Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, bệnh dại vẫn tiếp tục lưu hành tại Việt Nam, số người chết do bệnh dại giám sát được đến ngày 30/11/2017 là 63 ca, giảm 21 ca so với cùng kỳ năm 2016 (84 ca). Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Bệnh dại xảy ra ở 31/63 tỉnh. Các trường hợp tử vong do bệnh dại vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (45 ca) chiếm 71% số ca bệnh dại của cả nước.
Từ ngày 1/1/2017 đến 31/10/2017, cả nước đã ghi nhận 397.693 người được tiêm vắc xin phòng dại. Số người đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại năm 2017 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016. Khu vực miền Nam có số người tiêm phòng dại cao nhất chiếm 64% tổng số người đi tiêm của cả nước. Riêng khu vực miền Bắc số người đi tiêm vắc xin dại ghi nhận được là 88.980 người giảm nhẹ so với năm 2016 (92.986 người).
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
Ảnh minh hoạ.
Trong năm 2017, Dự án Khống chế và loại trừ bệnh dại (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, chỉ đạo, giám sát bệnh dại và điều trị dự phòng căn bệnh này. Bên cạnh đó có các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh dại; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và thú y trong công tác giám sát và phòng chống bệnh dại. Thực hiện công tác xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dại trên người. Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện nghiên cứu “Đánh giá gánh nặng bệnh dại và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại tại VN”…
Bộ Y tế cho biết, năm 2018 sẽ đề ra mục tiêu giảm 15-20% số người tử vong do bệnh dại so với số tử vong trung bình của giai đoạn 2011-2015 (92 ca); giảm 15-20% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người so với giai đoạn 2011-2015. Hiện có 16 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại (tức là trong 1 năm có từ 5 người bị tử vong do bệnh dại trở lên).
Các hoạt động của Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người trong thời gian tới cũng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó (do Bộ NN-PTNT thực hiện) và điều trị dự phòng bằng vắc xin dại cho người cùng giải pháp hỗ trợ là tập trung vào các tỉnh có nguy cơ cao để ưu tiên nguồn lực, tăng cường chỉ đạo triển khai nhằm bảo đảm đạt các mục tiêu đề ra…
Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%
Các bác sĩ cho biết, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.
Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 600 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.
Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
D.Hải
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn