Sáng Chúa nhật, 04 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, lên bậc chân phước.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện diện tại Quảng trường trong thánh lễ, lúc 10 giờ 30 sáng, dưới trời mưa, có khoảng 20.000 tín hữu các nơi, đặc biệt từ ba giáo phận miền Veneto, quê hương của Đức chân phước mới: Belluno-Feltre nơi ngài sinh trưởng, Vittorio Veneto nơi ngài làm giám mục và Venezia nơi ngài làm Hồng y Thượng phụ. Mọi người che dù dự lễ.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có khoảng 20 hồng y, giám mục và khoảng 80 linh mục.
Đặc biệt có bốn phái đoàn chính phủ: từ Ý, do Tổng thống Sergio Mattarella hướng dẫn, từ Tiểu Vương quốc Monaco, do Thủ tướng Pierre Dartout và phu nhân, từ Đài Loan, có ông Trần Kiến Nhân (Chien-Jen Chen), cựu Phó Tổng thống và phái đoàn tháp tùng. Sau cùng là phái đoàn của Hội Hiệp sĩ Malta, do thầy John Dunlap, Quyền Thủ lãnh và đoàn tùy tùng.
Nghi thức phong chân phước
Nghi thức phong chân phước đơn sơ, diễn ra vào đầu thánh lễ, sau kinh thương xót.
Đức cha Renato Marangoni, Giám mục giáo phận Belluno-Feltre, nguyên quán của Đức Cố Giáo hoàng, cùng với vị thỉnh nguyện viên là Đức Hồng y Beniamino Stella, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ và bà Phó thỉnh nguyện viên, tiến lên xin Đức Thánh cha ghi tên Vị Tôi tớ Chúa đáng kính: Gioan Phaolô I Giáo hoàng vào sổ bộ các chân phước.
Rồi Đức Hồng y thỉnh nguyện viên đọc tiểu sử vắn tắt của Đức Gioan Phaolô I, tục danh là Albino Luciani: sinh ngày 17 tháng Mười năm 1912, tại Canale d’Agordo, thuộc giáo phận Belluno-Feltre, con thứ tư trong gia đình. Năm 1923, khi được 11 tuổi, cậu Albino gia nhập tiểu chủng viện Feltre, rồi năm năm sau lên Đại chủng viện Gregoriano ở Belluno, thụ phong linh mục năm 1935, khi được 23 tuổi, với phép chuẩn tuổi tác. Sau hai năm làm cha phó, cha Albino được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đại chủng viện Gregoriano và dạy học tại đây trong 20 năm, về thần học tín lý và giáo luật. Khi cần, cha cũng phụ trách các môn học khác. Cha viết các bài cho tuần báo giáo phận “L’Amico del Popolo” Bạn của dân.
Năm 1942, cha Albino đậu cử nhân và năm năm sau lấy bằng Tiến sĩ thần học tại Đại học Gregoriana ở Roma. Cuối năm 1958, cha Albino được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục là “Humilitas”, Khiêm nhường, noi gương thánh Carlo Borromeo và thánh Augustinô. Đức cha cũng cho vẽ trên huy hiệu giám mục ba ngôi sao, tượng trưng đức Tin, Cậy, Mến, đánh dấu hướng đi trường kỳ sứ vụ giám mục của ngài. Ngài hăng say chu toàn nhiệm vụ chủ chăn, quan tâm tới việc đối thoại và lắng nghe, dành ưu tiên cho các cuộc viếng thăm mục vụ, tiếp xúc trực tiếp với các tín hữu, tỏ ra nhạy cảm đối với các vấn đề xã hội trong lãnh thổ giáo phận. Ngài xin các giáo dân tích cực tham gia đời sống Giáo hội. Và ngài cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của giáo sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự cộng tác giữa các linh mục, tận tụy săn sóc các ơn gọi và huấn luyện chủng sinh cũng như các linh mục trẻ. Ngài cũng nổi bật về giảng thuyết, chứng tỏ năng khiếu truyền đạt sứ điệp Tin mừng.
Đức cha Albino đã tham dự tất cả các khóa họp của Công đồng chung Vatican II (1962-1965). Và thường mời các giám mục đã quen biết được trong Công đồng đến thăm giáo phận Vittorio Veneto để giúp giáo dân hiểu chiều kích hoàn vũ của Giáo hội, và Đức cha cũng chấp nhận lời thỉnh cầu gửi các linh mục triều sang giúp giáo phận São Matéus ở Brazil và Ngozi ở Burundi, trong tư cách là các linh mục “Fidei donum”, Hồng ân đức tin.
Cuối tháng Mười Hai năm 1969, Đức cha Albino được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm Thượng phụ thành Venezia. Tại đây, ngài vẫn giữ nguyên lối sống đơn sơ, quan tâm giúp đỡ người nghèo, cởi mở đối thoại và đặc biệt chú ý đến những người rốt cùng và các bệnh nhân. Tất cả những điều đó, cùng với tính tình dễ mến, ngài đã thu phục được thiện cảm của dân thành Venezia. Ngài cũng ủng hộ các công nhân ở Marghera thường can dự vào các hoạt động công đoàn, và nhiều lần viếng thăm các cộng đoàn người Ý di cư ở nước ngoài.
Đức Thượng phụ Albino thăng Hồng y năm 1973. Năm 1978, sau khi Đức Phaolô VI qua đời, Đức Hồng y Albino Luciani được bầu làm Giáo hoàng thứ 263 của Giáo hội. Trong sổ tay riêng của triều đại Giáo hoàng, ngài thường ghi câu này bên dưới: “Người phục vụ, chứ không phải là chủ nhân của Chân Lý”.
Trong diễn văn đầu tiên trước các hồng y tại nhà nguyện Sistina, Đức tân Giáo hoàng liệt kê các điểm trong chương trình triều đại của ngài, với sáu điều “Chúng ta muốn”, theo những chỉ dẫn của Công đồng, để trở về nguồn mạch Tin mừng, canh tân tinh thần truyền giáo và đoàn thể tính của hàng giám mục, phục vụ trong tinh thần thanh bần của Giáo hội, tìm kiếm sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, đối thoại liên tôn một cách kiên trì và quyết liệt, bênh vực công lý và hòa bình.
Những cử chỉ đầu tiên của ngài như Giáo hoàng cho thấy ngay lối sống đượm tinh thần phục vụ và đơn sơ của Tin mừng. Trong bốn bài giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung các tín hữu, ngài tỏ ra khả năng thích ứng với những người nghe, để lại dấu vết trong lịch sử huấn giáo. Ngài tái đề nghị tính chất thời sự và vẻ đẹp của các nhân đức hướng thần Tin, Cậy, Mến.
Đêm ngày 28 tháng Chín năm 1978, sau gần 34 ngày làm Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô I qua đời đột ngột. Triều đại Giáo hoàng của ngài ngắn ngủi và gương mẫu kết thúc trong dấu chỉ tình yêu nồng nhiệt đối với Thiên Chúa, với Giáo hội và nhân loại.
Công thức phong chân phước
Tiếp đến, Đức Thánh cha đã đọc công thức phong chân phước: “Đón nhận ước muốn của người anh em, Renato Marangoni, Giám mục giáo phận Belluno-Feltre, của nhiều anh em khác trong hàng giám mục và của đông đảo các tín hữu, sau khi nghe ý kiến của Bộ Phong thánh, với quyền Tông đồ, chúng tôi chấp thuận rằng Đấng Đáng kính, Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô I, từ nay có thể được gọi là chân phước và được mừng kính hằng năm vào ngày 26 tháng Tám, tại những nơi và theo qui tắc luật định. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bức chân dung vĩ đại của Đức tân chân phước Giáo hoàng treo ở mặt tiền Đền thờ thánh Phêrô được vén màn, trước tiếng vỗ tay và bài ca tạ ơn. Rồi một đoàn người rước thánh tích của Đức Gioan Phaolô I lên cạnh bàn thờ. Thánh tích là một thủ bút của người chưa từng được công bố.
Đức cha Marangoni đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh cha và cùng với vị thỉnh nguyện viên, đến gần Đức Thánh cha để chào cám ơn.
Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh và phần phụng vụ Lời Chúa.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng tiếp đó, đặc biệt diễn giải về câu Chúa Giêsu nói với những người muốn theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giả mình mà theo tôi...” (Xc. Lc 14. 26-27.33).
Đức Thánh cha nhận xét rằng lối cư xử của Chúa khác với thái độ của nhiều thầy khác.... Theo Chúa là một chọn lựa đòi sự dấn thân trọn cuộc sống; vì thế Chúa Giêsu muốn rằng môn đệ của Ngài “không đặt điều gì trên tình yêu ấy, kể cả những tình cảm thân thương nhất, những của cải lớn nhất. Nhưng để làm điều đó, cần nhìn lên Chúa hơn là nhìn bản thân chúng ta, học yêu thương, kín múc tình thương đó từ Đấng Chịu Đóng Đinh. Tại đó, chúng ta thấy tình thương hiến thân cho đến cùng, không so đo, không giới hạn... Đức Giáo hoàng Luciani đã nói: “Chúng ta là đối tượng tình thương không phai tàn của Thiên Chúa” (Angelus 10-9-1978). Không phai tàn: không bao giờ lu mờ khỏi đời sống chúng ta, nhưng luôn chiếu sáng trên chúng ta và soi chiếu cả những đêm tăm tối nhất. Vì thế, khi nhìn Đấng Chịu Đóng Đanh, chúng ta được kêu gọi hãy trở nên xứng đáng với tình yêu ấy: thanh tẩy mình khỏi những ý tưởng sai trái của chúng ta về Thiên Chúa và khỏi những khép kín của chúng ta, yêu mến Chúa và tha nhân, trong Giáo hội và trong xã hội, cả những người không nghĩ như chúng ta, thậm chí cả những kẻ thù. Yêu thương: dù phải chịu thập giá, thập giá của sự im lặng, hiểu lầm, cô đơn, bị cản trở và bị bách hại. Vì như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I đã nói - nếu bạn muốn hôn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, “thì bạn không thể không cúi mình trên thập giá và để cho mình bị gai nhọn từ mạo gai trên đầu Chúa châm vào” (Tiếp kiến chung 27-9-1978).
Đức Thánh cha cũng giải thích rằng: “yêu thương đến tận cùng, với tất cả những gai góc: chứ không phải những việc làm nửa chừng, thu xếp xoay sở hoặc sống yên hàn. Nếu chúng ta không hướng lên cao, không chịu rủi ro, nếu chúng ta chỉ hài lòng với một thứ đức tin “nước hoa hồng”, thì chúng ta giống như những người xây tháp mà không tính toán kỹ lưỡng các phương tiện để thực hiện; người kia, “đặt nền móng” rồi không có khả năng hoàn tất công trình” (v.29). Nếu vì sợ mất mạng, chúng ta từ bỏ không hiến thân, thì chúng ta để công việc nửa chừng: những tương quan, công việc, trách nhiệm được ủy thác cho chúng ta, những mơ ước và cả đức tin. Rốt cuộc chúng ta sống nửa chừng: không bao giờ thực hiện một bước quyết định, không bay lên, không chịu rủi ro vì điều thiện, không thực sự dấn thân cho tha nhân.”
Về điểm này, Đức Thánh cha nhắc đến gương của vị chân phước mới. Người đã sống không thỏa hiệp, sống trong niềm vui Tin mừng, yêu thương cho đến cùng. Người đã thể hiện đức khó nghèo của người môn đệ, không những không dính bén của cải vật chất, và nhất là chiến thắng cám dỗ đặt cái tôi ở trung tâm và tìm vinh dự. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường, Đức Cố Giáo hoàng coi mình như hạt bụi, tại đó Chúa khấng viết lên (Xc A. Luciano / Giovanni Paolo I, Opera Oọmnia,Padovca 1988, Vol. II, 11). Vì thế, Người nói: “Chúa đã dặn dò kỹ lưỡng: các con hãy khiêm tốn. Cả khi các con đã làm những điều vĩ đại, hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô ích” (Tiếp kiến chung 6/9/1978).
Sau cùng, Đức Thánh cha nhận xét rằng với nụ cười, Đức Giáo hoàng Luciani đã thông truyền được lòng nhân lành của Chúa. Thật là đẹp một Giáo hội với khuôn mặt vui vẻ, thanh thản và tươi cười, không bao giờ khép kín cửa, không làm cho các tâm hồn bực tức, không than vãn, không tỏ ra nghiêm khắc, không đau khổ vì hoài tưởng quá khứ.... Chúng ta hãy cầu nguyện với người cha, người anh này của chúng ta, xin người giúp chúng ta được nụ cười tâm hồn. Chúng ta hãy cầu xin điều mà chính người thường xin: Lạy Chúa, xin nhận con như con có đây, với những khuyết điểm của con, với những thiếu sót, nhưng làm cho con trở thành như Chúa muốn”. (tiếp kiến chung 13-9-1978)
Lời nguyện phổ quát
Trong phần lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo hội, cho Đức Thánh cha Phanxicô, và bằng tiếng Hoa, mọi người đã cầu cho các vị trách nhiệm các dân nước, để nhờ mối quan tâm hiền mẫu của Giáo hội khích lệ đối với công ích, họ bền chí trên con đường đối thoại và hòa hợp. Cộng đoàn cũng cầu nguyện cho những người bị nghèo đói, chiến tranh, và bách hại đè nén, để trong đau khổ họ có thể cảm nghiệm sự gần gũi và liên đới của các anh chị em, những lời nói và cử chỉ bác ái cụ thể. Sau cùng, mọi người đã cầu cho những tín hữu hiện diện, họp nhau trong niềm vui vì hồng ân chân phước Gioan Phaolô I, để họ đón nhận tấm gương cuộc sống khiêm tốn, tinh thần đơn sơ theo Tin mừng và lòng bác ái mà chân phước đã chứng tỏ trong sứ vụ mục tử.
Kinh Truyền tin
Lúc cuối lễ trời tạnh mưa và lúc gần 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin với các tín hữu. Trước đó, ngài chào thăm các phái đoàn chính thức, bắt đầu từ Tổng thống Ý và Thủ tướng Monaco, các vị đồng tế, các đoàn tín hữu từ ba giáo phận bắc Ý có liên hệ đặc biệt với vị chân phước mới.
Đức Thánh cha không quên nhắc nhở mọi người đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình thế giới, nhất là tại Ucraina.
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org