Ơn gọi và sứ mạng của mỗi Kitô Hữu

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Ơn gọi và sứ mạng của Kitô Hữu

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Lệnh sai đi của Chúa Giêsu đó không chỉ dành riêng cho các tông đồ nhưng cho mọi kitô hữu ở mọi nơi và thuộc mọi thời. Ơn gọi và sứ mạng của người kitô hữu là sai đi loan báo tin mừng. Đời người tín hữu không làm gì khác ngoài việc sống và làm chứng cho Thiên Chúa: Đấng được thánh tông đồ Gioan định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất “Thiên Chúa là tình yêu”. Ý thức trách nhiệm được sai đi nên thánh Phaolô xác tín: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). 

Vì được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi nên các “người thợ” làm việc trong vườn nho của Chúa không thể thoái thác, khước từ hay trốn chạy nhưng can đảm cất bước ra đi. Dẫu rằng có bao khó khăn, chống đối, đau khổ, thiếu thốn… nhưng người ngôn sứ đích thực không vì thế mà thiếu quan tâm đến tinh thần phục vụ và lòng trung thành với những điều Thiên Chúa muốn qua mình công bố cho muôn dân. 

1.    Ơn gọi khởi đi từ Thiên Chúa 

Một trong những ơn quan trọng thánh Phaolô đề cập đến trong Bài đọc II (Chúa nhật tuần XV TN - B) là ơn được tuyển chọn. Thánh tông đồ dân ngoại ý thức ơn gọi của mình cũng như của các kitô hữu đến từ Thiên Chúa nhờ và qua Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định với các tông đồ: “Không phải các con đã chọn Thày, nhưng chính Thày đã chọn các con!” (Ga 15, 16). Từ đời đời Thiên Chúa đã chọn chúng ta, làm cho ta nên thánh thiện và hứa ban phần thưởng phúc vinh quang trong nước Chúa. Thiên Chúa chọn ta không vì ta hay bất cứ lý do nào ngoài việc hướng tới mục đích tốt và có lợi cho bản thân từng người. Ngài yêu thương, biết rõ và hoàn toàn tự do chọn lựa chúng ta trong kế hoạch của Ngài.  

Chính vì ơn gọi khởi đi từ Thiên Chúa, nên người được chọn nhiều khi cũng thấy bỡ ngỡ, lạ lùng. Hỏi rằng có bao giờ Giona nghĩ rằng mình sẽ làm ngôn sứ? Cũng vậy, Amos (như tường thuật trong bài đọc I) không thể tưởng tượng việc ông được Chúa gọi làm ngôn sứ vì bản thân chỉ là người tầm thường, đi chăn chiên, đi hái trái vả mà thôi. Thế mà Chúa lại bảo “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân của Ta!”. Đường lối Chúa lạ lùng, khác xa với cách nghĩ thường tình của con người. Chúa dùng những cái bé nhỏ, thấp hèn, kém cỏi để làm bẽ mặt kẻ kiêu căng cậy ở sức mình. Về phía người được chọn cần tỏ ra sẵn sàng và trung thành với những gì được uỷ nhiệm. 

2.    Trung thành với sứ mạng 

Các ngôn sứ được Chúa chọn “nói những mệnh lệnh của Chúa cho dân”. Với nhiệm vụ trung gian nói thay cho Thiên Chúa, các ngôn sứ được tách riêng để đứng về phía Thiên Chúa, thi hành một tác vụ và trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa. Không căn cứ trên tài năng, quê quán, tuổi tác… nhưng tất cả để “danh Chúa được cả sáng”. 

Tự thâm tâm ông Amos không hề nghĩ một ngày nào đó Thiên Chúa gọi ông làm công việc của một vị ngôn sứ. Ông cũng chẳng muốn làm ngôn sứ vì ông an phận với cương vị một nông dân chính hiệu. Dường như ông bị bắt cóc làm ngôn sứ: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (Am 7, 15). Amos thổ lộ cho tư tế cũng như bàn dân thiên hạ biết: ông không phải là ngôn sứ, hay nói đúng hơn, ông không muốn được người ta xưng tụng là ngôn sứ, mà chỉ là một nông dân thi hành những gì Thiên Chúa truyền dạy ông phải làm, là “đi tuyên sấm cho Israel dân Chúa”. Tuy nhiên khi bước vào nhiệm vụ ông đã làm tốt các công tác Chúa muốn: ông không tự mình nói gì và làm gì ngoài lệnh của Thiên Chúa.

Thật ra, ngôn sứ không phải là một nghề để kiếm sống nhưng là một sứ mạng. Ngôn sứ cũng không phải là thầy chiêm thầy bói… nhưng là người nói lời thiên Chúa cho dân. Một đức tính duy nhất của những người đại diện Thiên Chúa đó là trung thành. Trung thành với “Chủ” được cụ thể hoá trong lời rao giảng và đời sống chứng ta. Nên nhớ rằng những ngôn sứ chân chính, ngôn sứ thật bao giờ cũng bị ghen ghét. Bài đọc I mô tả việc các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ khó chịu và không muốn thấy Amos hiện diện tại miền đất của họ nữa. 

Đứng trước nền đạo đức xuống cấp và nền luân lý suy đồi, ngôn sứ Amos tố cáo mọi cấp bậc trong dân Chúa đồng thời cảnh báo họ sẽ bị phạt nếu không thay đổi đời sống. Ý của Giavê muốn họ sám hối, chấp nhận Giavê là chủ cuộc đời họ. Nhưng thấy rằng có Amos là điều bất lợi cho mình nên giải pháp tốt nhất được các tư tế đưa ra là “mời” Amos đi nơi khác kiếm ăn. Sự từ khước Amos cũng là từ chối giáo huấn của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã minh chứng Israel đã, đang và sẽ còn bất trung với Giavê Thiên Chúa. Về phần mình, Amos trung thành với bổn phận, ông công bố lệnh truyền của Chúa trên dân: ông nói và làm điều Chúa dạy ông, thế là đủ. 

3.    Thực hiện lệnh sai đi 

 Các môn đệ của Chúa được Chúa huấn luyện, đào tạo và cuối cùng được sai đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Để sứ mạng được hoàn thành dễ dàng và tốt đẹp, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hoàn toàn nương tựa vào Thiên Chúa, phó thác tuyệt đối cho tình yêu quan phòng của Ngài và lòng quảng đại vị tha của mọi người (nội dung Bài tin mừng). Bài học thực hành khi đi giảng đạo đó là tinh thần tự do, không vướng mắc vào tiền bạc, của cải, đời sống vật chất hoặc danh vọng ở đời: “Ra đi truyền giáo, không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc…”. Tinh thần siêu thoát của người tông đồ là yếu tố quyết định đến sự thành công của nhiệm vụ. Chúa Giêsu cũng căn dặn các ông những điều rất thực tế trên đường truyền giáo: sống đơn sơ, khó nghèo…làm sao để luôn xứng đáng những “Tông đồ của Chúa” và can đảm rao giảng Lời Chúa cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Chỉ ai siêu thoát mới dễ dàng dấn thân cho sứ mạng tông đồ. 

Đương nhiên khi còn sống kiếp sống tại trần gian yếu tố vật chất cũng rất quan trọng. Cần chúng để tồn tại và phát triển là hợp lý, chính đáng: mọi người đều có bổn phận phải thỏa mãn cho mình để có thể tồn tại và hạnh phúc, để sống khỏe mạnh, giữ cho thân thể tráng kiện, tránh những đau đớn… Tuy nhiên các phương tiện Chúa ban chỉ sinh hiệu quả đích thực khi chúng thật sự cần thiết cho cuộc sống và mục đích tông đồ. Môn đệ ra đi không cần vật chất như cứu cánh của đời mình, mà những của cải vật chất, lương thực chỉ là phương tiện nuôi sống của người làm công đáng lãnh công thợ. Ở đây, Đức Kitô muốn các môn đệ của Người sống cuộc sống khó nghèo, một sự khó nghèo phó thác đến tận gốc rễ của đời mình. 

Các môn đệ của Đức Kitô cần mặc lấy tâm tình của Isaia để hát lên rằng: “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi… Sai tôi đi loan báo Tin Mừng… Sai tôi đến với người nghèo khó, Sai tôi đến với người lao tù…”. Sống được tinh thần đó, cuộc đời các kitô hữu mới trở thành những đầy tớ trung thành, là dụng cụ hữu dụng và có đầy đủ tư cách. Mỗi tín hữu phải là Kitô thứ hai để “trong Đức Kitô, Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại một điều vô cùng lớn lao, điều mà thánh Phaolô gọi là “kế hoạch yêu thương”. 

Kết: 

Theo thánh Phaolô, Thiên chúa chọn chúng ta “từ thuở đời đời” để chúng ta trở thành dân riêng của Ngài. Sở dĩ được ơn huệ vô cùng cao quí đó là vì “Thiên Ý nhiệm mầu trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Thiên Chúa đã “tiền định”, tức là đã có kế hoạch từ trước muôn đời để chúng ta thành những con người tốt lành thánh thiện, thành chứng nhân của Thiên Chúa. Đức Kitô đã sai ta đi làm ngôn sứ và chứng nhân cho kế hoạch yêu thương Thiên Chúa, loan báo Đức Giêsu Kitô cho muôn người. Điều quan trọng là chúng ta trung thành với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận trong mọi hoàn cảnh. 

Mai Thi

Nguồn: http://gpthanhhoa.org