Việc tự chăm sóc tốt bản thân, cả thể chất lẫn tinh thần rất quan trọng với tất cả mọi người. Đối với người nhiễm HIV lại càng quan trọng hơn nữa vì đó là một phần trong sức khỏe chung và có tác động lớn đến tình trạng nhiễm HIV, chất lượng cuộc sống, khả năng điều chỉnh và ngược lại.
Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc trong điều trị kháng Retrovirus (ART), người nhiễm HIV có khả năng sống thọ hơn. Khi đó, các vấn đề sức khỏe tâm thần sẽ ngày càng được quan tâm hơn. Trạng thái sức khỏe tâm thần có thể tác động lên quá trình chiến đấu chống lại HIV. Bằng chứng cho thấy những người có vấn đề sức khỏe tâm thần (ví dụ như trầm cảm, lo âu) thường sẽ không tuân thủ tốt việc dùng thuốc kháng vi rút (ARV), cuối cùng dẫn đến kháng thuốc và các biến chứng liên quan đến HIV. Dùng thuốc ARV có thể gây các vấn đề về sức khỏe tâm thần do tác dụng phụ của chúng, đôi khi cản trở việc duy trì thuốc lâu dài, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra với một tỷ lệ nhỏ.
Việc tìm hiểu tốt quá trình bệnh và các thông tin giúp cải thiện sức khỏe tâm thần có thể giúp người nhiễm HIV vượt qua các căng thẳng về cảm xúc như lo âu, trầm cảm, và một số vấn đề khác một cách thuận lợi, để có một cuộc sống chất lượng hơn.
Rối loạn cảm xúc
Một số biến cố nặng nề, như chẩn đoán nhiễm HIV, cùng có các tác dụng phụ nặng, bệnh lý nặng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc. Các biểu hiện thường thấy có thể giống với quá trình đau khổ là phủ nhận, giận dữ, buồn bực, than vãn, và đôi lúc có rối loạn hành vi bất ngờ. Bên cạnh đó còn có ý nghĩ sợ bị kỳ thị và bị cô lập khi bộc lộ thông tin, khó khăn trong việc tìm nguồn nâng đỡ. Các hỗ trợ về tâm lý rất quan trọng trong những lúc như vậy. Người nhiễm nên đến các chuyên gia điều trị HIV, các chuyên viên tâm lý hoặc trao đổi với người thân và bạn bè để được giúp đỡ phụ hồi về tinh thần, trang bị thêm những kiến thức và kỹ thuật mới giúp cải thiện tổng trạng cũng như sức khỏe tâm thần.
Lo âu
Lo âu là cảm xúc thường có của con người. Tuy nhiên lo âu sẽ trở thành vấn đề bệnh lý khi nó gây cản trở các hoạt động thường ngày hoặc khi nó xuất hiện quá thường xuyên mà không có lý do rõ rệt. Các triệu chứng lo âu thường thấy như: Cảm giác hồi hộp, run tay, đổ mồ hôi, cảm giác đỏ phừng phừng mặt hay tái mét, tim đập nhanh, cảm giác nghẹn thở ở cổ, khó thở hay thở dồn dập, cảm giác nôn nao trong bụng, cảm giác căng thẳng, khó ngủ… Lo âu rất hay gặp ở những người nhiễm HIV, ước tính tỷ lệ là 33%. Việc điều trị cũng tương tự như những bệnh nhân bị rối loạn lo âu khác, là phối hợp giữa điều trị thuốc và tâm lý liệu pháp. Mức độ cải thiện triệu chứng tùy thuộc vào đáp ứng thuốc, khả năng nhận ra và giải quyết các nguyên nhân gây ra lo âu, và hợp tác của người nhiễm và thân nhân. Các trị liệu hỗ trợ như châm chứu, massage, và các liệu pháp thư giãn cũng giúp ích một phần, tùy thuộc vào mức độ trầm trọng và nguyên nhân của lo âu.
Trầm cảm
Chúng ta thường tự nhận là mình bị trầm cảm khi cảm thấy chán nản, suy sụp, bị mắc kẹt trong một vấn đề chưa giải quyết xong, hay thất vọng về một việc gì đó. Tuy nhiên, trầm cảm thực sự thường là trầm trọng hơn và kéo dài hơn. Chúng ta có thể có các triệu chứng của trầm cảm nhưng chưa chắc là đã bị rối loạn trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy, người nhiễm dễ trầm cảm hơn so với những người khác. Tỷ lệ có triệu chứng trầm cảm ở người nhiễm HIV/AIDS ước tính khoảng 15%. Rối loạn trầm cảm được nhận diện khi có ít nhất 6 trong 9 triệu chứng sau thường xảy ra trong ít nhất là 2 tuần: 1. Bệnh nhân cảm thấy trầm buồn; 2. Giảm hứng thú hay giảm ham thích các hoạt động mà trước đây họ rất thích; 3. Không ngủ được hay ngủ rất nhiều; 4. Không muốn ăn (mất cảm giác ngon miệng) hay ăn rất nhiều rất đến sụt hay tăng cân tương ứng; 5. Cảm giác mệt mỏi hay mất năng lượng; 6. Cảm thấy bản thân vô dụng và tự trách bản thân; 7. Giảm khả năng tập trung suy nghĩ; 8. Cảm giác bị bứt rứt hay một tình trạng ngược lại là chậm chạp tâm thần vận động; 9. Ý tưởng và hành vi hướng về tự tử. Vấn đề nghiêm trọng của rối loạn trầm cảm là khả năng tự sát và đôi khi có khuynh hướng kích động. Một số yếu tố có thể làm trầm cảm tăng nặng thêm như bệnh tật, mức độ căng thẳng, mức độ trầm trọng trong biểu hiện triệu chứng, các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến người bệnh. Tuy vậy, có khi không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng của trầm cảm; và một số người dễ bị trầm cảm hơn so với người khác. Bác sĩ có kinh nghiệm có thể chẩn đoán và điều trị tình trạng này. Nếu người nhiễm nghĩ mình bị trầm cảm cần nhanh chóng nhận diện và tìm kiếm sự giúp đỡ. Có 3 giai đoạn trong quá trình này (3 chữ R):
Nhận biết (Regconize): Hãy tự hỏi mình rằng các cảm giác này có khác với cảm giác buồn phiền thường khi của bạn. Nó có gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn hay làm cho bạn không còn hứng thú với các hoạt động trước đây của bạn nữa hay không?
Thông báo (Report): Đừng giữ im lặng về các cảm giác của bạn. Hãy mạnh dạn nói cho bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế. Bạn cũng có thể ghi lại các cảm giác này của bạn vào giấy và cho các bác sĩ xem ở lần khám sau.
Đối phó (Respond): Bạn hãy nhớ rằng, phần lớn các vấn đề về tâm thần có thể điều trị hay làm thuyên giảm được. Có rất nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị từ đơn giản ví dụ như bằng cách nói hay chia sẻ cảm xúc, đến các phương pháp điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các phương pháp tâm lý trị liệu, hay phối hợp cả hai.
Hỗ trợ
Có nhiều nhà chuyên môn có thể giúp được cho bạn: Bác sĩ tâm thần: Được đào tạo chuyên về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Có kinh nghiệm điều trị về thuốc men và có thể có kinh nghiệm về tâm lý trị liệu. Nhà tâm lý trị liệu: Được đào tạo chuyên về các trị liệu tâm lý. Có kinh nghiệm nhận diện và lựa chọn các phương pháp trị liệu tâm lý thích hợp cho từng cá nhân người bệnh. Phối hợp điều trị với Bác sĩ tâm thần để có tiến triển tốt nhất. Chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn: Có khả năng giúp bạn bộc lộ, chia sẻ thông tin, cảm xúc và khó khăn, có khả năng cung cấp thông tin hữu ích cho quá trình điều trị của bạn. Xin bạn hãy nhớ là nhiều thói quen thường ngày tuy nhỏ lại có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của bạn như ăn điều độ theo chế độ dinh dưỡng thích hợp; ngủ đủ giấc; tập thể dục thường xuyên theo sở thích; hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
Trong quá trình điều trị, bạn cần nhớ là:
Nên tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng một tứ thuốc nào đó (ví dụ thuốc bắc).
Không nên tự ý dừng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi do tác dụng phụ của thuốc, bạn nên báo với bác sĩ điều trị ngay.
Đừng bao giờ e ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ bất kỳ nhân viên y tế nào tham gia chăm sóc cho bạn. Việc chia sẻ thông tin và yêu cầu giúp đỡ của bạn giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.
Có nhiều tổ chức được thành lập để giúp đỡ bạn. Bạn có thể tham khảo để tìm kiếm sự giúp đỡ của những tổ chức này.
Bs. Phạm Thị Minh Châu - ĐHYD TPHCM
Nguồn: http://thaibinhpac.vn