Thuốc nói chung cần phải sử dụng an toàn và hiệu quả. Riêng với kháng sinh là thuốc trị bệnh nhiễm khuẩn cần phải đặc biệt lưu ý vì nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ đưa đến tác hại rất lớn.
Tác hại do lạm dụng kháng sinh
- Tiêu diệt vi khuẩn có lợi:
Một trong những mặt trái của việc lạm dụng thuốc kháng sinh dài kỳ là gây hại cho khuẩn có lợi. Kháng sinh phổ rộng tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và tốt. Vì vậy nếu dùng không đúng hướng dẫn, việc lạm dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt cả khuẩn có lợi có trong đường ruột làm cho sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi.
- Lạm dụng kháng sinh dễ gây tổn thương gan:
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng sinh rất hại cho mô gan, làm cho các chỉ số xét nghiệm chức năng gan như AST và ALT tăng vọt.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn đường ruột:
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể không làm đúng chức năng của mình, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhắm nhầm mục tiêu, nói cách khác là tấn công lại chính cơ thể. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh dài ngày có thể phá vỡ sự cân bằng miễn dịch trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự miễn dịch của cơ thể, có thể dẫn đến rối loạn tự miễn, dễ làm phát sinh những bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng.
- Gia tăng bệnh hen suyễn, dị ứng:
Hen suyễn là căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được quản lý và điều trị kịp thời, đúng cách, nhất là khi tiếp xúc quá nhiều chất kích thích. Sử dụng kháng sinh, đặc biệt là trong giai đoạn còn trẻ dễ làm tăng nguy cơ gây bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi màng kết và Eczema ở trẻ em nhóm tuổi đi học. Vì lý do này, mỗi khi dùng kháng sinh, các bậc phụ huynh cần thận trọng, để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ trong tương lai.
- Tăng nguy cơ ung thư:
Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, phổi, ruột kết, buồng trứng, nội tiết, da, tuyến giáp và ung thư thận cao gấp 1,5 lần so với người không lạm dụng kháng sinh.
- Gây suy tủy và các bệnh khác:
Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng Chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như Streptomycine, Kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.
- Tạo ra siêu vi khuẩn:
Sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, nhất là dùng tự ý, không theo đơn của bác sĩ có thể tạo ra hiện tượng siêu vi khuẩn kháng thuốc. Khi vi khuẩn liên tục tiếp xúc với một loại thuốc nào đó, nó trở nên nhờn thuốc, như: hiện tượng gia tăng khuẩn MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus, tụ cầu vàng kháng Methicillin) là những vi khuẩn gây nhiễm trùng không đáp ứng điều trị khi dùng kháng sinh thông thường; gây bệnh lao kháng đa thuốc và gần đây người ta còn phát hiện thấy xuất hiện chủng ký sinh trùng sốt rét ở vùng Đông Nam Á kháng thuốc.
Những điều cần tránh khi sử dụng kháng sinh
- Không tự ý sử dụng kháng sinh:
Ở nhiều nước trên thế giới, bệnh nhân chỉ có thể mua kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình trạng tự ý mua và sử dụng kháng sinh không có đơn thuốc vẫn còn phổ biến. Nhiều kháng sinh thuộc loại rất mới, chỉ dùng hạn chế trong bệnh viện nhưng lại bị dùng bừa bãi. Chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi đã được khám và có chỉ định của bác sĩ.
- Ngưng dùng kháng sinh nửa chừng hoặc dùng kéo dài:
Thông thường, một số kháng sinh dùng đủ liều cho cả đợt điều trị phải mất 7-10 ngày, thậm chí có thể kéo dài hơn tùy theo loại bệnh và tiến triển bệnh. Bệnh nhân phải dùng đúng liều, đủ thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ, không được tự ý ngưng dùng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm vì sẽ làm vi khuẩn không bị tiêu diệt hết làm bệnh không hết hẳn, dễ tái phát dẫn đến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, bệnh nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng.
- Không dùng lại kháng sinh đã hết hạn sử dụng:
Rất nhiều loại kháng sinh có độc tính rất cao khi quá hạn dùng (như Tetracyclin gây độc cho thận).
- Tự kê đơn hoặc uống thuốc của người khác:
Hiện nay nhiều người vẫn có thói quen uống thuốc theo kinh nghiệm của người khác khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau. Uống kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở làm tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng.
Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh
1. Kháng sinh như tên gọi của nó có nghĩa là chống lại các vi sinh vật, cụ thể là vi khuẩn. Vì vậy thuốc kháng sinh chỉ nên dùng để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn và không điều trị các bệnh do vi-rút hoặc nấm.
2. Liều lượng khuyến cáo chung của kháng sinh là 2-3 lần/ngày. Nhưng không bao giờ tự ý uống thuốc mà không theo chỉ định của bác sĩ.
3. Điều quan trọng nhất khi dùng kháng sinh là tuân theo chỉ định của bác sĩ và không được tự ý ngừng thuốc.
4. Thông thường, thuốc kháng sinh được uống sau bữa ăn. Nhưng trong một số trường hợp bác sĩ có thể uống trước hoặc trong bữa ăn. Nên tránh thực phẩm cay và rượu khi đang dùng kháng sinh.
5. Thuốc kháng sinh cũng tấn công các vi khuẩn đường ruột thực sự có lợi cho cơ thể, cùng với các vi khuẩn có hại. Nên bổ sung lợi khuẩn hoặc sữa đông trong bữa ăn để tăng cường vi khuẩn chí đường ruột và chống lại các tác hại của kháng sinh.
6. Đảm bảo uống 2-3 lít nước mỗi ngày để duy trì lượng nước cho cơ thể khi sử dụng kháng sinh vì nó giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể.
9. Nên thực hiện các bài tập nhẹ hoặc tập yoga để tăng cường chuyển hóa khi đang dùng kháng sinh.
10. Khi dùng kháng sinh nếu bị các tác dụng phụ không mong muốn thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc khác.
11. Phụ nữ mang thai: nếu có thể, tuyệt đối tránh dùng mọi loại thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong trường hợp mắc bệnh cần sử dụng kháng sinh để diệt khuẩn thì cần đến cơ sở y tế để khám và tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Nếu đã có thai mà không biết, lỡ dùng thuốc thì trong thời gian mang thai cần khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường của thai nhi.
12. Tránh bia rượu: chất cồn có thể gây kích ứng dạ dày và những tác dụng phụ khác trong khi dùng kháng sinh.
Nói chung, với sự đa dạng của kháng sinh hiện nay thì việc sử dụng phải hết sức thận trọng, không tự ý dùng kháng sinh, phải thăm khám lâm sàng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của thầy thuốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn