Massimo Faggioli: Hệ thống bảo vệ định chế Giáo Hội đang sụp đổ ngay trước mắt chúng ta

 

Trong bài “The End of an Era?” – “Sự kết thúc của một kỷ nguyên?”, được đăng trên tờ Commonweal Magazine ngày 25 tháng 3 năm 2019, Massimo Faggioli, sử gia về lịch sử Giáo Hội, giáo sư Thần Học và Khoa Học Tôn Giáo của Đại Học Villanova ở Philadelphia Hoa Kỳ, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang định nghĩa lại chủ quyền của Giáo Hội.


Ông cảnh báo rằng chủ nghĩa thế tục đang hung hăng lạm dụng tội lỗi lạm dụng tính dục để tung ra các tấn kích nghiêm trọng đến mức Nước Đức Giáo Hoàng như chúng ta thấy hiện nay có thể bị xóa sổ.

Sự kết thúc của một kỷ nguyên?

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang định nghĩa lại chủ quyền của Giáo Hội.

Mối quan hệ giữa quyền bính của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội và quyền lực chính trị của nhà nước đã được xác định trong nhiều thế kỷ qua bằng các phương thức ngoại giao, chính sách đối ngoại, và cả các cuộc cách mạng bạo lực, lẫn các cuộc thảo luận hòa bình trong các nghị viện. Bây giờ, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, mối quan hệ này đang được định nghĩa lại bởi hệ thống tư pháp hình sự của nhà nước thế tục. 

Bản án của Đức Hồng Y George Pell bởi một tòa án Úc liên quan đến cáo buộc lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên, và bản án của Đức Hồng Y Philippe Barbarin bởi một tòa án Pháp vì đã không báo cáo một linh mục lạm dụng, cùng nhau đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có một Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng trong tương lai gần, thì đó có thể là Cơ Mật Viện đầu tiên trong lịch sử hiện đại, nơi ít nhất một trong số các Hồng Y cử tri không thể bỏ phiếu vì ngài đang phải đứng sau song sắt (Đức Hồng Y Barbarin vẫn được tự do trong tiến trình kháng cáo). Một trường hợp gần tương tự là trường hợp của Đức Hồng Y József Mindszenty của Hung Gia Lợi. Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt hoàn toàn: Đức Hồng Y Mindszenty không thể tham dự các Cơ Mật Viện vào những năm 1958 và 1963 vì ngài đang tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Budapest. Trước đó, Đức Hồng Y Mindszenty đã bị chế độ Cộng sản Hung Gia Lợi bắt giữ vì lý do chính trị, chứ không phải là tội phạm thông thường hay hình sự. Các ví dụ khác có thể xuất hiện trong tâm trí là trường hợp Napoléon bắt giữ Đức Giáo Hoàng Piô VII từ năm 1809 đến 1814; Đức Cha Clemens August von Droste-Vischering, Tổng Giám Mục Köln bị chính phủ Phổ bắt năm 1837; nhiều giám mục khác đã phải trải qua nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ trong các nhà tù của chế độ Cộng sản, ví dụ như ở Ukraine, Trung Quốc và Việt Nam. Tất cả những trường hợp này rõ ràng rất khác với trường hợp của các Đức Hồng Y Pell và Barbarin, về phương diện các phán quyết chống lại các ngài. 

Với uy tín đạo đức của Vatican bị hư hại sâu sắc, chủ nghĩa thế tục có thể “lạm dụng” lạm dụng để mở lại những gì từng được gọi là “Quaestio Romana” – “Vấn đề Rôma” [tức là vấn đề quyền bính trần thế của Đức Giáo Hoàng - chú thích của người dịch]”. 

Hai trường hợp trên có ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong một Giáo Hội nơi các biểu tượng là quan trọng. Viễn tượng một Hồng Y vắng mặt trong Cơ Mật Viện vì ngài bị tống giam vì cáo buộc lạm dụng tình dục, hoặc che đậy sự lạm dụng đó, là một biểu tượng cho thấy một cách rõ rệt toàn bộ hệ thống bảo vệ định chế Giáo Hội Công Giáo, là một hệ thống được xây dựng dựa trên hiện trạng, quyền miễn trừ, và các đặc quyền đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Điều làm cho biểu tượng này thêm sâu sắc là sự nổi bật của cả hai vị Hồng Y Pell và Barbarin. Đức Hồng Y Pell là một đại diện cao cấp của một nền văn hóa Công Giáo đặc thù trong thế giới nói tiếng Anh muốn tái xây dựng một Giáo Hội quả quyết, hơn khả năng chống lại chủ nghĩa thế tục. Đức Hồng Y Barbarin là Tổng Giám Mục Lyon, quê hương của trường đại học Dòng Tên Fourvière, một trong những biểu tượng của Công Giáo Pháp hiện đại. Một trong những nhà thần học Dòng Tên quan trọng nhất từ trước đến nay, Henri de Lubac, đã nghiên cứu và giảng dạy tại Fourvière. 

Hai trường hợp pháp lý này (và những trường hợp khác có khả năng sẽ xảy ra) nêu ra một vấn nạn quan trọng cho Giáo Hội liên quan đến những mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Cuộc đụng độ giữa Giáo Hội Công Giáo và các cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ thứ mười tám và giữa thế kỷ mười chín đã đạt đến một sự dàn xếp tạm thời kéo dài từ khoảng thời gian của Công Đồng Vatican I cho đến gần đây. Hình thù của sự dàn xếp này được xác định bởi một chuỗi dài các sự kiện chính trị và thần học. Sự kiện đầu tiên trong số đó là tuyên bố về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng tại Công Đồng Vatican vào năm 1870, cùng với sự trỗi dậy của một “chủ nghĩa quyền tối thượng tự do của Đức Giáo Hoàng” trong đó chấp nhận sự khác biệt giữa các lĩnh vực thần học và chính trị, tôn trọng chủ quyền của nhà nước, và tiến đến việc tạo ra của một quyền lực tinh thần độc lập với nhà nước và thu gọn quyền bính trần thế Đức Giáo Hoàng trong một lãnh thổ với chủ quyền của riêng mình. Tiếp theo đó là các giải pháp cho “Vấn đề Rôma” với sự ra đời của Nhà nước Thành phố Vatican vào năm 1929; thời đại của các hiệp ước trong thế kỷ XX; sự chấp nhận dân chủ và nhà nước lập hiến tại Vatican II; và sự chấp nhận sau Công Đồng Vatican II cuộc chiến chống lại các chế độ độc tài, ủng hộ nhân quyền và tự do. Trọng tâm của thời kỳ Vatican I đến Vatican II là giả định cho rằng trong tương lai, sẽ có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thân thiện giữa Giáo Hội và nhà nước, mỗi bên sẽ tôn trọng chủ quyền của nhau. 

Những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, cả ở cấp quốc gia và toàn cầu, đặt lại vấn đề đối với dàn xếp này. Giờ đây, cuộc khủng hoảng lạm dụng đã đến với Vatican, với các trường hợp của McCarrick, Đức Hồng Y Pell và Đức Hồng Y Barbarin, tình trạng pháp lý lâu nay không bị nghi ngờ của Tòa Thánh và chủ quyền của Nhà nước Thành phố Vatican một lần nữa có thể bị thách thức. Với uy tín đạo đức của Vatican bị hư hại sâu sắc, chúng ta có thể thấy việc mở lại những gì từng được gọi là “Vấn đề Rôma”. 

Quyết định của Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục sống ở Vatican sau khi ngài từ chức cũng cần được giải thích theo làn sóng các vụ tai tiếng liên quan đến chính quyền trung ương của Giáo Hội Công Giáo. Không phải chỉ một mình Đức Bênêđíctô: Đức Hồng Y Sodano và Bertone, từng là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô, cũng đã chọn sống ở Vatican, và đã im lặng đáng kể trong vài tháng qua. Tấm khiên được cung cấp bởi vị thế quốc tế của Tòa Thánh có thể bị thay đổi một ngày nào đó, dù điều đó là không thể tưởng tượng được đối với một số người. Xét cho cùng, địa vị pháp lý hiện tại của Vatican cũng chỉ mới đạt được gần đây. Trong cuốn Vatican I: Công Đồng và việc hình thành Giáo Hội Quyền Bính Giáo Hoàng , John W. O'Malley nhắc nhở chúng ta rằng “các vị giáo hoàng của thế kỷ XIX, giống như các vị tiền nhiệm của họ trong nhiều thế kỷ, đều coi Nước Đức Giáo Hoàng, và đặc biệt là thành phố Rôma, như một nơi thánh thiêng, một di sản thiêng liêng không bao giờ có thể đầu hàng. Đức Piô IX là vị Giáo Hoàng tin vào điều này mạnh nhất”. Nhưng sau gần một ngàn năm lịch sử, Nước Đức Giáo Hoàng đã đi đến hồi kết thúc một cách bất ngờ. Giáo Hội Công Giáo có trên hai nghìn năm tuổi, nhưng Nhà nước Thành phố Vatican chỉ mới chín mươi tuổi. Không có lý do để cho rằng Nhà nước ấy sẽ tồn tại như hiện nay vĩnh viễn.

Đặng Tự Do
(vietcatholic 26.03.2019/ Commonweal Magazine)