Năm 2023 đánh dấu một bước tiến triển đáng kể trong quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Quốc gia cộng sản này, vốn đã cắt đứt mọi quan hệ song phương với Rôma vào năm 1975, trước khi dần dần nối lại đối thoại từ năm 1990, đã tăng cường những cử chỉ cởi mở trong năm qua.
Nhắc lại hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh vào năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rộng rãi gợi lên, trong lời chúc các đại sứ tại Vatican, vào thứ Hai, ngày 8 tháng 1, về sự phát triển tích cực trong quan hệ song phương giữa Vatican và Việt Nam. Đã có chuyến thăm của Chủ tịch Võ Văn Thưởng tới Rôma vào tháng 7, sau đó là việc ký kết thỏa thuận về quy chế thường trú tại Hà Nội của Đại diện Tòa Thánh, được thực hiện bằng việc bổ nhiệm Đức cha Marek Zalewski vào ngày 23 tháng 12, và cuối cùng là lời mời chính thức Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này; Thông báo này được đưa ra trong chuyến thăm của ủy ban tôn giáo của chính phủ tới Tòa Tổng Giám mục Huế, ngay trước lễ Giáng sinh.
Về phần mình, trong lá thư gửi người Công giáo Việt Nam vào tháng 9 vừa qua, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vai trò của người Kitô hữu là đồng hành cùng đất nước hướng tới “sự phát triển kinh tế và xã hội cân bằng”, với tư cách là “Kitô hữu tốt và công dân tốt”.
Đối với nhà nghiên cứu Claire Tran, phó giáo sư và chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á, sự nồng ấm trong mối quan hệ song phương là sự thừa nhận công việc phi chính trị của Giáo hội trong việc phục vụ người dân trong số những người thiệt thòi nhất.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến Rôma vào tháng 7 để ký thỏa thuận cho phép Vatican có đại diện thường trú tại Hà Nội. Một bước phát triển mới kể từ năm 2011, đại diện Tòa thánh không thường trú và có trụ sở tại Singapore. Đây là một ngày rất quan trọng vì Hà Nội không có Đại diện Tòa Thánh nào kể từ năm 1975, ngày thống nhất đất nước, và khi đại diện tông tòa, Đức cha Henri Lemaître, bị trục xuất. Nửa thế kỷ sau, sự cởi mở này vẫn là một sự kiện đặc biệt ở cấp độ toàn cầu đối với một nước cộng sản.
Claire Tran (nguồn ảnh: lejournal.cnrs.fr)
Vatican News : Năm 1989, vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, khi Việt Nam vẫn còn là một quốc gia rất khép kín, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử Đức Hồng y Roger Etchegaray với sứ mạng ngoại giao tại Hà Nội. Điều gì đã có thể khiến chuyến thăm này thành khả thi?
Claire Tran : Tôi nghĩ đó là do mong muốn cởi mở của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc về chính sách kinh tế và đã đi theo hướng mở cửa kinh tế này, đồng nghĩa với việc mở cửa với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, đất nước này vẫn bị cô lập sau năm 1975. Năm 1988, Bill Clinton, khi đó là tổng thống Hoa Kỳ, đã thông qua một đạo luật liên kết việc mở cửa kinh tế với tự do tôn giáo.
Hậu quả rất tích cực trong nhiều thập kỷ sau đó. Kể từ chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Etchegaray, sẽ có đủ loại cuộc gặp gỡ song phương giữa Vatican và Đảng Cộng sản. Điều đó không có nghĩa là hai bên đã đồng ý về mọi thứ, hoàn toàn ngược lại. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1989 rất khó khăn và có nhiều trở ngại, đặc biệt là về việc bổ nhiệm các giám mục, liên quan đến việc đào tạo các linh mục, việc mở các chủng viện và tài sản của Giáo hội, bị tịch thu từ năm 1975.
Vatican News : Tòa Thánh và Việt Nam đã đàm phán với nhau trong nhiều thập niên, điều này rõ ràng đã cho phép một số tiến bộ, cho đến khi thỏa thuận bổ nhiệm đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, vừa được xác nhận cách đây vài ngày bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Phải nói rằng Vatican không đơn độc. Còn có tất cả các hoạt động của Giáo hội địa phương giúp cho cuộc đối thoại này được tiến triển…
Claire Tran : Tất nhiên, Vatican không đơn độc. Giáo hội Việt Nam là diễn viên chính trên thực địa. Chẳng hạn, Giáo hội không ngừng can thiệp vào lĩnh vực xã hội. Giáo hội làm việc với những người là nạn nhân của ma túy và bệnh nhân Sida và hành động của Giáo hội rất được chú ý trong cuộc khủng hoảng Covid. Trong tất cả các lĩnh vực y tế, và với những người dân đang gặp khó khăn, Giáo hội đều hiện diện rất nhiều và người cộng sản đã để điều đó xảy ra vì họ không thể quản lý được tất cả những người dân này.
Giáo hội đã cho thấy rằng Giáo hội tham gia vào các vấn đề xã hội một cách vô vị lợi. Từ hơn hai mươi năm, người ta có thể thấy các bác sĩ Công giáo làm việc trong bệnh viện công, chẳng hạn, họ cũng tư vấn miễn phí tại các giáo xứ. Hành động này đóng một vai trò quan trọng, và đặc biệt là trong thời kỳ Covid khi Giáo hội hoạt động rất tích cực và được chính phủ đánh giá rất cao.
Vatican News : Như thế, rõ ràng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện giữa Rôma và Hà Nội. Theo bà, giai đoạn tiếp theo sẽ là gì?
Claire Tran : Đó là giáo dục. Có hai trường đại học Công giáo ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và nhiều trường trung học. Tất cả chúng đều đã được quốc hữu hóa. Năm 2016, một thỏa thuận đã được ký kết để mở một trường đại học Công giáo, nhưng trên thực tế nó không thực sự là một trường đại học. Đúng hơn, đó là một học viện chỉ dạy thần học. Tuy thực sự vẫn còn phức tạp, nhưng vẫn là bước đi quan trọng trong chính sách cởi mở của chính quyền.
Điều đó nói lên rằng, trên thực tế, điều mà nhiều người nghĩ, đó là cần phải mở các trường trung học để đào tạo tốt, kể cả các chủng sinh trẻ đã từng học trường công. Cá nhân tôi nghĩ rằng sau thỏa thuận này, giai đoạn tiếp theo có thể là chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới Việt Nam. Chuyến thăm này giờ đây sẽ có thể thực hiện được vì trong chuyến viếng thăm Đức Giám mục giáo phận Huế, Chủ tịch nước Việt Nam đã thông báo rằng ông đã mời Đức Thánh Cha. Đây là một sự kiện rất quan trọng.
Vatican News : Năm 1975, của cải và tài sản của Giáo hội đã bị tịch thu. Chẳng hạn, chúng ta có thể mong đợi điều gì đó sắp tới không?
Claire Tran : Nó rất tế nhị. Có rất nhiều đất đai và tài sản. Đây không phải là một vấn đề vốn sẽ tìm thấy giải pháp ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ tùy từng trường hợp cụ thể. Vatican thực sự rất thực dụng, giống như những người cộng sản, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy rằng chủ nghĩa thực dụng này của mỗi bên đã giúp đạt được tiến bộ thực sự.
Vatican News : Claire Tran, cuối cùng, để kết thúc, ngày nay có thể nói gì về tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Claire Tran : Nếu tôi so sánh với Giáo hội mà tôi đã thấy vào năm 1989, thì sự tiến triển thực sự rất tích cực. Tôi đã được gặp Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận*, người bị bỏ tù một thời gian dài, rồi bị quản thúc tại gia, trước khi ngài rời Việt Nam. Vào thời điểm đó, hoàn cảnh vô cùng khó khăn và không thể so sánh với ngày nay, nơi việc thực hành tôn giáo hoàn toàn tự do.
Việc đào tạo cũng tự do đối với các linh mục. Trái lại, vẫn còn một điều mà Đảng chưa sẵn sàng chấp nhận, đó là sự đối lập chính trị. Do đó, bất kỳ sự tham gia nào của người Công giáo hoặc linh mục vào các vấn đề chính trị đều phải bị loại trừ. Trong lĩnh vực này, không có sự khác biệt thực sự. Công giáo hay không Công giáo, bất kỳ sự đối lập chính trị nào vốn phản đối toàn quyền, sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản đều không được hoan nghênh.
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)