James Martin, SJ
Các tham dự viên chú tâm vào màn hình đang hiện lên một bản đồ thế giới với những điều bất thường về khí hậu trong suốt Hội Nghị Về Biến Đổi Khí Hậu ở Le Bourge, Pháp, diễn ra vào ngày 8.12.2015(CNS photo/Stephane Mahe, Reuters)
Tổng thống Donald J. Trump vừa tỏ ý xem xét để rút lại những phần quan trọng trong chính sách của tổng thống Obama về bảo vệ môi trường. Hơn thế, tổng thống Trump muốn rút lui và viết lại Kế Hoạch Năng Lượng Sạch, mảnh trung tâm trong những chính sách của cựu tổng thống Obama để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Những điều này xem ra là những vấn đề mang tính chính trị? Không chỉ có vậy, chúng còn là những vấn đề luân lý nữa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rõ ràng điều này trong thông điệp “Laudato Sì” vào năm 2015. Trong đó, ngài kêu gọi một sự thay đổi trong nếp nghĩ của chúng ta về điều mà Ngài gọi là “ngôi nhà chung của chúng ta.”
Hãy suy xét 3 lý do về việc chăm sóc cho môi trường là một vấn đề luân lý và tại sao thất bại trong những chính sách bảo vệ hành tinh của chúng ta không chỉ chống lại giáo huấn Công Giáo nhưng cũng còn trái với đạo đức nữa.
Thụ tạo là một món quà từ Thiên Chúa
Tất cả thụ tạo là một món quà thánh thiêng và quý giá từ Thiên Chúa nên con người phải tôn trọng. Lời kêu gọi chăm sóc cho hành tinh của chúng ta mở rộng tận về Sách Sáng Thế, khi loài người được kêu gọi để “canh tác và giữ gìn” trái đất. Nhưng chúng ta đã khai thác quá nhiều và lại chẳng giữ gìn đủ.
Yêu mến thụ tạo là chủ đề xuyên suốt cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa không chỉ trở nên con người nhưng còn sống trong thế giới tự nhiên nữa. Chính Đức Giê-su đã hiểu rõ giá trị của thế giới tự nhiên, như chúng ta có thể thấy trong các đoạn văn Tin Mừng, trong đó, Người ca ngợi thụ tạo và nói về những loài chim trời cùng những bông huệ ngoài đồng. Về cơ bản, thế giới này không chỉ thánh thiêng – cũng không phải là của chúng ta, ngay cả khi chính chúng ta cũng không. Thế giới này là của Thiên Chúa.
Người nghèo bị tác động cách bất cân xứng do khí hậu thay đổi
Tác động bất cân xứng về sự thay đổi môi trường nơi người nghèo và đối với những nước đang phát triển thật đáng suy xét. Điều này không đơn giản bởi vì người giàu thường là tầng lớp đưa ra những quyết định kinh tế mà không suy xét tới người nghèo, nhưng còn bởi vì người nghèo có vô cùng ít những nguồn lực tài chính để giúp họ thích nghi với sự thay đổi khí hậu. Họ không thể di chuyển, không thể tự bảo vệ những ngôi nhà của họ hay dễ dàng chuyển đổi công việc như người giàu.
Chúng ta không thể chăm sóc thụ tạo nếu lòng chúng ta thiếu đi sự trắc ẩn đối với những anh chị em đồng loại của chúng ta.
Tin Mừng, giáo huấn xã hội của Giáo Hội và những tuyên bố của các tất cả các vị giáo hoàng gần đây đều phê phán sự loại trừ bất kỳ ai khỏi lợi ích của những của cải trên thế giới này. Và trong những quyết định liên hệ tới môi trường và việc sử dụng những nguồn tài nguyên chung của trái đất, chúng ta được mời gọi để hiểu rõ giá trị những nhu cầu và phẩm giá của người nghèo. Hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã dạy rằng, chúng ta sẽ chịu phán xét về cách chúng ta đối xử với người nghèo. Điều đó bao hàm những quyết định về sự biến đổi khi hậu tác động lên họ.
Sự tham lam là điều không tốt
Trong thông điệp “Laudato Sì”, Đức Thánh Cha Phanxico dành sự chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngài đối với những người giàu mà không hề biết gì tới vấn đề của sự thay đổi khí hậu và đặc biệt, sự tác động bất cân xứng của nó đối với người nghèo. Tại sao quá nhiều người giàu có lại quay mặt lại với người nghèo? Không chỉ bởi vì một số quan niệm rằng, chính họ như “xứng đáng” hơn,” nhưng còn bởi vì những người ra quyết định thường chẳng đoái hoài gì tới người nghèo, lại cũng không có sự liên đới thực sự nào với anh chị em đồng loại của mình.
Tính ích kỷ cũng đưa tới sự tước đoạt những gì cốt yếu của ý niệm này về tài sản chung. Điều này tác động không chỉ đơn giản những điều trong thế giới đang phát triển nhưng còn với những cuộc sống bên lề xã hội nơi những nước đã phát triển- trong những khu ổ chuột chẳng hạn. Nhưng trong nhãn quan của người Ki-tô hữu, không có chỗ cho sự ích kỷ hay dửng dưng. Bạn không thể chăm sóc thụ tạo nếu lòng bạn thiếu đi sự trắc ẩn đối với những anh chị em đồng loại của bạn.
Vì thế, khi chúng ta nói với nhà lập pháp hay bỏ phiếu về biến đổi khí hậu, hãy suy nghĩ không chỉ về bạn nhưng còn về người khác nữa. Hãy ưu tư không chỉ về những thành phố của bạn nhưng còn về những thành phố khác nữa, những làng mạc và thôn xóm ở những nước đang phát triển. Hãy chú tâm không chỉ tới những người giàu nhưng còn về người nghèo nữa. Hay nói cách khác, không chỉ nghĩ về chiếc ví của bạn nhưng còn linh hồn của bạn nữa.
Joseph Trần Ngọc Huynh S.J. chuyển ngữ
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2017/03/29/father-james-martin-why-climate-change-moral-issue