1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế sau một thời gian được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi, chăm sóc, điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh hoặc bệnh thuyên giảm và ra viện. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mặc dù đã được tận tình cứu chữa nhưng bệnh tiến triển nặng, có thể đột ngột qua đời hoặc qua giai đoạn hấp hối rồi tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối cũng quan trọng như chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi sức khỏe. Nhân viên y tế cần giúp bệnh nhân được thanh thản trước cái chết.
1.1. Diễn biến trong giai đoạn cuối
Trong giai đoạn cuối của cuộc đời, bệnh nhân có những thay đổi chủ yếu về nhận thức trước bệnh tật và cái chết, thường gặp các biểu hiện sau:
- Từ chối:
Bệnh nhân luôn mong được chữa khỏi bệnh, không nghĩ cái chết sẽ đến. Không chấp nhận cái chết; đây là phản ứng đầu tiên của bệnh nhân.
- Tức giận:
Bệnh nhân phản ứng với những mất mát mà họ cảm nhận. Bệnh diễn biến ngày càng nặng, xuất hiện sự giận dữ với nhân viên bệnh viện và người nhà vì một lý do nào đó.
- Mặc cảm:
Trong giai đoạn này, bệnh nhân mặc cảm với phương pháp chăm sóc, điều trị hiện tại, muốn thay đổi cách chữa bệnh, muốn tìm cách để đạt được kết quả tốt hơn cách chữa bệnh cuối cùng. Bệnh nhân có thể yêu cầu gọi thầy cúng, thầy lang, mục sư, thậm chí có sự trăng chối liên quan đến tội lỗi để thoát khỏi cái chết.
- Buồn rầu:
Bệnh nhân buồn vì biết cái chết sắp đến, bắt đầu kể và bày tỏ những cảm nghĩ từ đáy lòng mình, mong muốn được tâm sự với người thân, bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên khác trong bệnh viện.
- Chấp nhận:
Khi đã chấp nhận cái chết, bệnh nhân trong trạng thái tuyệt vọng. Giao tiếp với bệnh nhân trở lên khó khăn, một số bệnh nhân thì trầm lặng, một số khác thì nói nhiều. Khi hấp hối bệnh nhân cần gặp người thân trong gia đình để nói lên nguyện vọng, yêu cầu của mình như lời trăng chối, di chúc, dặn dò, cách bố trí tang lễ...
1.2. Những biểu hiện của giai đoạn hấp hối
- Sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, tím tái đầu chi, biểu hiện của lưu thông máu giảm.
- Vã mồ hôi đầm đìa:
Bệnh nhân có thể vã mồ hôi thấm ướt quần áo, mồ hồi vã ra cả ở trên trán, làm ướt tóc thấm xuống gối; biểu hiện của rối loạn vận mạch, thần kinh thực vật.
- Giảm trương lực cơ: trương lực cơ toàn thân giảm, bệnh nhân nằm bất động nói khó, nuốt khó, miệng lệch, hàm trễ xuống, mũi lệch vẹo. Các phản xạ gân xương giảm rồi mất.
- Mắt lõm xuống, đờ dại: khám thấy đồng tử giãn, khi đưa tay ngang qua mắt bệnh nhân không thấy mắt cử động.
- Rối loạn hô hấp: khó thở tăng, nhịp thở chậm dần, tăng tiết đờm dãi.
- Mạch nhanh nhỏ, khó bắt: huyết áp tụt dần, tim đập yếu, rối loạn nhịp tim, tiếng tim mờ, rời rạc.
- Ý thức: lú lẫn, hôn mê sâu dần.
- Các phản xạ mất dần: mất phản xạ giác mạc, mất phản xạ da bìu.
- Bệnh nhân ngừng thở: mạch mờ dần rồi không bắt được mạch, không nghe thấy tiếng tim.
Dấu hiệu bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim:
+ Lồng ngực, thành bụng bất động.
+ Nằm yên, không cử động.
+ Sắc mặt nhợt nhạt tím tái.
+ Da lạnh.
+ Tim ngừng đập: không bắt được mạch, không đo được huyết áp, không nghe thấy tiếng tim; xuất hiện đương đẳng điện trên các đạo trình ghi điện tim, tần số thở.
Khi bệnh nhân có biểu hiện của giai đoạn hấp hối, bác sĩ, điều dưỡng phải có mặt ở bên bệnh nhân, phát hiện kịp thời các dấu hiệu và sự thay đổi về tình trạng bệnh nhân. Sự có mặt thường xuyên bên cạnh bệnh nhân là nguồn an ủi lớn đối với bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân.
2. KỸ THUẬT CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TRONG GIAI ĐOẠN CUỐI
2.1. Nguyên tắc chăm sóc
- Chuyển bệnh nhân đến phòng riêng, tránh gây ồn ào và tiện cho việc chăm sóc, không ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác.
- Giúp đỡ bệnh nhân về tâm lý, sinh lý và tâm thần.
- Thực hiện khẩn trương y lệnh và tìm mọi cách để làm giảm đau đớn cho bệnh nhân.
- Tận tình chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân đến phút cuối cùng.
- Đảm bảo cho bệnh nhân và thân nhân không đơn độc trong giai đoạn cuối.
- Bệnh nhân trong giai đoạn hấp hối, nếu không có thân nhân bên cạnh, bệnh nhân có trăng chối điều gì thì điều dưỡng phải ghi chép đầy đủ, rõ ràng để báo cáo cho gia đình, cơ quan, đơn vị của bệnh nhân.
2.2. Đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân
2.2.1. Nhu cầu vệ sinh cá nhân
Tắm rửa, lau người, vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân.
2.2.2. Tư thế nghỉ ngơi
Hầu hết bệnh nhân trong giai đoạn hấp hối thích nằm ngửa, kê gối dưới đầu, dưới chân cho thoải mái. Thay đổi tư thế cho bệnh nhân 2 giờ/lần để bệnh nhân thoải mái và phòng ngừa loét.
2.2.3. Nhu cầu giao tiếp
Khả năng nghe là giác quan cuối cùng tồn tại trước khi bệnh nhân chết, không được nói những điều không hay và liên quan đến bệnh tật. Phải ân cần an ủi bệnh nhân, nói nhẹ nhàng, dịu dàng những điều tốt đẹp.
2.2.4. Thị giác
Buồng bệnh tối, thiếu ánh sáng làm bệnh nhân sợ hãi; buồng bệnh sạch sẽ thoáng mát làm bệnh nhân dễ chịu. Ánh sáng gay gắt, thay đổi cường độ liên tục làm bệnh nhân khó chịu. Thị giác của người hấp hối giảm dần rồi mất.
2.2.5. Nhu cầu dinh dưỡng
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn cuối rất quan trọng, bệnh nhân ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, ăn nhiều bữa trong ngày. Những trường hợp không ăn được cho ăn qua ống thông dạ dày, truyền dịch nuôi dưỡng. Không được để bệnh nhân chết trong tình trạng đói ăn.
2.2.6. Nhu cầu bài tiết
Bệnh nhân đại, tiểu tiện không tự chủ được; thay quần áo, vải trải giường, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân. Bệnh nhân tăng tiết đờm dãi phải hút đờm dãi, ra nhiều mồ hôi cần được lau nhiều lần bằng khăn khô.
2.2.7. Nhu cầu oxy
Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân thường khó thở, đáp ứng nhu cầu oxy cho bệnh nhân bằng thở oxy qua đường mũi hoặc miệng, vệ sinh mũi, miệng thường xuyên.
2.2.8. Nhu cầu vế tinh thần
Tôn trọng và đáp ứng nhu cầu tình cảm, tôn giáo và những yêu cầu khác trong điều kiện cho phép.
2.2.9. Thực hành hồi sinh tim phổi
Ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, bác sĩ và điều dưỡng phải nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi càng nhanh càng tốt. Theo dõi và đánh giá tiến triển của bệnh nhân trong quá trình tiến hành kỹ thuật.
- Tiến triển tốt: hô hấp phục hồi, da đầu chi, môi hồng và tim đập trở lại; tiếp tục cấp cứu đến khi bệnh nhân thở đều.
- Tiến triển xấu sau 30 phút cấp cứu mà tuần hoàn và hô hấp không hồi phục, da xanh nhợt, đồng tử giãn rộng thì ngừng cấp cứu bệnh nhân tử vong
2.3. Giao tiếp với thân nhân của bệnh nhân
- Các nhân viên y tế luôn hiểu và thông cảm với những thiệt thòi, mất mát về tình cảm của gia đình bệnh nhân.
- Mọi công việc thực hiện một cách nhẹ nhàng, nhanh gọn, chính xác và có hiệu quả sẽ tránh những hiểu lầm của gia đình.
- Thông báo và giải thích cho thân nhân về những việc cần làm. Yêu cầu gia đình bệnh nhân ra ngoài phòng khi cần thiết với thái độ ân cần, hoà nhã.
- Chỉ trả lời những vấn đề trong phạm vi cho phép khi gia đình bệnh nhân hỏi, có ý kiến.
- Hướng dẫn người nhà đến thăm, ở lại với bệnh nhân, giúp đỡ họ nơi ăn ở, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
- Giao tiếp với gia đình bệnh nhân với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự, nhã nhặn và cảm thông với họ là trách nhiệm của tất cả nhân viên trong bệnh viện.
3. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI BỆNH NHÂN TỬ VONG
3.1. Chuẩn bị dụng cụ phương tiện
- Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
- Khay chữ nhật, găng tay.
- Kìm Kocher, kéo, băng dính.
- Bông, gạc.
- Bộ dụng cụ thay băng, rửa vết thương khi bệnh nhân có phẫu thuật.
- Bông không thấm nước, quần áo sạch của bệnh nhân.
- Hai dải băng nhỏ và ngắn, ba dải băng to bản.
- Khăn bông, chậu nước ấm, nước lá thơm.
- Vải phủ, túi đựng đồ bẩn.
- Túi, tấm nilon theo quy định khi bệnh nhân mắc bệnh tối nguy hiểm.
- Cáng hoặc xe đẩy.
3.2. Thực hiện công việc xử lý tử thi
Bác sĩ là người xác định bệnh nhân đã tử vong, sau khi đáp ứng các yêu cầu của thân nhân người chết, thực hiện các công việc xử trí tử thi theo các bước:
- Yêu cầu thân nhân ra khỏi phòng.
- Che bình phong để không ảnh hưởng đến bệnh nhân khác. Nếu có phòng riêng thì không cần che bình phong.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, ngay ngắn.
- Rút các ống thông, ống dẫn lưu, tháo nẹp bột, băng cũ, thay băng mới.
- Tháo các đồ trang sức trên người bệnh nhân.
- Dùng gạc thấm nước vuốt cho hai mắt nhắm lại.
- Khép kín miệng bệnh nhân.
- Dùng bông không thấm nước nút: 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, miệng, hậu môn, sinh dục.
- Cởi áo cũ, rửa mặt, lau nửa người trên và mặc áo mới cho bệnh nhân.
- Cởi quần, lau nửa người dưới và mặc quần áo mới cho bệnh nhân.
- Để hai cánh tay dọc theo cạnh sườn, lòng bàn tay úp lên bụng. Buộc hai ngón tay cái lại với nhau.
- Để hai chân duỗi thẳng, buộc hai ngón chân cái lại với nhau.
- Buộc ba dải băng ở các vị trí: hai bả vai, hai mào chậu, hai đầu gối.
- Cho thi thể bệnh nhân vào túi nilon, buộc các dải băng theo quy định nếu là bệnh nhân truyền nhiễm nguy hiểm, tối nguy hiểm.
- Chuyển bệnh nhân lên cáng hoặc xe đẩy, ô tô.
- Phủ vải kín người bệnh nhân.
- Ghi vào hồ sơ ngày, giờ bệnh nhân tử vong.
- Gài phiếu lên ngực bệnh nhân, bên ngoài vải phủ.
- Chuyển thi thể bệnh nhân xuống nhà xác, bàn giao cho nhân viên nhà xác.
- Sắp xếp và xử lý dụng cụ, buồng bệnh đúng quy định.
|