Mùa Chay Nguồn Gốc và Ý Nghĩa

TÂM TÌNH MÙA CHAY

 MÙA CHAY NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA
 Jean Luc Muller
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 

Église en fêtes, Téqui, 1990

 Là thời gian hướng về ngày lễ Phục Sinh bắt đầu với thứ Tư Lễ Tro, một thời gian thiêng liêng phong phú cho các cộng đoàn Kitô giáo, Mùa Chay với hình thức như hiện nay là kết quả của quá trình tiến triển lâu dài về lịch sử cũng như phụng vụ, xét về độ dài thời gian cũng như sự nghiêm ngặt của các quy định.

Nguồn gốc

Nói thật ra, Mùa Chay là một thiết chế của Giáo Hội không bắt nguồn từ thời Giáo Hội sơ khai. Đối với các Kitô hữu thời các tông đồ, mỗi ngày Chúa Nhật là một cử hành biến cố phục sinh, và mãi cho đến thế kỷ thứ II mới thấy xuất hiện một ngày lễ đặc biệt dành để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Đức Kitô để rồi sau đó biến thành Tam Nhật phục sinh (Triduum pascal): thứ Năm Tuần Thánh, thứ Sáu Tuần Thánh và Vọng Phục Sinh.

Biến cố này được chuẩn bị bằng một hay nhiều ngày ăn chay tuỳ theo miền, thường là từ chiều thứ Năm Tuần Thánh cho đến sáng ngày lễ Phục Sinh, hoặc ít ra là trong vòng 40 giờ từ lúc Chúa chịu chết cho đến thời điểm phục sinh. Đến giữa thế kỷ thứ III, ở Alexandrie việc giữ chay kéo dài suốt Tuần Thánh, và đến cuối thế kỷ III thì tại Ai Cập cũng đã xuất hiện việc giữ chay kéo dài đến 40 ngày mà mục đích trước hết dường như là sống lại thời gian chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang mạc cũng như chuẩn bị cho lễ Phục Sinh.

40 ngày

Chẳng bao lâu sau, Mùa Chay 40 ngày của người Ai Cập đã định hình như là thời gian chuẩn bị cho cái chết và phục sinh của Đức Kitô và lan rộng ra khắp Giáo Hội. Vào tiền bán thế kỷ thứ IV, ở Roma đã hình thành một thời gian chay tịnh trong 3 tuần trước khi cử hành biến cố phục sinh và vào khoảng giữa những năm 354 đến 384 họ cũng đã thêm vào 3 tuần nữa. Như vậy chính xác có 40 ngày (quadragesima) giữa Chúa Nhật mở đầu Mùa Chay cho đến khi bắt đầu Tam Nhật Thánh (Triduum).

Nhưng vì không ăn chay vào các ngày Chúa Nhật nên thực tế chỉ có 34 ngày ăn chay trong thời gian này. Cộng thêm ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh thì cũng chỉ có 36 ngày. Và cũng vì muốn chuẩn bị cho biến cố phục sinh bằng cách rập khuôn chính xác 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang mạc nên vào thế kỷ thứ VII người ta thêm vào 4 ngày còn thiếu, và từ khi ấy người ta bắt đầu Mùa Chay với thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay mà sau này trở thành thứ Tư Lễ Tro. Vào ngày này, các tín hữu ở Roma tụ họp nhau tại nhà thờ Thánh Anastasie dưới chân đồi Palatin là nơi Đức Giáo Hoàng công bố mở đầu Mùa Chay; rồi mọi người đi thành đoàn rước đến nhà thờ Thánh Sabine trên đồi Aventin để cử hành thánh lễ.

Thứ Tư Lễ Tro

Việc xức tro có nguồn gốc từ thực hành thống hối công khai, một nghi thức bắt buộc dành cho các tín hữu phạm lỗi nặng hoặc làm gương xấu trước khi họ được chính thức tái hoà nhập cộng đoàn vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, họ được xá tội và được phép rước lễ trở lại vì trước đó họ bị cấm.

Một trong những thực hành thống hối công khai này là xức tro trên đầu. Cử chỉ này thịnh hành ở Roma từ thế kỷ thứ IV và dần dần lan ra các xứ Kitô giáo, rồi nhiều tín hữu tự nguyện xức tro trên đầu để biểu lộ ý muốn thống hối. Chính các Đức Giáo Hoàng cũng đã chấp nhận nghi thức này và vào thế kỷ XI thì các ngài đã kết hợp việc thống hối này với việc bắt đầu Mùa Chay, do đó mà có tên gọi thứ Tư Lễ Tro và thực hành xức tro.

Là bụi đất, hình ảnh của tội lỗi và sự mong manh của con người, là những gì còn lại của thân xác sau khi ngọn lửa sự sống vụt tắt đi (St 3, 19; 18, 27), tro rắc trên đầu mà ngày nay người ta xức trên trán biểu lộ sự thống hối và tang chế (Is 58, 5; 61, 3; Gr 6, 26). Chính vì thống hối dưới bụi tro và áo mặc áo vải thô mà dân thành Ninivê nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa (Gn 3)

Linh đạo Mùa Chay

Là thời gian hoán cải dành cho hối nhân, trong những thế kỷ đầu tiên, Mùa Chay cũng là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng chịu phép rửa để được gia nhập cộng đoàn Kitô giáo vào đêm Phục Sinh, sau khi giữ chay và tiết chế trong suốt thời gian này cũng như miệt mài cầu nguyện.

Như thế, khi khuyên nhủ các tội nhân công khai hối cải, Giáo Hội cũng khích lệ toàn thể cộng đoàn thống hối, và khi nhắn gởi với các dự tòng, Giáo Hội cũng chuẩn bị cho mọi tín hữu sống lại ân sủng phép rửa của chính mình            

Khi chuẩn bị cho mọi người gặp gỡ Thiên Chúa, đối với các tín hữu, Mùa Chay đã trở thành một hành trình tiến về Thiên Chúa, một con đường vòng băng qua hoang mạc, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống. Giáo Hội đề nghị chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống Kitô hữu của chúng ta một cách nồng nhiệt hơn trong suốt mấy tuần hướng về ngày lễ Phục Sinh.

Như đoàn dân của Môisen lang thang nhiều năm dài trước khi vào Đất Hứa, chúng ta cũng khám phá ra rằng hành trình tiến về Thiên Chúa, con đường tiến về Nước Trời của chúng ta không phải là không gặp khó khăn, chướng ngại, thụt lùi, đôi khi có phản kháng nữa; thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện để mang lại cho ta hy vọng và niềm tin. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn trung thành với Chúa Cha trong thử thách cuối cùng, chúng ta sống kinh nghiệm cuộc vượt qua tiến về Chúa Cha qua sự sống và cái chết, chúng ta dần tiến về mầu nhiệm của Đức Kitô để hiệp thông vào đấy một cách sâu xa hết sức có thể.

Làm thế nào để diễn dịch cách cụ thể cuộc hành huơng tiến về với Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu được mời gọi trong suốt thời gian Mùa Chay này? Đã có câu trả lời được lập đi lập lại qua các bản văn phụng vụ ngày Chúa Nhật (và những ngày khác) trong thời gian chuẩn bị cho biến cố phục sinh: các bài đọc Tin Mừng cũng như Kinh Tiền Tụng đã dành ưu tiên cho bộ ba này: cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ.

 Cầu nguyện

Là khoảng không ngút mắt nơi không có sự sống, hoang mạc mà dân của Giao Ước cũ và chính Đức Kitô đã đi qua đưa chúng ta đến yếu tính của đời sống, dẫn chúng ta gặp gỡ với Hữu Thể độc nhất, cội nguồn cho hiện hữu của chúng ta: Thiên Chúa. Là nơi chốn gợi lên sự vô cùng của Thiên Chúa, chính trong hoang mạc mà Charles de Foucauld đã tận hiến hoàn toàn cho Ngài qua lời cầu nguyện. Như thế, hoang mạc và Mùa Chay là nơi chốn và thời gian để gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện.

 Qua lời cầu nguyện, đời sống chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn mình theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để trở nên sẵn sàng cho Đức Kitô và cho anh em. Cầu nguyện là “lương thực hằng ngày” nuôi sống chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, không có nó tâm hồn chúng ta có nguy cơ xa rời ý muốn của Chúa Cha.

Theo gương các dự tòng vào những thế kỷ đầu tiên đã toàn tâm toàn ý cầu nguyện cách quảng đại và thực tâm, theo gương Đức Kitô lui vào trong cô tịch của hoang mạc Giuđa, chúng ta hãy biến Mùa Chay thành một thời gian gặp gỡ Chúa, chiêm niệm và tạ ơn, ngợi ca Danh Thánh Chúa và biến đổi tâm hồn.

        2.     Ăn chay

Là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, đối với dân Israel cũng như đối với Đức Kitô, hoang mạc đồng thời cũng là thời gian thử thách, là trận chiến chống lại thế lực sự dữ để không nhường bước trước thú vui, điều choáng ngợp và quyền lực, ba thần tượng mà con người thường hy sinh tất cả để đạt cho được. Những cám dỗ này không ngừng quấy nhiễu chúng ta và là nguồn gốc nhiều sự dữ, ngay từ khi xuất hiện Mùa Chay, việc từ bỏ những cơn cám dỗ này được diễn dịch bằng việc ăn chay, một thực hành rất đòi hỏi nhưng lại đạt được nhiều kết quả thiêng liêng. Khi giảm thiểu những nhu cầu sống để chỉ giữ lại những gì thiết yếu, việc ăn chay giúp chúng ta trở nên những người nghèo khó trong tâm hồn (xem Các Mối Phúc), nghĩa là thành những con người cần đến Thiên Chúa, nhường cho Ngài một chỗ trong đời sống mình, người nghèo trong Tin Mừng là những người đặt hết niềm hy vọng vào Chúa, háo hức gặp gỡ với Đức Kitô. Như vậy sự khổ hạnh và từ bỏ mọi sự rất cần thiết để Thánh Thần Thiên Chúa xâm chiếm lấy con người mình.             

Nếu chay tịnh trước hết có nghĩa là từ bỏ của ăn thì trong ý nghĩa tận căn hơn nữa ăn chay cũng có nghĩa là từ bỏ tính ích kỷ, tính cứng đầu và lòng tham lam của chúng ta: “Đây là những điều bạn phải thực hành khi muốn ăn chay. Trước hết, hãy xa lánh mọi lời nói và ước muốn xấu xa, thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi thứ hư không đời này. Nếu giữ được điều đó, việc ăn chay của bạn sẽ nên hoàn hảo. Sau khi hoàn tất những gì tôi đã viết trên đây, vào ngày ăn chay, bạn không ăn gì ngoại trừ bánh mì và nước lã và rồi hãy tính toán giá lương thực mà bạn thường ăn trong ngày ấy, bạn dành tiền ấy để cho quả phụ, cô nhi hoặc người nghèo … Nếu bạn ăn chay theo như những điều tôi khuyên nhủ trên đây, hy sinh của bạn sẽ được Thiên Chúa chấp nhận” (Le Pasteur d’Hermas).

     3.    Chia sẻ

Ngay từ thế kỷ thứ II, việc ăn chay đã có khuynh hướng chia sẻ như là một phương tiện giúp đỡ những ai đang túng thiếu để chúng ta có thể tiến đến gần Thiên Chúa hơn. Thánh Cyprianô thành Carthage vào thế kỷ thứ III cũng đã để lại những dòng chữ rất thuyết phục về chủ đề này: “Những người giàu có và dư dật … bạn sẽ trở nên vàng ròng khi tinh luyện mình qua các công việc vì đức công bình và làm bố thí … Hãy xem trong Tin Mừng, một bà goá nghèo đã đi vào trong lời dạy của Thiên Chúa khi bà bố thí giữa lúc thất vọng và túng bấn. Bà ném vào trong thùng tiền hai đồng xu cuối cùng. Chúa đã lưu ý và nhấn mạnh về tấm lòng quảng đại của bà và nói: “Bà goá này đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn mọi người khác” … Đức Giêsu Kitô muốn chúng ta hiểu rằng của bố thí của chúng ta sẽ đến với chính Thiên Chúa và rằng những ai bố thí thì đẹp lòng Chúa”.

Chia sẻ cũng là tình yêu tha nhân, nhìn nhận người khác như đồng loại của mình, nhận ra Đức Kitô trong những người anh em hèn mọn nhất. Đây là biểu hiện tình yêu Thiên Chúa của chúng ta và không thể được diễn dịch đơn thuần chỉ bằng một phong trào cứu trợ hay phong trào đoàn kết nào đó. Qua sự thiếu thốn và chia sẻ, chúng ta đáp ứng được giới răn kép của tình yêu: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi và yêu tha nhân như chính mình”.

Ghi chú:

Khi nói về việc ăn chay, mãi cho đến thế kỷ thứ IX, tất nhiên là việc giữ chay nghiêm nhặt hơn ngày nay nhưng không phải là các tín hữu cả ngày không ăn uống gì. Thật ra, người ta phân biệt:

- Ăn chay đơn giản, kiêng mọi thứ thịt, cả trứng, phômai, bơ và sữa. Việc ăn chay này kéo dài suốt Mùa Chay, trừ các ngày Chúa Nhật.

- Ăn chay nhặt một vài ngày nào đó trong thời gian này, nhất là thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh. Trong những ngày này người ta chỉ dùng một bữa ăn nhẹ duy nhất trong ngày.

Hiện nay, Giáo Hội chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ sáu của Mùa Chay, ăn chay cùng với kiêng thịt vào các ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. “Luật kiêng thịt buộc những người đã 14 tuổi trọn. Luật ăn chay buộc hết mọi người đã đến tuổi trưởng thành cho tới lúc bắt đầu 60 tuổi” (Giáo luật điều 1252).

Nhưng trọn Mùa Chay vẫn là thời gian thống hối, các ngày thứ Sáu khác trong năm cũng vậy. Trong những ngày này, “Các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng cách chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt” (Giáo luật điều 1249). Việc giữ chay và kiêng thịt cũng có thể được thay thế bằng các hình thức thống hối khác do Hội Đồng Giám Mục quy định (Giáo luật điều 1253).

Phụng vụ

Sự thống hối của Mùa Chay được biểu lộ ra bên ngoài qua màu lễ phục phụng vụ (màu tím) và không đọc kinh Allêluia và kinh Vinh Danh trong thánh lễ và các giờ kinh. Ngày xưa, việc đánh đàn trong nhà thờ hoàn toàn bị bãi bỏ trong thời gian này, ngày nay người ta hết sức giảm thiểu, chỉ đệm đàn để hát.

Một nốt nhạc vui đột nhiên cắt ngang những ngày thống hối này: đó là ngày Chúa Nhật Vui (Laetare), hay Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay với lễ phục màu hồng thay cho màu tím. Nguyên thuỷ của ngày này được tìm thấy trong nghi thức trao ban Tín biểu đức tin (kinh Tin Kính) cho các dự tòng vào ngày thứ Tư sau Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay. Vì thế, niềm vui của Giáo Hội đã được biểu lộ trong phụng vụ ngay từ ngày Chúa Nhật vì mình sắp được thâu nhận những tín hữu mới. Lý do thật sự của ngày Chúa Nhật Vui (Laetare) – mà tên gọi xuất phát từ ca nhập lễ trong ngày này (Laetare Jerusalem – Hãy vui lên hởi Giêrusalem) – sau đó đã bị lãng quên để rồi mang lấy một ý nghĩa khác là “để an ủi cho các tín hữu khỏi bị ngã lòng nản chí vì nỗ lực kéo dài trong Mùa Chay và giúp họ tiếp tục chịu đựng những hạn chế với tâm hồn thanh thản và nhẹ nhàng” (Giáo Hoàng Innôcentê III, 1216).

Bài đọc các ngày Chúa Nhật Mùa Chay

Hướng về ngày lễ Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa trong 5 Chúa Nhật Mùa Chay (Chúa Nhật thứ sáu là Lễ Lá và Thương Khó) được diễn dịch bằng cách gợi lại những giai đoạn lớn trong hành trình của nhân loại tiến về ngày Phục Sinh của Đức Kitô:

- Những giao ước nguyên thuỷ (Năm A: St 2, 7-3, 7; Năm B: St 9, 8-15; Năm C: 26, 4-10)

- Abraham (Năm A: St 12, 1-4; Năm B: St 22, 1-18; Năm C: St 15, 5-18)

- Môisen (Năm A: Xh 17, 3-7; Năm B: Xh 20, 1-17; Năm C: Xh 3, 1-15)

- Đất Hứa (Năm A: 1 Sm 16, 1-3; Năm B: 2 Sb 36, 14-23; Năm C: Gs 5, 10-12)

- Các ngôn sứ (Năm A: Ed 37, 12-14; Năm B: Gr 31, 31-34; Năm C: Is 43, 16-21)

Chủ đề của các bài Tin Mừng:

- Cơn cám dỗ và sự biến hình của Đức Kitô trong hai Chúa Nhật đầu tiên theo một trong ba Tin Mừng Nhất Lãm.

- Giáo lý về bí tích rửa tội trong ba Chúa Nhật còn lại của năm A (Ga 4, 5-42; Ga 9, 1-41; Ga 11, 1-45)

- Thập giá, dấu hiệu tôn vinh của Đức Kitô, trong ba Chúa Nhật còn lại của Năm B (Ga 2, 13-25; Ga 3, 14-21; Ga 12, 20-33)

- Lòng thương xót của Chúa kêu mời hối cải trong ba Chúa Nhật còn lại của Năm C (Lc 13, 1-9; Lc 15, 1-32, Ga 8, 1-11)

Cuối cùng là các bài thánh thư được chọn lựa để làm rõ nghĩa cho bài Tin Mừng hay bài trích Cựu Ước.

  chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Trích “Bản Thông Tin” giáo phận Qui Nhơn, số tháng 2/2011

Nguồn: http://tinmung.net/holiday/muachay/TimHieu/MuaChayNguonGocVaYNghia.htm