Sứ điệp Đức Thánh cha nhân Ngày Thế giới Người khuyết tật

Pope greets disabled woman in Sicily (file photo) | AFP or licensors

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi vượt thắng thứ văn hóa “vứt bỏ”, muốn loại trừ người khuyết tật, đồng thời ngài kêu gọi tăng cường các biện pháp giúp người khuyết tật hội nhập vào xã hội, cũng như để người khuyết tật giữ vai trò tích cực trong đời sống Giáo hội.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp công bố sáng ngày 3/12/2020, nhân Ngày Thế giới về những người khuyết tật, năm nay có chủ đề là: “Tái tạo tốt đẹp hơn: tiến tới một thế giới hậu đại dịch Covid-19 bao gồm khuyết tật, dễ tiếp cận và bền vững”.

Đức Thánh cha tố giác những đe dọa của nền văn hóa gạt bỏ, “một số thành phần nhân loại dường như có thể bị hy sinh để mưu lợi cho một lãnh vực nhân loại đáng sống không giới hạn. Xét cho cùng, con người không còn được cảm thấy như một giá trị ưu tiên cần tôn trọng và bảo vệ, nhất là khi họ là những người nghèo hoặc khuyết tật” (FT 18). Và Đức Thánh cha viết: “Điều quan trọng là, đặc biệt trong Ngày Thế giới này, cổ võ một nền văn hóa sự sống, liên tục khẳng định phẩm giá của mỗi người, đặc biệt bênh vực những người nam nữ khuyết tật, thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội”.

Đức Thánh cha đề cao tinh thần bao gồm, và nêu gương người Samaritano nhân lành, và khẳng định rằng: “Trên đường đời, chúng ta thường gặp những người bị thương tích, nhiều khi họ mang những dấu hiệu khuyết tật và giòn mỏng yếu đuối. Sự bao gồm hoặc loại trừ người đau khổ, dọc theo đường đời, xác định tất cả các dự án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta đứng trước những chọn lựa làm người Samaritano nhân lành, hay là người qua đường dửng dưng, bước đi trong thái độ tránh xa” (FT 69).

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha đặc biệt cổ võ việc đề ra những phương thế thích hợp để thông truyền đức tin cho người khuyết tật trong Giáo hội. Các linh mục, chủng sinh, giáo lý viên và nhân viên mục vụ cần được huấn luyện thông thường về tương quan với người khuyết tật và dùng các phương thế mục vụ bao gồm. Các cộng đồng giáo xứ cần dấn thân làm tăng trưởng nơi các tín hữu một lối hành động đón nhận những người khuyết tật, liên đới và phục vụ họ và gia đình họ.

Sau cùng, Đức Thánh cha đặc biệt cổ võ sự tham gia tích cực của người khuyết tật vào đời sống Giáo hội. Họ có quyền nhận các bí tích như mọi thành phần khác của Giáo hội. Cần đặc biệt quan tâm để những người khuyết tật chưa lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, được đón tiếp và hội nhập vào hành trình huấn giáo để được chuẩn bị đón nhận các bí tích ấy. Ngoài ra, cần giúp người khuyết tật tham gia tích cực vào công cuộc loan báo Tin mừng, như trở thành giáo lý viên. Sự hiện diện của những người khuyết tật nơi các giáo lý viên là một nguồn tài nguyên cho cộng đoàn. Vì thế, cần tạo điều kiện cho sự huấn luyện họ, để họ có thể được chuẩn bị cao hơn cả trong lãnh vực thần học và giáo lý.

Nguồn:https://vietnamese.rvasia.org