Phá thai và Quyền giải vạ tuyệt thông

Phá thai và Quyền giải vạ tuyệt thông

Lm. Gioan Bùi Thái Sơn

1- Thế nào là tội phá thai[1]?

Sách Giáo Lý Chung nêu rõ: “Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai… Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác… Cộng tác vào việc phá thai là một lỗi nặng… Quyền được sống là quyền bất khả nhưng của mi người vô ti… Ngay từ lúc thành thai, phôi thai phải được đối xử như một nhân vị, nên phải được hết sức bảo vệ toàn vẹn, chăm sóc và chữa trị như mọi con người khác”[2]. Như vậy, Hội Thánh xem phôi thai lúc mới hình thành đã là một con người.

Trước đây, quan niệm chung trong Hội Thánh định nghĩa tội phá thai là: trục một phôi thai còn sống ra khỏi lòng mẹ; do đó làm phôi thai này chết[3].

Một số nhà luân lý cho rằng: như vậy, việc cắt xẻ phôi thai (craniotomy, embrotomy) và các hình thức làm cho phôi thai chết ngay trong lòng mẹ, chỉ tính là tội giết người (homicide), chứ không phải tội phá thai (abortion).

Uỷ Ban Giáo Hoàng về Giải Thích Giáo Luật đã trả lời rõ ràng: phá thai là việc giết chết phôi thai, bằng bất cứ cách nào và vào bất kỳ thời điểm nào, trong giai đoạn người mẹ mang thai[4].

2- Khi nào người tín hữu mắc vạ tuyệt thông do tội phá thai?

Theo Giáo Luật, “người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Giáo Luật điều 1398).

Bản Việt ngữ dùng thuật ngữ “thi hành” (việc phá thai) để dịch từ “procurat” (tạo ra, cung cấp…). Người mắc tội và vạ tuyệt thông là “người thi hành”, nghĩa là người chủ ý gây ra việc chết thai nhi. Giáo Luật cố tình dùng chữ “người thi hành”, chứ không dùng từ “người mẹ” hay “y sĩ”; để chỉ tất cả những người nào chủ ý cộng tác vào việc phá thai: người mẹ hay bất cứ người nào đồng ý, xúi giục, cộng tác hay giúp đỡ việc phá thai; y bác sĩ …[5]. Như vậy, bất cứ người tín hữu nào chủ ý tham dự hay cộng tác vào việc phá thai đều bị tội và vạ.

Người mẹ, vì vô ý khi vận động, nên bị sẩy thai, không phạm tội phá thai; người cha vô tâm, không để ý việc vợ mình lén đi phá thai, cũng không phạm tội.

Vạ tuyệt thông chỉ áp dụng khi việc phá thai “có hiệu quả”, nghĩa là thai nhi đã chết do việc làm của họ.

Vạ tuyệt thông này là vạ tiền kết, nghĩa là người nào đã phạm tội phá thai đương nhiên bị vạ từ lúc họ phạm tội, không cần Giáo Hội phải công bố hình phạt.

3- Trước đây, trong Giáo Hội hoàn vũ, linh mục nào có quyền giải vạ tuyệt thông tiền kết do tội phá thai?

Trong Giáo Hội toàn cầu, việc giải vạ này thuộc thẩm quyền của vị Thường Quyền Sở Tại: Đức giám mục giáo phận và vị tổng đại diện của ngài; hoặc các vị được giáo luật xem là tương đương với Đức giám mục giáo phận. Đức Giám Mục giáo phận thường chỉ định một số linh mục lo việc giải vạ trong những trường hợp tương tự. Thông thường, giáo phận chỉ định một vài linh mục tại nhà thờ chính toà. Các cha tuyên úy bệnh viện, nhà tù… cũng thường được trao năng quyền này.

Linh mục giải tội bình thường có thể tha vạ này, nhưng chỉ trong Toà Giải Tội (Toà Trong) mà thôi, nếu tội phạm này chưa bị Đức Giám Mục công bố (Giáo Luật điều 1357). Đồng thời, vị linh mục giải tội này phải buộc hối nhân xin Đức Giám Mục tha vạ chính thức (Toà Ngoài) trong thời gian ngắn nhất.

Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào cũng có thể tha tội và vạ này (Giáo Luật điều 976).

4- Trước đây, trong giáo phận Sài Gòn, linh mục nào có quyền giải vạ tuyệt thông tiền kết do tội phá thai?

Trước đây, giáo phận Sài Gòn và Giáo Hội toàn Việt Nam được dành điều kiện rộng rãi hơn vì là “xứ truyền giáo”. Bản Năng Quyền Thập Niên 1971-1980 ấn định: “Nếu Cha là linh mục đã nhập tịch hay nhập vụ giáo phận bất cứ với chức vụ gì, Cha được các năng quyền”… “Được giải các dược vạ đã dành cho quyền Toà Thánh cách đơn thường hay cách đặc biệt, trừ trường hợp bỏ đạo công khai; lại cũng được giải các dược vạ Luật Giáo Hội đã dành cho các vị Bản Quyền kể cả vạ làm truỵ thai mà có công hiệu, dù là chính người mẹ”[6].

Bản văn nói trên cũng ghi rõ là các năng quyền này có giá trị “cho đến hết ngày 31-12-1980”. Tuy nhiên, “Theo lời dặn trong Bản Năng Quyền Thập Niên số IV, thì các Năng Quyền ấy vẫn còn hiệu lực cho tới khi Đấng Bản Quyền nhận được những Năng Quyền mới. Bởi vậy hết ngày 31-12-1980 mà chưa có Bản Năng Quyền mới, thì các cha cứ dùng Bản Năng Quyền này” (tr. 09).

Như vậy, tại Tổng giáo phận TPHCM, các linh mục triều hoặc các linh mục dòng có làm nhiệm vụ cho giáo phận, đều có thể giải vạ tuyệt thông tiền kết do tội phá thai. Năng Quyền này có giá trị cho đến khi Bộ Truyền Giáo hay vị Tổng Giám Mục giáo phận công bố rút lại Năng Quyền.

Tại các giáo phận khác của Việt Nam, năng quyền này tuỳ thuộc quyết định của vị giám mục giáo phận.

5- Hiện nay, có thay đổi gì về quyền giải vạ tuyệt thông tiền kết do tội phá thai?

Ngày 20.11.2016, trong Tông thư kết thúc Năm Thánh, Đức giáo hoàng Phanxicô quyết định: “Tôi trao cho mọi linh mục năng quyền xá giải cho những ai phạm tội phá thai…”; dù Ngài vẫn xác định “phá thai là một tội trọng, vì chấm dứt một sinh mạng vô tội”[7].

Như vậy, từ nay, tất cả các linh mục có năng quyền Giải Tội, đều có thể xá giải vạ tuyệt thông tiền kết cho những người phạm tội phá thai.

Toà Tổng giám mục TPHCM ngày 03.12.2016
Lm Gioan Bùi Thái Sơn
Đại Diện Tư Pháp giáo phận
Nguồn: tgpsaigon.net 

––––––––––––––––––––––––––––

[1] Văn kiện chi tiết nhất của Hội Thánh về phá thai là Huấn thị Donum vitae của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 22.02.1987.

[2] GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, số 2270-2275.

[3] D. PRUMMER, Manuale Theologie Moralis II, Roma 1958, p. 125-128.

[4] AAS 80, (1988), p. 1818-1819: “Utrun abortus, de quo in can. 1398, intellegatur tantum de eiectione fetus inmaturi, an etiam de eiusdem fetus occasione quocumque modo et quocumque temporea momento conceptionis procuretur? … A. Negative ad primam partem: affirmative ad secundam”.

[5] Xem thêm Giáo Luật điều 1329.

[6] Bản Năng Quyền Thập Niên 1971-1980, tr. 47; Formula Facultatum Decennalium n. 24. Đây là Văn kiện Bộ Truyền Giáo tái xác nhận ngày 27.02.1971, để lặp lại các năng quyền theo Tông Thư Pastorale munus của Đức Phaolô VI, ngày 30.11.1963. Cả hai Văn kiện này được trích nguyên văn ở phần phụ lục Bản Năng Quyền Thập Niên 1971-1980.

[7] Tông thư Misericordia et misera, ngày 22.11.2016, số 12.

Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com