Không chỉ đơn thuần là một hành động vô thức khi chúng ta mệt mỏi hay buồn ngủ, “ngáp” còn có tính chất lan truyền. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bình quân con người ngáp khoảng 8 lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn dành thời gian ở bên cạnh một người hay ngáp hoặc thậm chí là đọc sách báo, xem tranh ảnh hay TV có liên quan đến việc ngáp, thì dám chắc số lần ngáp trong ngày đó của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Và mặc dù là một hành động quá đỗi quen thuộc với tất cả chúng ta, nhưng liệu có mấy ai hiểu được tại sao con người lại ngáp và ngáp để làm gì?
Trên thực tế, đã có hẳn một công trình nghiên cứu, được thực hiện vào năm 2007, chỉ để giải đáp cho câu hỏi trên. Cụ thể, theo giáo sư tâm lý học Andrew Gallup- người thực hiện đề tài, con người ngáp nhằm mục đích điều hòa nhiệt độ của cơ thể và bộ não.
Theo đó, khi mở miệng ra để ngáp, hàm của chúng ta sẽ phải đưa xuống vị trí gần như thấp nhất, khiến lượng không khí được đưa vào bên trong cơ thể đạt mức cận cực đại. Lượng khí mát tức thời này sẽ nhanh chóng “hạ nhiệt” các mạch máu đang hoạt động với cường độ cao trong người chúng ta.
Để củng cố cho suy luận này, trong thí nghiệm của mình, Gallup đã thử sưởi ấm các tình nguyện viên và kết quả là cường độ ngáp của họ đã tăng lên đáng kể, so với khi thực hiện với điều kiện thí nghiệm ban đầu. Ngược lại, khi được làm mát hay đặt một túi chườm đá lên trán, số lượng của những cái ngáp lại giảm đi trông thấy.
Áp dụng kết quả nghiên cứu này vào thực tế, có thể dễ dàng hình dung rằng, sau một ngày làm việc mệt mỏi, cơ thể cũng như bộ não sẽ bị đốt nóng bởi quá trình vận hành. Do đó, những cái ngáp sẽ xuất hiện để làm mát “bộ máy sinh học” của chúng ta.
Về hiện tượng ngáp có thể lây truyền, các chuyên gia có một giả thiết cho rằng, đây là một sự tự phỏng đoán của bộ não, bởi khi thấy người khác có nhu cầu làm mát cơ thể bằng việc ngáp, trung ương thần kinh của chúng ta sẽ nghĩ rằng bản thân cũng cần hạ nhiệt và ngáp theo.
Thảo Vy
Theo Britanica
Nguồn: http://dantri.com.vn