Nữ tu Đa Minh, chị Miriam và cống hiến trong lĩnh vực di truyền (DNA)

Nữ tu vùng Michigan này cũng là một nhà nghiên cứu bệnh ung thư, giáo sư, và một giảng viên.


Việc khám phá ra DNA, hay axít deoxyribonucleic, chính là bước ngoặt nền tảng, quyết định giúp nắm hiểu cơ cấu nền tảng của tất cả các sinh vật sống. DNA là một phân tử có trong mỗi tế bào, có chứa các mã di truyền quyết định sự phát triển và tái tạo của tất cả các sinh vật sống, kể cả các virus.

Chứng nhận về việc khám phá ra chuỗi xoắn kép (double helix) DNA thuộc về nhà sinh vật học người Mỹ, Jamames Watson, nhà vật lý người Anh, Francis Crick và nhà sinh vật học người New Zealand, Maurice Wilkins; nhưng họ đã không thể giành được giải Nobel năm 1962, nếu như không có đóng góp công khó trước đó của một số nhà khoa học, phải kể đến là Rosalind Franklin, người đồng nghiệp của ông Wilkin, và nữ tu Đa Minh, chị Miriam Michael Stimson.

Chị Miriam (sinh ngày 24 Tháng Mười Hai 1913, mất ngày 17 Tháng Sáu 2002) là một nữ tu Đa Minh Adrian, là giáo sư môn hoá học tại Đại học Siena Heights, Adrian, Michigan. Trong cáo phó của chị có ghi:

“Bởi những thành quả tiên phong trong lãnh vực hoá học, dấn thân tiên phong nghiên cứu về tế bào, chị đã được mời giảng dạy tại Sorbonne (Paris). Chị là người đầu tiên đứng lớp tại đây; người đầu tiên là bà Marie Curie. Sau đó chị được ghi nhận ở tầm mức quốc tế cho những cống hiến, khám phá tiên phong trong lĩnh vực kính quang phổ (spectroscope), một công cụ giúp tìm hiểu, phân tích các hoá chất, chị cũng là người viết bản chỉ dẫn sử dụng công cụ này.”

Ngoài ra, sœur Miriam còn dấn thân trong việc nghiên cứu về các hormon tự chữa (would-healing), góp phần đưa tới liệu pháp H (Preparation H, là giải pháp hữu hiệu nhất trong điều trị bệnh trĩ hiện nay). Chị cũng thiết lập một phòng nghiên cứu tại Siena Heights năm 1939, nơi chị đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu về bệnh ung thư. Được biết đến ở Siena như là một “M2”, sœur Miriam khởi động các dự án nghiên cứu cho sinh viên chưa ra trường và một chương trình tư vấn cho người nghiện.

Có thể nói, đóng góp quan trọng nhất của chị trong lĩnh vực nghiên cứu về bệnh ung thư, chính là giải pháp giúp giải mã cấu trúc của các mắt xích axít nucleic. Trong cuốn The Soul of DNA, tác giả Jun Tsuji viết:

“Vì không hiểu rõ về chuỗi xoắn kép DNA, các nhà khoa học không hiểu được căn cội di truyền gây ra bệnh ung thư, bởi vậy họ cũng không thể khai triển được các phương pháp chữa trị hiệu quả được. Trong những năm đầu thập niên 1950, các nhà khoa học gần như đã khám phá được chuỗi xoắn kép DNA và cho thấy, ung thư chính là một bệnh liên quan đến gene (di truyền). Cho rằng các bazơ của DNA, tức là “phần hồn” cơ cấu và chức năng của DNA, thì bất định, như quan niệm trước kia của giới khoa học mà nam giới chiếm ưu thế – từ James Watson và Francis Crick đến Linus Pauling – nên các mô hình DNA được đưa ra đều thiếu tính thuyết phục. Trái lại, một phụ nữ là chị Miriam Michael Stimson, O.P., một nữ tu Đa Minh, một nhà khoa học, lại táo bạo nghĩ tới một giải pháp cho vấn đề cấu trúc DNA. Sử dụng một hỗn hợp hoá học đặc biệt (KBr) để nhuộm các bazơ DNA, sau đó phân tích trên kính quang phổ hồng ngoại, sœur Miriam Michael đã thành công trong việc tạo ra một phương pháp hoá học, giúp xác định cấu trúc của các bazơ DNA và của bản thân chuỗi xoắn kép”.

Sœur Miriam xem công việc nghiên cứu khoa học của mình là phương tiện giúp khám phá chân lý, một chân lý đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Quả thế, các nghiên cứu về DNA đã giúp cho Antony Flew, một triết gia vô thần gạo cội, tin nhận Thiên Chúa Hằng Hữu.

“Quan niệm của tôi về DNA như đã được khám phá là thế này, sự phức hợp phức tạp đến không thể tin được ấy là tiền đề cho mọi sự sống, và chắc chắn phải có một thượng trí can thiệp vào quá trình tổng hợp cách nhịp nhàng các yếu tố dị biệt rõ ràng này. Một sự ăn khớp nhịp nhàng giữa rất, rất nhiều yếu tố, theo những cách thức rất đa dạng…” – William West.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người làm công tác giảng dạy, các nhà khoa học giống như sœur Miriam, người đã “quan tâm tới mỗi sinh viên, xem các em là những con người tròn vẹn với tính cách riêng, chứ không chỉ đơn giản là những đầu óc cần tiếp thu kiến thức”, về đóng góp quan trọng của mình, sœur rất khiêm tốn, đến độ các sinh viên chỉ biết được nhờ đọc một cuốn sách. Kiến thức khoa học sẽ dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa, miễn là chúng ta kiên tâm trên nẻo đường của khiêm tốn và yêu thương. Như ông Wernher Von Braun, giám đốc đầu tiên của NASA, đã nói: “Các ý tưởng khoa học chỉ xuất hiện nơi đầu óc của con người. Đằng sau những ý tưởng này là một thực tại được vén mở cho chúng ta, nhưng việc ấy lại tuỳ thuộc hoàn toàn vào ân sủng của Chúa.”

Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
Jean Elizabeth Seah
https://aleteia.org

Nguồn: http://daminhvn.net