Sử dụng nước súc miệng thế nào cho đúng?

Nước súc miệng là dung dịch được pha chế dùng để sát khuẩn và làm sạch vùng miệng, họng, hầu nhằm góp phần bảo vệ răng, lợi, họng, hầu. Tuy nhiên, dùng nước súc miệng như thế nào cho đúng, đạt hiệu quả cao thì không phải ai cũng biết.

Vai trò của nước súc miệng

Nước súc miệng có nhiều công dụng khác nhau, thường có các chất sát khuẩn như axít boric, kẽm sulfat, menthol, cetylpyridinium, chlorhexidine... và pha chế dưới dạng dung dịch cho nên có vai trò sát khuẩn hoặc diệt khuẩn. Đặc biệt có nhiều dạng nước súc miệng chứa flour, được xem là thành phần thiết yếu giúp phòng ngừa bệnh sâu răng và làm cho răng chắc, khỏe.

Mặc dù có nhiều loại nước súc miệng khác nhau nhưng vai trò của nước súc miệng chỉ có tác dụng sát khuẩn ở một chừng mực nào đó và hạn chế sâu răng, chứ không chữa được sâu răng hay làm trắng răng như một số người lầm tưởng.

Một số loại nước súc miệng thường được sử dụng

Nước súc miệng chứa muối NaCl

Muối NaCl được pha trong dung dịch với nồng độ thích hợp có tác dụng sát khuẩn và bảo vệ lớp tế bào niêm mạc miệng, họng (không làm hại tế bào niêm mạc họng, miệng), giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại ở hầu họng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Nồng độ nước muối NaCl 0,9% gọi là nước muối sinh lý hay dung dịch muối đẳng trương được cho là thích hợp nhất để súc miệng. Dùng nước muối NaCl 0,9% sau khi đánh răng vào buổi sáng và tối là biện pháp góp phần bảo vệ răng miệng đáng kể.

su-dung-nuoc-suc-mieng-the-nao-cho-dung-1

Không nên lạm dụng nước súc miệng.

 

Nước súc miệng listerine

Có nhiều loại nhưng thành phần chủ yếu là thymol nồng độ 0,064% và một số tinh dầu (tinh dầu lý bách hương, tinh dầu bạc hà, tinh dầu bạch đàn và tinh dầu methyl salitylat), các loại tinh dầu này có tác dụng sát khuẩn và chống phù nề nhẹ niêm mạc. Dung dịch này được chỉ định súc miệng, ngậm trong miệng 30 giây mỗi lần và 2 lần/ngày.

Nước súc miệng povidone-iod

Để phòng bệnh họng, miệng có thể dùng dung dịch betadine có chứa chất sát khuẩn povidone-iodine 1%. Khi tiếp xúc với chất bẩn trong miệng, chất iốt trong hợp chất povidone-iod được giải phóng từ từ, có tác dụng sát khuẩn, chống nấm, làm mất mùi hôi. Dung dịch betadin súc miệng có nồng độ iốt thấp hơn dung dịch sát khuẩn ngoài da hoặc vệ sinh phụ nữ (10% iod). Vì vậy, khi dùng betadin súc miệng, cần xem kỹ đúng nồng độ và chỉ được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm nấm họng.

Dung dịch giva

Đây là một chế phẩm được chỉ định rộng rãi trong viêm họng, viêm quanh răng, có tác dụng sát khuẩn, chống phù nề. Tuy vậy, khi dùng loại này cần lưu ý, phải pha loãng 1/10 với nước sạch, ấm để tăng thêm hiệu quả vì trong thành phần của dung dịch còn có menthol, nếu dùng với nồng độ cao sẽ gây tổn thương niêm mạc họng.

Một vài lưu ý khi dùng

Tính hiệu quả của nước súc miệng tùy thuộc cách sử dụng chúng và kết hợp vệ sinh răng, miệng mới có hiệu quả cao. Khi sử dụng nước súc miệng có chứa fluor cần lưu ý nồng độ thật phù hợp cho trẻ em. Mặt khác, khi mua nước súc miệng, cần kiểm tra hàm lượng cồn (ethanol, với tỉ lệ biến đổi từ 6 - 27%), vì nếu chứa lượng cồn quá lớn sẽ làm khô miệng.

Nên súc miệng ngày hai lần không chỉ hiệu quả trong việc giữ hơi thở thơm mát mà còn là phương pháp tối ưu giúp vệ sinh toàn khoang miệng.

Mỗi một lần súc miệng nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng, sau đó nhổ bỏ.

Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng nước súc miệng vì nếu lạm dụng nước súc miệng sẽ diệt hết các vi khuẩn có lợi trong khoang miệng, làm răng, lợi, khoang miệng trở nên nhạy cảm hơn với các vi khuẩn gây bệnh, vì vậy dễ mắc bệnh răng miệng.

BS. Bùi Mai Hương

nguon: Suckhoedoisong.vn