Người Công Giáo có nên đi xem bói ?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 45: NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NÊN ĐI XEM BÓI?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Hỏi: Con hay nghe bạn kể về chuyện đi xem bói, con cũng tò mò và muốn thử xem sao. Không biết quan niệm của Giáo hội Công Giáo về vấn đề này như thế nào ?

Trả lời:

Đây là chủ đề thú vị và gây nhiều tranh cãi trong các tôn giáo[1]. Thú vị vì bản tính con người muốn biết tương lai, số phận của mình sẽ ra sao; tranh cãi vì không chỉ thời nay, từ xa xưa, các tôn giáo đã bàn luận đến hiện tượng này. Cụ thể chúng ta thử xem Thiên Chúa nói gì về xem bói trong Kinh Thánh. Từ đó, chúng ta có thể thấy được giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này. Sau cùng là cách thực hành đức tin của người tín hữu trước những lôi quấn của mê tín dị đoan, bói toán.

Giải thích từ ngữ

Xem bói nghĩa là muốn thấy trước tương lai của mình sẽ ra sao. Dĩ nhiên chúng ta không có khả năng biết chính xác về tương lai của mình. Thế nhưng, trước giờ có nhiều nhà xem bói về: công danh, sự nghiệp, tình yêu và gia đạo… Họ nói về tương lai tốt xấu của một người. Đồng thời họ cũng giúp giải hạn điềm xấu cho người đó. Tại Việt Nam, chúng ta thường thấy người ta đi xem ngày lành tháng tốt để xây nhà, động thổ, cưới hỏi, v.v.

Hình thức cao siêu hơn là gọi hồn để giải mã tương lai. Người ta kháo với nhau một số người có khả năng gọi được những người thuộc thế giới bên kia về. Khi đó, họ sẽ nói về tương lai của chúng ta. Nghe có vẻ hoang đường dưới cái nhìn của khoa học, nhưng đó lại là truyền thuyết thực hư lẫn lộn.

Tôi biết có nhiều người đi xem bói. Họ chia sẻ với tôi những điều đã xảy ra. Có phần đúng, có khi sai. Một vài kiểu xem bói họ có thể chọn. Chẳng hạn:

- Xem tử vi: đây là hình thức xem bói số phận đời người dựa trên Kinh Dịch, Can Chi, Ngũ Hành…(Vì không phải là thầy bói, nên tôi chẳng thể biết nhiều hơn!)

- Tử Bình Tứ Trụ. Tử Bình là một môn khoa học xem bói dựa trên giờ, ngày, tháng, năm sinh giống như Tử Vi.

- Xem bói chỉ tay. Bói chỉ tay là môn bói dựa trên hình dáng, màu sắc cũng như các đường trên lòng bàn tay để đưa ra luận đoán.

- Nhân tướng học. Nhân tướng học là phạm trù xem bói rộng hơn của bói chỉ tay. Đây là môn bói dựa trên hình tướng, dáng vóc, lời nói, sắc thái…

- Bói dịch (Gieo quẻ). Người xem bói gieo đồng xu, gieo quẻ để nhận được thông điệp. Dịp lễ Tết nhiều người vẫn đi gieo quẻ đầu năm.

Còn nhiều hình thức bói nữa. Nhưng tựu chung, mục đích của xem bói là nhằm biết trước tương lai của mình ra sao.

Kinh thánh nói gì về bói toán?

Ngay chương thứ 3 của sách Sáng Thế, chúng ta thấy con rắn cám dỗ con người. Hắn đã thủ thỉ, thuyết phục Eva ăn trái cấm. Số là Thiên Chúa cảnh báo Ađam và Eva không được ăn trái ở giữa vườn Địa Đàng. Nếu ăn, họ sẽ phải chết. Con rắn nói ngược lại: “Chẳng chết chóc gì đâu!”. Hắn bồi thêm một câu đầy tiên đoán: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (St 3,5).

Qua câu nói trên, chúng ta biết tà ý của con rắn. Hắn muốn hai ông bà bất tuân Thiên Chúa, kiêu ngạo và muốn vượt lãnh vực của mình. Ăn trái ấy không chỉ không ngang bằng với Thiên Chúa, mà còn bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Đó là thân phận của con người. Một mặt, con người muốn làm chủ cuộc đời mình, có thể đối phó mọi hiểm nguy và trắc trở xảy đến. Mặt khác, con người hằng bất lực trước tương lai của mình. Con người không toàn năng. Do đó, chính khi con người ước mong làm chủ mọi thứ, họ trở nên kiêu ngạo và đánh mất chính mình. Kết quả là đau khổ cứ ôm ghì lấy họ.

Một trường hợp điển hình về việc xem bói là vua Sa–un của Ít–ra–en. Ông là vị vua tài đức, đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy vậy, có những lần vua hỏi ý Thiên Chúa về tình hình chiến sự với quân Phi–li–tinh, Ngài vẫn im hơi lặng tiếng. Ông chạy đi xem bói!

– Hãy tìm cho ta một bà đồng bóng, để ta thỉnh ý bà ấy. 

Và triều thần đã giới thiệu với Vua một bà đồng bóng ở Ên Đo. Thế là vua Sa–un cải trang, mặc áo khác rồi ra đi, có hai người cùng đi với vua. (1 Sm 28,3–25)

Người đồng bóng là người có khả năng nối kết người sống với những linh hồn thế giới bên kia. Họ tin mình có khả năng gọi hồn để về trình bày những gì sẽ diễn ra. Các nhà nghiên cứu cho thấy hiện tượng này giống với lên đồng tại Việt Nam.

Trong sách Luật, Ðức Chúa cũng cảnh báo người ta không được làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Ðức Chúa. (Dnl 18,9–20).

Luật Cựu Ước cũng ngăn cấm đi xem bói hoặc lên đồng (Lv 19,31; Đnl 18,11). Điều ấy cho thấy ngay từ thời xa xưa đã có hiện tượng huyền bí này. Sang thời Tân Ước, nhiều lần Chúa Giêsu nhắc con người: “Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x. Mt 6,34)[2]. Trong Giáo Hội sơ khai, chúng ta thấy nhiều người từ bỏ trò ảo thuật, bỏ xem bói để chọn Chúa Kitô (x. Cv 19,18–19).

Có nên đi xem bói?

Tiếc là nhiều người đi theo Chúa, nhưng có khi đến với cả thầy bói, phù thủy. Bởi đó có lần Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ:

“Ma thuật không phải là Kitô giáo. Những điều được thực hiện để đoán tương lai hoặc đoán nhiều thứ hoặc thay đổi tình huống cuộc sống không phải là Kitô giáo. Ân sủng của Chúa Kitô mang đến cho bạn tất cả mọi thứ: hãy cầu nguyện và phó thác chính mình nơi Chúa.”[3]

Dĩ nhiên Giáo Hội lên án những trò bói toán và ma thuật. Tương lai luôn thuộc về sự quan phòng của Thiên Chúa. Con người muốn điều khiển tương lai, nghĩa là muốn ngang bằng Thiên Chúa. Vì thế Giáo Lý Công Giáo dạy rằng:

“Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Satan hay Ma Quỷ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai. (x. Đnl 18,10; Gr 29,8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Điều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa.” (số 2116).

Bạn thân mến,

Là con người ai cũng tò mò, như bạn nói về vấn đề xem bói. Chỉ những ai hiểu rõ vấn đề, họ mới đi đúng đường. Thật tốt khi bạn quan tâm đến thực hành phổ biến này ở Việt Nam. Tôi biết nhiều người Công Giáo cũng có lần đi xem bói. Xin đừng theo họ! Nếu ai từng vướng vào điều ấy, xin ăn năn trở về với Thiên Chúa. “Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng.” (Ep 4,27).

Về vấn đề xem bói, rất nhiều người đã đoán được cách các thầy bói muốn trục lợi. Thậm chí nhiều thầy bói giả mạo muốn lừa tình, lừa tiền những ai dẹ nhạ cả tin. Đừng quên, họ có nhiều chiêu trò để đưa người xem bói vào trạng thái hoang mang và phụ thuộc. Từ đó, nhiều người xem bói xem thầy bói như thần thánh và luôn đến tham vấn và làm theo!

Chúng ta chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, Đấng làm chủ muôn loài, không gian và thời gian. Những điều bí nhiệm chưa bao giờ thuộc về con người. Hẳn là con người có quyền tìm hiểu về những điều ấy. Đừng quên làn ranh giữa tìm hiểu và thực hành nó là rất mong manh. Ước gì người Công Giáo luôn chạy đến với Thiên Chúa trước; sau đó họ sẽ tìm được những câu trả lời hợp ý Chúa.

Vài chỉ dẫn tránh xem bói

Thực tế nhiều chúng bạn cứ tỉ tê, rủ rê tôi đi xem bói. Họ chia sẻ chân thành, thuyết phục và cả mời gọi. Do đó, tôi rất dễ ngã lòng. Trong trường hợp ấy, tôi nghĩ mình cứ nghe với thái độ tôn trọng, nhưng giữ vững lập trường của mình. Bên cạnh đó, hãy trò chuyện với những người khôn ngoan, nhất là với cha giải tội. Linh mục ấy biết cách an ủi và hướng dẫn bạn.

Dường như người đi xem bói khó thể thoát ra. Nghĩa là xem bói được một lần, họ sẽ vướng vào vòng xoáy của nó. Giải hạn, cầu may và tiên đoán luôn ám ảnh, thu hút người ta. Rốt cuộc động chút là đi xem thầy bói. Như thế thì mệt lắm! Ngược lại, người Công Giáo có Thiên Chúa là Đấng biết trước mọi sự. Ngài từ từ hé lộ cho con người những gì chúng ta cầu xin. Hãy chạy đến với Ngài để cầu nguyện. Trong bầu không khí đó, Thiên Chúa cùng với con người khám phá những điều thú vị ở tương lai. Có người nói vui rằng: “Giả như biết trước mọi sự, cuộc sống này sẽ tẻ nhạt vô cùng!” Điều ấy có vẻ đúng. Hơn nữa, “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng nơi Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 36,5).

Nếu bạn muốn thay đổi tương lai, hãy bắt đầu từ chính khả năng của bạn. Thành công, may mắn hoặc tương lai tươi sáng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ đúng đắn của chúng ta. Nếu thái độ ấy cộng với ơn của Thiên Chúa nữa, cuộc sống của chúng ta sẽ thật nhiều bình an, hạnh phúc. Hãy làm chủ cuộc đời mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Xin đừng đánh cược chính mình vào chuyện xem bói, mê tín dị đoan. Tôi tin bạn không muốn rơi vào bước đường u mê ấy.

Chào bạn.    

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (29.3.2021)

Đọc thêm:

Bài 44: Thiên Chúa và sự đau khổ

Bài 43: Nguyên nhân người trẻ rời xa Thiên Chúa

Bài 42: Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?

Bài 41: Làm sao tu? Tu làm sao?

Bài 40: Con người trực giác về Thiên Chúa

Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?

Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh

Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội

Bài 36: Những nơi thờ phượng

Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?

Bài 34: Robot thánh

Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội

Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo

Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai

Bài 30: Có Thiên Chúa thật không?

Bài 29: Cám dỗ tính dục

Bài 28: Chết trong an bình?

Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba

Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)

Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)

Bài 24: Giống nhau không?

Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn

Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Bài 21: Một đời để sống

Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!

Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta

Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo

Bài 16: Tương thân tương ái

Bài 15: Áo giáp chống nạn

Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội

Bài 13: Vấn đề truyền giáo

Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

 

[1] https://thuvienhoasen.org/a11571/39-quan-diem-cua-dao-phat-ve-tu-vi-boi-toan

Quan điểm của đạo Hồi: “Trong tôn giáo Islam không có việc mê tín dị đoan hoặc hành nghề bói toán hoặc tìm người xem bói hoặc làm thầy bùa hoặc tìm đến thầy bùa. Đối với người (Muslim) nào tìm đến thầy bùa và tin tưởng vào mọi điều chúng nói là y đã phủ nhận tất cả mọi thông tin được mặc khải cho Muhammad.” (theo Hadith).

[2] Đừng cực đoan mà ngồi chờ sung rụng. Thiên Chúa mời gọi con người lao động. Chúa Thánh Thần ban cho ta ơn lo liệu để kiến tạo cuộc sống này.

[3] Đọc thêm: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-12/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cong-vu-tong-do-ma-thuat.html

Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com