HỘI NGHỊ QUỐC TẾ YÊU CẦU BÃI BỎ VIỆC MANG THAI HỘ

TẠI RÔMA, MỘT HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

YÊU CẦU BÃI BỎ VIỆC MANG THAI HỘ

Trong hai ngày, các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau để thảo luận về vấn đề mang thai hộ. Hội nghị được tổ chức bởi tập thể đã ký Tuyên ngôn Casablanca vào năm 2023. Tòa Thánh tham gia vào hội nghị này.

Vào ngày 3 tháng 3 năm 2023, khoảng một trăm chuyên gia từ 75 quốc tịch, luật gia, bác sĩ, nhà tâm lý học và thậm chí cả triết gia đã ký “Tuyên ngôn Casablanca” từ thủ đô Maroc, yêu cầu thành lập một hiệp ước bãi bỏ việc mang thai hộ (GPA). “Tin chắc rằng hợp đồng theo đó một hoặc nhiều người hùn vốn đồng ý với một phụ nữ rằng cô ấy sẽ mang một hoặc nhiều đứa con nhằm mục đích giao chúng khi chúng được sinh ra (…) là vi phạm phẩm giá con người”, các bên ký kết yêu cầu các Nhà nước, qua văn bản này, lên án việc mang thai hộ, “dưới mọi phương thức và dưới mọi hình thức, dù có trả tiền hay không, và thông qua các biện pháp để chống lại hành vi này”.

Một yêu cầu trọng tâm của một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức vào thứ Sáu ngày 5 tháng 4 và thứ Bảy ngày 6 tháng 4 tại Rôma, trong khuôn viên của Đại học Lumsa. Trong số những người tham gia có nhiều nhân vật trong đời sống chính trị Ý, bắt đầu từ Bộ trưởng Bộ Gia đình, Eugenia Rocella, cũng như các luật gia và luật sư từ nhiều châu lục. Cùng có mặt còn có Reem Alsalem, người Jordan, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tòa Thánh cũng được đại diện bởi Đức cha Miroslaw Wachowski, Thứ trưởng phụ trách quan hệ với các Nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Nâng cao nhận thức về việc hàng hóa

Mục tiêu của hội nghị là chỉ ra những giới hạn đạo đức mà việc mang thai hộ thể hiện và cũng để cảnh báo, theo những người tổ chức hội nghị, về một ngành kinh doanh đang bùng nổ. Theo Olivia Maurel, người phát ngôn của Tuyên ngôn Casablanca, thị trường mang thai hộ đạt 14 tỷ euro trên toàn thế giới vào năm 2022 và theo dự báo, có thể đạt 130 tỷ vào năm 2032. Bernard Garcia-Larrain, tiến sĩ luật quốc tịch Pháp-Chile và điều phối viên của mạng lưới, nhấn mạnh : “Các chuyên gia của hơn 80 quốc gia hiện đã ký Tuyên ngôn này và đang làm việc để, về mặt ngoại giao, một hiệp ước quốc tế theo cách liên ngành sẽ được thông qua”.

Vị luật gia này nói tiếp : “Đối với chúng tôi, đây không phải là một cuộc chiến phải gắn liền với màu sắc chính trị, mà là cuộc chiến của nhân loại vì chúng tôi nhắm bảo vệ phụ nữ khỏi thị trường toàn cầu này, khỏi sự bóc lột này và, rõ ràng, cả trẻ em đang là đối tượng của hợp đồng”. Theo Bernard Garcia-Larrain, việc tố cáo tính hàng hóa mà GPA đại diện là chưa đủ. Theo những người đề xướng Tuyên ngôn Casablanca, trước tiên cần phải thông báo cho mọi người về thực tế của hiện tượng này, một thực tế mà các nhà lãnh đạo vẫn còn quá ít biết đến.

Sự hậu thuẫn từ Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh

Cuộc chiến chống lại việc mang thai hộ này đã nhận được tín hiệu thuận lợi từ chính Đức Giáo hoàng, người đã tiếp đón riêng một số thành viên của mạng lưới vào sáng thứ Năm ngày 4/4/2024. Đức Thánh Cha, trong bài phát biểu chúc mừng các đại sứ vào ngày 8 tháng 1, từng công khai lên án rằng “việc thực hành mang thai hộ làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá của phụ nữ và trẻ em”, đã tố cáo, trước mặt các vị khách của mình, thị trường mà GPA đại diện. Olivia Maurel, người được sinh ra từ một người mẹ đẻ thuê, giải thích: “Tôi thấy ngài được thông tin hết sức chính xác về mặt khoa học”. Người phụ nữ trẻ này nói rõ rằng với tư cách là một người vô thần, cô không muốn gặp Đức Giáo hoàng với tư cách là một nhân vật tôn giáo, nhưng là một tiếng nói đạo đức và một nguyên thủ quốc gia. Cô đặc biệt nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã nói về việc chuyển giao tế bào gốc được truyền sang bà mẹ nhờ đứa bé mà bà mang trong mình và sau đó người ta lấy ra khỏi bà ấy.

Ngoài buổi tiếp kiến ​​của Đức Thánh Cha, các thành viên của Tuyên ngôn Casablanca đã nói chuyện rất lâu với Đức Hồng y Pietro Parolin. ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhắc nhở họ rằng Tòa thánh đã nỗ lực rất nhiều để một ngày nào đó soạn thảo một hiệp ước bãi bỏ GPA, với tinh thần tương tự như cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Bernard Garcia-Larrain cho biết: “Chúng tôi đã được Tòa thánh mời đến Liên Hợp Quốc cách đây ba tuần, với tư cách là một phần của ủy ban về phẩm giá phụ nữ”. Nhưng “đó không phải là tiếng nói tôn giáo mà chúng tôi đến để tìm kiếm, giống như tất cả những cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân loại, nó vượt xa các tín hữu và các nền văn hóa và Đức Thánh Cha Phanxicô nói rất nhiều về văn hóa đối thoại. Chúng tôi rất vui vì đã bắt đầu quá trình này, mặc dù sẽ cần thời gian”.

Xóa bỏ việc mang thai hộ là một cuộc chiến của nền văn minh

Việc mang thai hộ dựa trên cơ chế thị trường tạo thuận lợi cho việc bóc lột những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương.” Đây là những gì Đức cha Miroslaw Wachowski đã tuyên bố trong bài phát biểu của mình tại hội nghị quốc tế về việc bãi bỏ việc mang thai hộ, bắt đầu ở Rôma vào thứ Sáu ngày 5 tháng Tư. Ngài nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về “một cam kết từ cộng đồng quốc tế để cấm hành vi này trên toàn thế giới”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức cha Wachowski đã thu hút sự chú ý đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, “phát minh công nghệ đã mở đường cho việc mang thai hộ”. Thực hành này “ngay từ đầu đã được đánh dấu bằng một loạt xung đột đạo đức và mang lại sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ của chúng ta với đời sống con người. Nó đã dẫn tới việc phi nhân cách hóa con người, mâu thuẫn với phẩm giá của đứa trẻ và của cha mẹ nó”.

Việc tạo ra sự sống con người bên ngoài cơ thể con người đã thay đổi viễn cảnh một cách dứt khoát. Cha mẹ thấy mình đóng vai trò là người cung cấp vật liệu di truyền, trong khi phôi thai trong ống nghiệm ngày càng giống một đồ vật, một sự vật được sản sinh ra: không phải ai đó, nhưng một cái gì đó.”

Vào cuối bài tham luận của mình, Đức cha Wachowski nhấn mạnh thêm rằng điều quan trọng là không tạo ấn tượng rằng đây là “một trận chiến của người Công giáo. Không, đó là một cuộc chiến của nền văn minh, mà mọi người thuộc các chân trời, tín ngưỡng và nguồn gốc khác nhau phải tuân thủ, nói tóm lại, tất cả những người có thiện chí, như chúng tôi luôn nói trong các tài liệu của Tòa Thánh”. Theo ngài, để đạt được lệnh cấm quốc tế, “cần có sự hiểu biết rộng rãi để thúc đẩy mục tiêu này”. Ngài cũng tin rằng những thay đổi lập pháp riêng lẻ ở cấp quốc gia nhằm cản trở việc mang thai hộ cũng rất hữu ích. “Trên thực tế, đây là những viên gạch góp phần tạo ra nhận thức tập thể về đặc tính không thể chấp nhận được của hành vi này, từ đó chuẩn bị cho sự tẩy chay ở cấp độ quốc tế.”

Tý Linh

(theo Olivier Bonnel và Myriam Sandouno, vatican news)

Tags: 

Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/