Sự biến dạng cột sống có thể định hình ổn định hoặc dần dần nặng lên, ảnh hưởng đến sự vận động, gây đau ngực, khó thở và một số biến chứng có thể xảy ra như suy hô hấp, bệnh tim, bệnh cơ xương khớp. Vì vậy, phòng ngừa và nhận biết vẹo cột sống ở trẻ cần chú ý đến tư thế, hình thái cột sống để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bệnh vẹo cột sống
Vẹo cột sống bẩm sinh do các nguyên nhân sau:
Do di truyền: Khi bố hoặc mẹ bị vẹo cột sống bẩm sinh thì con sẽ có nguy cơ mắc bệnh; Các yếu tố trong lúc mang thai: Do bào thai phát triển quá nhanh và không thích ứng kịp với cơ thể của mẹ khiến bào thai bị chèn ép làm cho xương sống bị cong vẹo. Hoặc người mẹ khi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, sử dụng thuốc, ăn uống thực phẩm gây dị tật cho thai nhi. Trong suốt quá trình mang thai, ngôi thai không dịch chuyển hoặc bào thai bị tác động mạnh cũng là nguyên nhân gây vẹo cột sống. Lúc sinh, cổ tử cung của mẹ quá hẹp làm chèn ép cột sống của đứa bé; Những nguyên nhân khác: Cấu tạo xương sống bất thường bẩm sinh. Cấu tạo não và tủy sống bất thường. Đặc biệt, hầu hết các ca mắc bệnh là do tư thế ngồi học không đúng, ngồi lệch sang một bên hoặc mang cặp nặng khi đi học, bàn ghế có kích thước không phù hợp cũng là những lý do của vẹo cột sống ở trẻ em.
Tư thế ngồi học đúng (2 hình trên). Tư thế ngồi học không đúng (2 hình dưới) dễ dẫn đến cong vẹo cột sống.
Triệu chứng bệnh vẹo cột sống
Những triệu chứng lâm sàng có thể nhận biết được đối với bệnh vẹo cột sống
Quan sát phần bả vai: Hai bên bả vai có sự chênh lệch rõ rệt: độ lệch vẹo của xương sống và đoạn vẹo nghiêng về bên nào thì bả vai bên đó sẽ thấp hơn.
Quan sát phần hông: Có sự chênh lệch bên thấp bên cao, thấy những lằn xương sườn hằn ra ngoài da ở một bên.
Quan sát tổng thể lưng từ phía sau: Vẹo cột sống thắt lưng khiến cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong bất thường, các đốt sống gồ cao lên, xoáy vặn nhiều kiểu, hai đường hõm vào bên của eo cũng có thể khác nhau.
Cơ thể mất cân đối: Nếu lệch vẹo xương sườn nặng thì cơ thể bị nghiêng hẳn về một bên.
Vẹo cột sống cổ có thể làm cố bị kéo lệch về một bên.
Chẩn đoán bệnh vẹo cột sống
Khám lâm sàng: xác định mức độ vẹo, độ mềm dẻo của cột sống và các triệu chứng của vẹo cột sống.
Cận lâm sàng: Chụp Xquang: để đánh giá các đốt sống và cột sống. Dùng phương pháp Cobb để đo độ vẹo cột sống; Chụp cộng hưởng từ: để đánh giá các mô mềm như đĩa đệm, tủy sống, thần kinh; Chụp cắt lớp vi tính: cho hình ảnh xương và cấu trúc bên trong cột sống một cách rõ ràng; Diện chẩn: kiểm tra sự dẫn truyền của các dây thần kinh và tủy sống.
Điều trị bệnh vẹo cột sống
Phẫu thuật: Được chỉ định khi mức độ vẹo cột sống của bệnh nhân quá nặng, nhất là đối với trẻ em, phẫu thuật dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
Trị liệu thần kinh cột sống: Phương pháp này sử dụng tay để tạo ra lực chính xác tác động vào cấu trúc xương khớp sai lệch và nắn chỉnh lại. Sau đó, kết hợp vật lý trị liệu để làm mềm mô cơ vùng cột sống. Có thể kết hợp với việc đeo đai cố định nếu góc Cobb trên 25 độ hoặc bệnh nhân đang ở độ tuổi phát triển xương.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải luyện tập các bài tập vẹo cột sống mỗi ngày để rèn luyện cân bằng, sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, cần cải thiện điều kiện vệ sinh trường học. Bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách các em học sinh mang hàng ngày là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh.
Khi ngồi học, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75 - 105 độ), nên để cạnh trước của mặt ghế ăn sâu vào cạnh sau mặt bàn 4 - 6cm, lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nếu không tạo thành thói quen đúng ngay từ những ngày đầu đi học, sau này rất khó sửa chữa, dù bàn ghế phù hợp, các em vẫn ngồi sai. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn, nhất là các bữa chính. Đặc biệt, cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D, đây là các yếu tố giúp cho sự phát triển của xương trong giai đoạn phát triển.
Đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng nhiều. Trung bình, học sinh từ 7 - 10 tuổi cần ngủ 11 - 10 giờ; Từ 11 - 14 tuổi, thời gian ngủ là 10 - 9 giờ; Từ 15 - 17 tuổi, thời gian ngủ là 9 - 8 giờ.
Khám cong vẹo cột sống định kỳ sẽ giúp cho việc phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và kiến nghị phòng chống kịp thời. Ngoài ra, việc khám phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ còn có tác dụng giúp cho nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn tới sức khỏe, tích cực tham gia vào chương trình phòng chống cong vẹo cột sống học đường.
BS. Nguyễn Hoàng Lan