Axit uric được tạo ra trong quá trình chuyển hóa các axit nhân của mọi tế bào trong cơ thể và được đào thải ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu. Ở người bình thường, hai quá trình tạo ra và đào thải acid uric luôn luôn được cân bằng. Vì một lý do nào đó, đặc biệt ở người cao tuổi, quá trình chuyển hóa nhân purin bị rối loạn sẽ gây tăng acid uric trong máu.
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa xảy ra tự nhiên trong cơ thể chúng ta. Axit uric máu có nguồn gốc: nội sinh, là khi các tế bào bị chết, nhân của chúng sẽ bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric; ngoại sinh, xuất phát từ các loại thức ăn động vật như thịt, cá và một số con đường chuyển hóa khác.
Tăng axit uric máu là khi nồng độ axit uric máu bình thường vào khoảng 420micromol/lít ở nam giới và 360 micromol/lít ở nữ giới bị vượt quá ngưỡng này. Hàng ngày, lượng axit uric dư thừa sẽ được đào thải 80% qua nước tiểu và khoảng 20% qua đường tiêu hóa và mồ hôi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng axit uric máu nhưng tựu trung lại là do hai nhóm chính: tăng tổng hợp axit uric (ví dụ như do ăn quá nhiều thịt cá, do rối loạn chuyển hóa axit uric bẩm sinh) và giảm đào thải axit uric (ví dụ như do suy thận...).
Tăng axit uric máu trong cộng đồng khá phổ biến. Nếu trước đây, tình trạng tăng axit uric ở người Việt Nam ước tính chỉ 1-2% thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng lên rất nhiều. Ngoài bệnh gút, chứng tăng axit uric máu còn thấy ở một số bệnh khác mà đa số gặp ở người cao tuổi.
Các tinh thể axit uric lắng đọng tại các khớp.
Axit uric máu khi tăng cao gây tác hại gì?
Ở cơ thể người bình thường, sự chuyển hóa các chất có nhân purin tạo ra một lượng axit uric có tính chất hằng định ở trong máu (nam giới từ 180 - 420mmol/l, nữ giới từ 150 - 360mmol/l). Khi chỉ số axit uric máu tăng cao hơn bình thường được gọi là tăng axit uric máu. Như vậy, chứng tăng axit uric máu là do rối loạn chuyển hóa gây ra. Đứng hàng đầu trong chứng tăng axit uric máu là người đã và đang mắc bệnh gút. Khi bị bệnh gút thì chắc chắn có axit uric trong máu tăng. Tuy vậy, khi xét nghiệm thấy axit uric máu tăng thì chưa chắc là mắc bệnh gút (tất nhiên ngoài axit uric tăng thì bệnh gút còn có các triệu chứng khác, rất điển hình).
Một số bệnh liên quan đến tăng axit uric máu như bệnh sỏi thận, suy thận mạn, bệnh đa u tủy xương, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemia), dùng hóa chất gây độc tế bào trong điều trị bệnh ung thư, một số người tăng huyết áp hoặc bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu. Tăng axit uric máu gây bất lợi cho sức khỏe nhưng với người cao tuổi thì càng bất lợi hơn, vì khi tăng axit uric máu, nếu chúng kết tủa và lắng đọng ở tim, mạch thì sẽ gây viêm mạch máu, xơ vữa động mạch gây thiểu năng mạch vành, đột quỵ hoặc gây viêm màng ngoài tim. Nếu kết tủa ở vùng đầu thì có thể gây viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến mang tai, viêm màng não. Nếu kết tủa ở vùng sinh dục, các tinh thể uric gây viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt.
Xử lý tăng axit uric máu
Lợi ích của việc điều trị tình trạng tăng axit uric máu ở những bệnh nhân đã bị cơn gout là điều đã được chứng minh. Nó góp phần hạn chế, ngừng các cơn gout cấp tái phát cũng như biến chuyển bệnh thành gout mạn tính có hạt tophi, sỏi thận, suy thận do gút.
Trong trường hợp tăng axit uric không triệu chứng nên tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Các trường hợp xét nghiệm thường xuyên có tình trạng tăng axit uric trên 10mg/dl mà kháng với các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống, hoặc có tiền sử gia đình bị gút, bị sỏi thận kèm tăng axit uric máu, có dấu hiệu tổn thương thận đều cần phải dùng các thuốc giảm axit uric. Lưu ý không dùng thuốc nhóm tăng thải axit uric như probenecid (benemid) qua thận ở những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.
Tất cả các trường hợp tăng axit uric máu không có triệu chứng khác ở mức độ trung bình (dưới 10mg/dl) đều cần thực hiện các chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý như với các bệnh nhân bị gút mà chưa cần dùng thuốc hạ axít uric máu.
Phòng ngừa thế nào hiệu quả?
Việc phòng chứng tăng axit uric máu đa số liên quan đến chế độ ăn, uống, trong đó các thực phẩm giàu purin là đáng quan tâm nhất. Vì vậy, những người đã từng có chứng tăng axit uric máu, nhất là có bệnh gút, cần ăn uống kiêng khem đúng mức. Không ăn các loại phủ tạng động vật như tim, gan, thận (bầu dục), lòng. Một số loại như da gà, vịt, ngan, ngỗng cũng nên hạn chế hoặc không ăn. Các loại thực phẩm như xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói cũng nên hạn chế. Các loại hải, thủy sản cũng nên cân nhắc giữa điều lợi và bất lợi khi sử dụng với người có chứng tăng axit uric máu. Không nên uống rượu, bia (trừ rượu vang đỏ có thể sử dụng để khai vị khi thấy cần thiết); Uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày), không nên nhịn tiểu... Việc điều trị chứng tăng mỡ máu trên bệnh nhân có bệnh gút là giảm đau và dùng thuốc tăng cường đào thải axit uric máu.
ThS. BS. Bùi Hải