Khi yêu một ai đó, dù người đó có làm điều gì sai, hay thậm chí có lỗi với ta, ta vẫn coi như chẳng có gì. Tình yêu bao gồm một sự bao dung rất lớn, một sự sẵn sàng để tha thứ và đón nhận.
Đúng – sai là hai vấn đề mà con thường quan tâm. Trong mọi hành vi hay khi đưa ra một quyết định, ta luôn cố gắng hướng về cái đúng và tránh cái sai. Cái gì đúng bao giờ cũng được hoan nghênh, còn cái sai thì bị chê trách. Đó là lẽ thường tình. Ta không thể ủng hộ cái sai, không thể đồng tình với cái sai, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ một cái sai. Cái sai làm ta kinh tởm nên ta không bao giờ muốn mình dính vào. Trái lại, ta yêu chuộng cái đúng, và ta luôn nỗ lực để biến mình thành hiện thân của cái đúng. Khi có ai kết án mình điều gì đó, ta không ngừng biện hộ để giành phần đúng về mình, rằng mình có lý, rằng mình không sai. Ta tự xếp mình vào hàng những người con của chân lý và không thể chấp nhận bất cứ điều gì trái với mình. Giữa đúng và sai dường như luôn có một ranh giới rất rạch ròi. Chuyện đúng – sai trở nên rất quan trọng. Nó hiện diện trong từng phương diện của cuộc sống.
Thế nhưng, cũng có lúc, chuyện ai đúng ai sai không là cái gì đó nhất thiết phải phân ranh cho rõ. Đó là khi nó đi vào trong chuyện tình cảm, vào trong vấn đề mà lý trí không thể chen vô. Dĩ nhiên, hai người yêu nhau thì không nên làm chuyện có lỗi với nhau. Đón nhận lời yêu của nhau thì không được gian dối, hai lòng, lợi dụng, chơi trò chơi tình ái. Nhưng gọi là yêu nhau mà cứ luôn giành chân lý về phía mình, lúc nào cũng cho rằng mình đúng, người kia sai, bao giờ cũng bảo người kia phải “xuống nước nhận lỗi” thì dường như đã có cái gì đó trục trặc. Cái đúng và cái sai trong tình yêu được suy xét ở một cấp bậc khác, một tiêu chuẩn khác, không giống với điều mà lý trí vẫn hay làm.
Khi yêu một ai đó, dù người đó có làm điều gì sai, hay thậm chí có lỗi với ta, ta vẫn coi như chẳng có gì. Tình yêu bao gồm một sự bao dung rất lớn, một sự sẵn sàng để tha thứ và đón nhận. Xét về mặt luân lý, người đó sai thì là sai; sai thì phải nhận lỗi và chịu phạt. Ta không thể giả vờ là người đó chẳng làm gì sai. Nhưng với tình yêu, ta không nhìn đến cái sai như một cái gì đó ghê gớm, khủng khiếp, khiến ta phải coi khinh và ghét bỏ. Ta hướng trọng tâm chú ý của mình đến người mình yêu hơn là cái sai người ấy làm. Trong tình yêu, ta có đủ lý do để biện hộ cho người đó, cho người đó một cơ hội để tỏ bày và làm lại cuộc sống. Ta không làm ngơ cái sai, nhưng ta chỉ cố gắng mở rộng con tim để dùng lòng độ lượng mà bao trùm cái sai đó, nhìn đó với một cái nhìn khác. Bởi thế, ai chẳng thể tha thứ, cảm thấy khó tha thứ, không thể quên được lỗi lầm của người kia, người đó chưa thật sự yêu hoặc tình yêu của người ấy chưa đủ lớn và chín muồi hoặc tình yêu đã khô cạn rồi.
Có một đôi kia, ai cũng bảo là trai tài gái sắc, hợp với nhau mọi bề, được Trời sinh ra để dành cho nhau. Một ngày nọ, vì một biến cố nào đó, hai người cãi nhau, giận nhau, không muốn nói chuyện với nhau. Ai cũng cho rằng mình đúng, người kia sai. Ai cũng cho rằng người kia phải xin lỗi mình trước. Cái tôi quá lớn đã ngăn cản họ mở lời. Họ cứ chờ nhau, rồi chờ nhau. Một ngày nọ, chàng trai bỗng giật mình khi nhận được tin từ người bạn: cô gái kia chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Đã quá muộn để níu kéo. Không còn cơ hội để anh ta nói lời xin lỗi. Giờ đây, dù có hét lên một ngàn lần xin lỗi, anh cũng không thể khiến mọi chuyện trở về như trước. Một cuộc tình tan vỡ, một giấc mộng vụt bay. Cả hai đều tiếc nuối cho một thời với bao lời hẹn ước.
Chẳng cần biết ai đúng ai sai. Nhưng có cần thiết phải lúc nào cũng rạch ròi thế không, khi cái quan trọng là tình yêu, là tương quan, là gắn kết, chứ không phải là tranh luận? Đã yêu nhau và còn muốn sống với nhau, có quan trọng lắm không chuyện sai chuyện đúng của cái tôi mỗi người? Sự phân chia như thế có giúp cho tương quan thêm mặn nồng sâu sắc? Người khôn ngoan sẽ chẳng bao giờ khăng khăng đòi nắm giữ chân lý trong tay. Có thể việc phân biệt đúng sai là cần thiết, nhưng chưa phải là lúc này; có thể là quan trọng nhưng cũng có nhiều cách khác để giúp đối phương từ từ nhận ra và sửa đổi. Anh chàng kia dù có đúng đi chăng nữa, thì cũng có ích gì đâu, khi anh đã mất đi vĩnh viễn người con gái anh yêu say đắm. Trong tình yêu, có nhiều cái còn quan trọng hơn: đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, sự bao dung, tha thứ, sự tế nhị, nhẹ nhàng, sự hy sinh, khiêm nhường. Nếu tình cảm dành cho nhau không đủ để có được điều này, không thể vượt trên chuyện khăng khăng đúng sai, chắc có lẽ tình cảm ấy chưa đạt đến cái gọi là tình yêu, một loại tình làm cho mình trở nên “điên dại” trước người khác.
Bởi thế, để biết được mình có thật sự yêu ai đó hay không, hãy tự hỏi rằng mình có đủ sự bao dung dành cho người đó không, có thể tự biến mình thành người “sai” trước người đó không, có đủ sức hạ bớt cái tôi của mình trước người đó không. Khi ta và người ta yêu đang còn hạnh phúc bên nhau, hãy nhớ rằng điều quan trọng là tương quan giữa hai người, chứ không phải là chuyện ai đúng ai sai. Nhường nhau một tí, hy sinh cho nhau một tí, đây chính là bí quyết mang lại niềm vui và sự bền vững cho tình yêu của hai người. Bởi lẽ, tình yêu là một sự hoà hợp của hai con tim, và nó được nuôi dưỡng bằng sự vun đắp của hai bên. Một khi người ta đòi phân chia cho rạch ròi theo sự thúc đẩy của cái tôi, đó là khi người ta tự tay giết chết tình yêu mà mình đang nắm giữ.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ