Những lưu ý khi dùng thuốc sắc

 

Thuốc sắc là một dạng thuốc cổ truyền. Thuốc sắc (thuốc thang) là kết quả thực hiện các khâu trong y lý y học cổ truyền: lý, pháp, phương, dược...

Thuốc sắc là một dạng thuốc cổ truyền. Thuốc sắc (thuốc thang) là kết quả thực hiện các khâu trong y lý y học cổ truyền: lý, pháp, phương, dược (nghĩa là thầy thuốc bắt mạch, kê đơn theo chứng và người bệnh cụ thể, hướng dẫn một số kỹ thuật sắc để thuốc sắc có chất lượng cao).

Xét về dạng thuốc trong bào chế, thuốc sắc được xếp vào dạng pha chế theo đơn. Pha chế theo đơn cần có kỹ thuật và nghệ thuật như nhận xét của Lý Thời Trân - danh y Trung Quốc: “...Uống thuốc thang, dẫu phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép nhưng sắc lỗ mãng vội vàng, dùng lửa không đúng độ thì thuốc cũng không công hiệu...”. Quyết định chất lượng thuốc sắc phụ thuộc vào các bước trong quá trình sắc. Nhiều nơi, nhiều chỗ sử dụng các trang thiết bị và kỹ thuật sắc tùy tiện nên chất lượng thuốc sắc chưa tốt làm người ta nghi ngờ dạng thuốc sắc này. Muốn thuốc sắc có chất lượng cần lưu ý một số điểm sau:

Phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép: Là dược liệu được thu hái đúng thời vụ, phơi sấy và chế biến đúng quy cách.

Trang thiết bị dụng cụ, kỹ thuật sắc thuốc, thời gian và nhiệt độ sắc:

Trang thiết bị dụng cụ: Trước đây, sử dụng ấm đất nung có nắp kín, nhiên liệu là than hoa; ngày nay sử dụng bếp sắc dùng điện (bếp sắc thuốc cá nhân và bếp sắc cho nhiều người). Không dùng dụng cụ có cấu tạo bằng các chất dễ tương tác với hoạt chất có trong dược liệu tạo thành chất độc hại hay giảm tác dụng của thuốc (sắt, đồng...).

Sắc thuốc bằng máy nhanh và tiện lợi nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Kỹ thuật sắc thuốc: Có 2 loại chính: loại thuốc lấy vị (hay thuốc bổ); loại thuốc lấy khí (thuốc có chất thơm). Hai kỹ thuật sắc này đều liên quan đến thời gian sắc; lượng nước cho vào và lấy ra; nhiệt độ sắc. Về vấn đề này, có thể liên hệ đến pha chè: Chè là chồi và lá non của cây chè (một tôm hai ba lá), được vò nhũn và sao sấy khô. Người ta thường dùng chè thu hái vào mùa xuân để làm chè hương, khi pha thường giữ 5-10 phút là rót ra để uống và thưởng thức hương thơm. Chè thu hái vào thu đông được dùng làm chè mạn (lấy vị), khi pha thường giữ ít nhất 10-15 phút mới rót ra để uống và thưởng thức vị đắng chát ngọt (nhiều cafein). Nếu lượng nước cho vào ít thì nước pha lần 2, lần 3 vẫn có nước chè đậm đặc; nếu lượng nước cho vào nhiều thì nước pha lần 2 sẽ nhạt.

Loại thuốc lấy khí (công tán bệnh tà) gồm các vị thuốc có tinh dầu, chất ít tan trong nước và dễ biến đổi bởi nhiệt hoặc bay theo hơi nước khi chúng chưa hòa tan. Các chất này thường có trong túi tiết hay lông tiết... Mục đích của kỹ thuật sắc là làm cho các chất này hòa tan nhiều trong nước sắc. Để tăng khả năng hòa tan, hạn chế bay mất theo hơi nước, người ta có thể ngâm trước khi sắc hoặc tăng nhiệt độ từ từ, khi nước thuốc sôi sẽ đun trong thời gian ngắn và cho bệnh nhân uống thuốc sắc khi còn nóng.

Loại thuốc lấy vị hay thuốc bổ gồm các vị thuốc có các chất không bay hơi, không biến đổi nhiều trong quá trình sắc (alcaloid, anthraglycosid, flavonoid...), thường có nhiệt độ phân hủy: 250-3000C, các chất này nằm trong các tổ chức rắn chắc (thân, cành, củ, rễ...). Khi sắc thuốc phải có biện pháp làm trương nở các tổ chức rắn chắc, tăng khả năng hòa tan các chất trong nước sắc. Các biện pháp thường dùng: phân nhỏ dược liệu rắn chắc đến kích cỡ cần thiết, ngâm thuốc trước khi sắc, kéo dài thời gian sắc... Sắc theo cổ truyền là sắc 2-3 nước, sau đó cô nước sắc lại.

Thời gian sắc: Chè mạn gồm ngọn và lá non đã được vò nát, thời gian ngâm nước sôi ít nhất 10-15 phút mới được nước chè ngon. Các thuốc lấy vị thường là thân, cành, củ, rễ (các tổ chức rắn chắc) nên thời gian ngâm nước ít phải 1 giờ; với thời gian này, nhiều dược liệu còn chưa kịp trương nở (xuyên sơn giáp, đại táo, hoàng liên...) nên không chiết được hoạt chất từ dược liệu, thuốc sắc không đủ các hoạt chất trong thang thuốc. Các kỹ thuật sắc thuốc trên sẽ có đủ các hoạt chất trong thuốc sắc ở nồng độ cao, thuốc sắc hấp thu nhanh, công hiệu nhanh nên được thầy thuốc và bệnh nhân ưa dùng.

Nhiệt độ sắc: Các nghiên cứu của Viện Y học cổ truyền Trung ương cho thấy: Hãm thuốc trong phích (nhiệt độ < 1000C) phù hợp với các dược liệu cấu tạo mỏng manh (lá, hoa) và khối lượng ít. Sắc ở nhiệt độ cao và áp suất cao (> 1000C) làm giảm các hoạt chất và tăng một số các chất không mong muốn trong nước sắc.

Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định sắc thuốc ở nhiệt độ sôi, ở áp suất khí quyển cho chất lượng tốt nhất; do đó không nên hãm thuốc trong phích nước nóng hoặc sắc trong nồi áp suất.

Thuốc sắc có vai trò rất quan trọng trong y dược học cổ truyền; xem nhẹ dạng thuốc sắc cũng có nghĩa coi nhẹ y dược học cổ truyền. Muốn có thuốc sắc tốt thì dược liệu phải tốt, bào chế đúng phép và thực hiện đúng các bước trong quy trình sắc, ta sẽ có thuốc sắc chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và an toàn hơn.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguon: Suckhoedoisong.vn