoát ra khỏi vòng cương tỏa của nó. Từ xa xưa cho tới ngày hôm nay, chúng ta thấy có rất nhiều chứng nhân đã từng trải qua giai đoạn đau khổ nhất của cuộc đời. Từ những nhân vật có thực ngoài đời, đến những nhân vật có trong các tác phẩm văn chương, họ đã có những kinh nghiệm cá nhân cách cụ thể của riêng bản thân khi đối diện với những đau khổ. Một cách đặc biệt hơn, trong cuốn Kinh Thánh, vấn nạn về sự đau khổ của con người cũng không phải là ít. Những người tôi trung của Thiên Chúa, các ngôn sứ – sứ giả của Ngài cũng đã gặp phải muôn vàn gian nan khốn khó, những sự dữ cùng muôn vàn sự gian ác luôn theo sát bủa vây. Trong niềm tin tôn giáo, niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất của mình, con người tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi con người gặp đau khổ?. Tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ xảy ra trên người công chính? Tại sao Thiên Chúa không ra tay chở che, nâng đỡ, phù trì, ủi an con người khi sự dữ hoành hành tấn công?…v.v . Những vấn nạn như thế thật khó mà giải quyết cách toàn diện chỉ trong một vài câu nói, hay trong một vài trang giấy. Một vấn đề nan giải và nhức nhối khi người ta nghĩ về nó và đem ra bàn luận. Và trong sâu thẳm, con người luôn muốn biết được giá trị của đau khổ đem đến cho con người là gì?. Khi đã chấp nhận những đau khổ, những sự dữ xảy đến cho mình trong cuộc đời như thế, con người – những người có niềm tin – luôn biết hy vọng và đầy tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng và giàu tình thương. Ngài sẽ giải thoát họ khỏi muôn vàn đau đớn và sẽ thưởng ban muôn phúc lành cho họ. Tất cả những vấn đề này chúng ta sẽ gặp nơi Sách Gióp – một trong những sách thuộc thể loại Giáo huấn. Sách được viết dưới hình thức thi ca và nhân vật chính phải chịu sự đau khổ lên đến tột cùng về thể xác lẫn tinh thần chính là ông Gióp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề sự đau khổ của con người mà chúng ta đang bàn ở trên, trong đề tài của mình, người viết xin trình bày về chủ đề Thiên Chúa và sự đau khổ của con người trong sách Gióp ở những phần tiếp theo.

A. TỔNG QUAN

I. Khái Niệm Về Sự Đau Khổ Hay Còn Gọi Là Sự Dữ Nói Chung

Trước hết chúng ta cùng nhau nhìn lại một số quan điểm về đau khổ.

      Đau khổ là mặt trái của hạnh phúc vốn là sự hòa điệu nội tâm, an nhiên tự tại. Một khi sự hòa điệu đó bị phá vỡ con người cảm thấy đau khổ. Đau khổ con người thường phải chịu xét về mặt thể lý: như đau đớn về mặt thể xác, đau bệnh, đau các cơ quan nội tạng…v.v. Đau khổ xét về mặt tinh thần: Như mất công ăn việc làm, mất đi người thân, bị đối xử bất công, bị người khác xúc phạm…v.v. Đau khổ (hay sự dữ) mà con người phải chịu có thể đến từ thiên nhiên như: động đất, sóng thần, lũ lụt…v.v. Nó cũng có thể do con người gây ra cho nhau như: tai nạn giao thông, giết người …v.v. Đau khổ có thể đến với con người một cách ngẫu nhiên, với nhiều cách thức và nhiều phương diện khác nhau.

      Trong ngành tâm lý học thì đau khổ là một trạng thái tình cảm phát sinh từ một khuynh hướng không được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, trong thực tế, có mấy ai hoàn toàn mãn nguyện với chính bản thân của họ đâu? Và nỗi khát vọng sâu thẳm trong lòng người thì ai mà đo cho được?.

      Với ngành hữu thể học: thì đau khổ được hiểu như là sự ác đối nghịch với sự thiện. Sự ác nơi chủ thể của nó, được hiểu theo nghĩa chất thể, điều này có nghĩa là chủ thể thiếu đi một sự thiện hay hoàn hảo mà nó phải có. Sự ác làm cho chủ thể của nó ra xấu, thì là sự ác theo nghĩa mô thể. Sự ác này chỉ là vắng bóng sự thiện.

      Phật giáo: Đức Phật khám phá ra đau khổ phát sinh ở ngay trong nội tâm con người, trong chính cách nhìn, cách nghĩ, cách thấy và biểu lộ ra cách sống của mỗi người với chính mình, với cuộc đời và với người khác[1].

II. Quan Điểm Của Giáo Hội Công Giáo Về Đau Khổ Hay Còn Gọi Là Sự Dữ.

      Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Salvifici Doloris nói về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, ngài cho rằng đối với truyền thống Kitô giáo thì tự bản chất, hiện hữu là một thiện hảo, cái gì hiện hữu thì đó là một thực tại tốt đẹp; Kitô giáo tuyên xưng lòng nhân hậu của Đấng Tạo hóa và nhìn nhận các thụ tạo đều tốt đẹp. Con người phải chịu đau khổ là do sự dữ. Sự dữ là một thiếu sót, một giới hạn hay biến chất của sự thiện. Có thể nói, con người phải chịu đau khổ vì không tham dự vào sự thiện, hoặc theo một nghĩa nào đó, vì con người bị tước mất hay chính mình từ chối sự thiện. Con người phải chịu đau khổ, nhất là khi đáng lẽ phải tham dự vào sự thiện ấy trong trật tự thông thường, thì lại đã không tham dự.

      Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về sự dữ qua tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô như sau: “Trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, Ngài đã tự ý muốn xây dựng nên một trần gian “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, quá trình này gồm có việc những vật này xuất hiện và những vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy, cùng với sự lành thể lý, cũng có sự sữ thể lý, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức toàn hảo của nó.[2]

      Theo Công Đồng thì: “Khi con người nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người nhận ra rằng mình luôn hướng về sự dữ và bị dìm ngập trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa đầy thiện hảo. Những lúc từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy, con người phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời cũng phá vỡ toàn bộ sự hòa hợp đối với chính bản thân cũng như đối với tha nhân và mọi loài thụ tạo.”[3]

      Từ những điều đã nói ở trên, ta thấy rằng chủ đề sự đau khổ của con người đã một phần nào đó được lý giải. Để có cái nhìn sát thực hơn, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu xem Thiên Chúa và sự đau khổ được trình bày như thế nào trong sách Gióp.

B. NỘI DUNG

I. Thiên Chúa Và Sự Đau Khổ Theo Sách Gióp

1. Sự đau khổ của nhân vật Gióp

1.1 Ông Gióp, nhân vật chính của cuốn sách

      Sách Gióp được lấy theo tên của nhân vật Gióp trong sách. Gióp là một nhân vật hư cấu, một nhân vật kiểu mẫu. Tác giả của cuốn sách là một người có chiều sâu tôn giáo, nhạy cảm trước những hoàn cảnh bi thương của nhân loại, nhất là đau khổ cá nhân. Vì thế hình tượng nhân vật ông Gióp được xây dựng trong tác phẩm rất hoàn hảo. Ông Gióp là người giàu có và sống mẫu mực công chính. Ông sống vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác (G 1,1). Gióp quan tâm con cái sống trong đường lối của Chúa (G 1,5). Gióp chịu hoạn nạn nhưng vẫn trung tín với Thiên Chúa (G 1, 13-22). Gióp mất hết của cải, con cái nhưng vẫn ngợi khen Chúa và không phạm tội (x. G 1,20-22)Mặc dù đớn đau trong tinh thần như con cái chết, bị vợ bỏ, bạn bè khinh; nơi thể xác (ghẻ lở, mụn nhọt, hôi thối, tài sản thì bị mất hết), nhưng ông Gióp vẫn yêu mến trung thành phụng thờ Thiên Chúa. Gióp tự nhận mình là công bình (x. G 30, 25-26; 32,1; 33, 9). Tuy nhiên cuối cùng ông đã ăn năn (x. G 42,6).

1.2 Sự đau khổ mà ông Gióp phải chịu

      Trước khi đi vào sự đau khổ mà ông Gióp phải chịu, chúng ta cùng tìm hiểu xem lý do mà ông Gióp phải gánh chịu những đau khổ đó. Có hai lý do được xem là nổi bật nhất được giới thiệu ngay ở trong chương 1 của sách.

a. Lý do mà ông Gióp phải chịu đau khổ

Thứ nhất: Satan ganh tị. Satan, danh từ chung ám chỉ kẻ đối thủ hoặc kẻ cáo tội trước tòa. Và trong sách Gióp, Satan được trình bày như là một trong các tôi tớ của Thiên Chúa, y được giao cho việc canh chừng con người và rồi tố cáo kẻ có tội. Về sau này, nó sẽ trở nên một ngôi vị, Satan, tức là kẻ tìm cách làm cho con người lìa xa Thiên Chúa (x. Dcr 3, 1-3; hay 1Sbn 21,1). Từ đó có danh từ Hy Lạp diabolos, kẻ gây chia rẽ, ly gián, và danh từ “diable” trong tiếng pháp dịch ra tiếng việt là con quỷ[4]. Satan ganh tỵ với Gióp khi ông được Thiên Chúa ca ngợi là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác, vẫn kiên vững khi gặp thử thách (x G 1, 8; 2,3). Vì thế, Satan không ngần ngại dám xin Chúa cho phép y được ra tay phá hoại của cải vật chất, giết hại tính mạng của các con cái ông Gióp, làm cho Gióp đau khổ tột cùng. Đỉnh điểm của sự nham hiểm và độc ác của nhân vật Satan (luôn gieo rắc sự dữ) chính là làm cho Gióp không những đau khổ về mặt tinh thần mà còn nơi thể xác của mình. Ông mắc chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân lên đến đỉnh đầu, phải ngồi giữa đống tro, và lấy mảnh sành mà gãi (x G 2, 8). Có thể nói, Satan đã góp một phần vào sự đau khổ của con người ông Gióp.

Thứ hai: Thiên Chúa cho phép Satan làm điều đó. Ở chương 1 và chương 2, tác giả đã trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại ngắn giữa Thiên Chúa và Satan. Qua đó để chứng thực về Gióp, người tôi tớ sống công chính và luôn trung tín, Thiên Chúa đã cho phép Satan ra tay hành động khi y thỉnh cầu, ngoại trừ lấy tính mạng của Gióp (xt. G 1,6-12; 2,2-6).

b. Những đau khổ mà ông Gióp phải chịu

      Qua sự ra tay hành hạ của Satan, Ông Gióp, một người giàu có nhất ở phương đông, vì lắm bạc vàng, tôi tớ và gia súc (x.G 1,3) đã trở thành một người vô sản (x.G 1, 14-17). Ông từng hãnh diện vì mình là người được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc, khi Ngài ban cho ông bảy người con trai và ba người con gái. Thế nhưng vì sự dữ đến từ thiên nhiên, qua bàn tay của Santan đã cướp đi tính mạng của tất cả con cái ông. Ông đau xót liền xé áo mình ra và cạo đầu. Và tới lượt ông, sự dữ đã xâm chiếm chính cơ thể của ông. Ông bị ung nhọt, lở loét và đau đớn. Với quan niệm của người Dothái thời xưa rằng người sống công chính sẽ được Thiên Chúa chúc phúc qua của cải vật chất, qua việc sinh con đàn cháu đống; còn ai sống bất lương, kẻ tội lỗi sẽ bị Thiên Chúa giáng phạt. Như thế, tình cảnh của Gióp lúc này đây chính là hệ quả của đời sống tội lỗi của ông chăng?. Ông Gióp đau khổ lắm, vì ông thấy mình sống luôn ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa, không phạm tội lỗi với Thiên Chúa và với tha nhân. Bà vợ ông, người bạn đời lại xúi dục ông quở trách Đức Chúa và kêu ông chết đi cho rồi (x. G 2,9). Các bạn bè nghĩa thiết đến chia buồn, nhưng họ lại cho rằng vì ông đã phạm tội gì đó nên mới bị phạt thành ra như thế này; các luận cứ họ đưa ra với một ý niệm rằng Thiên Chúa là Đấng Công Bình: “Có ai vô tội mà phải tiêu vong? Có nơi nào người công chính lại bị hủy diệt?” (x. G 4,7-8). Những lời đó làm cho ông càng thêm đau đớn hơn. Có thể nói, sự đau khổ về tinh thần và thể xác của Gióp được tác giả đẩy lên ngày một cao hơn. Sự đau khổ lên đến tuột cùng, nó có thể dìm chết và đánh gục con người ta, nhất là con người tốt lành đó như Gióp. Vậy Gióp có ngã gục không? Thái độ của ông khi đối diện với đau khổ như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu phần kế tiếp.

2. Thái độ của con người khi nhìn về đau khổ

a. Thái độ của các bạn ông Gióp khi thấy ông gặp đau khổ

Con người khi gặp đau khổ thì luôn tự hỏi lý do tại sao; và nếu không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì lại càng đau khổ sâu xa hơn. Các bạn của ông Gióp cũng vậy. Khi hay tin ông gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, ba người bạn của ông là Êliphát, Binđát và Xôpha đến an ủi ông. Các cuộc đàm luận của ba người bạn và ông Gióp diễn ra (x. G 3,1 – 31,40). Mỗi người dùng lời lẽ riêng để thuyết phục ông rằng: sở dĩ ông phải chịu nhiều đau khổ khủng khiếp thế, là vì ông đã phạm một lỗi lầm lớn lao. Bởi lẽ, theo họ, đau khổ bao giờ cũng là hình phạt cho con người vì một lỗi phạm. Đau khổ chính là do Thiên Chúa gửi đến, Người là Đấng công minh trừng trị người ác và thưởng phạt người lành. Các lời lẽ của bạn ông Gióp như cứa từng nhát dao vào cõi lòng đang tan nát của ông. Họ không muốn thuyết phục ông về sự chính đáng của sự dữ, mà lại còn muốn bênh vực cho quan điểm của họ về ý nghĩa luân lý của đau khổ. Quả thực, đối với họ, đau khổ chỉ có ý nghĩa như là hình phạt của tội lỗi, lý do cũng vì con người đã phạm tội nên mới phải gánh chịu hậu quả của tội. Ông bạn Gióp đã phạm tội nên các con cái của ông mới chết, tài sản của ông mới tiêu tan, và rồi chính ông cũng phải lãnh hình phạt trên cơ thể của mình như vậy. Họ đã hoàn toàn đứng trong lãnh vực sự công minh của Thiên Chúa, Đấng lấy lành báo lành, lấy ác báo ác. Quan niệm cổ truyền nơi dân Israel đã hằn sâu trong tâm trí của họ, với quan niệm người này thì người công chính luôn được thịnh vượng và may mắn; còn kẻ gian ác phải đau khổ. Luật quả báo được ứng nghiệm ngay ở đời này. Chúng ta có thể gặp trong sách Thánh nói nhiều đến thưởng phạt (x. Xh 23,20; Lv 26; Đnl 28; Tv 1; 37; 49; 73; Is 58,6-14; Gr 7,5-7; 12,14-17; 17,5-8; Ed 18).

Ý kiến những người bạn của ông Gióp cho thấy có một xác tín mà người ta cũng gặp thấy trong lương tâm nhân loại: trật tự luân lý khách quan đòi phải trừng phạt sự vi phạm, trừng phạt tội lỗi và sự gian ác[5]. Theo quan điểm này, đau khổ giống như một sự dữ chính đáng. Xác tín của những người quan niệm đau khổ như một hình phạt của tội lỗi dựa trên trật tự công bằng như ý kiến của ông Êliphát, bạn ông Gióp: “Điều tôi thấy rành rành, là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc họa, cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai. Chúng bị tiêu vong do hơi thở của Thiên Chúa, chúng phải tận diệt vì nộ khí của Người.” (G 4,8-9). Tuy nhiên, ông Gióp chối bỏ nguyên tắc muốn đồng hóa đau khổ với hình phạt tội lỗi, căn cứ trên suy nghĩ của riêng ông.

b. Thái độ của ông Gióp khi chính ông phải đối diện với đau khổ

      Ông Gióp một con người công chính và sống ngay thẳng trước mặt Chúa. Vì thế, ông thực sự không đồng quan điểm trước những lời lý giải của ba người bạn. Gióp thực sự ý thức mình không đáng phải chịu hình phạt như vậy; ngược lại ông còn minh chứng những việc lành ông đã làm. Bản thân ông không hề biết đến những tai họa xảy đến cho mình là do Xatan gây ra. Mục đích của cuộc thử thách này là xem lòng mến và lòng trung thành của ông có hoàn toàn vô vị lợi không (x. G 1,9). Các bạn quả quyết ông là một người tội lỗi và đáng chịu trừng phạt vì Thiên Chúa công bình nên thưởng phạt rất công minh. Còn ông, ông kịch liệt chống lại những lời buộc tội của các bạn. Gióp không tự nhận mình là người hoàn hảo, nhưng ông nhận mình đã cố gắng hơn những người khác, để sống tử tế và lương thiện. Ông không làm điều gì xấu; ông vô tội nên phải được Thiên Chúa nâng đỡ và phù trì.

      Ta thấy rằng ông Gióp cũng như các bạn của ông đều không hề biết Thiên Chúa coi ông là một người công chính. Chính vì như vậy, cho nên ông như chống lại án phạt của Người. Mỗi lần các bạn lên tiếng là ông lại biện hộ cho mình. Ông luôn ao ước được tranh luận với Thiên Chúa (x. G 13,3) để hỏi Người lý do vì sao ông phải chịu những đau khổ tang thương như vậy? Rằng ông đã phạm tội – phạm lỗi gì trước nhan Đức Chúa và với tha nhân?, nhưng ông lại không biết tìm Người ở đâu, cũng không thể bắt Người nghe lời biện hộ của ông. Rồi ông tố cáo Thiên Chúa đã coi ông như kẻ thù (x. G 13,24), đã bắn mũi tên vào ông (x. G 6,4). Gióp thổn thức và đau khổ khi Thiên Chúa dựng nên ông, rồi chính tay Người lại diệt trừ ông (x. G 10,8). Gióp chất vấn Đức Chúa rằng làm thế nào Đức Chúa có thể là Đấng nhân từ nếu Người thường xuyên xét nét con người, sẵn sàng chộp ngay lấy từng sơ suất của con người để ghi vào sổ và dùng nó để phán xét? (x. G 13,26-27). Và làm thế nào Đức Chúa công bình nếu có quá nhiều kẻ ác chẳng hề bị trừng phạt khủng khiếp như Gióp. Một vấn nạn hết sức căm go mà Gióp đã đặt ra, điều này đã khiến các bạn của ông tức giận vì những lời lẽ có phần lên án Thiên Chúa của Gióp. Gióp muốn có người làm chứng một khi ông ra hầu tòa (x. G 16,19.21), người trung gian hay người làm trọng tài (x. G 9,33). Ông hy vọng một Đấng bênh vực (x. G 19,25-27) sẽ bênh vực ông nơi thân xác ông (x. G 13,15-16; 23,7.10), sẽ cho ông được phục hồi (ch. 29). Đấng bênh vực hay người cứu chuộc sẽ bênh vực vụ kiện của ông, nói trước tòa là ông vô tội, đưa ông trở lại sống thân thiện với Thiên Chúa. Ông không bao giờ từ bỏ niềm xác tín của mình là công chính phải thắng[6]. Trong lời tuyên bố được ghi lại ở chương 29 và 30 của cuốn sách, Gióp đã thề là mình vô tội. Ông thẳng thắn nói mình chưa từng bỏ mặc người nghèo, chưa từng lấy bất cứ cái gì không thuộc về mình, chưa từng huyênh hoang về sự giàu có của mình và vui mừng trước bất hạnh của kẻ thù. Ông dám thách thức Thiên Chúa xuất hiện, đưa ra bằng chứng chống lại ông, hoặc thừa nhận rằng ông đúng và những đau khổ mà ông phải chịu là sai lầm. Những điều đó như muốn chứng tỏ Gióp không còn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa? Hay vì đau khổ quá mà lòng Gióp oán hận Thiên Chúa? Gióp có còn yêu mến tin tưởng Thiên Chúa của ông nữa không?. Chúng ta qua tiếp phần sau:

3. Sự công chính của ông Gióp

      Ở phần đầu của cuốn sách, qua việc mô tả thái độ đón nhận đau khổ khi sự dữ ập đến cho gia đình. Gióp đã bộc lộ khí chất của một con người đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Một con người vẹn toàn, luôn sông ngay thẳng và kính sợ Thiên Chúa. Trong tất cả mọi sự ông luôn ca tụng Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin son sắt của mình: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1, 21). Tác giả còn nói thêm: “Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buôn lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.” (G 1,22). Và con người đáng kính phục như Gióp còn được thể hiện qua sự kiện ông bị sự dữ dày xéo trên chính bản thân mình, với những mụn nhọt từ chân lên đến đầu. Bà vợ của ông thì lại xúi dục ông quở trách Thiên Chúa. Thế nhưng ông liền mắng vợ là mụ điên và có lời tuyên bố đầy xác tín vào Thiên Chúa: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10). Và tác giả lại thêm “Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ta lời tội lỗi nào.” (G 2,11). Đó là niềm xác tín của ông về Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng và hiện diện trong cuộc sống của ông. Nhưng cuộc sống của ông càng lúc càng khó khăn, đau đớn giày vò về thể xác, cùng với sự khinh miệt của vợ và sự không thấu hiểu và đồng cảm của những người bạn chí cốt, đã đẩy sự đau khổ của Gióp lên tột cùng.

      Ở những chương kế tiếp như đã phân tích ở phần trên, ta thấy được Gióp đã không giữ được bình tĩnh trước những lời phán xét của những người bạn. Gióp đã lên tiếng bênh vực chính mình, có đôi khi Gióp than trách vì cuộc đời người công chính như Gióp mà lại phải chịu đau khổ ê chề như vậy? Vậy thì Thiên Chúa ở đâu? Người công bình như thế mà lại để cho Gióp, một người tôi trung và sống mẫu mực như vậy lại rơi vào cảnh ngặt nghèo như thể bị chính Chúa giáng phạt vậy. Tuy vậy, trong hoàn cảnh đó, ông Gióp vẫn nhận ra quyền năng cao cả của Thiên Chúa[7] (x. G 9,5-13; 12,7-12.13-25; 23,13-17; 27,7-10). Cho dù ông tố cáo rằng Thiên Chúa phủ nhận sự công chính của ông, đối xử tàn nhẫn với ông, thế mà ông vẫn tin tưởng Thiên Chúa nghe lời ông nói (x. G 23,3-6)[8]. Và ở những chương cuối của cuốn sách, sau khi nghe ông Êlihu (một người bạn khác nữa của Gióp đã ngồi lắng nghe cuộc tranh luận từ đầu đến cuối của Gióp và ba người bạn) lên tiếng bênh vực Thiên Chúa, và này chính Thiên Chúa xuất hiện giữa cơn bão táp trả lời cho ông Gióp, ông Gióp mới choàng tỉnh và sấp mình thống hối ăn năn vì đã trót phạm đến Thiên Chúa. Gióp nói: “Trước kia, con chỉ biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.” (G 42,5-6). Như thế, ta có thể nói rằng, Gióp đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc của cuộc sống, cùng với đó là sự đau khổ tuột cùng. Thế nhưng cuối cùng, Gióp đã cung kính sấp mình phục lạy quyền năng cao cả của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Người, và lòng đầy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng cuộc đời ông. Ông đã thống hối ăn năn. Và ông đã được Thiên Chúa thưởng công.

4. Thiên Chúa và sự đau khổ của con người

      Khi gặp đau khổ, con người hay thốt lên: Tại sao Thiên Chúa lại để tôi phải khổ thế này?…v.v Chúng ta sẽ được nghe rất nhiều câu hỏi kiểu như vậy. Quả thực, khi nhìn vào đau khổ mà Gióp phải chịu như thế, chắc chắn những khán giả tỏ ra bàng quan nhất cũng phải tự hỏi Thiên Chúa ở đâu khi con người gặp đau khổ?, hay trước đau khổ của con người, Thiên Chúa làm gì?. Thực sự đây là những câu hỏi không dễ để có thể trả lời một cách thấu đạt.

a. Sự thinh lặng của Thiên Chúa

      Trong cuộc đời của ông Gióp, nhất là khi ông gặp phải đau khổ tràn trề, thì Thiên Chúa luôn dõi theo và ở bên ông mà nhiều khi ông không cảm nhận được. Sự thinh lặng của Thiên Chúa làm Gióp cảm tưởng như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Đó là một nét rất người của Gióp và của chính chúng ta nữa. Khi con người đang sống trong tình trạng đau khổ, con người luôn chờ mong, kêu cầu Thiên Chúa đến giải phóng mình ngay, không để sự dữ bủa vây xâm chiếm, cứu giúp mình ra khỏi tình trạng ngặt nghèo này. Gióp cũng thế, sự thinh lặng của Chúa đã làm cho Gióp phần nào thiếu kiên nhẫn. Trong ông có sự giằng co giữa một bên là lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, cùng với đó là suy nghĩ mình luôn là người công chính, với bên kia là lời mà như các bạn ông nói: Thiên Chúa đang ra tay trừng phạt ông vì những lỗi lầm và sự tội mà ông đã phạm và bởi vì Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt công minh.

b. Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trong đau khổ

      Với niềm tin của mình, người kitô hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn ở bên con người khi con người gặp đau khổ. Chỉ có điều sự hiện diện của Ngài không phải lúc nào cũng minh thị, mà nhiều khi đòi hỏi chúng ta phải cảm nhận nữa. Trong chuyện ông Gióp, ta thấy nỗi khổ của Gióp không chỉ là nỗi khổ về thân xác, về tinh thần như những gì mà ta đã tìm hiểu ở những phần trước, mà trong nỗi đau khổ của Gióp, thì các bạn của Gióp và đặc biệt là chính ông Gióp không “biết” được là Chúa luôn hiện diện bên mình và Ngài biết Gióp – tôi tớ của Ngài – là người công chính trước mặt Ngài. Vì thế, Gióp luôn tự vấn chính mình, luôn muốn có cơ hội ra trước mặt Thiên Chúa để tự biện hộ, hay nói cách khác là đối chất với Thiên Chúa về lý do ông phạm tội gì mà lại phải chịu đau khổ như vậy. Gióp gặp đau khổ, và Gióp nghĩ rằng Thiên Chúa không còn thương ông nữa.

      Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trong đau khổ. Quyền năng của Thiên Chúa rất ít khi biểu lộ mạnh mẽ qua những hiện tượng vượt ra ngoài luật thiên nhiên, trái lại Ngài biểu lộ bằng cách liên tục hoạt động tiềm ẩn bên trong để trợ giúp cho người có lòng tin qua việc năng kín nhiệm lồng sâu vào trong tinh thần, như niềm tin tưởng, lòng kiên nhẫn, sức đấu tranh không ngừng chống lại nghịch cảnh và tình liên đới với người đau khổ[9]. Nhìn thấy Gióp đau khổ, Thiên Chúa không can thiệp ngay. Người vẫn chăm chú dõi theo Gióp, Ngài âm thầm nâng đỡ tinh thần, cùng với vực dậy lòng tin nơi Gióp. Thiên Chúa, Ngài chờ đợi nơi Gióp tôi tớ trung thành sự tín trung và một lòng tín thác vào Ngài. Qua cơn đau khổ, Gióp vẫn thể hiện được sự công chính nơi con người của mình, tuy có đôi lúc Gióp hơi thiếu khôn ngoan và tỏ ra kiêu ngạo một chút. Thiên Chúa đã chứng nhận con người của Gióp, Ngài mừng vui vì Gióp không ngã ngục. Câu truyện kết thúc có hậu khi Thiên Chúa ban thưởng cho Gióp, người tôi trung của Thiên Chúa.

5. Thiên Chúa quan phòng và ban thưởng cho những ai luôn tín trung vào Ngài

      Thiên Chúa đã đoái nhìn đến tôi tớ của Người là ông Gióp. Người khiển trách các bạn của ông, và khen ngợi về con người công chính của ông. Cùng với đó, Người không những đã khôi phục tài sản cho ông mà còn tăng gấp đôi những gì ông có trước kia. Các mối quan hệ bà con, bạn bè lại tìm đến ông. Ông lại sinh được bảy người con trai và ba người con gái. Ông đã được Thiên Chúa ban thưởng cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Ông sống thêm được một trăm bốn mươi năm nữa, được thấy con cái cháu chắt đến bốn đời. (x. G 42,7-17).  Đây quả thực là một cái kết có hậu cho cuộc đời trăm ngàn đau khổ của ông Gióp. Cuốn sách khép lại như là sự tưởng thưởng và khẳng định cho hậu thế rằng, người công chính ăn ngay ở lành, luôn kính sợ Thiên Chúa mà Gióp là một gương mẫu sẽ được Chúa đoái thương và chúc phúc.

6. Tại sao người công chính và yêu mến Thiên Chúa như Gióp phải chịu đau khổ?

      Câu hỏi này thường được đặt ra bởi những người không có niềm tin và cả những người có niềm tin nữa.

      Để trả lời cho vấn đề nan giải này, trước hết chúng ta xét trên cách lý giải của các bạn ông Gióp. Ông Êlipha, Binđát và Sôpha quả quyết rằng Gióp là người giả hình, dù bề ngoài đạo đức, nhưng thật ra là người gian ác và đã lỗi phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nếu người tốt bị nạn thì Thiên Chúa không công bình, và họ khẳng định lại chân lý mà từ sa xưa của người Dothái: kẻ tội lỗi gánh chịu hậu quả việc làm bất chính của mình là đau khổ. Tư tưởng này đã có trong sách Đệ Nhị Luật rằng Thiên Chúa thưởng người công chính và phạt tội nhân.

       Còn ông Êlihu cho rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và chính trực, Người chẳng làm chuyện bất công bao giờ. Người trả cho phàm nhân xứng với việc họ làm và xử với mỗi người tùy theo cách họ sống. Người không làm điều dữ, chẳng bẻ quặt lẽ công minh…v.v (xt. G 34). Ông Êlihu còn cho rằng ông Gióp tự kiêu, thiếu hiểu biết, lời lẽ chẳng khôn ngoan. Ông Êlihu này đã thêm một tư tưởng mới vào cuộc tranh luận và có phần lý giải cho đau khổ của ông Gióp. Ông Gióp phải chịu đau khổ vừa để phòng ngừa các lỗi lầm nặng hơn, vừa để chữa tính kiêu căng (G 33,15-24). Như thế, đau khổ chính là để thanh lọc nhân đức, để thử xem lòng trung kiên của người lành (xt. G 32-37).

      Với Thiên Chúa, Người đã ngắt lời ông Êlihu để giải thích cho Gióp. Người đưa ra một loạt câu hỏi để ông Gióp nhận biết quyền năng sáng tạo của Người. Người không hề tranh luận với ông Gióp và các bạn của ông. Người chẳng nói đến công chính hay bất chính, cũng không đếm xỉa đến đau khổ kẻ công chính phải chịu. Vì thế, chúng ta sẽ không thể tìm được lời lý giải hay câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề chúng ta đã đặt ra. Chỉ có điều ta thấy rằng khi Thiên Chúa lên tiếng như thế thì quyền năng khôn sánh của Người đã khiến một kẻ khốn khổ và không tự vệ nổi như ông Gióp phải khuất phục và sám hối. Sự khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa qua công trình sáng tạo buộc ông Gióp phải suy nghĩ về chính mình. Thiên Chúa đã cho ông thấy mầu nhiệm nơi các thụ sinh (hiện tượng thiên nhiên, hay các loài mãnh thú, ác điểu) mà ông không thể điều khiển hay bắt giữ được. Thiên Chúa để cho ông Gióp thấu hiểu nơi bản thân mình rằng đau khổ mà ông phải chịu cuối cùng là một mầu nhiệm. Thiên Chúa là Đấng mà ông không nhìn thấy, lại đến và nói với ông trong cơn giông bão. Chính Người dùng quyền năng, vinh quang mà chăm sóc các loài thọ sinh với tất cả tình yêu thương của Người. Như vậy, ông Gióp học biết rằng gặp đau khổ không hẳn nhiên là Thiên Chúa bỏ rơi ông. Người đã hiển thị tính siêu việt và thánh ý của Người qua lời dạy bảo ông Gióp[10]. Và cuối cùng Gióp phải thốt lên: “Trước kia, con chỉ biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.” (G 42,5-6).

      Tắt một lời, chúng ta thấy rằng đau khổ của ông Gióp là đau khổ của người vô tội. Đau khổ đó phải được đón nhận như một mầu nhiệm mà trí khôn con người chưa đủ khả năng thấu triệt. Sự đau khổ của người công chính như Gióp gặp phải không phải là một kết quả của sự lỗi phạm nào đó và rồi Gióp phải gánh chịu hình phạt. Bởi vì, ngay từ phần mở đầu Gióp được giới thiệu là người công chính, sống ngay thẳng và luôn kính sợ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã chứng nhận về điều này cho ông. Cũng vậy, vì Satan phủ nhận sự công chính của Gióp (x. G 1,9-11; 2,4-6), và vì Y đã đề nghị nên Thiên Chúa mới cho phép có thử thách. Nếu Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để thử thách ông Gióp, đó là vì người muốn chứng minh sự công chính của ông. Như vậy, đau khổ mà Gióp phải chịu có tính chất thử thách[11]. Chúng ta sẽ không dừng lại ở những câu hỏi về nguyên do sự dữ đến với người công chính như Gióp nữa. Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu xem những đau khổ mà Gióp phải chịu như thế đem lại những ý nghĩa nào?. Từ đó ta mới trân nhận giá trị mà sự đau khổ đem lại cho con người.

7. Ý nghĩa của sự đau khổ trong sách Gióp

      Trong mặc khải của Cựu Ước, thì người gặp đau khổ có nghĩa là người đó đang gánh chịu hậu quả của tội lỗi. Với công thức thường thấy là “Tội – Phạt – Hối – Cứu” đã đi vào trong tâm khảm của từng lớp lớp người Dothái. Vì thế, trong những đau khổ mà Thiên Chúa đã để xảy ra cho dân Người, có hàm chứa lời kêu gọi Lòng Thiên Chúa xót thương, lòng thương xót có trừng phạt là để dẫn tới hoán cải như sách Macabê có nói: “Những hình phạt ấy không phải để hủy diệt, nhưng cốt để sửa dạy giống nòi chúng tôi” (2Mc 6,12). Như vậy, người ta khẳng định được chiều kích cá nhân của hình phạt. Theo chiều kích này, hình phạt có ý nghĩa không những vì nó được sử dụng để đáp lại một sự dữ khách quan của việc vi phạm, nhưng trước hết vì nó còn có thể tái tạo được sự lành trong chính người phải chịu đau khổ, để chủ thể chịu đau khổ có thể nhận ra lòng Chúa xót thương trong lời mời gọi sám hối này. Đau khổ nhằm mục đích chiến thắng sự dữ vốn tiềm tàng trong con người dưới nhiều hình thức, và nhằm để củng cố sự thiện trong chủ thể bị đau khổ, cũng như trong tương quan của họ với người khác, nhất là với Thiên Chúa[12].

      Thế nhưng qua câu truyện về cuộc đời của ông Gióp, về những đau khổ mà ông phải chịu, chúng ta nhận thấy rằng sự dữ đổ xuống trên cả người vô tội. Có lẽ, ông là người đầu tiên của Cựu Ước đã mạnh mẽ chối bỏ quan niệm: Đồng hóa đau khổ với hình phạt tội lỗi, như bạn bè ông đã từng quan niệm. Quả thực, ông đã không ngần ngại nói lên: “Tôi xin thề, bao lâu còn chút hơi thở, bao lâu sinh khí của Thiên Chúa còn ở trong tôi, môi tôi sẽ không nói điều xảo trá và lưỡi tôi không thốt lời dối gian” (G 27,3-4). Dù trong khi gặp cơn quẫn bách: con cái chết hết, gia sản bị cướp phá, thân thể đau đớn vì ung nhọt, vợ thì buông lời nguyền rủa, bạn bè thì khiển trách…v.v “Nhưng trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi.” (G 2,10). Như thế, sách Gióp đã phản ánh một thực tế rằng: Có những đau khổ không phải do tội lỗi mang lại.

      Nếu chúng ta coi đau khổ như một sự thử thách, thì quả thực ông Gióp đã là một mẫu gương về việc chịu đựng thử thách cho chúng ta. Đau khổ không dìm chết con người, cũng không dẫn đưa con người vào bước đường cùng, đến nỗi phải tìm cách quyên sinh. Bằng chứng là Gióp vẫn đứng vững. Tuy rằng có những lúc Gióp lao đao, nhưng trong gian nan thử thách đó, Gióp không mất niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Ồng luôn mong chờ có một ngày Thiên Chúa sẽ cứu vớt ông ra khỏi cảnh đời khốn cùng này: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.” (G 19,25-26).

      Lòng tin dẫn đưa con người trên đường nhận biết Thiên Chúa. Trong đêm tối đức tin, con người phải kiên trì, dầu trí khôn ngoan không được toại nguyện. Gióp đã mò mẫm đi trong đêm tối của đức tin. Cũng giống như chúng ta, có đôi khi vì đau khổ quá Gióp thiếu kiên nhẫn, thiếu sự khiêm nhường, thế nhưng Gióp đã học biết được thánh ý Thiên Chúa. Sự khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa qua công trình sáng tạo buộc Gióp phải suy nghĩ về chính mình, và cuối cùng Gióp đã hiểu rằng đau khổ chính là một mầu nhiệm. Bài học mà Gióp học được cũng là bài học cho chúng ta: gặp đau khổ không hiển nhiên là Thiên Chúa bỏ rơi. Người đã biểu thị tính siêu việt và thánh ý của Người qua lời dạy bảo ông Gióp. Vì thế, Gióp phải thốt lên: “điều con đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,5-6).

      Thiên Chúa là nguồn mạch cho ý nghĩa của tất cả hiện hữu. Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế, Ngài cũng là nguồn mạch phong phú nhất cho ý nghĩa của đau khổ, cho dù đau khổ vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm. Tình yêu cũng là nguồn mạch trọn vẹn nhất trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của đau khổ. Câu trả lời này đã được Thiên Chúa ban cho con người qua thập giá Đức Giêsu Kitô. Người đã cho nhân loại hiểu biết thế nào là mầu nhiệm thập giá khi chính Người chấp nhận chịu đau khổ chỉ vì yêu thương. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới. Đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác.

      Đến đây, khi nhìn vào nhân vật ông Gióp và Đức Giêsu, ta thấy cả hai đều chịu đau khổ một cách bất công. Trong khi gặp đau khổ, đối thoại với các bạn của mình, Gióp luôn thanh minh và biện hộ cho mình, đôi khi lên cao trào Gióp có phần nào đó kiêu ngạo thiếu khiêm nhường. Gióp luôn mong muốn được diện kiến nhan Thiên Chúa để được đối đáp và chất vấn Người. Ngược lại, ta thấy Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn. Mặc dù bị đánh đập dã man bởi đòn roi, bị khạc nhổ, bị khinh khi, bị kết án tử, bị vác thập giá, bị sỉ nhục, và cuối cùng là chịu chết một cách đau đớn trên cây Thánh Giá. Thế nhưng, Đức Giêsu đã không một lời than trách, Người cũng không nghi ngờ về tình yêu của Cha Người. Ta thấy, ngay trong cuộc Khổ nạn, Đức Giêsu đã chọn lựa là quyết tâm trung thành với Chúa Cha, mà không bỏ trốn các biến cố. Đức Giêsu đã ban một ý nghĩa cho đau khổ mà Người đang chịu: một cách tự do, Đức Giêsu thí ban mạng sống mình cho đàn chiên của Người, là chính chúng ta vậy[13].

      Đức Giêsu chịu đau khổ một cách tự nguyện, và Người chịu đau khổ trong tư thế kẻ vô tội. Chính qua đau khổ, Người đón nhận câu hỏi mà bao lần con người đã đặt ra, câu hỏi đã được diễn tả trong sách Gióp: Tại sao người công chính lại gặp đau khổ?. Tuy nhiên, ta thấy rằng không những Đức Giêsu mang nơi mình chính câu hỏi đó. Bởi vì, không những Người là con người như ông Gióp, mà Người còn là Con Thiên Chúa. Người đã mang lại câu trả lời đầy đủ nhất cho vấn nạn: đâu là nguyên nhân và ý nghĩa của đau khổ?. Câu hỏi này đã được Đức Giêsu giải đáp không những qua giáo huấn của Người, tức là Tin Mừng, nhưng trên hết, bằng chính sự đau khổ của Người[14]. Đau khổ là tiếng nói cuối cùng, tổng hợp toàn bộ giáo huấn ấy, và là ngôn ngữ thập giá mà Thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr1,18). Đức Giêsu đã cứu độ chúng ta bằng con đường đau khổ.

II. Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta bằng con đường đau khổ

1. Thập giá Đức Kitô, ngôn ngữ của tình yêu

      Chúa Giêsu là Chúa, chỉ vì yêu thương thế gian, Người đã đến để mặc khải cho con người biết Chúa Cha là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót, mặc khải cho con người biết những thực tại Nước Trời, để con người ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Và để nhờ Tin vào Người mà chúng ta được cứu độ. Chính cái chết của Người trên thập giá là chóp đỉnh của tình yêu. Một tình yêu trao ban – một tình yêu hiến dâng, sẵn sàng chết cho người mình yêu. Chúa Giêsu đâu có tội tình gì? Nơi Người không hề có tội lỗi, thế nhưng Người vẫn phải gánh lấy đau khổ của con người. Đau khổ sợ hãi trong vườn cây dầu, đau khổ khi bị quân lính hành hạ, đau khổ khi thấy các môn đệ kẻ thì phản bội, người thì chối Chúa, những người khác thì chạy trốn bỏ rơi Thầy mình chỉ vì sợ, bị vây quanh bởi những kẻ nhục mạ, khinh khi. Người đau khổ lắm chứ? Đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần, có ai cảm thấu được nỗi khổ đau mà Người phải chịu không? Thêm vào đó, là cái chết nhục nhã và đau đớn trên thập giá. Chúa Giêsu đang oằn người mang vác sứ mệnh nặng nề là phải trải qua sỉ nhục và bị sự dữ xâm chiếm bủa vây đó là cái chết. Hình ảnh của Đức Kitô trong cuộc khổ nạn thật giống với hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa trong sách Isaia: “Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14), cùng với đó là sự khinh khi, nhạo báng của người đời, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật (x.Is 53,3), chính bởi vì Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta (x. Is 53,4). Và cũng giống với hình ảnh người công chính bị áp bức mà sách Khôn ngoan đã mô tả (x. Kn 2,12-20).

      Khi phải đối diện với sự dữ cuối cùng mà Người phải chịu đó là sự cô đơn và cái chết gần kề. Chúa Giêsu cảm thấy như bị Chúa Cha bỏ rơi và Người kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Tiếng kêu lên cùng Chúa Cha của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Đấng đang đối diện với bi kịch sự chết, một thực tại hoàn toàn đối lập với Chúa của sự sống.Trong khi gặp đau khổ như thế, Người đã kêu lên cùng Chúa Cha và nỗi đau đớn của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của bài Thánh Vịnh 21:  “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!. Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 21,2-3). Nhưng tiếng kêu cầu của Người không phải là tiếng kêu thất vọng, cũng không như tiếng kêu của tác giả Thánh Vịnh cất lên lời khẩn cầu khi bước trên con đường tuy gập ghềnh khổ đau nhưng cuối cùng, trong niềm tin Chúa sẽ chiến thắng, đã mở ra viễn cảnh chúc tụng ngợi khen. Chúng ta để ý thấy trong cơn khốn cùng, Gióp cũng đã kêu lên cùng Chúa, Gióp cũng tin tưởng đến một lúc nào đó mình sẽ được Thiên Chúa giải nguy. Không những thế, ông còn mơ đến một ngày được Thiên Chúa của ông cứu độ ông: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.” (G 19,25-26). Với Chúa Giêsu, lời cầu nguyện trong đau đớn khôn tả của Người vẫn hướng đến vinh quang chắc chắn: “Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Khi vâng phục Chúa Cha, chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã vượt qua tình trạng bị bỏ rơi và cái chết để đạt đến sự sống và ban sự sống ấy cho các tín hữu[15].

      Đức Giêsu đã chịu chết nhưng Người đã Phục Sinh. Người đã chiến thắng tội lỗi, qua đó Người cũng tước bỏ quyền lực của sự chết; khi phục sinh, Người đã mở cửa sự phục sinh mai sau của thân xác. Điều này có ý nghĩa hết sức lớn lao cho con người, bởi vì sự dữ cuối cùng của đời người là cái chết; thế nhưng chết không phải là hết, nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, con người có quyền hy vọng vào một đời sống vĩnh cữu bên kia cái chết. Đó là hạnh phúc cuối cùng của con người là được kết hiệp với Thiên Chúa. Khi đó, trong viễn tượng cánh chung, đau khổ đã hoàn toàn bị xóa bỏ đối với những kẻ được cứu thoát. Vì thế, trên con đường tiến vào sự sống vĩnh cửu, con người cần phải tháp nhập vào những đau khổ mà Đức Kitô phải chịu.

2. Con người tham dự vào những đau khổ của Đức Kitô

      Điều mà chúng ta nhận thấy, với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thì mọi đau khổ của con người đã đi vào một tình trạng mới. Tình trạng mà ông Gióp đã linh cảm được trong khi chịu đau khổ: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.”(G19,25-26). Và có lẽ, ông đã hướng chính đau khổ của bản thân ông đến tình trạng mới này. Vì nếu không có ơn cứu độ, thì ông không thể hiểu được ý nghĩa sung mãn của đau khổ. Nơi thập giá Đức Kitô, không những ơn cứu độ được thực hiện bằng đau khổ, mà hơn nữa, chính sự đau khổ của con người cũng đã được cứu chuộc. Đức Kitô, Đấng chẳng hề phạm tội, đã gánh lấy toàn bộ sự dữ do tội[16]. Và chính nỗi đau khổ đó đã trở thành giá cứu độ, như trong bài ca Người Tôi tớ đau khổ mà sách Isaia đã nói: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” (Is 53,11).

      Đức Kitô đã thực hiện ơn cứu độ bằng đau khổ, qua đó Người thông ban cho đau khổ một giá trị cứu độ. Như thế, qua đau khổ của mình, mọi người đều có thể tham dự vào đau khổ cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta bắt gặp tư tưởng này trong nhiều đoạn văn Tân Ước, cụ thể là trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nói tới những đau khổ khác nhau, và nhất là những đau khổ mà các kitô hữu đầu tiên phải chịu vì danh Đức Giêsu như bị ngược đãi, xiềng xích, tù đày, thậm chí là bị giết chết[17]. Cũng có thể nói rằng, chính Đức Kitô đã mở rộng đau khổ của Người cho nhân loại để con người đươc tham dự vào. Vì chính Người, trong đau khổ cứu độ, đã tham dự cách nào đó vào tất cả nỗi thống khổ của con người. Khi nhận ra sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô, thì nhờ niềm tin, con người khám phá ra trong đó các đau khổ của bản thân mình, và nhờ đó, con người nhận ra rằng đau khổ mà mình đang gánh chịu mang một nội dung và một ý nghĩa mới. Khi đó như Thánh Phaolô đã nói trong thư Galát: “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô. Thế nên, tôi có sống thì không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi.” (x.Gl 2,19-20). Một sự kết hợp trong đau khổ và tình yêu.

      Qua cuộc khổ nạn và phục sinh, Đức Kitô đã mang Thiên Chúa đến với con người, qua đó Người còn mở rộng con đường để con người trở về với Thiên Chúa. Người đã chiếu dọi ánh sáng mới vào các thực tại ngang trái của cuộc đời như đau khổ, bệnh tật, oán thù, và khi đó, Người cho thấy rằng những đau khổ mà con người phải chịu đó sẽ trở thành phương tiện để bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa[18]. Viễn tượng nước Thiên Chúa gắn liền với niềm hy vọng vinh quang bắt nguồn từ thập giá Đức Kitô. Ánh sáng phục sinh của Người đã mặc khải cho thấy vinh quang đó, vinh quang cánh chung. Như thế, những ai thông hiệp với những đau khổ của Đức Kitô cũng được mời gọi thông hiệp vào vinh quang nhờ các đau khổ của họ. Vì như Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma có nói: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17).

III. Người Công Giáo Với Đau Khổ

1. Tình yêu trong đau khổ

      Với niềm tin của người kitô hữu thì đau khổ là một sức mạnh mang ơn cứu độ. Chính Đức Kitô đã gánh lấy hết tội lỗi của chúng ta, Người là Đấng “xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Mọi tội lỗi , nhờ đau khổ của Người, sẽ được xóa bỏ. Khi thực hiện công trình cứu độ bằng đau khổ, Đức Kitô đã thông truyền cho đau khổ một giá trị cứu độ đặc biệt và Người mời gọi mọi người tham dự vào công trình đó bằng chính những đau khổ của mình. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côrintô đã nói: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,20) và “chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

      Nhờ đau khổ, chúng ta sẽ trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng của mình. Chúng ta sẽ không còn sợ hãi khi phải vác thập giá mỗi ngày. Mọi gian truân sầu khổ ngay cả đến cái chết cùng không còn có thể đánh gục chúng ta được nữa. Bởi tình yêu vào Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, và niềm hy vọng vào Đức Kitô đã phục sinh đã giúp ta lướt thắng mọi đau khổ, đã giúp ta đón nhận đau khổ một cách nhẹ nhàng và tràn đầy hy vọng hơn. Như thế, đau khổ như là lý tưởng của người kitô hữu. Thánh Phaolô không biết đến chuyện gì khác ngoài chuyện Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá[19], nơi thập giá Đức Kitô chịu đóng đinh tình yêu đã được biểu lộ trọn vẹn trong đau khổ. Vì được là kitô hữu, nên ta thấy đau khổ còn trở thành điều kiện để ta nên giống Đức Kitô hơn. Từ con tim bị đâm thâm của Người, thì một nguồn mạch phong phú ơn cứu độ đã tuôn trào và đổ tràn trên những ai muốn thông phần vào những đau khổ của Người[20]. Điều đó có nghĩa khi nào chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cái chết, chúng ta mới có quyền hy vọng có ngày được sống lại từ trong cõi chết[21].

      Người kitô hữu nhìn đau khổ theo chiều hướng thiêng liêng, và từ đó, họ nhận ra một mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa[22]. Đau khổ còn là bằng chứng của tình yêu, tình yêu của Người với Chúa Cha biểu lộ qua sự vâng phục, tình yêu của Người với nhân loại qua việc chịu chết vì Người mình yêu. Và tình yêu của con người với Thiên Chúa, qua việc tháp nhập vào cuộc thương khó của Đức Kitô bằng chính những đau khổ của mình. Như thế, trong đau khổ người kitô hữu biểu lộ tình yêu và niềm hy vọng của mình vào Đức Kitô. Và cũng từ những đau khổ, từ những thập giá mà người kitô hữu đang vác mỗi ngày, thì nhờ tình yêu thập giá đó đã nở hoa.

2. Cái Giá của đau khổ

      Đau khổ có thể đền bù được tội lỗi của chúng ta. Vì chính nhờ sự đau khổ, nhờ việc Đức Giêsu đã đổ máu mình ra trên thập giá mà chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, được hưởng ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Người và được trở nên thánh thiện tinh tuyền, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa[23]. Về phần chúng ta, những đau khổ mà chúng ta gặp phải không sao sánh bằng với những đau khổ mà Đức Kitô phải chịu. Thế nhưng, giá trị và những ơn ích mà đau khổ mang lại biểu hiện nơi thái độ của chúng ta khi chịu đau khổ và khi nhìn về đau khổ của mình. Đã có rất nhiều chứng nhân của tình yêu, họ sẵn sàng chịu đau khổ, chịu gian nan, bắt bớ, chịu tù đày, thậm chí là chịu hy sinh tính mạng để bảo vệ các chân lý đức tin, để làm chứng cho sự thật, và để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô. Tùy vào hoàn cảnh, tùy vào thời cuộc, ngày nay không còn chuyện bách hại đạo một cách công khai và khốc liệt như trước. Tuy nhiên, sự tử đạo ngày nay đòi buộc người tín hữu phải hy sinh ngay chính trong cuộc sống hàng ngày của mình, qua sự từ bỏ những thú vui trần thế, qua sự quảng đại hiến thân phục vụ, qua việc chấp nhận gian nan khốn khó để đem Tin Mừng đến những vùng sâu vùng xa, những nơi nguội lạnh, qua việc phục vụ bệnh nhân, những người cùng khổ nhất trong xã hội…v.v  Tất cả những việc làm, những hy sinh đó đều diễn tả niềm tin, tình yêu của mỗi người vào Đức Kitô, cùng với đó là mang tình yêu của Đức Kitô đến với muôn người, để muôn người cùng được ơn cứu độ. Như vậy, phần thưởng lớn nhất và quý giá nhất cho những đau khổ, sự hy sinh của mỗi người chính là được chung hưởng hạnh phúc đời đời cùng với Đức Kitô trong Nước Thiên Chúa. Cũng như Gióp trong cơn bĩ cực của đau khổ, ông vẫn hy vọng có ngày ông được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.[24]. Đây cũng chính là niềm mong ước là mục đích chính yếu mà mọi người cần hướng đến.

CKẾT LUẬN

      Cho đến hôm nay, đau khổ – sự dữ vẫn là thực trạng bi thảm của con người. Nó hiện diện trong đời sống của mỗi người theo từng cách thế và từng phương diện khác nhau. Ta không thể làm nó biến mất khỏi thế giới của riêng ta hay của toàn thế giới. Ai cũng muốn sống một cuộc sống hạnh phúc trong một gia đình êm ấm, một xã hội phồn vinh, một đất nước an bình và cường thịnh. Thế nhưng, đối diện với thực tế, ta thấy không bao giờ được như ta ước mơ. Con người càng tiến bộ, kinh tế – khoa học – kỹ thuật càng phát triển thì không đồng nghĩa là đau khổ của con người sẽ giảm xuống. Vẫn còn đó sự chênh lệch giàu nghèo, bệnh tật thì ngày càng nhiều. Không những lại xuất hiện những căn bệnh lạ, những căn bệnh hiểm nghèo đưa người ta đến cái chết một cách nhanh hơn, chiến tranh, khủng bố, thiên tai…v.v. Có quá nhiều sự dữ xảy đến cho con người mà ta không thể kể hết được đã đem lại cho con người muôn vàn đau khổ.

VXT

 

THƯ MỤC THAM KHẢO 

1Kinh Thánh

Kinh Thánh. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội, nxb tôn giáo, 2011.

2. Tài liệu huấn quyền

– Công đồng Vaticanô II. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb Tôn Giáo, 2012.

– Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992). Bản dịch của UBGLĐT-HĐGMVN. Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012.

– Kinh Thánh. Bản Việt ngữ do Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển dịch, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2010.

3. Sách

– ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984.

– HAROLD S.KUSHNER, Tại Sao Điều Xấu Lại Đến Với Người Tốt – biên dịch Phạm Như Lan và Kiến Văn. Nxb Lao Động, 2012.

– GH Bênêđictô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh (phần Cựu Ước) – Vương Nghi và Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, Nxb Tôn Giáo, năm 2012.

– Lm Hồng Nguyên, Đau khổ một thách đố cho niềm tin, tài liệu lưu hành nội bộ.

– Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đa Minh, năm 2012.

– GUY GILBERT, Đối Diện Với Đau Khổ Chúng Ta Có Thể Làm Gì? – biên dịch Xavier Trần. Nxb Antôn & Đuốc Sáng.

– CHIARA LUBICH, Ý Nghĩa Của Đau Khổ, Nxb Antôn & Đuốc Sáng.

– Lm Chu Quang Minh, S.J, Cảm Thông Để Vơi Đau Khổ, quyển 2, tài liệu lưu hành nội bộ.

– Niềm Vui Giữa Lòng Bể Khổ – Những Lời Mẹ Têrêxa Calcuta dạy về niềm vui đích thực, tài liệu lưu hành nội bộ.

 4. Tạp chí

Đau Khổ – Một Thách Đố, Thời Sự Thần Học, số 31, tháng 3 năm 2003.

5. Tài Liệu trên trang mạng:

– Gm. JB Bùi TuầnSống đạo trong thử tháchhttps://www.tinmừng.net

– Gioakim Nguyễn Văn Thăng, Khái lược về sách Gióp. http://www.catechesis.net

– Linh Tiến Khải, Thiên Chúa trả lời ông Gióp và các bạn của ông. http://www.vi.radiovaticana.va

– Gióp, https://VietnameseTheologicalreview.org

 

[1][1] Xt Thời sự thần học số 31, tháng 3 năm 2003, tr 8-11.

[2][2] GLHTCG số 310.

[3] Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 13.

[4] Gérard Billon & Philippe Gruson, Để Đọc Cựu Ước, Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, Nxb Phương Đông, 2017, tr.243-244.

[5] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris  về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984.

[6] Nhóm các giờ kinh phụng vụ, Kinh Thánh – phần dẫn nhập sách Gióp, ấn bản 2011, tr. 1046.

[7] X. G 9,5-13; 12,7-12.13-25; 23,13-17; 27,7-10.

[8] Nhóm các giờ kinh phụng vụ, Kinh Thánh – phần dẫn nhập sách Gióp, ấn bản 2011, tr. 1046.

[9] X.Thời sự thần học số 31-34, năm 2002, tr 15-16.

[10] Nhóm các giờ kinh phụng vụ, Kinh Thánh – phần dẫn nhập sách Gióp, ấn bản 2011, tr. 1046-1047.

[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris  về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984.

[12] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris  về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984

[13] X. Gérard Billon & Philippe Gruson, Để Đọc Cựu Ước, Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, Nxb Phương Đông, 2017, tr.248.

[14] Xt. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris  về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984.

[15] GH Bênêđictô XVI, Cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh (phần Cựu Ước) – Vương Nghi và Khổng Thành Ngọc chuyển ngữ và biên soạn, Nxb Tôn Giáo, năm 2012, tr 123-124.

[16] Xt. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris  về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 1984.

[17] X. 2Cr 4,8-11.14.

[18] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đa Minh, năm 2012, tr.487.

[19] X. 1 Cr 2,2.

[20] X. Lm Hồng Nguyên, Đau khổ một thách đố cho niềm tin.

[21] X. Pl 3,10.

[22] X. Ga 3,16.

[23] X. Cl 1, 21-22.

[24] X. G 19,25-26.

Nguồn: https://vinhson.net