Cắt khỏi mạng thần kinh tủy sống, vẫn tự tiêu hóa!
Đầu thế kỷ XIX, tại Anh, hai chuyên gia Sinh lý học thuộc Đại học London, TS. William Bayliss và TS. Ernest Henry Starling đã nghiên cứu chi tiết cấu tạo, chức năng của ruột. Họ tiến hành thí nghiệm với cơ thể chó. Hết sức ngạc nhiên, hai nhà khoa học Anh tình cờ phát hiện: Hệ tiêu hóa có thể thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, thậm chí sau khi đã cắt nó khỏi mạng thần kinh tủy sống nối với não bộ!
Trong cuốn sách “mBraining” của mình, hai nhà khoa học Australia, Marvin Oka và Grant Soousalu lưu ý chi tiết, cho dù hệ thần kinh ruột được chính thức mô tả như “não bộ” thứ hai từ năm 1907, song phải chờ gần 100 năm, chủ đề này mới được hồi sinh. Mãi năm 1998, chuyên gia sinh học thần kinh, GS. Michael Gershon (Đại học Columbia, Mỹ) mới công bố công trình có tên “The Second Brain”- Não thứ hai.
Hệ thống đường ruột chính là bộ não thứ 2.
Dạng trí tuệ nội tạng
Để hiểu ý nghĩa não bộ thứ hai, cần nghiên cứu xem nhiệm vụ của nó là gì? Một mặt ruột đảm nhiệm vai trò “phục vụ” hệ cơ bắp và các tuyến hạch phức tạp, cấu thành hệ tiêu hóa. Mặt khác liên tục theo dõi những gì diễn ra trong hệ thống tiêu hoá. “Đối với cơ thể chúng ta, bên trong dạ dày hoặc ruột thực sự là thế giới sôi động, đầy ắp những sự kiện tiềm tàng thú vị” - GS. Gershon cho biết.
Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi tiến hóa trang bị cho chúng ta dạng trí tuệ “nội tạng” cá biệt. Những thụ cảm mùi vị, thực tế chúng ta không chỉ có chúng ở lưỡi, mà cả nhiều cơ quan khác, trong đó có gan, dạ dày và ruột. Ví dụ ở dạ dày nhận biết đường và axit amin. Một khi “khoái khẩu” những hợp chất đó, chúng tăng cường tiết xuất hormon đói bụng (greline), cơ chế khuyến khích chúng ta ăn số lượng thức ăn lớn hơn. Những rối loạn trong hoạt động của cơ chế này dẫn đến hiện tượng phàm ăn và ăn quá nhiều. Tiếp theo những thụ cảm mùi vị ngọt trong ruột đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ đường glucose. Ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2, những thụ cảm này hoạt động không bình thường, dẫn đến tình trạng hấp thụ quá nhiều và quá nhanh glucose.
Mối liên quan giữa cảm xúc và vi khuẩn trong ruột.
Hệ thống tế bào thần kinh và vi khuẩn phong phú
“Các tế bào thần kinh thuộc hệ thần kinh ruột duy trì thường xuyên mối liên hệ với quần thể vi khuẩn hữu ích ký sinh bên trong ruột. Mối quan hệ này mang ý nghĩa tích cực dưới mọi phương diện. Nhiều loại vi khuẩn đường ruột có khả năng tạo ra những hợp chất cần thiết để đảm bảo hoạt động bình thường của não bộ. Một trong số đó là ganglioside, hợp chất được tế bào thần kinh sử dụng để tạo màng tế bào. Điều đó có nghĩa, ruột - não bộ thứ hai của chúng ta không chỉ là tập hợp vài trăm triệu tế bào thần kinh bố trí khắp hệ tiêu hóa, mà cả hàng tỷ cá thể vi khuẩn đường tiêu hóa cộng tác với chúng. Và tất cả gộp lại tác động đến não bộ nằm trong hộp sọ.
Ngày càng xuất hiện nhiều chứng cứ về mối liên hệ giữa các tế bào thần kinh trong hệ tiêu hóa với não. Hội chứng ruột kích thích có thể là thí dụ. Triệu chứng của bệnh là tình trạng đau bụng kéo dài, đầy bụng hoặc cảm giác khó chịu, đại tiện thất thường, tiêu chảy dữ dội hoặc táo bón.
Các nhà khoa học cho rằng, quần thể vi khuẩn đường ruột có tác động đến hội chứng ruột kích thích này và chứng bệnh này có mối quan hệ duy nhất với trạng thái tâm lý. Tình trạng trầm cảm, những rối loạn sợ hãi hoặc nóng giận thường song hành với các triệu chứng của đường ruột. Kết quả nhiều nghiên cứu khẳng định, chính những thay đổi liên quan đến con số và chủng loại vi khuẩn ký sinh bên trong ruột gây tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh.
Nghiên cứu trên chuột thấy rằng, khi quần thể vi khuẩn đường ruột của chuột thí nghiệm bị mất cân bằng lập tức xuất hiện những rối loạn tính cách hoặc hoảng loạn. Khi được chữa khỏi bệnh (cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột), trạng thái tâm lý, khả năng tập trung và trí nhớ lập tức được cải thiện.
Ngọc Báu
(Theo Jelita to nasz drugi mózg; Alzheimera i udaru)
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn