nCoV tấn công cơ thể con người như thế nào?

nCoV vào cơ thể người sẽ lây lan từ mũi và họng đến các ống phế quản hướng đến phổi, gây viêm phổi, khó thở, suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

Khi đó, màng nhầy bị nhiễm trùng, gây ra tình trạng hỏng phế nang hoặc túi phổi.

Các triệu chứng ban đầu Covid-19 thường là ho, sốt và khó thở, cùng nhiều điểm tương đồng với bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, các triệu chứng xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi nhiễm virus.

Virus lây lan như thế nào?

Virus lây lan qua các giọt bắn trong không khí được tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt hoặc mũi. Nó có thể tồn tại trên các bề mặt hàng giờ đến một vài ngày và xâm nhập trực tiếp vào phổi khi hít phải.

Sau khi đi vào cơ thể, nCoV lan ra phía sau đường mũi và đến màng nhầy trong cổ họng, gắn vào một thụ thể đặc biệt trong các tế bào.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến ở Brescia, Bắc Ý, ngày 10/3. Ảnh: AP

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến ở Brescia, Bắc Italy, ngày 10/3. Ảnh: AP

Virus corona chứa các protein hình gai đâm ra từ bề mặt, giúp tăng khả năng bám trụ vào các tế bào, từ đó cho phép vật liệu di truyền xâm nhập vào cơ thể người. Tại đây, virus sao chép nhân lên, thoát ra khỏi tế bào và lây lan ra các tế bào khác trong cơ thể. Một tế bào có thể tạo ra hàng triệu bản sao của virus trước khi chết.

Quá trình nCoV xâm nhập vào phổi

Theo một báo cáo đăng ở New York Times dựa trên phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, virus di chuyển từ phía sau họng xuống các ống phế quản và hướng về phía phổi.

Khi đó, màng nhầy bị nhiễm trùng, gây ra tình trạng hỏng phế nang hoặc túi phổi. Điều này khiến cho phổi phải hoạt động hết công suất để cung cấp oxy cho máu lưu thông và loại bỏ carbon dioxide trong máu. Tình trạng sưng tấy và khả năng lưu thông oxy yếu sẽ dẫn đến tích tụ chất lỏng, mủ và tế bào chết trong phổi, gây nhiễm trùng, từ đó dẫn đến viêm phổi.

Đó là lý do tại sao một số người bệnh Covid-19 khó thở và cần máy thở. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phổi bị lấp đầy trong chất lỏng dù được can thiệp nhưng vẫn không qua khỏi. Do đó, người bị viêm phổi cũng có nguy cơ cao bị nhiễm virus và nhiễm trùng thứ cấp.

Theo các chuyên gia, Covid-19 dường như nghiêm trọng hơn so với các loại bệnh viêm phổi thông thường và làm tổn hại đến một phần lớn của phổi. Viêm phổi thông thường xuất hiện do nhiễm vi khuẩn và có thể được điều trị bằng kháng sinh.

Quá trình nhiễm trùng thường bắt đầu tại các khu vực ngoại vi ở cả hai bên phổi, sau đó lan dần đến các khu vực trung tâm, bao gồm đường hô hấp trên và khí quản.

Virus cũng có thể xâm nhập vào máu, lây nhiễm các tế bào trong hệ thống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và khó tiêu. Ngoài ra, virus cũng tấn công trực tiếp các cơ quan nội tạng như tim, thận và gan và gây viêm tủy xương hoặc các mạch máu nhỏ.

Công nhân tiêu độc khử trùng tại ga tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/3. Ảnh: AP

Công nhân tiêu độc khử trùng tại ga tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/3. Ảnh: AP

Phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng viêm ở các cơ quan đó và khiến nội tạng trục trặc. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus có thể gây tổn thương não bộ.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết nCoV cũng được tìm thấy trong các mẫu máu và phân, nhưng không rõ liệu nó có lây truyền qua các đường này không.

Có ít nhất 6 chủng virus corona khác có thể lây nhiễm sang người, trong đó, một số loại gây cảm lạnh, trong khi chủng khác gây ra dịch SARS và MERS. Chủng nCoV được cho là có nguồn gốc từ loài dơi.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên. Xà phòng có thể tiêu diệt virus một cách hiệu quả hơn so với nước khử trùng tay và các sản phẩm ít cồn.

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất?

Gần 76.000 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 80% người bệnh hồi phục mà không cần sự can thiệp điều trị nào từ chuyên gia. Khoảng 1/6 là ca bệnh nặng.

Người già (trên 60 tuổi và đặc biệt là người trên 80 tuổi), những người có bệnh nền, rủi ro cao nhất bởi hệ miễn dịch có xu hướng suy yếu theo tuổi tác.

Theo WHO, những người mắc bệnh nhẹ sẽ hồi phục sau khoảng hai tuần.Bệnh nhân nặng hơn có thể phải mất từ 3 đến 6 tuần chữa trị.

Thế giới, đến ngày 15/3 ghi nhận hơn 156.000 trường hợp bệnh và hơn 5.600 ca tử vong. WHO ước tính tỷ lệ tử vong Covid-19 là 3,4%, tuyên bố "đại dịch toàn cầu" hôm 14/3.

Minh Ngân (Theo Times of Israel)

Nguồn: https://vnexpress.net