Trong đó, chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quyết định lớn đến hiệu quả điều trị bệnh K.
Người bị ung thư sụt 5% cân nặng, rút ngắn 1/3 thời gian sống
Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm ở nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, đây là con số thể hiện diễn biến gia tăng ngày một đáng lo ngại. Trong có có tới 80% bệnh nhân mắc ung thư bị sụt cân, còn lại khoảng 20 % bệnh nhân chết vì suy kiệt sức khỏe trước khi qua đời.
Thế nhưng, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho người mắc bệnh ung thư ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ vậy, có một thực tại đang tồn tại là sự hiểu biết của bệnh nhân ung thư và người nhà của họ còn thiếu và yếu .
Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với hoạt động thể chất hằng ngày, phù hợp với từng thể trạng bệnh nhân ung thư là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, yếu tố tinh thần cũng tác động lớn đến thể trạng của người bệnh.
Khi phát hiện mắc bệnh ung thư, tinh thần người bệnh thường suy sụp. Nhiều bệnh nhân chán ăn, làm cho hệ tiêu hóa hấp thu kém. Gây ra nôn ói, tiêu chảy, kết quả là người bệnh bị sụt cân, suy dinh dưỡng nặng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Anh Tú – Trưởng khoa Nội 3 (Điều trị Ung thư Đường tiêu hóa; hệ tiết niệu, gan, tụy) – Bệnh viện K chia sẻ:
"Dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư, tùy theo từng mặt bệnh, giai đoạn mắc để đưa ra chế độ dinh dưỡng khác nhau.
Nhiệm vụ của BS ngoài chữa bệnh, cũng tư vấn cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một số quan niệm có chế độ ăn không cân đối sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị, một chế độ dinh dưỡng phù hợp là phải có khoáng chất, tinh bột, vitamin…".
Chế độ dinh dưỡng quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh ung thư. Ảnh minh họa.
Tế bào ung thư đã lấy đi dinh dưỡng, năng lượng của cơ thể và phát triển xâm lấn vào các cơ quan xung quanh. Đồng thời chúng phóng thích các yếu tố tăng viêm dẫn đến ức chế cảm giác ngon miệng và tiêu hao năng lượng lúc nghỉ. Ngoài ra, tế bào ung thư còn phóng thích ra các yếu tố gây li giải protein làm giảm khối nặng cơ thể, gây sụt cân.
Việc bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh đã dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, sức khỏe ngày một yếu dần. Nguy hiểm hơn, khi cơ thể không còn dinh dưỡng, sức đề kháng để chống chọi lại căn bệnh, có thể dẫn đến tử vong.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của một bệnh nhân ung thư.
Gặp ngay chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý
Điều đáng lưu tâm nhất là sau giai đoạn điều trị, người bệnh vẫn cần tiếp tục bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch, ổn định cân nặng. Tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng, như trái cây, sinh tố.
Khi cơ thể đã hồi phục cần tránh thừa cân gây ra mỡ máu, béo phì. Bệnh nhân cần tập luyện cơ thể như đi bộ, đạp xe trung bình 45p/lần.
"Ngoài việc điều trị thuốc thang, bác sĩ cũng tư vấn chế độ dinh dưỡng cho riêng những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Ngoài những thực phẩm có tác động tiêu cực đến vùng u, thì BS khuyên không cần quá kiêng khem, vì ăn kiêng nhiều rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe" – bệnh nhân Trang nói.
Bệnh nhân Nguyễn Thu Trang (Hà Nam) – Sau nhiều năm đau dạ dày, cứ nghĩ là đau dạ dày như người bình thường nên bản thân khá chủ quan. Khi cơn đau trở nên nặng hơn thì gia đình đưa xuống Bệnh viện K thăm khám, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư dạ dày.
BS Tú giải thích, khi bị bệnh nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường, do vậy, ngay cả khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng của cơ thể con người để phục vụ hoạt động của chúng.
Bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt sức khỏe nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý. Khi được chẩn đoán bệnh, người bệnh cần điều trị đúng chuyên khoa, bằng phương pháp phù hợp nhất đối với giai đoạn bệnh.
TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho hay, khi mắc bệnh ung thư người bệnh nhân dễ bị tổn thương, do ung thư phát triển nên chúng dùng khá nhiều chất dinh dưỡng, mặt khác các giải pháp điều trị ung thư lại làm hạn chế hấp thu các chất dinh dưỡng vì vậy người K thường suy mòn sức khỏe.
Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh ung thư thì nên :
- Chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP, Đạm - Bột - Đường – Béo - Vitamin, Khoáng chất - Nước và vận động, tập thể dục thể thao….
- Chia nhỏ bữa ăn, nấu dưới dạng phù hợp cho bệnh nhân
- Tăng đậm độ nhiệt của bữa ăn
Có một số loại dưỡng chất cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng sẽ đem lại cho người bệnh sức khoẻ để chống chọi với căn bệnh và quá trình điều trị nặng nề như: Tinh Bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ ( khoai tây, khoai lang, khoai sọ,sắn….).
Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh ung thư.
- Tăng cường hoa quả, rau xanh và các vitamin cùng khoáng chất
Rau quả: Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng VSATTP, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế,bảo quản.Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin.
Vấn đề uống nước cũng là vấn đề thường gặp. Người bệnh thường ngại uống nước. Nhưng với bệnh nhân ung thư lời khuyên là nên uống 8-12 ly nước mỗi ngày. Nước ở đây có thể là nước chín,nước ép rau,sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước…
Điều quan trọng là uống nước ngay cả khi không khát, hạn chế những thức uống có chứa cafein…