Thay Tim
Ngày 24 tháng 3 năm 2012, tin tức về việc ghép thay tim của cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Dick Chenney, 71 tuổi, đã được loan báo rộng rãi trên truyền thông đại chúng. Ông đã trải qua năm lần bi heart attack, nhiều lần đặt stent, by pass và đã đợi 20 tháng để nhận được một trái tim từ một ân nhân vô danh. Thông thường bệnh nhân khác chỉ đợi từ 6-12 tháng. Tình trạng sức khỏe của ông sau khi thay tim đựoc coi như là ổn định và vị bác sĩ thực hiện ghép tim cho hay là Phó Tổng Thống có thể sống ít nhất là trên 10 năm nữa.
Hàng năm tại Hoa Kỳ có gần 2500 người nhận được trái tim nhân đạo trong khi đó còn trên 16,000 người dưới 55 tuổi và khoảng 40,000 người trên 65 tuổi có thể có sức khỏe tốt nếu được thay tim. Với ghép tim, xác xuất thoát khỏi tử vong suy tim là 83% trong năm đầu; 78,9% trong 2 năm kế tiếp; năm thứ ba là 75,4% và năm thứ tư là 71,7%. Trái tim đầu tiên được thay ở người là vào ngày 3 tháng 12 năm 1967 tại Nam Phi do bác sĩ Christiaan N. Barnard thực hiện.
Mặc dù bệnh nhân chỉ sống thêm được 18 ngày, nhưng bác sĩ Barnard đã mở đường cho việc thay tim trị bệnh ở người, vì cho tới thời điểm đó chỉ mới có thử nghiệm thay tim ở súc vật. Ngoài ra ông cũng là người đầu tiên lấy tim từ người hiến tặng mà não bộ mới bị tê liệt brain death trong khi các bộ phận khác còn ít nhiều hoạt động.
Người sống lâu nhất sau thay tim là ông Tony Huesman ở Ohio, thay tim vào tháng 8 năm 1978, ra đi cũng vào tháng 8 năm 2009, kéo dài tuổi thọ được 31 năm. Lập gia đình năm 1997, Ông chết sau một cơn viêm phổi do virus, khiến cho trái tim mới trở nên suy yếu. Bà vợ nói rằng, chồng bà nhận có một trái tim nhưng ông đã mở rộng trái tim gấp 10 lần qua những công việc thiện nguyện của ông.
Điều kiện để được thay tim
Để được thay tim, bệnh nhân phải ở trong giai đoạn cuối của bệnh suy tim với nhiều cơ nguy tử vong trong vòng một năm với giảm trầm trọng khả năng bơm máu của tâm thất trái; điều trị nội khoa và giải phẫu không cải thiện đựoc bệnh tình.
Có ít nhất 2 lý do chính đưa tới suy tim:
Hủy hoại không trở lại bình thường được của tế bào tim gây ra do bệnh của động mạch vành nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn và bệnh nhân đã nhiều lần bị heart attack; và
Bệnh của tế bào tim cardiomyopathy mà nguyên nhân có thể là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do di truyền.
Cả hai bệnh đều làm giảm khả năng bơm máu của tim. Để bù đắp tim dày lớn dần dần và trở nên suy yếu. Bệnh nhân cảm thấy khó thở, mau mệt dù là làm công việc hết sức nhẹ hoặc khi không làm việc gì; phù nề chân và bụng.
Điều trị nội khoa dùng các loại dược phẩm và các phương thức hỗ trợ tim.
Ngoại khoa có thể là by-pass động mạch vành, thông tim đặt stent hoặc balloon, gọt bớt tim quá to, pacemaker…
Đôi khi thay tim cũng được thực hiện cho bệnh nhân tim do hậu quả của thấp khớp rheumatic fever, cao huyết áp, bất thường ở các van tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc các hoàn cảnh hiếm hoi như u bướu tim
Trước khi được thay tim, một toán chuyên viên y tế đủ mọi chuyên môn như tâm lý, nội ngoại khoa, xã hội, vật lý trị liệu, nha sĩ, toán bác sĩ cắt-ghép tim …sẽ thay phiên gặp bệnh nhân để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe từ thể chất tới tinh thần, các thói quen và nếp sống, có khả năng tuân theo các hướng dẫn trước cũng như sau giải phẫu.
Thường thường sau giải phẫu, bệnh nhận phải liên tục dùng nhiều dược phẩm khác nhau trong đó có các loại thuốc ngăn cản hiện tượng cơ thể chống lại trái tim mới được “đăng ký hộ khẩu” do yêu cầu.
Những ai không được thay tim
Một số bệnh nhân không thích hợp để thay tim, nhất là nếu họ lại bị các bệnh khác vể sự tuần hoàn không liên quan gì tới trái tim. Những hoàn cành sau đây có thể gây ra biến chứng cho việc thay tim:
Tăng huyết áp phổi cố định với tâm thất phải lớn;
Đang bị các bệnh mãn tính trầm trọng;
Tổn thương trầm trọng các bộ phận sinh tử như thận, gan, phổi, ruột hoặc hệ thần kinh trung ương;
Ung thư mới hoặc không kiểm soát được;
Cao huyết áp không được ổn định;
Không đủ cương quyết ngưng lạm dụng rượu, thuốc cấm;
Rối loạn tâm thần, không ý thức tuân theo hướng dẫn, điều trị;
Từ 70 tuổi trở lên, tùy theo từng trung tâm tim mạch;
Quá mập phì;
Đang bị bệnh tiểu đường loại II phụ thuộc vào insulin kèm theo rối loạn các cơ quan khác
Sửa soạn ghép tim
Có 5 giai đoạn để thực hiện ghép tim
Một toán các nhà chuyên môn y tế sẽ làm những điều sau đây:
-Tìm hiểu coi bệnh nhân có đủ sức khỏe để nhận trái tim mới
-Tìm hiểu coi xem bệnh tim có đủ suy nhược đền nỗi phải cần một trái tim khác
-Sửa soạn trước để giải phẫu. Sửa soạn này kéo dài khá lâu và cũng bảo đảm rằng một trái tim sẽ được tìm ra;
-Thực hiện cuộc giải phẫu thay tim;
-Giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh với trái tim mới sau giải phẫu
Việc thay tim coi bộ cũng khá giản dị.
Khi có một trái tim thích hợp với mình thì một điều dưỡng viên sẽ triệu mình tới bệnh viện. Toán bác sĩ giải phẫu sẽ xem xét trái tim hiến tặng coi xem tình trạng ra sao, có tốt không, trong khi đó bệnh nhận được đưa vào phòng mổ để sửa soạn. Bệnh nhân được cho uống/chích các thuốc để cơ thể không chống bỏ tim mới. Nếu tim cho thích hợp thì phẫu thuật bắt đầu.
Mấy xương sườn đựoc cắt, lồng ngực được mở ra, tim cũ lấy đi, tim mới đã đựoc cắt xén gọn ghẽ sao cho vừa khít với tim bệnh sẽ đựoc khâu vào. Diễn tiến kéo dài từ 7-12 giờ, bệnh nhân được đưa về phòng hồi sinh để theo dõi.
Thời gian nằm bệnh viện sau giải phẫu tùy theo tuổi tác, tình trạng sức khỏe của mình, tùy theo trái tim mới hoạt động ra sao và cũng tùy theo khả năng học hỏi cách thức sau giải phẫu. Trung bình từ 7-16 ngày.
Sau giải phẫu, bệnh nhân cần trở lại bệnh viện để được theo dõi trong vài tháng, riêng tháng đầu thì cần tái khám mỗi tuần sau khi xuất viện. Lý do là giải phẫu có thể có những biến chứng không lường trước được. Do đó bệnh nhân nên thu xếp chỗ ở gần với trung tâm thay ghép tim. Hiện nay có khoảng 160 trung tâm thay tim rải rác trên nước Mỹ.
Quyết định thay tim cần được cân nhắc kỹ càng vì:
-Đây là một đại giải phẫu với nhiều rủi ro và biến chứng mà các nhà chuyên môn sẽ giải thích cặn kẽ rỏ ràng cho bệnh nhân.
-Sau giải phẫu, bệnh nhân phải hiểu rõ và tuyệt đố áp dụng các hướng dẫn về tự chăm sóc, về chế độ dinh dưỡng, dùng dược phẩm, tập luyện cơ thể, thay đổi lối sống trong suốt cuộc đời còn lại. Trong vài tháng sau giải phẫu cần giữ hẹn tái khám để được theo dõi tình trạng trái im mới hoạt động ra sao, có bị ảnh hưởng bới hiện tượng chối bỏ mà các nhà chuyên môn có thể khám phá ra.
Nhắc lại là dược phẩm chính là loại có tác dụng ngăn ngừa cơ thể bệnh nhân phản ứng từ chối trái tim mới được ghép. Dược phẩm này có nhiều tác dụng phụ đôi khi rất khó chịu như giảm khả năng chống bệnh nhiễm, tăng huyết áp, cao áp xuất mắt, cao cholesterol hoặc loãng xương vì thất thoát calci, nhưng lại tối cần thiết. Đó là các thuốc Cyclosporin, Prograf, Prednisone, Immuran or Cellcept. Cyclosporin do mấy loại nấm sản xuất được tìm ra váo năm 1982. Trước khi tìm ra thuốc này, các cuộc ghép đều không mấy thành công vì cơ thể một mực từ chối, hủy hoại bộ phận được ghép.
Sự từ chối này là một khả năng đặc biệt của cơ thể để chống lại bất cứ vật lạ nào xâm nhập cơ thể như các tác nhân gây bệnh vi khuẩn, virus, tế bào lạ. Khả năng này do hệ miễn nhiễm của cơ thể chịu trách nhiệm. Không có khả năng này thì tính mạng con người sẽ mong manh như trứng để đầu đẳng. Điều đáng tiếc là khả năng này không phân biệt được vật mới xâm nhập là thù ( vi khuẩn…) hay bạn (trái tim nhân đạo), cho nên cứ thấy lạ là nó chống cự hủy hoại. Thuốc chống từ chối có mục đích ngăn sự reject này.
Kết luận
Sự tiến bộ của y khoa học thực là quá sức tưởng tượng.
Từ nguyên thủy loài người, khi thương yêu nhau thì người ta trao tặng trái tim, trái tim tinh thần chứa đựng tình cảm thương yêu.
Ngày nay, vì lòng nhân đạo bác ái, người ta tặng cho nhau một trái tim thật, trái tim còn nóng hổi với nhịp đập mang nặng tình người. Thật là một nghĩa cử cao quý, như ý kiến của bác sĩ Barnard “ Thực là hữu ích hơn khi chuyển ghép một trái tim thay vì chôn sâu nó dưới lòng đất làm mồi cho sâu bọ”.
Nói về bệnh nhân thay tim đầu tiên của mình, ông còn có nhận xét “Với một người sắp chết, quyết định trở thành người đầu tiên được thay tim ở trên thế giới không phải là quyết định khó khăn vì người đó biết mình ở đường cùng. Nếu có một con sư tử rượt đuổi ta tới bờ một dòng sông lúc nhúc những cá sấu, ta vẫn lao mình xuống sông với hy vọng bơi sang bờ bên kia. Nhưng ta sẽ không chấp nhận hoàn cảnh đó nếu không có con sư tử”.
Và xin kết luận bài viết với câu chuyện vui do danh hài TV Jay Leno kể “Một cư dân Do Thái được chuyển ghép trái tim của một người Palestinian. Anh ta bình phục hoàn toàn, chỉ có một điều là anh ta luôn luôn tự ném đá vào mình”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com