Một trong những điểm nổi bật của lễ Chúa Giáng Sinh là hang đá – máng cỏ.
Máng cỏ thứ nhất đáng kính dĩ nhiên là máng cỏ tại Belem. Các thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã không quên nơi Chúa ra đời. Năm 327, thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng Sinh ngay trên hang đá Bê lem.
Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160. Năm 529, nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nổi dậy của người Samaritano. Năm 565, hoàng đế Justino I cho xây dựng lại nhà thờ và nó tồn tại đến nay.
Bên dưới gian cung thánh có một tầng hầm nhỏ chính là hang đá năm xưa nơi Đức Maria sinh Chúa Giêsu. Bên phải được đánh dấu bởi ngôi sao lớn bằng bạc, có 14 cánh, trên ngôi sao có ghi dòng chữ Latinh “Hicde Virgine Maria Jesus Christus Natus Est” có nghĩa “đây là nơi Đức Trinh Nữ Maria đã sinh Chúa Giêsu Kitô”. Bên trái là Máng Cỏ nơi Đức Mẹ đã đặt Chúa Hài Nhi sau khi sinh ra[1].
Máng cỏ thứ hai, vào thế kỷ thứ VI tại Roma, người ta dựng một nhà nguyện gần Đại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả trong đó làm một máng cỏ dưới bàn thờ chính theo mẫu máng cỏ tại Bêlem có một phần gỗ từ máng cỏ Chúa Giêsu đã nằm năm xưa ở Bê lem, và gọi là Nhà nguyện Máng Cỏ.
Máng cỏ nhiều loại ngày nay: Lễ Giáng Sinh năm 1223, tại Greccio thuộc tỉnh Rieti miền Lazio nước Italia, thánh Phanxicô đã làm một máng cỏ bằng rơm tại một hang núi, cạnh đó có con bò, con lừa. Ngài đã được phép Đức Giáo Hoàng cho đặt cạnh đó một bàn thờ và cho phép một linh mục dâng lễ, trong lễ thánh nhân hát bài Tin Mừng và giảng. Bài giảng của ngài làm dân chúng dự lễ cảm động, nên khi về họ đã bắt chước làm những máng cỏ như vậy. Các thầy dòng Phanxicô đã phổ biến lòng sùng kính máng cỏ cũng như đã cổ võ việc đi chặng đàng thánh giá.
Ngày nay, vào khoảng tuần III Mùa Vọng hằng năm, tại các giáo xứ, giáo họ và tại các gia đình người kitô giáo thi nhau làm hang đá, máng cỏ, cây Noel và thắp đèn điện để chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh. Ước gì mỗi người cũng chuẩn bị tâm hồn mình cho khiêm tốn, hiền hòa; sống ngay thẳng, quảng đại và nồng ấm yêu thương để trở nên như Máng Cỏ cho Chúa Hài Nhi.
[1] Trần Thiện Tĩnh, Nhật ký hành hương Đất Thánh, thứ Bảy Tuần Thánh, năm 2012.