NĐTP tấn công toàn cầu
Cho đến nay, việc đánh giá vấn đề NĐTP còn mơ hồ, chưa chính xác, điều này đã che đậy không cho cộng đồng biết cái giá phải trả cho thực phẩm bị nhiễm bẩn.
Từ năm 2010, có 33 mối nguy cơ cho gánh nặng về bệnh tật do NĐTP được các nhà chuyên môn đánh giá. Trong đó có khoảng 18 triệu ca thuộc về bệnh tiêu chảy nặng. Những bệnh này gần như xảy ra khắp nơi trên thế giới và mỗi vùng miền trên thế giới sẽ cung cấp những chứng cứ mắc bệnh theo đặc thù của địa phương...
Tại Việt Nam, hàng năm có tới hàng nghìn ca NĐTP, gần đây còn xuất hiện các trường hợp ngộ độc mang tính chất tập thể, gây tử vong cho nhiều người… Trong khi đó nguyên nhân gây ngộ độc phức tạp, việc xét nghiệm độc chất khó khăn…
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Để hiểu được vì sao bị NĐTP, thì cần hiểu về tiêu chuẩn của thực phẩm an toàn. Năm 1998, Bộ Y tế đã có danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực thực phẩm. Trong đó có nhiều hoá chất và vi sinh vật được dùng làm chỉ tiêu để đánh giá chất lượng vệ sinh của thực phẩm. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học, nhiều hoá chất được đưa vào sử dụng trong đời sống hàng ngày, vi sinh vật cũng thay đổi diện mạo do con người sử dụng nhiều hoá chất để tiêu diệt chúng và cùng với nhiều lý do khác khiến các nguyên nhân của NĐTP ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát.
Ví dụ, với thuốc bảo vệ thực vật, có 144 chất được dùng làm chỉ tiêu vệ sinh với thực phẩm nhưng cho tới năm 2001, ở nước ta đã có 356 thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 303 chất được phép sử dụng, 27 chất bị hạn chế và 26 chất bị cấm sử dụng. Hoặc với các thuốc diệt chuột, đặc biệt là các thuốc diệt chuột, được nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng nhiều, rẻ tiền, độc tính cao nguy hiểm cho cả người song lại được đa số người dân chọn dùng.
Hầu hết các thuốc diệt chuột này cho tới nay chúng ta chưa thể xác định được bản chất hoá học, đây cũng là một khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị ngộ độc nói riêng và việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật nói chung…
Theo đó NĐTP là các hội chứng lâm sàng xuất hiện do: Thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật hoặc các sản phẩm của vi sinh vật (thường gặp nhất); Thực phẩm bị nhiễm các hoá chất độc, hoặc Ăn phải các thực vật hoặc động vật có độc tố.
Nguyên nhân nào dẫn đến NĐTP
Trong số các ca NĐTP, chỉ có 41% được tìm thấy nguyên nhân. Trong đó do tác nhân vi khuẩn là 79%; hoá chất 14%; virus 4% và ký sinh trùng 1%.
Do vi khuẩn: Với các thực phẩm là rau quả, ngũ cốc, hạt, sữa và các sản phẩm thì các loài tụ cầu, Bacilus cereus, Campylobacter fetus hoặc yersinia enterocolitica là nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Với nguồn nước không sạch, thì E.coli (cả loài sinh độc tố và xâm nhập), các loài Shigella, Salmonella enteritis, Y. enterocolitica, C.fetus, hoặc Vibrio cholera… gây ra ngộ độc.
Với các loại thịt và trứng, đặc biệt là thịt đã qua quá trình xử lý, thịt được nấu không kỹ, bảo quản lạnh không đầy đủ hoặc vận chuyển không đúng dễ bị nhiễm khuẩn. Các loại bánh ngọt có kem hoặc có sữa - trứng và các sản phẩm có trứng khác bị nhiễm các vi khuẩn với số lượng đạt tới mức độ có thể gây bệnh. Trong các loại thực phẩm này, các vi khuẩn thường là các tụ cầu, C.perfringens, B.cereus, các Salmonella và Campylobacter jejuni.
Do virus: Viêm dạ dày ruột do virus xuất hiện nhiều hơn số được phát hiện, các nguyên nhân đã được xác định gồm có: Virus Norwalk, Rotavirus, Adenovirus đường ruột, Calcivirus.
Do ký sinh trùng: Do ăn phải thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng như: rau quả sống, nước lã, thức ăn bị nhiễm phân có kén amíp hoặc ấu trùng.
NĐTP do hoá chất trong thực phẩm: Bao gồm các chất phụ gia, chất bảo quản, chất điều vị, chất ngọt tổng hợp, chất màu tổng hợp. Ngoài ra, các chất ô nhiễm như hóa chất bảo vệ thực vật, các kim loại nặng, các dioxin, chất đồng vị phóng xạ và chất độc màu da cam cũng là các tác nhân ô nhiễm trong thực phẩm gây ngộ độc nguy hiểm và lâu dài.
Thực trạng hiện nay có rất nhiều loại hoá chất bảo vệ thực vật trên thị trường và việc sử dụng, bảo quản tuỳ tiện các hoá chất là các nguy cơ cao gây NĐTP.
Dấu hiệu nhận biết NĐTP
Khi bị NĐTP người bệnh có thể biểu hiện ngay nhưng cũng có thể đến vài tiếng, vài ngày sau mới thấy có triệu chứng. Các triệu chứng đặc trưng của NĐTP là:
Khó chịu trong bụng và buồn nôn: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất khi bị NĐTP. Các tác nhân gây hại như vi khuẩn, nấm, hóa chất… tấn công đường ruột. Lúc này hệ miễn dịch của cơ thể lập tức hoạt động và phản ứng lại bằng cách buồn nôn, nôn mửa để thải bớt độc tố ra ngoài. Tùy vào mức độ nhiễm độc mà triệu chứng nôn ói sẽ khác nhau, chất độc tiếp nhận càng nhiều thì càng bị nôn thốc nặng. Khi thấy có biểu hiện này cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để sơ cấp cứu.
Tiêu chảy: Sau khi ăn khoảng một vài tiếng, bỗng thấy đau quặn bụng buồn đi đại tiện. Số lần đi đại tiện tăng lên nhiều lần, phân lỏng… kèm theo đó là dấu hiệu chướng bụng đầy hơi, chuột rút, toát mồ hôi. Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt do mất nước, chất điện nghiêm trọng.
Thân nhiệt tăng: Triệu chứng này thường xuất hiện trong hoặc sau khi bị tiêu chảy nhiều lần. Sở dĩ nhiệt độ cơ thể tăng cao để ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn gây hại.
Đau nhức đầu: Đây cũng là một trong những biểu hiện thường thấy khi bị NĐTP, những cơn đau nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh và mức độ ngộ độc.
Cách xử trí NĐTP tại nhà
NĐTP có 2 dạng đó là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mạn tính. Khi bị ngộ độc cấp tính, các dấu hiệu xuất hiện ngay sau khi ăn, bệnh nhân cảm thấy đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài nhiều… Ngộ độc mạn tính, không biểu hiện ngay sau khi ăn và cũng không có triệu chứng ngộ độc rõ ràng, chất độc trong thức ăn lặng lẽ tích tụ dần trong cơ thể và gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ung thư. Trong bài viết này, chúng tôi hướng dẫn cách xử trí NĐTP cấp tính.
Kích thích gây nôn: Đây là nước đầu tiên nên thực hiện để giúp người bị NĐTP thải bỏ độc tố ra ngoài, hạn chế sự hấp thu chất độc bên trong thành ruột. Dùng đầu ngón tay đưa vào miệng nạn nhân và đè nhẹ ở cuống lưỡi (không nên dùng đầu ngón có móng dài) hoặc nhanh chóng pha nước muối cho người nhiễm độc uống để kích nôn.
Loại bỏ chất độc trong cơ thể: Có thể dùng than hoạt tính vì chúng có tính năng hấp thụ nhiều loại chất độc khác nhau. Với trường hợp bị ngộ độc kim loại độc như thủy ngân, chì thì cho dùng sữa, lòng trắng trứng. Ngộ độc axit, kim loại nặng thì dùng magie oxit, than bột.
Để hạn chế thành dạ dày hấp thụ nhiều chất độc hơn cần cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ăn những món như nước cháo, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng,…
Bổ sung nước và chất điện giải: Người bị NĐTP nhanh chóng bị mất nước, mất cân bằng chất điện giải. Nhẹ thì gây mất sức, choáng váng đầu óc, nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, khi bị NĐTP, bị nôn thì cần được bổ sung nước, chất điện giải ngay. Tại nhà có thể pha dung dịch oresol cho bệnh nhân uống.
Với những triệu chứng NĐTP mức độ nhẹ thì có thể khắc phục ngay tại nhà, nhưng với tình trạng nặng thì cần nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.
Trích dẫn: Để hạn chế thành dạ dày hấp thụ nhiều chất độc hơn cần cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ăn những món như nước cháo, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng…
Gánh nặng bệnh tật do ăn uống trên toàn cầu là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng trên khắp thế giới, đặc biệt là trẻ em và những người dân ở những vùng có thu nhập thấp. Việc sử dụng các phụ gia trong thực phẩm chế biến sẵn cũng như các loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng… trong nuôi trồng đóng góp một phần không nhỏ trong vấn nạn này.
ThS.Nguyễn Hải
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn