Bộ Giáo lý đức tin: Một vài suy xét liên hệ đến những người đồng tính
BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
MỘT VÀI SUY XÉT LIÊN HỆ ĐẾN VIỆC ĐÁP TRẢ CÁC DỰ LUẬT VỀ KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG TÍNH
Chuyển ngữ: BS Trần Như Ý Lan, C.N.D
từ vatican.va
WHĐ (30.6.2020) - Gần đây, dự luật coi việc phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục là bất hợp pháp được đề xuất ở nhiều khu vực khác nhau. Tại một số thành phố, chính quyền đã xây các nhà công cộng dành cho các cặp đồng tính (cũng như các cặp khác phái tính chưa kết hôn), mà đúng ra những nhà này phải được dành cho các gia đình. Những sáng kiến như thế trong thực tế có thể gây tác động xấu đến gia đình và xã hội, ngay cả khi chúng có vẻ hướng đến việc hỗ trợ các quyền dân sự căn bản, hơn là dung dưỡng các hoạt động và lối sống đồng tính. Những vấn đề như việc nhận con nuôi, việc thuê giáo viên, nhu cầu cần nhà ở của các gia đình đích thực, các sự quan tâm chính đáng của chủ nhà trong việc kiểm tra người thuê tiềm năng, thường đều bị ảnh hưởng.
Mặc dù không thể tiên liệu mọi việc liên hệ đến các dự luật về lãnh vực này nhưng những quan sát sau đây sẽ cố gắng xác định một vài nguyên tắc và sự phân biệt có tính chất tổng quát mà các nhà lập pháp thiện chí, các cử tri, hay giáo quyền cần cân nhắc khi đối diện với những vấn đề trên.
Phần thứ nhất sẽ nhắc lại các đoạn trong Thư gửi các Giám mục của Hội thánh Công giáo về vấn đề mục vụ cho những người đồng tính năm 1986 của Bộ Giáo lý Đức tin. Phần thứ hai sẽ bàn đến việc áp dụng chúng.
CÁC ĐOẠN CÓ LIÊN QUAN TỪ LÁ THƯ CỦA BỘ GIÁOLÝ ĐỨC TIN
Lá thư gợi nhớ rằng “Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức Tính dục” của Bộ Giáo lý Đức tin năm 1975 “đã ghi nhận sự phân biệt giữa tình trạng hay xu hướng đồng tính luyến ái với hành vi quan hệ đồng tính”; loại thứ hai là “lệch lạc nội tại” và “không thể được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào” (số 3).
Vì “trong việc bàn luận theo sau việc ban hành bản tuyên ngôn (nói trên)...,người ta ghi nhận một biện giải quá nhân nhượng được dành cho tình trạng đồng tính, và một số bàn luận đi xa hơn khi coi tình trạng đó là trung tính hay thậm chí là tốt”, lá thư tiếp tục minh định rằng: “Mặc dù một khuynh hướng nào đó của người đồng tính không phải là một tội, nhưng nó ít nhiều cũng là một sự khuynh chiều được thiết định hướng tới một sự dữ luân lý nội tại; và vì thế khuynh hướng ấy phải được nhìn nhận như một sự lệch lạc có tính khách quan.
Do đó, sự quan tâm đặc biệt và lưu ý mục vụ cần hướng đến những người trong tình trạng này kẻo họ tin rằng việc sống khuynh hướng đồng tính qua những hành vi đồng tính là một lựa chọn luân lý có thể chấp nhận được. Thực tế không phải vậy” (số 3).
“Như trong mọi lệch lạc về luân lý, hoạt động đồng tính luyến ái ngăn trở sự viên mãn con người cũng như ngăn cản hạnh phúc của người ấy bằng hành vi trái nghịch với sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa. Khi gạt bỏ những tư tưởng sai lạc về đồng tính luyến ái, Hội thánh không giới hạn, nhưng đúng hơn bảo vệ tự do cá nhân và nhân phẩm được hiểu theo nghĩa thực tế và đích thật ” (số 7).
Đối với phong trào đồng tính luyến ái, lá thư xác định: “Một chiến thuật được dùng để phản đối rằng bất kỳ hay mọi lời chỉ trích, sự e dè dành cho người đồng tính, hoạt động và lối sống của họ đều là các hình thức khác nhau của sự phân biệt đối xử cách bất công” (số 9).
“Một số quốc gia nỗ lực thao túng Hội thánh bằng cách giành lấy sự ủng hộ từ các mục tử, các vị này thường với ý hướng ngay lành, nhằm thay đổi quy chế dân sự và luật pháp. Điều này được thực hiện nhằm thích ứng với khái niệm của các nhóm có thế lực trong xã hội, những người này cho rằng đồng tính ít ra là điều hoàn toàn vô hại, nếu không muốn nói là điều hoàn toàn tốt. Ngay cả khi việc thực hành đồng tính có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và phúc lợi của phần lớn dân chúng, những người ủng hộ nó vẫn không lay chuyển và từ chối xem xét đến mức độ rủi ro to lớn đi kèm” (số 9).
“Hội thánh cũng ý thức rằng quan điểm cho rằng nên nhìn nhận hành vi đồng tính tương đương, hay có thể được chấp nhận như sự diễn tả tình dục của tình yêu vợ chồng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hiểu biết của xã hội về bản chất và các quyền lợi của gia đình và phá hủy chúng” (số 9).
“Đáng tiếc là những người đồng tính đã và đang là đối tượng của sự ác mang tính bạo lực trong ngôn từ cũng như hành vi. Lối hành xử như thế đáng bị các mục tử của Hội thánh lên án ở bất cứ nơi nào nó xảy ra. Điều đó bộc lộ một kiểu coi thường người khác vốn gây nguy hại cho các nguyên tắc cơ bản nhất của một xã hội lành mạnh. Phẩm giá nội tại của mỗi người luôn phải được tôn trọng trong lời nói, hành vi và luật pháp.
Nhưng phản ứng đúng đắn đối với tội ác xúc phạm tới người đồng tính không nên là việc tuyên bố rằng tình trạng đồng tính không lệch lạc. Khi một tuyên bố như thế được đưa ra và khi hành vi đồng tính luyến ái được dung dưỡng, hay khi mà luật dân sự được giới thiệu để bảo vệ những hành vi đồng tính đến mức không ai có quyền can thiệp, thì Hội thánh nói riêng cũng như xã hội nói chung sẽ không ngạc nhiên khi những quan niệm và thực hành sai lạc chiếm được chỗ đứng; đồng thời các phản ứng vô lý cũng như bạo lực sẽ gia tăng” (số 10).
“Điều cần tránh bằng mọi giá là sự giả định vô căn cứ và mất nhân phẩm cho rằng hành vi tình dục của những người đồng tính luôn luôn và hoàn toàn bị thúc bách và vì vậy không có tội gì. Điều chính yếu là sự tự do nền tảng, thứ tạo nên tính cách con người và đem lại cho người ta phẩm giá, phải được nhìn nhận như điều cũng thuộc về người đồng tính luyến ái” (số 11).
“Trong việc đánh giá luật được đề xuất, các giám mục nên đặt mối quan tâm hàng đầu của mình vào trách nhiệm bảo vệ và quảng bá đời sống gia đình” (số 17).
CÁC ÁP DỤNG
Xét ở khía cạnh tránh phân biệt đối xử, “khuynh hướng tình dục” không tạo nên một phẩm chất có thể so sánh với chủng tộc, sắc tộc. Không giống những điều này, khuynh hướng đồng tính luyến ái là một lệch lạc có tính khách quan (xem Thư, số 3) và gợi lên mối liên hệ luân lý.
Có những lãnh vực trong đó không có sự phân biệt đối xử cách bất công khi xem xét đến khuynh hướng tình dục, chẳng hạn như trong việc nhận con nuôi hay chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, việc nhận giáo viên cũng như huấn luyện viên thể thao, và trong việc tuyển binh.
Những người đồng tính, với tư cách là con người, có quyền như mọi người, bao gồm cả quyền không bị đối xử theo cách làm mất phẩm giá cá nhân (xem số 10). Trong số các quyền khác, tất cả mọi người đều có quyền làm việc, quyền có chỗ ở, v.v. Tuy nhiên, những quyền này không tuyệt đối hoàn toàn. Chúng có thể bị hạn chế theo đúng luật vì hành vi bên ngoài biểu hiện sự lệch lạc mang tính khách quan. Điều này đôi khi không chỉ là hợp pháp nhưng còn mang tính đòi buộc nữa. Điều này rõ hơn không chỉ với trường hợp hành vi phạm tội mà thậm chí còn ngay cả trong trường hợp các hành vi biểu hiện bệnh về thể lý hay thần kinh. Vì thế, người ta chấp nhận rằng nhà nước có thể hạn chế việc thực thi các quyền để bảo vệ lợi ích chung, chẳng hạn như trong trường hợp những người bị bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh tâm thần.
Gộp chung cả “khuynh hướng đồng tính luyến ái” vào trong số những khoản được xem là cấm phân biệt đối xử có thể dễ dàng đưa đến việc xem đồng tính luyến ái là một nguồn tích cực của nhân quyền, chẳng hạn như đối với hành vi khẳng định hay đối xử ưu đãi trong thực hành tuyển dụng. Điều này càng thêm nguy hại vì chẳng hề có quyền nào gắn với đồng tính (xem số 10) nên không có cơ sở nào cho việc hình thành các tuyên bố mang tính pháp lý. Việc thừa nhận đồng tính như một yếu tố mà trên cơ sở đó hình thành việc cấm phân biệt đối xử có thể dễ, nếu không muốn nói là tự động, dẫn đến việc bảo vệ và cổ võ về phương diện pháp lý đồng tính luyến ái. Việc đồng tính của một người sẽ được viện dẫn để chống lại việc phân biệt đối xử bị cáo buộc, và như thế việc thực hiện các quyền lợi sẽ hoàn toàn được bảo vệ qua việc xác nhận tình trạng đồng tính thay vì được bảo vệ qua vấn đề vi phạm các quyền con người.
“Khuynh hướng tình dục” của một người không thể đem so sánh với chủng tộc, giới tính, tuổi tác, v.v., cũng vì một lý do khác nữa nằm ngoài những gì đáng lưu ý đã nói ở trên. Khuynh hướng tình dục của một người cách chung thường không bị người khác biết trừ khi người ấy công khai nhận mình như thế hay khi một số hành vi bên ngoài chứng tỏ điều ấy. Thông thường, đa số những người có khuynh hướng đồng tính mà tìm cách sống khiết tịnh sẽ không công khai khuynh hướng tình dục của họ. Do vậy, vấn đề phân biệt đối xử trong lãnh vực công việc, nhà cửa, v.v. thường không xảy ra.
Những người đồng tính khẳng định xu hướng đồng tính của mình thường chính là những người đánh giá hành vi hay lối sống đồng tính là “hoàn toàn vô hại, nếu không nói là hoàn toàn tốt lành” (xem số 3), và vì vậy đáng được cộng đồng chấp nhận. Chính trong nhóm người này người ta dễ tìm thấy những người tìm cách “thao túng Hội thánh bằng cách giành lấy sự ủng hộ với chủ ý tốt của các mục tử nhằm thay đổi quy chế dân sự và luật pháp” (xem số 5), và tìm thấy những người sử dụng chiến thuật để phản đối rằng “bất kỳ hay mọi lời chỉ trích, sự e dè dành cho người đồng tính, hoạt động và lối sống của họ đều là các hình thức khác nhau của sự phân biệt đối xử cách bất công” (xem số 9).
Thêm vào đó, có một nguy cơ là đạo luật đặt đồng tính luyến ái làm cơ sở cho các quyền lợi có thể thực sự khuyến khích một người có khuynh hướng đồng tính luyến ái công khai hóa việc mình đồng tính hoặc thậm chí còn tìm đối tác để khai thác các quy định của khoản luật.
Vì trong việc đánh giá các dự luật được đề xuất cần chú ý nhiều nhất đến trách nhiệm bảo vệ và quảng bá đời sống gia đình (xem số 17), cần chú ý chặt chẽ đến các điều khoản mang tính dự phòng liên quan tới các biện pháp được đề xuất. Các điều khoản đó sẽ ảnh hưởng đến việc nhận con nuôi hoặc quan tâm chăm sóc trẻ thế nào? Liệu chúng có bảo vệ các hành vi đồng tính luyến ái cách công khai hay riêng tư không? Liệu chúng có đánh đồng các đôi đồng tính với gia đình, ví dụ như đối với vấn đề nhà ở công cộng hay bằng cách cho phép đối tượng đồng tính luyến ái hưởng các ưu đãi về việc làm mà gồm cả những điều như quyền tham gia của “gia đình” vào phúc lợi y tế dành cho nhân viên không (xem số 9)?
Cuối cùng, khi liên quan đến lợi ích chung, Giáo quyền không được ủng hộ hoặc giữ thái độ trung lập đối với các đạo luật gây hại ngay cả khi nó cho phép những ngoại lệ dành riêng cho các tổ chức và thể chế của Hội thánh. Hội thánh có trách nhiệm thăng tiến đời sống gia đình và luân lý chung cho toàn xã hội dân sự dựa trên những giá trị luân lý nền tảng, không chỉ đơn thuần bảo vệ mình khỏi việc thực hành những khoản luật có hại (xem số 17).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 102 (tháng 9 & 10 năm 2017)
Trích đăng: https://hdgmvietnam.com