Nguyễn Văn An (Hà Nội)
Theo như bạn mô tả thì nguyên nhân gây tiêu chảy trong trường hợp của bạn có thể do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, dẫn tới ngộ độc thực phẩm… Nếu do ngộ độc thực phẩm không nên dùng thuốc chống tiêu chảy (cầm tiêu chảy) mà cần cho đường ruột thải bớt chất độc, vi khuẩn… ra ngoài nhằm giảm mức độ bệnh. Nếu uống ngay thuốc cầm tiêu chảy, có thể sẽ khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn.
Khi bị tiêu chảy, việc đầu tiên cần nghĩ đến là bù nước và điện giải bằng dung dịch oserol (có bán tại các nhà thuốc). Chỉ có điều cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì để được dung dịch đạt tiêu chuẩn. Tránh pha loãng quá hoặc đặc quá sẽ gây hại cho cơ thể.
Nếu bị ngộ độc thức ăn nhẹ thông thường sau một vài lần tiêu chảy và bù nước, điện giải (tránh mất nước) sẽ khỏi. Nếu không khỏi mới nghĩ đến dùng thuốc cầm tiêu chảy. Thuốc cầm tiêu chảy là tất cả các thuốc làm giảm lượng nước ở trong phân, giảm thể tích phân, giảm co bóp đường ruột… do đó làm giảm số lần đại tiện trong 24 giờ. Đối với loperamid, đây là thuốc có tác dụng làm giảm sự vận chuyển của cơ thành ruột, giảm nhu động ruột, làm giảm khả năng tống đẩy phân ra ngoài, nên làm giảm đi ngoài. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc kéo dài, vì sẽ làm ảnh hưởng tới thần kinh trung ương khi dùng liều cao và liên tục, đồng thời sẽ làm giảm tác dụng ở những ngày tiếp theo.
Nếu bệnh không ổn, tốt nhất bạn nên đi khám để được dùng thuốc thích hợp hơn với tình trạng cụ thể của mình. Vì không bao giờ dùng thuốc chống tiêu chảy đơn độc mà bắt buộc phải dùng thuốc điều trị cả nguyên nhân gây bệnh nữa...
DS. Trần Thị An